Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
1234
2345
4567
3456
5678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

RÉT NÀNG BÂN

Nguyễn Trác
 
RÉT NÀNG BÂN
 
   Qua rằm tháng Giêng trời ấm hơn trước tết vợ chồng tôi năm ấy lại có dịp lên Sơn Tây dự cưới đứa cháu đồng thời thăm nhạc mẫu.
  Trong tứ thân phụ mẫu thì chỉ còn nhạc mẫu tôi vẫn đang hưởng dương. Năm ấy Người đã 93 tuổi nhưng vẫn khá minh mẫn. Có lẽ trong số mười người con cả trai lẫn gái thì vợ tôi là người được cụ thương nhất vì đã trải qua những năm tháng ở chiến trường. Nhờ vậy bố con tôi cũng được thương lây. Thấy cháu ngoại từ Hà Nội lên mặc không đủ ấm, Cụ hỏi ngay:
-Sao cháu mặc phong phanh thế?
-Cháu không lạnh ạ. Mà bà ơi hết rét rồi!
-Còn Rét Nàng Bân nữa cháu!
-Dạ…screenshot_1951
Con trai tôi chỉ nói thế rồi im lặng. Có lẽ ngồi trong xe ấm nên nó đã quên rằng có những lúc phải ra ngoài. Còn tôi nếu không có mẹ nhắc thì chắc cũng đã quên cái rét Nàng Bân.
 Thật kì diệu khi cha ông xưa đã xây dựng nên câu chuyện nàng Bân đan áo cho chồng nhưng cặm cụi ‘ba tháng ròng mới trọn cổ tay “nên khi áo đan xong thì đã hết rét. Thương tình trời đã cho “tái” rét để nàng có cơ hội chăm sóc chồng và kiểm tra tài ‘nữ công gia chánh” của mình. Cái rét sau những ngày nắng ấm ấy, đợt rét cuối cùng trong năm, dân gian gọi là rét Nàng Bân.
Nhà thơ Tế Hanh đã có một bài thơ rất hay về Rét Nàng Bân :
Khi em đan áo ấm cho anh,/Gió còn thổi qua bàn tay lạnh./Những đôi chim tìm nhau ủ cánh,/Mây đầy trời, rơi rớt nắng mong manh.

Năm nay trong tháng 1 và tháng 2.2025 khả năng miền Bắc sẽ có nhiều
đợt rét đậm và rét hại. Không biết Rét Nàng Bân sẽ rơi vào ngày nào?
  Hình ảnh nàng Bân đan áo cho chồng bị chậm và trời thương cho rét lại bao đời nay đã là một nét văn hóa đẹp và đầy nhân văn của người phương Đông.
  Cũng chỉ cách đây 40-50 năm, hình ảnh những người phụ nữ đan len vẫn còn là hình ảnh rất thường gặp ở thôn quê lẫn thành phố nước ta. Chỉ cần với cuộn len bên mình và đôi que đan là các bà các chị ngồi đâu cũng có thể sáng tạo nên những chiếc áo, chiếc khăn hay đôi tất len đẹp đẽ và ấm áp. Que đan có nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau, chất liệu cũng khác nhau như nhôm hoặc tre, nhưng thường là bằng tre. Từ những thanh tre cật người ta vót thành những đôi que đan rồi chuốt bóng nó. Mầu trắng ban đầu của que đan, qua thời gian và nhiều lần cọ xát nó dần dần ngả sang một màu ngà, hơi vàng nhạt rất đẹp. Ở Hà Nội những năm bao cấp có hẳn một Hợp tác xã đan len xuất khẩu mang tên Hồng Hà mà mẹ tôi (mẹ đẻ) và cả chị tôi là những xã viên chăm chỉ. Cũng nhờ tiền công đan len xuất khẩu ấy thêm thắt vào đồng lương ít ỏi của bố tôi mà năm anh em chúng tôi đã được nuôi nấng ăn học tử tế và phương trưởng như hôm nay. Mẹ tôi thuộc loại xã viên đan giỏi và đẹp tuy cũng như nàng Bân bà không được nhanh nhẹn lắm. Nhiều đêm, nhất là những đêm trước kì giao hàng bà phải thức rất khuya để đan nốt khi thì cái tay khi thì cái cổ áo. Có bữa hàng đã giao mấy hôm lại phải nhận về lại để sửa vì kiểm nghiệm phát hiện lỗi đâu đó.
 Hình ảnh người phụ nữ đan len đã đi vào thơ ca nhạc họa. Nhà thơ Ý Nhi có hẳn một bài thơ rất hay và nổi tiếng “Người đàn bà ngồi đan”:
Giữa chiều lạnh một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ / Vừa nhẫn nại vừa vội vã/ Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời/ Vội vã như thể đó là lần sau chót…”
Giờ đây hình ảnh những người phụ nữ ngồi đan đã vắng hẳn. Thế hệ mẹ tôi nhạc mẫu tôi hầu hết đã khuất bóng. Lớp phụ nữ như chị tôi đều cũng vậy hoặc đã qúa già. Còn các cô gái trẻ phần vì cuộc sống bận rộn, phần có nhiều nghề nghiệp hấp dẫn hơn đan thuê, còn mùa lạnh ngoài áo len là bao nhiêu áo da, áo dạ, áo lông thú đủ kiểu dáng thời trang và sang trọng bán đầy trong các siêu thị. Mà rất nhiều trong số đó là hàng ngoại nhập. Chưa hết tháng Giêng, nghĩa là còn lâu mới tới rét Nàng Bân nhưng trên mạng đã có quảng cáo: “Những ngày trở gió đột ngột của rét Nàng Bân, dù bạn không biết đan vẫn có thể tự làm cho mình chiếc khăn len siêu tốc từ những quả bông len”. Tình yêu thương gửi qua đường kim mũi chỉ, qua những mũi đan hình như cũng đã trở nên lạc hậu và chậm chạp. Bây giờ mấy ai ngồi bền bỉ được như nàng Bân. Và tre xanh dù vẫn còn nhưng cũng mấy ai ngồi căm cụi chẻ vót rồi chuốt thành được những đôi que đan vàng óng ả như xưa.
Cuộc sống đã thay đổi rất nhiều. Nàng Bân chỉ còn trong chuyện cổ và cả hình ảnh những người mẹ người chị nhẫn nại ngồi đưa từng mũi từng mũi kim đan để làm nên những chiếc áo chiếc khăn len cũng chỉ còn trong kí ức người già. Aó len dệt bây giờ nhiều lắm và quả thật cũng ấm cũng đẹp dù nó thiếu sự ấm nóng của đôi tay và hơi thở trực tiếp của con người. Nhiều cô gái trẻ hôm nay không biết đan. Thời chúng tôi còn bé, mặc dù tôi là con trai mẹ vẫn dậy tôi đan để có thể giúp bà những khi bà quá bận.
  Xứ Đoài mây trắng vẫn về trên thành cổ. Lời nhạc mẫu tôi hôm nào trên Sơn Tây “Còn rét Nàng Bân nữa cháu! “bỗng lại vang lên trong tôi như một nỗi buồn lặng lẽ một lời nhắc nhở và hàm chứa bao nhiêu điều sâu sắc. Nhưng cuộc sống là như thế. Nó luôn cần tiến lên dù phải để lại bên đường nhiều hành trang quí giá.
 
                                                                                                                N.T
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 124
Trong tuần: 899
Lượt truy cập: 460223
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Đồng BT: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.