Cầm Sơn
KHAI MẠC TRIỂN LÃM TRANH “SẮC MÀU QUÊ HƯƠNG - 7”
Ngày 05 tháng 8 năm 2023. Tại Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật số 16 Ngô Quyền quận Hoàn Kiếm Hà Nội. Đã diễn ra Lễ Khai mạc, cắt băng Triển lãm tranh của 31 họa sĩ người làng Cổ Đô huyện Bà Vì, Hà Nội. Đây là cuộc triển lãm mang chủ đề: “Sắc màu Quê hương” lần thứ 7 với 37 tác phẩm từ nhiều chất liệu như tranh sơn dầu, giấy dó, bút bi, acrilic, lụa, tượng.
Làng Cổ Đô từ lâu đã nổi tiếng là làng lụa, làng thơ. Ngôi làng được ôm ấp bởi lũy tre còn giữ nguyên dáng dấp đặc trưng của một ngôi làng cổ Việt Nam. Dòng nước con Sông Hồng đỏ nặng phù sa như dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng cánh đồng xanh rờn sóng lúa. Có lẽ vì sắc màu quê hương đẹp là vậy mà làng Cổ Đô được trời phú cho một nét văn hóa nữa gọi là “Làng họa sĩ”. Người đặt nền móng cho sự phát triển mỹ thuật nơi đây là họa sĩ Sỹ Tốt. Từ niềm đam mê cháy bỏng với hội họa mà các thế hệ người Cổ Đô lớp này đến lớp khác, con học từ bố, em học của anh... để rồi sản sinh ra một thế hệ họa sĩ đầy tài năng như Giang Kích, Sỹ Luân, Trần Hòa, La Vuông… đã từng đạt được những giải thưởng cao quý của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Hiện nay, ở Cổ Đô còn trưng bày nhiều bức tranh có giá trị tại Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô, Bảo tàng họa sĩ Sỹ Tốt và nhiều phòng tranh gia đình. Làng Cổ Đô còn nổi tiếng là đất văn học, từ xa xưa đã sản sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng như Nguyễn Sư Mạnh đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484) được Vua ban Quốc tính chuyển thành họ Lê rồi bổ làm quan Thượng thư Bộ Lễ, tước Sùng Tín Hầu. Như Lục Bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân Đỗ Tiến sĩ năm Tân Hợi (1731) đời vua Lê Dụ Tông khi ông 31 tuổi, Nguyễn Bá Lân làm quan tới chức Thượng thư Bộ Lễ, rồi Bộ Hộ, Bộ Công. Ông từng được cử lên Cao Bằng dẹp giặc phương Bắc thành công. Trong thời đại triều chính rối ren, đình thần mọt ruỗng, ông đã cho ra đời bài “Ngã ba Hạc phú” nổi tiếng.
Hình ảnh “Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ” trong câu ca xưa có thể tìm thấy ở nơi này. Theo quan niệm người xưa, một làng quê trù phú và bình yên phải có “tam thanh” trong sinh hoạt hàng ngày. Đó là ba thứ âm thanh của: tiếng thoi reo lách cách của thôn nữ, tiếng nô đùa của con trẻ và tiếng đọc thơ của kẻ sĩ “Ty thanh, nhi thanh, độc thư thanh/thanh thanh nhập nhĩ” (丝声,儿声,读书声/声声入耳) Làng Cổ Đô là làng có đủ cả “tam thanh” ấy.
Chủ nhiệm câu lạc bộ mỹ thuật Cổ Đô Hoàng Tuấn Việt cho biết, xã Cổ Đô hiện có trên 30 người là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hai bảo tàng hội họa, cùng nhiều phòng tranh gia đình. Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, là nơi trưng bày các tác phẩm của những người dân Cổ Đô yêu nghệ thuật hội họa. Bảo tàng cũng là nơi các thành viên Câu lạc bộ mỹ thuật mở các lớp dạy vẽ miễn phí cho trẻ em tại địa phương, tạo cho các em một sân chơi lành mạnh, bổ ích trong dịp Hè. Câu lạc bộ mỹ thuật Cổ Đô đã mở được nhiều lớp dạy vẽ miễn phí cho hàng trăm con em trong xã và các địa phương khu vực lân cận.
Trong ngày khai mạc đã có nhiều họa sĩ, người yêu nghệ thuật đến dự và chiêm ngưỡng tranh. Chi hội Nhà văn Công nhân do đích thân Chủ tịch Chi hội, Tiến sĩ, nhà thơ Lê Tuấn Lộc đến dự và tặng lẵng hoa chúc mừng.
Sau Lễ cắt băng khai mạc triển lãm, Ban tổ chức cùng các họa sĩ, các vị khách mời và người yêu hội họa đến dự buổi triển lãm đã nâng ly chào mừng sự thành công của triển lãm. Trong các món ẩm thực được bày ra đặc biệt là có món bún là một món ăn đặc sản của làng Cổ Đô tiếng tăm không thua kém gì bún làng Phú Đố ở Từ Liêm Hà Nội.
Triển lãm kỳ này được khai mạc vào chiều ngày 05/8 và sẽ kéo dài tới hết ngày 14 tháng 8 năm 2023.
Trân trọng kính mời những người yêu hội họa trong và ngoài nước tới thăm phòng tranh tại Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật (Painting Exhibition) 16 Ngô Quyền quận Hoàn Kiếm thành phố Hà Nội.
C.S
Người gửi / điện thoại