Cầm Sơn
ĐẦU NĂM ĐI VÃNG CẢNH CHÙA
Vợ chồng anh con trai trưởng mời bố mẹ đi chơi xuân, địa điểm đến quan trọng nhất là giao lưu với gia đình ông bà thông gia ở thành phố Đông Triều. Tại đây, chúng tôi đã được gặp mặt từ cụ ông thân sinh ông thông gia năm này 95 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, tinh tường, vẫn ngồi cùng mâm uống được mấy chén, được gặp mặt khá đông đủ từ cô chú, cậu mợ và các anh em, con cháu vợ chồng anh con trai. Trong cuộc nói chuyện, được biết nếu thăm chùa Ba Vàng thì nên đến vào ban đêm sẽ đẹp hơn. Vậy là sau bữa tiệc xuân tại nhà ông bà thông gia, chúng tôi lên ngay chùa Ba Vàng. Đường từ thành phố Uông Bí lên được ngành Giao thông hướng đi một đường lên, một đường xuống nên khi xe chúng tôi đi nhầm vào đường xuống thì lại phải vòng xuống thành phố rồi mới chuyển được sang hướng đường đi lên. Khách đông nên khi xe chúng tôi chạy vào địa phận chùa thì được các bảo vệ chỉ gậy hướng dẫn chayk mãi lên tận bãi đỗ xe số 7 mới được dừng. Nhưng hóa ra lại tốt bởi không phải leo bộ từ dưới lên.
Ba Vàng vào buổi tối mồng hai tết Ất Tỵ hiện lên như một bức tranh huyền ảo, lung linh trong ánh sáng vàng ấm áp của đèn điện và các đèn lồng trang trí. Giữa núi rừng xanh đen, ngôi chùa hiện lên qua dây đèn ốp theo đường viền góc cạnh và mái chùa. Với hình ảnh của lối kiến trúc truyền thống, mái cong vút in bóng trên bầu trời đêm uy linh, nơi những ngôi sao lấp lánh như cùng hòa nhịp với không khí lễ hội.
Sân chùa rộng lớn tỏa ra hương trầm quyện trong làn gió xuân nhẹ nhàng. Dòng người hành hương, trong trang phục chỉnh tề, chắp tay kính cẩn dâng lễ trước tượng Phật. Tiếng chuông chùa ngân vang, hòa cùng lời tụng kinh nhịp nhàng, tạo nên một không gian thiêng liêng, trang nghiêm nhưng ấm áp, yên bình làm ta có cảm tưởng như đang được đứng giữa miền Thiên thai Bồng Lai tiên cảnh.
Khắp nơi trong khuôn viên chùa, những dãy đèn lồng đỏ rực treo cao, phản chiếu ánh sáng lung linh xuống mặt hồ nhỏ bên dưới. Các gian chợ xuân với những món quà lưu niệm, đồ cúng lễ, và món ăn chay thanh đạm thu hút từng nhóm khách tham quan. Từng tốp, từng nhóm tụ tập xem các trò chơi dân gian như “chơi ô ăn quan” “chi chi chuyền chuyền” “nhảy sạp”…Tiếng cười nói râm ran xen lẫn lời chúc Tết an lành, phúc lộc dồi dào…
Phía trước chính điện, các phật tử thành tâm quỳ gối cầu nguyện cho một năm mới an yên, sức khỏe và tài lộc. Nhiều người thành kính thả những đồng tiền nhỏ lẻ vào thùng Công đức, vài người nhẹ nhàng đưa những chiếc đèn hoa đăng xuống suối, cầu mong những ước nguyện theo dòng nước trôi xa, mang theo hy vọng và niềm tin vào một năm mới vẹn tròn.
Tất cả hòa quyện tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp – một Chùa Ba Vàng lung linh, huyền ảo nhưng vẫn ấm áp, chan chứa tinh thần Phật pháp và hơi thở của mùa xuân mới.
Gần đây có dư luận xã hội xì xèo về những lùm xùm trong việc cúng dường ở các chùa chiền và một vài hành động không chuẩn chỉ của một vài vị thiền sư. Thiết nghĩ trong đời sống thường nhật của cõi trần tránh làm sao được những Tham, Sân, Si để tình cảm con người ta cũng Hỷ, Nộ, Ái, Ố. Nhưng tất cả những chuyện đó chỉ là hiện tượng không thể đại diện cho đại cục đời sống xã hội. Đại đa số toàn dân vẫn coi chùa chiền là chốn linh thiêng, là nơi mà sau những mệt mỏi, lăn lộn trong cuộc mưu sinh ta trở về an yên, thanh tịnh, tẩy sạch bụi trần. Chùa chiền vẫn cứ đông người. Mặc dù là ngày tết nhưng không chỉ ở Quảng Ninh mà còn nhiều du khách ở tỉnh xa cũng có mặt, ví như có hai bạn trung niên ngồi ngay dưới đuôi xe ăn uống, hỏi thì biết là các bạn ở Hải Dương. Vốn là đồng hương Hải Hưng cũ nên tôi lấy máy ghi lại hình và cũng uống một ngụm bia chúc mừng năm mới với các bạn. Đầu xuân, nếu có điều kiện đến vãng cảnh chùa và cầu mong cho một năm mới Quốc thái dân an, đất trời mưa thuận gió hòa, gia đình anh khang thịnh vượng. Âu cũng là một nét văn hóa đậm đã bản sắc dân tộc rất đáng trân trọng, tôn thờ và gìn giữ.
C.S
Người gửi / điện thoại