Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

SỐ PHẬN MỚI CỦA MỘT BÀI THƠ CŨ

Nguyễn Nhuận Hồng Phương

SỐ PHẬN MỚI CỦA MỘT BÀI THƠ CŨ                                

       Tôi không còn nhớ tập thơ nhiều tác giả ấy do nhà xuất bản nào ấn hành. Chỉ ang áng mình đã đọc những bài thơ in trong đó vào cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Thời gian đến nay đã hơn 60 năm, nhưng cảm xúc ban đầu về những câu thơ mang hơi thở đời sống, ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, lứa đôi vào những năm mới hoà bình ở miền Bắc vẫn còn ngân đọng trong tôi: “Nhớ hồi lên chín lên mười/ Chiều chiều hai đứa lên đồi hái sim/ Anh ngồi đưa nón cho em / Hàm răng tím ngắt màu sim nhoẻn cười/ Xa nhau mười mấy năm rồi/ Anh về sim đã thành đồi sắn xanh/ Em ngồi nướng sắn cho anh/ Hàm răng trắng, nét mi thanh, mỉm cười… “ Hay là: “Anh chặt cây này cây gỗ gụ/ Đóng bè xuôi gửi sóng sông hồng… Còn gỗ vàng tâm nghe anh nói nhỏ/ Giường cưới đôi ta em đóng đợi anh về… “.

     Thật hay, thật dung dị, dễ thuộc, dễ nhớ… Rồi khi đọc đến hai bài thơ “Nhớ vợ” của Cầm Vĩnh Ui và “Em tắm” của Bạc Văn Ùi (Sau này tôi mới biết hai bút danh Bạc Văn Ùi, Cầm Vĩnh Ui và Cầm Giang là cùng một tác giả) thì tôi ngạc nhiên và ngỡ ngàng thực sự. Ngạc nhiên vì câu tứ, lời thơ, nghĩa ngữ hết mức mộc mạc, giản dị: “Sao anh lại rình/ Trộm xem em tắm/ Da của em ngần trắng/ Da của ái của êm…” và nữa “… Em tắm xong lại sạch/ Vẫn ngát thơm hoa rừng/ Da của em trắng ngần/ Là của anh tất cả…”. Còn ngỡ ngàng bởi ngôn ngữ tự nhiên mà táo bạo đến không ngờ được tác giả thể hiện trong bài thơ “Nhớ vợ”. Vừa chứa đựng nỗi khát khao, bộc bạch niềm ao ước trong veo, không hề gai gợn chút nào của người chiến sĩ trước khi bước vào trận đánh một mất, một còn với kẻ thù: “Tôi nhớ vợ tôi lắm/ Xin được về hai ngày/ Nhà tôi ở Mường Lay/ Có con sông Nậm Rốm/ Ngày kia tôi sẽ đến/ Lại cầm súng được ngay/ Tôi càng bắn đúng Tây/ Vì tay có hơi vợ/ Cho tôi đi, đừng sợ/ Tôi không chết được đâu/ Vì vợ tôi lúc nào/ Cũng mong chồng mạnh khoẻ/ Cho tôi đi anh nhé/ Về ôm vợ hai đêm/ Vợ tôi nó sẽ khen/ Chồng em nên người giỏi/ Ngày kia tôi về tới/ Được đi đánh cái đồn/ Hay được đi chống càn/ Là thế nào cũng thắng/ Nếu có được trên tặng/ Cho một cái bằng khen/ Tôi sẽ rọc đôi liền/ Gửi cho vợ một nửa”. Ối giời ơi là giời cụ Cầm Giang ơi. Nếu cụ mà còn sống, tôi sẽ tới “Kính lễ” cụ ba lạy về sự táo bạo, “coi trời bằng vung” ấy.camgiang

     Thi sĩ Cầm Giang (1931-1989) tên khai sinh là Lê Gia Hợp, sinh ngày 2-5-1931, quê quán thôn Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng hoá, tỉnh Thanh Hoá. Ông vốn xuất thân trong một gia đình khá giả nên được học hành tử tế, nhưng vì hủ tục phong kiến nên mới 11 tuổi Lê Gia Hợp đã phải lấy vợ. Tuy vậy, do sớm hấp thụ văn chương “Tự lực văn đoàn”, 15 tuổi Lê Gia Hợp bỏ học, trốn nhà nhảy lên tàu lang bạt kỳ hồ ra tận Hà Nội đi bán báo kiếm sống. Trên đường lưu lạc, may mắn gặp được ông Lương Hữu Ca người quê Khách Nhi, Vĩnh Phúc, làm nghề đạp xích lô bao bọc, cưu mang. Năm 18 tuổi Lê Gia Hợp xung phong vào đội quân “Vệ Quốc Đoàn”. Trước khi tòng ngũ, anh xin phép lấy họ của cha nuôi ghép với Cẩm Giang, (Tên một địa phương ở Thanh Hoá) thành tên thường gọi là Lương Cẩm Giang.

     Cùng thời gian vào quân đội làm “Lính Cụ Hồ”, Lương Cẩm Giang bắt đầu viết văn, sáng tác thơ và lấy bút danh là Cẩm Giang. Nhưng do biên tập, in ấn nhầm lẫn nên “Cẩm Giang” biến thành “Cầm Giang”. Thấy sự nhầm lẫn hay hay, thú vị nên thi sĩ cứ để, không sửa mà lại còn chế thêm bút danh Cầm Vĩnh Ui và Bạc Văn Ùi để mặc nhiên hoá thân thành tác giả người dân tộc thiểu số miền Tây Bắc.

   Trở lại với những sáng tác của thi sĩ Cầm Giang viết trong thời gian “Kháng chiến 9 năm”, lúc tác giả còn đang “vác súng đi bắn Tây”.  Thì “Nhớ vợ” và “Em tắm” là hai bài thơ tiêu biểu, gây ấn tượng nhất. Nếu “Em tắm” là nỗi nhớ trong hoài niệm thì bài thơ “Nhớ vợ” lại là nỗi nhớ cụ thể nôn nao đến cháy bỏng… Ở đời ai chẳng thế. “Lòng vả cũng như lòng sung”. Trừ khi do điều kiện ràng buộc nên chẳng dám thổ lộ, cứ lên gân, lên cốt, mạnh miệng hô hào thôi, chứ thực ra: Nỗi nhớ đã là mệnh số chung của trái tim yêu đương, tình cảm vợ chồng rồi thì sao mà khiên cưỡng nổi…

     Tuy nhiên, tiếng lòng trong “Nhớ vợ” không bi luỵ, không nỉ non than vãn, mà là niềm khao khát của sự khát khao bình dị hết sức đời: “Tôi nhớ vợ tôi lắm / Xin được về hai ngày… / … Tôi sẽ bắn đúng Tây/ Vì tay có hơi vợ…”.  Thì “Nhớ vợ” ở đây là mối dây hoá cảm song hành của người chồng  - người chiến sĩ nên nỗi nhớ thực tình da diết, thiết tha bội phần tới mức ‘bật” thành thơ. Mà các thi nhân luôn cho rằng: Khi ý nghĩ của tâm hồn đã xuất thành thi hứng, nghĩa là như men rượu được chưng cất rất tinh tuý rồi… Ôi! Có đọc và ngẫm ngợi mới thấy câu từ thánh thiện, hồn nhiên làm sao chứ!

      Vậy mà sau khi bài thơ ra đời lại sinh chuyện. Ai cho người chiến sĩ đang cầm súng xông lên giết giặc được phép nhớ vợ? Ai cho anh dám xé giấy khen có dấu triện đỏ và chữ ký của cấp trên?…Nhiều… nhiều câu hỏi đặt ra, nhiều lý do cho rằng bài thơ đi chệch hướng với dòng văn chương cách mạng thời ấy. Tôi tin lúc đó khi nghe những lời xì xào đàm tiếu, thi sĩ Cầm Giang rất lo lắng cho số phận bài thơ và cho cả số phận mình lắm lắm… Bị quy chụp mất lập trường tư tưởng là dễ bị liệt vào hàng ngũ “Nhân văn giai phẩm” luôn chứ chả chơi. Gương tày liếp bao người rồi: Hoàng Cầm với “Lá diêu bông”; Hữu Loan với “Màu tím hoa sim”. Oanh liệt hùng tráng lãng mạn như “… Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm…” trong thi phẩm “Tây tiến” của Quang Dũng còn bị đả “lên bờ, xuống ruộng”. Hay những câu thơ khẩn cầu tha thiết cảnh tỉnh trong bài “Chống tham ô lãng phí” của thi nhân Phùng Quán cũng bị nhao vào guồng xoay câu cú, chữ nghĩa từ vô tình thành hữu ý kia… thì “Nhớ vợ” và “Em tắm” dễ gì thoát khỏi “Lăng kính chiếu tà” văn nghiệp.

    Đành rằng từ xửa xừa xưa, bậc Thánh thơ tiền nhân Nguyễn Du đã từng chia đôi cả bóng nguyệt: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường…” và trong bài thơ “Huế Tháng Tám” khi hừng hực khí thế sục sôi nhiệt huyết cách mạng Nhà thơ Tố Hữu từng viết đến khó tin: “… Thổi phồng lên. Tim bỗng hoá mặt trời/ Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi... “. Rồi về sau này khi tầm nhận thức đã nâng cao, tư tưởng văn hoá được “nới lỏng” thì các văn - nghệ sĩ còn mạnh dạn, táo bạo hơn, thể như Nhạc sĩ An Thuyên dám “Cắt nửa vầng trăng … “ để “… Làm con đò nhỏ… “ và đam đắm đến mức đòi: “Chặt đôi câu thơ… Bẻ đôi câu thơ làm mái chèo… lướt sóng…”. Lãng mạn, mê hoặc, ma mị, du dị lòng người đến thế là cùng… Nhưng vào thời buổi ấy, thời kỳ mà dòng chảy thơ ca cách mạng “kiêng kỵ”, “e dè”, “dị ứng” với những từ ngữ yêu đương ẻo lả, mơn man, yếu mềm thiếu khí chất “Vệ Quốc” thì những bài thơ như “Nhớ vợ”, “Em tắm”, Núi Mường Hung, dòng sông Mã” … kia ắt hẳn “có vấn đề”.  Vì vậy “cha đẻ” của những bài thơ nổi tiếng về sự “ướt át” thậm chí rất “trần tục” của thi sĩ người Kinh gốc gác quê Thanh Hoá bị “soi” là điều không thể không có.

      Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một lần Cố Nhà giáo, Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi lúc còn sống, khi ông nói về cuộc đời, sự nghiệp của Thi sĩ Cầm Giang và đọc cho tôi nghe những câu thơ mà Cầm Giang viết gửi cho ông với danh nghĩa bạn bầu: “… Gặp nhau mới một bận/ Hiểu nhau quá trăm lần/ Từ những câu thơ bộn ý, chắp vần/ Đến nỗi chữ xoáy cồn lên suy nghĩ/ Tôi muốn một phút thôi/ Thay chị Từ thủ thỉ/ Anh! Bão đã lặng chưa?/ Nếu còn lác đác mưa/ Thì sách giáo khoa che tạm…” Thật thấm thía ý nhị mà sâu sắc về tình người của hai “ông giáo” làm thơ có chung một nỗi niềm uẩn ức…

   Nhưng may thay, vào giữa lúc “lửa bỏng, cơm sôi” ấy, thì chính những bút danh Bạc Văn Ùi và Cầm Vĩnh Ui đã cứu cả thơ lẫn sự nghiệp của Cầm Giang. Đúng như lời “thú tội” mấy chục năm sau khi những bài thơ ấy ra đời, ông đã nói với người bạn vong niên là Nhà thơ Hoàng Bình Trọng: “Người ta khen là khen hai tác giả “ảo” Bạc Văn Ùi, Cầm Vĩnh Ui người dân tộc Thái đấy chứ. Với tác giả người dân tộc thiểu số thì chẳng nhà phê bình nào xoi mói khuyết điểm “lãng mạn tiểu tư sản, thiếu lập trường giai cấp” của bài thơ, mà chỉ tán dương: “mộc mạc”, “hồn nhiên”, “chân chỉ hạt hột”. Nói tóm lại, nhờ tài phù phép, tớ đã đưa hai bài thơ tình dễ bị ban biên tập ném vào sọt rác, thành hai bài thơ vào diện được ưu tiên xuất bản…”. 

  Chuyện thật mà giờ ngẫm lại tưởng đùa. Nhưng thế mới là Cầm Giang. Một thi sĩ tài hoa, độc đáo kể cả ở đời và ở nghiệp. Đọc và suy ngẫm càng thấy từ ông, nhân cách sống cùng với vẻ đẹp lạ hoá của ngôn từ, như mỏ quặng quý, hiếm, càng khai thác càng thấy sự tiềm ẩn chưa bao giờ cạn và luôn tươi mới… Tục ngữ có câu: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Nhà giáo - Thi nhân Cầm Giang đã “trở về cát bụi”, nhưng di sản văn chương của ông để lại xứng đáng bậc thầy. Ngoài những bài thơ nổi tiếng như: “Nhớ vợ”, “Em tắm”, “Núi Mường Hung, dòng Sông Mã”, “Mộ bên đường”, “Em là con gái Châu Yên”… Và những  tác phẩm đã xuất bản: “Thành rồng, thành hổ”, “Rừng trắng hoa ban” và 3 tập truyện thơ “Nà Phiêu đánh Mỹ”… Thì phần Di cảo của ông để lại còn đến hàng trăm bài thơ và những bài viết cần khảo cứu.

      Chính vì những đóng góp có bề dày về lượng và chiều sâu về chất nên năm 2010, Hội Nhà văn Việt Nam ra Quyết định Truy nạp Danh hiệu Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho Thi nhân Cầm Giang. Nhà văn Đỗ Hàn, Chánh văn phòng Hội thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với Nhà văn Xuân Mai - Chi Hội trưởng “Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Vĩnh phúc” đến tận nhà trao cho gia đình ông danh hiệu cao quý nảy. Vinh dự nối tiếp vinh dự: Tháng 3 năm 2017, nhân Kỷ niệm 60 năm Thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, trong Lễ Trao tặng “Giải Cống Hiến” lần thứ nhất, hai tác phẩm tiêu biểu: “Gió núi biên phòng” và “Rừng trắng hoa ban” được xướng lên cùng với những bút danh “Cầm Giang”, “Cầm Vĩnh Ui” và “Bạc Văn Ùi” đã đi vào huyền thoại, như một sự tưởng thưởng khẳng định cho những công lao đóng góp của người thi sĩ đa tài này.

     Và còn vui hơn nữa, như chén rượu “hậu bôi” đặc ân đền đáp dành cho phúc phận nhân quả: Những người con của ông ai nấy đều yêu thích và có năng khiếu văn chương. Nhưng nổi bật lên trong đó là thầy giáo, Nhà thơ Lương Cầm Hoá với bút danh Lê Gia Hoài, đang là biên tập viên ở Hội Văn học - Nghệ thuật Vĩnh Phúc; nối gót tiếp bước cha, để lại trên văn đàn những áng thơ giàu chất liệu, gieo vào lòng bạn đọc ấn tượng đẹp, đáng nhớ; hứa hẹn tương lai thêm một thi sĩ cho thi đàn Việt, làm vẻ vang truyền thống tài hoa của Cố Nhà giáo - Thi nhân Lương Cầm Giang.                                                                                                                                              

                                                                              N.N.H.P

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 35
Trong tuần: 465
Lượt truy cập: 381453

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.