Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

SỰ DẪN GỢI - NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA THƠ NAMKAU

Nguyễn Thế Kiên (Kiên lục bát)

 SỰ DẪN GỢI – NÉT ĐẶC TRƯNG TRONG NGÔN NGỮ THƠ NAMKAU

  1. Dẫn nhập

Trong thế giới của thi ca thì các hình thức, thể tài của nó luôn là một thách thức đối với những người làm thơ. Việc tạo ra một hình thức thơ mới, và được người viết người đọc đương thời chấp nhận, ấy là một việc rất khó, và còn khó hơn nên dòng thơ ấy có được thị phần trong đời sống văn chương của các thế hệ sau! Nói như thế để thấy việc tạo ra một hình thức thơ (thể thức thơ) mới, lại được người đọc, người viết ở Việt Nam giữa thế kỷ 21 chấp nhận là điều khó đến thế nào! Trong khoảng 10 năm trở lại đây, có hai thể thức thơ mới được người viết đón nhận là Thơ 1-2-3 do thi sỹ Phan Hoàng chủ trương và Thơ NamKau được sáng tạo và khởi xướng bởi thi sỹ Trần Quang Quý. Một bài thơ Namkau với đặc trưng hình thể là 5 câu thơ, được chia thành hai phần, phần trên là Trình diễn, phần dưới là Kết & Nghiệm ! Năm 2016 Trần thi sỹ xuất bản riêng 1 tập thơ với tên là Namkau. Tập thơ sau đó được đón nhận khá nhiệt liệt từ nhiều nhà văn nhà thơ đương đại. Rồi từ đó một Câu lạc bộ thơ Namkau được hình thành với sự góp mặt của nhiều cây bút văn chương chuyên nghiệp tụ về. Mùa hè năm 2022, tuyển thơ NamKau đầu tiên có tên Khúc dạo một con đường I đã được xuất bản, nó nhanh chóng nhận được sự tương tác tích cực từ bạn đọc. Từ đây, một cung đường thơ mới mang tên Thơ NamKau được thông tuyến vào nền văn học Việt Nam hôm nay!

  1. Sự dẫn gợi trong ngôn ngữ thơ NamKau

Đặc trưng của ngôn ngữ thơ là nó tạo ra sự lay thức và liên tưởng khi người người đọc tiếp cận với văn bản thơ. Đặc biệt với những thể thơ ngắn như Thơ tứ tuyệt, thơ hai câu, Namkau thì mỗi con chữ trong ấy phải hàm ngôn và đa chiều, thì tự thân nó mới đủ cường lực để lay thức và chia sẻ những nỗi niềm người sau bóng chữ! Trong ấn phẩm Khúc dạo một con đường II, hầu hết các bài thơ Namkau ở đây đã được lập dựng theo đúng thể thức đã quy ước, tuy nhiên, về mặt nghệ thuật thì không phải tất cả những tác giả xuất hiện trong ấy đều đã ý thức để xây dựng được sự dẫn gợi cho ngôn ngữ thơ Namkau của mình! Bài viết nhỏ này, xin được tiếp cận và tương tác cùng Sự dẫn gợi qua ngôn ngữ thơ Namkau từ Khúc dạo một con đường II. Bởi sự dẫn gợi và lay thức trong ngôn ngữ thơ mới là thứ làm nên sự thành công của bất cứ thể thức thơ nào!

          Ngôn ngữ thơ có độc đáo, có đa chiều, mới tạo nên bóng chữ, nó là hào quang ánh lên khi con chữ nhập mình vào kiếp thơ. Ngay ở những trang đầu tập thơ là hàng loạt những cụm từ dẫn gợi rất độc đáo mang thương hiệu Trần Quang Quý: Cây điếc lá trên vòm cây tĩnh lặng/ nắng hực lên, nắng muốn lột da cả mặt đường/ chim rời cây đi ship gió bờ sông/ …/ Người qua ngõ khăn trùm kín mặt/ Bao tấm lưng còn chăn lửa trên đồng! (Tháng 5).

  Này những “cây điếc lá”(bởi tiếng ve ra rả), những “nắng lột da mặt đường”, “những tấm lưng (của người nông dân) còn chăn lửa trên đồng”, là những tìm tòi rất riêng của Trần thi sỹ! Trong chùm thơ của người mở đường Namkau, thấy năng lượng sáng tạo liên tục trào lên những con chữ thơ ông! Sự sáng tạo của Trần Quang Quý được tạo nên bằng tâm thức và ngôn ngữ Việt, nên nó tương tác với người đọc và tạo ra nhiều tầng nghĩa hơn cho câu thơ. (Dĩ nhiên đối tượng người đọc mà chúng tôi đề cập đến ở đây là người đọc Việt Nam):

“ba ông đầu rau đánh thức tôi bếp lửa mùa đông/ Chiếc chum sành dẫn ngược mùa mật mía/…/ Thời 4.0 bước nhảy xa công nghệ/ khát vọng vẫn nguồn từ bếp lửa quê. (Lửa).

Câu chữ trong những thể thơ ngắn buộc lòng phải lột bỏ hết cái tự sự, kể tả, không những thế, khi nhập vào thi tứ để thành ngôn ngữ thơ là tự nó phải dẫn động mình để tiếp cận người đọc.

Ngày anh đi màu xanh áo lính/ Đau đáu quê hương/ Đêm ngước trần nhà thoáng bóng lồng nhau/ Tháng Bảy tìm anh/ Chỉ màu xanh cây cỏ.! (Màu xanh – Tác giả An Nhu, tr 18). Sự ám ảnh của bài thơ nhòa lên từ màu xanh áo lính năm xưa rồi lặng nhòe vào màu xanh cây cỏ hôm nay, thoáng trong cái nhòe xanh ấy là mấy hình ảnh âm bản hiện về “thoáng bóng lồng nhau” nhập vào câu chữ!

Thơ Namkau trong Khúc dạo một con đường II có nhiều bài thơ, ý thơ tạo nên sự liên tưởng thú vị cho người đọc. Sự thành công ấy đối với một thể thơ mới lạ, vốn chặt chẽ về kết cấu, thì không thể là sự ăn may, mà nó là kết quả của những tìm tòi, sáng tạo từ người viết:

- Em têm nỗi mình trong lá trầu cay/ Hỡi anh có hay đỏ môi thắm má/ Quả cau bổ năm thành con thuyền lạ/ Bơi trong vôi nồng một tiếng mời nhau/ Hỏi người duyên phận là đâu! (Bùi Quốc Bình – Tên trầu).

- Đêm thao thức đợi bình minh rón rén/ Ngực cát êm đợi sóng ngả mái đầu/ Vầng trăng muộn đợi Sao Mai lấp lánh/ Em trăn trở một đời/ Mặt trời hạnh phúc đợi nơi đâu?.  (Bùi Thanh Hà – Đợi).

- Muối tan vào lòng biển/ Mưa tan vào lòng đất/ Nắng tan vào lòng trời/ Em tan vào trong anh/ Sự sống bỗng sinh sôi! (Cầm Đỗ - Tan).

- Núi ngủ vùi bên nhau/ Trong giấc núi triền miên/Quên mình những năm tháng vươn cao mây trắng/ Ta ngủ vùi trong nhau/ Quên phút đắm đuối dìu nhau lên đỉnh! (Phạm Phương Thảo – Núi ngủ).

   Đọc Khúc dạo một con đường II, tôi nhận ra rằng, thơ NamKau có thể dung nạp mọi chất liệu từ cuộc sống, rồi từ những chất liệu ấy mà người viết Trình diễnKết nó bằng tư duy và ngôn ngữ thơ như thế nào để tạo ra một thi phẩm Namkau ám gợi? Đó mới là vấn đề đặt ra khi sáng tác và tiếp nhận một bài thơ của thể loại này. Xin đọc tiếp một số bài thơ ấn tượng xuất hiện trong tuyển thơ này:

Đôi mắt đói, no nê nhìn tháo khoán/ Váy em xòe tốc ngược gió Hà Giang/ Đâu cũng đá, đá thụ thai từ đá/ Tiếng khèn môi gọi đá dậy yêu người/ Trai gái ôm nhau phồn thực đá cười. (Đỗ Chiến Thắng – Đá).

Người đàn bà một mình trên bờ biển/ Đôi mắt dõi xa xôi/ Đếm thuyền cập bến/ Giọt nước mắt bỗng rơi/ Biển ngỡ ngàng hiểu mình chưa đủ mặn (Đỗ Minh Cầm – Chưa đủ mặn).

Ngô và cỏ phủ mờ dấu cũ/ Vô tư vẫy gió sông trôi/ Vô tư xanh như chẳng hề thổn thức/ Tôi lặng đứng dầm trong gió lạnh/ Tiễn một mùa ký ức sang sông. (Trần Văn Chính – Bến cũ).

Thế thái nhân tình đổi thay chóng mặt/ lòng người khúc khuất đa chiều/ chợ trời trắng đen thật giả/ Ta bỗng thành hòn đá/ lăn phía nào cũng rêu.(Phong Lữ - Rêu)

Trong nước mắt có gì/ Được mấy giọt mà bao chuyện thế?Chảy vào đêm đắm cả đời dâu bể/ Không kiếm được rồi/ Nghề ấy… khóc thuê!

(Nguyễn Thượng Hiền – Nước mắt).

Có thể nói, bài thơ Nước mắt và bài Rêu trên đây là những thi phẩm Namkau được lập dựng bằng cấu tứ và ngôn ngữ thơ khá độc đáo, thuộc tốp những bài thơ hiếmhay của ấn phẩm này.

Thơ Namkau có vẻ hợp tạng của những người thơ trung tuổi trở lên, bởi sức nén và sức gợi trong một số lượng chữ khá ít, cho nên nó cần được sinh ra từ sự trải nghiệm và trăn trở. Ngôn ngữ và ý tứ của thơ Namkau thiên về cái lắng gợi, sẻ chia hơn là cái phóng khoáng, khai phóng và trải nghiệm tự do.

Có bức tranh cả đời không kết thúc/ Có vui mừng chấm dứt lúc đua tranh/ Có tình bạn ủ lâu rồi tắt/ Có niềm tin/ Không còn chỗ để dành! (Lại Duy Bến – Có – Không).

Heo may lật yếm mùa về/ Bãi sông ngày ấy tãi mê giấc nồng/ Anh xa, em đếm ngón trông/ Bến xưa cải đã trổ ngồng vàng bay/ Ừ thôi… tại gió heo may. (Lê Thị Hiền – Hờn trách).

Sương cuối vụ ủ sông Đà ngủ muộn/ Ta thức tự ngàn xưa/ Gió đầu hạ tắm mùa xanh núi Tản/…/ Ta gửi hồn vào dòng chảy tháng Tư/ Rửa đục trong cõi người! (Lôi Vũ – Con đường).

Trôi thêm một năm hai mươi/ hai mươi tuổi vuột tay hò hẹn/ ngày sang đêm không chờ cứ đến/ lửa ai nhen/ âm ỉ cháy mình. (Ngô Đức Hành – Lời cuối của năm)

Cứ nói biển đa tình/ Chắc tại mênh mông thế! Em còn hơn biển nhiều, vượt dặm dài đâu kể/ Xuống biển lên ngàn/ Ở nơi nào cũng cuốn hút hồn anh. (Trang Nam Anh – Đa tình).

Ánh đèn màu lấp lánh phố đêm/ Thăng Long ngàn năm văn hiến/ Bút tháp tạc vào thiên thu cổ sử/ Ký ức hiện mới lên hình ảnh cũ/ Thèm nếp nhà xưa đã xa rồi. (Trần Cường – Ký ức).

Thực ra thì không chỉ có thơ Namkau mới cần sự dẫn gợi của ngôn ngữ thơ, tất cả các thể thơ ngắn của thế giới và Việt Nam, như thơ Haiku của Nhật Bản, hay thơ Tứ tuyệt, thơ hai câu của chúng ta… đều cần có đặc điểm này. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm trong cuốn tiểu luận Đi tìm mật mã thơ đã trình bày khá sâu về những mật mã của thơ! Chính những mật mã của thơ mới tạo nên các chiều không gian của thơ. Bởi vậy, thơ hôm nay cần có nhiều hơn những mật mã ngôn ngữ, để những con chữ đa chiều, đa diện hơn, ngõ hầu tiệm cận, phát hiện và chia sẻ sâu hơn nữa những nỗi niềm của cuộc sống.

Giò Ước Lễ đất Hà thành đâu sánh được/ Ai cũng say sưa trong mỗi dịp lễ lạt hay tết đến xuân về/ Mỗi lần cắn miếng giò, tôi nghe thấy trong miệng mình tiếng lợn kêu eng éc. (Đỗ Ngọc Yên - Giò lụa).

Như đã nói ở phần trên, thơ NamKau có thể dung nạp và tương tác với nhiều thể thức thơ khác, riêng với thơ Lục bát, thì những người đặt móng cho con đường thơ Namkau khuyến nghị rằng nên để hai cặp lục bát ở phần trước (Trình diễn), còn phần sau (Kết và Nghiệm) là một câu lục mở. Sự kết hợp này tạo ra một hướng mở cho những người yêu thơ Lục bát khi đến với Namkau:

Em về bên ấy xa quê/ Anh đem quẳng mảnh trăng thề xuống sông/ Thế là em đã có chồng/ Anh đi tìm lá diêu bông cuối trời/Giời đang giông gió người ơi! (Nguyễn Hường – Tìm lá diêu bông).

Chôn chân vững chãi đầu làng/ Rêu phong trầm lặng! Hèn sang cúi luồn/ Trải bao nắng cháy mưa tuôn/ Âm thầm chia sớt vui buồn người quê/ Neo ta một chốn nhớ về. (Nguyễn Thị Phương – Cổng làng).

Hạ ru lá nảy chồi xanh/ Rung mầm ươm búp nở thành hồi sinh/ Ru thềm đá bớt lặng thinh/ Vầng trăng ru bóng vô tình rụng rơi/ Ru mình em với một tôi! (Thanh Bảo Quyên – Vầng trăng ru).

Thậm chí, khi nhập vào Namkau, thơ Lục bát còn có thể trộn mình ngon lành, không cưỡng cầu với những thể thơ khác, để tương tác sâu hơn cùng những cung bậc của cõi người.

- Tần tảo đo mình đằng đẵng/ Ngày dài lặng lẽ nhi nhiên/ Trường sinh tiểu cuộc sinh thành/ Hai mươi bốn tiếng của anh/ Có chia đủ những cung lành cho em (Nguyễn Thế Kiên – Đồng hồ).

  1. Mấy lời khép lại.

Thơ Namkau là một dạng thức thơ ngắn, cho nên nó không phải là miền thơ của những vân vi, dãi dề tỏ bày tự sự, bởi thế nên hệ thống ngôn ngữ của nó phải được tiếp cận và lập dựng bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật để hướng đến cái Gợi của câu chữ và cái Mở của ý thơ, có như thế thì khi tiếp cận bạn đọc, nó mới kích hoạt mạnh nhất sự liên tưởng nơi người đọc.

Việc tìm tòi, xây dựng, phát triển ngôn ngữ thơ đã trở thành ý thức sáng tác, thẩm định, thưởng thức thi ca! Nó trở thành một trong những yếu lĩnh cần thiết cho cả người viết và người đọc thơ hôm nay. Với thơ Namkau thì điều ấy là còn cần thiết hơn, bởi đây là một thể thơ mới, nên nó cần mở rộng được tối đa sức tải, sức gợi của ngôn ngữ thơ, có như thế Namkau mới cạnh tranh được với những hình thể thơ khác để có được thị phần. Rồi từ đó mới mong tồn tại và phát triển qua sự tinh lọc khắc nghiệt của thi ca!

Đọc Namkau thơ từ Khúc dạo một con đường tập II, đã thấy định hình nên sự dẫn gợi đa chiều ấy trong ngôn ngữ thơ của nhiều tác giả góp mặt trong tuyển thơ này! Xin được tri âm và đặt vào Namkau thơ thêm một niềm hy vọng!

Hà Nội, mùa thu năm Quý Mão

K.L.B


 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 409
Trong tuần: 1102
Lượt truy cập: 435868
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.