Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

RANH GIỚI MONG MANH

 Trằn Đắc Hiển Khánh

RANH GIỚI MONG MANH                                               

    Lê Đại nhớ mãi cái đêm rầu thúi ruột hồi nẳm. Đại dính đòn “khai trừ”, nghiệt ngã tưởng như “khai tử”. Nghĩa là sống mà như chết (!) Nhiều lúc sự thật cứ hiển hiện trước mắt. Trong ngôi lều lá dừa nước nhỏ như cái chòi canh vịt, ngọn đèn dầu bóng hột vịt cháy leo lét tỏa ra thứ ánh sáng tù mù. Gió thổi vô vách lá thầm thào.

Đại ngồi sát vách bên cửa sổ. Ánh trăng qua khung cửa soi rõ khuôn mặt non tơ với những lông măng trên cặp má bầu bầu. Mọi người ngồi im phắc quanh ngọn đèn run rẩy phập phù, cố giữ ánh lửa yếu ớt.

          Tư Thái, người chủ trì cuộc họp đưa tay vặn to ngọn đèn dầu. Ánh sáng chả hơn được bao nhiêu nhưng ngọn khói bốc lên như ống khói tàu hỏa. Tư Thái tuyên bố:

          “...Tôi nhắc lại khuyết điểm nghiêm trọng mà đồng chí Lê Đại mắc phải: Thứ nhất, quan hệ nam nữ bất chính. Thứ hai, để thất thoát công quĩ. Đây là hai tội “tham ô” “hủ hóa” mà bọn tư sản, đế quốc đã đầu độc làm mất tư cách phẩm chất người chiến sĩ ta...Các đồng chí hãy phân tích để làm bài học soi chung.

          Tiếng ai đó nói đế vô: “Soi rọi gì. Cái gương tày liếp hổng soi/ Soi vũng nước đục cho lòi mắt ra”. Tiếp sau đó là những lời rỉa rói, xoáy vô lỗ tai. Trái tim non trẻ của Đại như có những hòn đá tảng đè đến tức thở. Đại đã ngồi nhiều ngày nghe những lời phán xét kiểu chụp mũ của những người nói dai như trâu đái. Bữa nay lại tiếp tục chịu trận:

-“Cuộc họp lần trước, đồng chí Đại khai là số tiền thâm hụt đó do đánh mất trên đường đi lãnh về. Thời gian lãnh số tiền ấy cách nay hơn một năm rồi. Sao giờ mới khai? Lại không có chứng cớ gì. “Đồng tiền liền khúc ruột”, sao để tuột nhẹ hều vậy?  ...”

-“Theo tôi phải xử cho nghiêm chuyện này. Không thể tém dẹp được. “Tham ô” với “hủ hóa” là hai kẻ thù cấu kết với nhau. Mê gái, theo gái rồi lạm dụng công quĩ  lấy tiền bao gái, tội rõ rành rành còn gì nữa...”

-“Bác thang lên hỏi ông trời, đem tiền cho gái có đòi được không?”

-“Đồng chí Lê Đại có tình ý với cô Huệ. Cô Huệ lại có anh trai đi lính Việt Nam cộng hòa. Việc này thể hiện lập trường giai cấp không vững vàng của đồng chí Đại. Không phân rõ địch, ta...Làm sao mà quyết tâm đánh thắng giặc được.”

   Họ gọi Đại là đồng chí nhưng họ vẫn coi Đại là “thằng con nít, miệng  còn hôi sữa”. Họ đều cho mình ở bậc cha chú, những vị tiền bối cả. Bởi Đại vốn là một thằng bé chăn trâu. Đội du kích ấp giao cho việc liên lạc. Nhanh nhẹn, tháo vát, được việc. Đại có tài bơi lội như rái cá. Nằm ngửa, để đồ trên bụng, chân đạp tay bơi, lừ lừ như khúc gỗ trôi từ bờ sông bên này sang bờ bên kia. Đồ trên bụng vẫn khô nguyên. Mọi thông tin liên lạc đều chót lọt. Việc khó mấy cũng xong. Xong việc chỉ cười khì…lộ chiếc răng khểnh làm sáng nụ cười. Đại mau chóng trở thành một chiến sĩ dũng cảm trong đội quân du kích địa phương, kiêm luôn việc thủ quĩ.

   Trước lý lẽ buộc tội như những sợi dây xít chặt lấy cổ họng, Đại nghe tức muốn cành hông mà hổng biết đường chối cãi.

  Quả thật, Đại có để thụt quĩ số tiền khá lớn. Bằng ấy tiền mua hàng trăm dạ lúa chớ ít đâu… Nguyên do là, bữa hổm đi nhận tiền về, Đại sơ ý đánh mất chiếc giỏ xách có số tiền vừa lãnh với mấy bộ đồ ở trỏng. Đại lo quýnh quáng.

Hỏi: “Mất ở chỗ nào?”. “Mất ở đâu?”. Nghĩ bụng, “Biết mất chỗ nào đã đến đấy lượm về…”.

Làm sao đây? Nói với chỉ huy, sợ bị phê bình là thiếu tinh thần trách nhiệm. Đang thời gian thử thách mà không hoàn thành nhiệm vụ thì…tiêu luôn. Thế là phải chạy đôn chạy đáo. Mượn tiền chú Tư chủ nhà máy xay lúa. Cả tiền nhà của ba má đắp vô. Má nói với ba, “cái tánh mạng con mình còn chả tiếc, tiếc chi của. Thôi mình góp cho con nó đủ tiền đắp vô công quỹ. Cũng là đóng góp cho cách mạng”. Ba nghe cũng hưởng ứng. “Tui tính rồi, nó đang phấn đấu…lại nghe sắp được thưởng huân chương đấy má nó à”. Vậy là Đại có đủ số tiền quĩ. Không thiếu một đồng.

  Chẳng may nhà máy xay lúa của chú Tư bị đạn pháo bắn cháy rụi. Chú Tư bị thương phải đi cấp cứu. Mọi người lo quýnh quáng chạy tiền cứu chữa. Đại lấy tiền quĩ trả chú. Lúc kiểm kê mới “bể mánh”. Sự thật là vậy, nhưng nói ai tin. Mà họ có cho nói đâu. “Trăm cái răng đè cái lưỡi”.

  Còn chuyện với Huệ thì quả có tình yêu đích thực. Huệ đẹp nhất vùng này, ai chả biết. Em có nước da trắng hồng, mịn màng, khuôn mặt trái xoan, mái tóc đen mượt. Bao chàng trai mơ ước hổng được. Mình được em yêu còn gì sung sướng hơn. Vậy mà lại là khuyết điểm, tội lỗi. Ngộ thiệt!

  Một thằng con trai mới hai mươi tuổi, “ăn chưa no, lo chưa tới”, chưa chuẩn bị gì cho những việc éo le ở đời thấy chuyện này ngộ là phải thôi…

  Cuộc họp cuối cùng ấy, (cũng không biết là cuối cùng chưa?). Tư Thái, người chủ trì tuyên bố:

-“Theo như gợi ý kết luận của cấp trên: Đồng chí Lê Đại phải chịu nhận hình thức kỷ luật cao nhất là...“Khai trừ”. Đồng thời phải bồi thường trả ngân quĩ toàn bộ số tiền đã thất thoát”.

Nghe hai tiếng “khai trừ”, Đại thấy lạnh sống lưng, cảm giác chới với, mất thăng bằng như vừa rơi từ trên cầu lao xuống sông.

Tư Thái hỏi tiếp: “Các đồng chí có ý kiến gì không?”

Tiếng bàn tán rộ lên:

-“Cấp trên đã có ý kiến chỉ đạo...Còn ý kiến, ý cỏ gì nữa...”

-“Thì đồng ý hay không đồng ý với ý kiến cấp trên...”

-“Gà làm sao cãi được với nước nóng”.

-“Nếu không có ý kiến gì, xin biểu quyết. Ai đồng ý khai trừ đồng chí Lê Đại, giơ tay?”

Có cánh tay giơ thẳng lên ngay. Cũng có cánh tay ngập ngừng, giơ xiên ngang. Có người nhìn trước nhìn sau rồi mới giơ tay. Quả thật trong số đó có người chưa đồng ý hẳn nhưng thấy nhiều người giơ tay, cũng giơ. Đã từ lâu nay những lúc lấy ý kiến tập thể như thế này thường là nghe ngóng nhau, “gió chiều nào che chiều ấy”. Ý kiến ngược lại là chống đối, là tiêu cực. Vì vậy, việc “theo đuôi” hay “theo đóm ăn tàn” đã trở thành một lối sống, một kiểu ứng xử hợp pháp và an toàn.

Tư Thái nhìn bao quát vẻ chăm chú, hỏi:

-“Ai không đồng ý giơ tay? “

Nhìn khắp lượt, Tư Thái kết luận: “Không có ai. Vậy là một trăm phần trăm đồng ý khai trừ đồng chí Lê Đại. Thư ký ghi biên bản.”

Đại ngồi lặng. Tai ù đi. Thấp thoáng trước mặt những cánh tay giơ thẳng, hay giơ ngang, đều như những mũi tên, ngọn dáo đâm thẳng vô ngực mình.

Trong ánh sáng nhập nhòa, những khuôn mặt tối sáng lờ mờ. Tia nhìn soi mói, thương hại...xoáy vào Lê Đại. Họ bôi vô nhân cách Đại “dấu chấm hết”, ghi trong lý lịch một vết đen ngòm: “Khai trừ”!

  Mọi người mải mê với việc phân tích kết luận, chả ai để ý đến ngọn đèn dầu đang bốc khói mù mịt. Bỗng nhiên phần bấc tim đèn phía trên cháy thành cục tàn đen thui, rớt xuống. Ngọn lửa tắt ngấm. Cả gian lều tối thui...

Ra khỏi Đảng, năm ấy Đại tròn hai mươi tuổi.

*            

   Những ngày sau đó, hình ảnh cuộc phê bình kiểm điểm cứ lởn vởn, ám ảnh mãi trong đầu óc Đại. Trong những giấc mơ, Đại thấy những cánh tay chĩa ra trước mặt mình như những lưỡi lê. Ánh mắt những người phán xét vừa dữ dội, vừa ắp đặt…Tất cả nhập nhòa dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn như ma trơi.

          Đại lén tìm gặp Huệ. Không dám kể lại chuyện mình. Mặc dù nỗi uất hận cứ nén xuống lại muốn bật lên. Đây là chuyện nội bộ. Đã là nội bộ thì phải bí mật. Cả chuyện danh dự nữa. Gặp Huệ, Đại có linh cảm như đây là lần cuối cùng hai đứa bên nhau. Giọng Đại lạc hẳn đi: “Anh phải đi…”. Huệ ngạc nhiên: “Đi đâu?”. “Đi thiệt xa…”.

   Hai đứa dìu nhau ngồi xuống cạnh đống rơm bên gốc xoài. Đại ôm ghì Huệ đến mức Huệ phải ngạc nhiên: “Làm gì…dữ thần vậy?”. Tự nhiên tay Đại buông xoãi ra, vẻ như hờn dỗi. Một thoáng im lặng. Im lặng nên nghe rõ tiếng đập của hai con tim. Lát sau, Huệ cầm tay Đại: “Bộ hết thương em rồi sao?”. Đại không biết nói gì, ấp mặt vô ngực Huệ. Mùi thơm của da thịt thanh tân làm ngây ngất. Đại mê đi…Rạo rực, cháy bỏng. Cả Huệ cũng không biết trời đất là gì. Có thể nói họ đã sống bên trong thân thể nhau từ đó…

          Hôm sau, trên đường sang nhà ngoại, tình cờ Đại gặp anh Ba ở bến sông. Anh Ba là con người cậu. Anh từng dạy bơi lội cho Đại ở khúc sông này. Từ ngày ở hai phía, anh em ít khi gặp gỡ nhau.

Giờ đây ráng chiều làm dòng sông đỏ rực. Phía ngã ba sông rộng mênh mông. Những bè lục bình lững thững trôi chẳng biết đi về đâu…

   Đại rụt rè hỏi: “Anh Ba đi đâu vậy?”. “Bữa nay nghỉ xả hơi, kiếm vài con cá nhậu chơi. Sao coi bộ mi như mèo cắt tai vậy?”. Đại chẳng nói năng gì, nhảy ào lên xuồng y như hai anh em đã hẹn nhau từ trước. Anh Ba thầm nghĩ, vì sao Đại lại lủi thủi ở đây? Thấy nét mặt lặng lẽ có vẻ bí hiểm của Đại, anh Ba cũng không tiện hỏi. Vừa kéo lưới bắt cá, anh Ba vừa liếc nhìn vẻ mặt lặng lẽ, buồn thiu của Đại. Đêm ấy, hai anh em bập bềnh trên sông theo dòng nước lững lờ. Cuộc nhậu tới “ngoắc cần câu” làm cả những bông lục bình cũng lờ đờ say theo. Vẫn không thấy Đại nói gì, anh Ba nói bâng quơ: “Bọn bay cái gì cũng kín kín hở hở, cứ như mèo dấu cứt, dấm dấm dúi dúi…”.

Mãi sau Đại mới nghếch mặt, đôi mắt hoang hoải  nhìn anh Ba, cố làm ra vẻ tỉnh táo:suthat5

          -Anh Ba à, khi người ta oan ức…cần cái gì để giải oan?

          -Cần luật lệ.

          -Luật rừng…càng oan thêm…

          -Dù sao cũng phải phơi bày sự thật.

          -Phơi bày dưới ánh sáng tù mù như hũ nút…sao tỏ rõ được…

          Làm ra vẻ nghĩ ngợi, anh Ba vung tay, nói giọng hào sảng:

-Thôi, uống tiếp xem có sáng tỏ ra được chút nào cái lý tưởng của mi hông…?

          Đại thấy chột dạ vì hai từ “lý tưởng” mà anh Ba vừa nhắc. Trước và sau khi đứng trong hàng ngũ, Đại được nghe được nói nhiều đến từ này. “Lý tưởng”, Đại nghe những người đi trước nói đại khái nó là mục đích tốt đẹp…mong muốn hướng tới. Nhưng với Đại lúc này, sao nó cao siêu mơ hồ…như vẽ ra một cái bánh ngọt ngào mà chẳng ăn được…

          Rồi bữa sau, anh Ba lại kéo Đại đến cuộc nhậu ở quán gần đồn Ngã Tư với tốp lính nghĩa quân ở xã bên. Cuộc nhậu tình cờ. Tình cờ gặp bạn nhậu… Đại chìm trong hũ rượu, chìm trong tiếng nhạc não nề, nỉ non đứt ruột. Đại thấy có người ôm vai mình, nghe tiếng lè nhè rồi đổ một câu vọng cổ lạc điệu:

          “Đời người mấy tí

          Không chơi cũng phí

          Không nhậu cũng hoài

          Ở đời ta chẳng ghét ai

          Ghét ai? Ai ghét? Thù ai làm gì?”

          Trong cơn say, Đại thấy bức bối, nghe cứ rưng rức trong lòng. Có lúc ngực như thắt lại. Rồi thấy như mình đang chìm nghỉm xuống đáy sông.

          Chẳng biết đến ngày thứ mấy Đại mới tỉnh hẳn.

          Giật mình nhớ ra: Mình đã bị “khai trừ”. Mình phải bồi thường tiền quĩ. Số tiền này lấy đâu ra trả bây giờ? Đại tuyệt vọng, không biết bấu víu vào đâu…

Anh Ba vẫn bao cho Đại ăn, ở trong đồn nghĩa quân. Mấy ngày sau đó, xung quanh có tiếng xì xào to nhỏ: “Tụi nó đang kiếm thằng Đại”. Đại vờ như không nghe thấy, tuy vẫn thấp thỏm lo ngay ngáy như cá nằm trên thớt. Vẻ mặt anh Ba có gì khang khác. Vừa có ý phấp phỏng, vừa có ý muốn bảo vệ Đại.

 Đại nghĩ, cũng đành nhắm mắt đưa chân chớ biết sao bây giờ. Mặc cho nước chảy bèo trôi. Như cây lục bình tấp vô đám chà mặt sông, rồi sững lại.

          Đến một hôm, vào chập tối. Cả đồn nháo nhác. “Báo động!”. Tất cả răm rắp vào vị trí. Anh Ba giữ khẩu súng máy. Anh giao cho Đại khẩu súng trường. Cả hai anh em ở lô cốt số 2, chốt giữ hướng chính phía Nam. Lúc ấy Đại chẳng còn nghĩ đến lý tưởng hay đạo đức… gì gì nữa…

          Sau những tiếng nổ váng tai, khói những quả thủ pháo phụt lên từ dãy nhà lính. Đại định thần lại. Đúng rồi, đây là cách đánh của đội du kích Tư Thái. Cách đây mấy tháng, mình cũng đã oánh một trận tưng bừng ở đồn này. Trận ấy, sau những quả thủ pháo nổ vô nhà lính, lệnh của trung đội trưởng Kiên nổ súng tiến công vô lô cốt. Toàn phân đội mình giữ đúng hợp đồng tác chiến, từng vị trí xung phong. Đại bộ phận địch chưa kịp trở tay đã bị tiêu diệt. Một số sống sót vừa chống cự, vừa tháo chạy. Tên chỉ huy đồn rất ngoan cố, ném trả hai quả đạn, làm trung đội trưởng Kiên ngã xuống tại chỗ. Mình xông lên bắn theo một loạt AK làm tên này dính đạn. Mình chói chặt tay nó, dẫn ra. Sau trận ấy mình được tuyên dương khen thưởng…

          Giờ đây, trớ trêu thay…(!)

          Đang nghĩ vẩn vơ thì tràng súng AK nổ sát rạt. Một quả thủ pháo nổ ngay bên trong lô cốt. Khẩu súng máy đổ nghiêng ra cùng với cái té nhào của anh Ba. Cánh tay anh lặt lìa, máu đỏ loang khắp người. Anh nằm lặng. Mình vội băng bó cánh tay cho anh. Vết thương ở bụng anh máu vẫn trào ra. Anh ngừng thở.

          Tiếng người chỉ huy bên ngoài hô “xung phong!”. Đại nghe rõ tiếng của Tư Thái. Quả thật lúc ấy Đại cũng không nghĩ Tư Thái là kẻ thù mình phải chống trả.

          Tên đồn trưởng dựng khẩu súng máy lên trao cho Đại: “Bắn đi!”. Nó chĩa khẩu súng ngắn trước mặt Đại, hô: “Cố thủ hay là chết!”. Lời thúc dục hay hiệu lệnh lúc này đều thiết thực, khẩn cấp. Đại thao tác như một người lính thành thạo. Hàng loạt đạn nhả ra. Trong đầu lại hiện ra trận đánh đồn này lần trước. Bây giờ…ngược lại. Đại biết rõ từng chỗ phục kích, từng mũi tấn công, từng động tác đánh chiếm bốt như thế nào. Từ cực này…sang cực khác ngắn ngủi quá! Ranh giới thật mong manh. Khẩu súng máy không biết điều đó. Đại điều khiển nó dưới sự giám sát của tên chỉ huy đồn. Súng nhả đạn từng tràng. Lần đầu Đại nghe tiếng súng của chính mình lại cảm thấy phân vân

          Dù không nhìn rõ nhưng Đại cũng hình dung ra các mũi nhắm đánh vô lô cốt, gần sát bên tường nhưng chưa chiếm được. Và khẩu súng máy này là hỏa lực lợi hại nhất. Đây là cách bố trí khác với trận Đại đã đánh vô lần trước. Hẳn chỉ huy đồn đã có bài học từ trận ấy.

Đại nghe ngóng. Hổng thấy tiếng Tư Thái. Càng nghe…càng im re. Chả lẽ loạt đạn vừa rồi đã trúng Tư Thái! Một lát sau, Đại nghe văng vẳng tiếng nói từ bên ngoài: “Đồ phản bội!”. “Thằng đào ngũ”. “Phải bắt bằng được nó!”. Lúc ấy Đại không biết mình đang ở đâu. Tai ù đi… Không có cảm quan rõ ràng gì.

          Bỗng nhiên có một loạt pháo nổ xung quanh khu vực đồn. Bình tĩnh lại, Đại đoán ngay là đang có hỏa lực chi viện cứu nguy. Từng loạt pháo xiết dần. Tiếng súng quân giải phóng im hẳn.

          Được lệnh tẩu thoát. Đại quá thông thuộc đường đi nước bước nên nhanh chóng luồn lách ra ngoài.

          Thông tin sau trận đánh: Khẩu súng máy rất lợi hại, làm sát thương nhiều chiến sĩ giải phóng và kìm chân để lực lượng Việt Nam cộng hòa  cứu nguy.     

*

          Những ngày tháng Năm lịch sử. Đại lột bộ đồ cũ vứt bên đường. Mặc vô bộ đồ thun tàng tàng. Hòa vào đoàn người tán loạn như ong vỡ tổ, chạy trốn vội vã. Không suy nghĩ gì, Đại nhảy lên một chiếc xe đò. Người đứng chật như nêm cối. Trong lúc Đại chưa biết đi đâu, xe dừng lại bến Bảo Lâm. Thấy mấy người xuống xe, Đại cũng nhảy ào xuống theo. Đi vô định ra phía ngoại ô. Hai bên đường là những vườn cây, cánh đồng rộng. Bầu trời cao lộng. Không khí mát dịu,

          Lúc đứng trên xe chật chội bức bối, muốn khụy chân xuống. Giờ đi một đoạn thấy sảng khoái hẳn. Nhưng một lúc sau, bụng sôi òng ọc. Cơn đói cồn cào. Mắt hoa lên. Đến bên cái cổng có cây bông giấy đỏ rực, Đại ngồi thụp xuống, thở. Nhìn vô phía trong khu vườn cạnh lộ, thấy một ông già có mái tóc bạc trắng, bộ râu dài chấm ngực đang đứng trước sân nhà. Ông đang ngó lơ cây cối vườn tược. Đại nhìn dáng ông già hiền lành, phúc hậu như tiên ông nên mạnh dạn bước lại gần, vòng tay trước ngực nói :

-“Thưa ông, con bị lỡ độ đường”.

Ông già nhìn Đại với đôi mắt hiền từ, cảm thông:

-“Chạy loạn à? Đất nước này sẽ thanh bình, đừng hoắng lên…”

          Đôi mắt ông già như thấu hiểu mọi điều, có thể đọc được ý nghĩ người khác. Ông vẫn nhìn người thanh niên trước mặt với vẻ bao dung độ lượng. Linh cảm cho ông thấy, người thanh niên có đôi mắt sáng, lanh lẹn lại khá đẹp trai này đang cơ nhỡ thực sự. Những luồng ánh sáng nhân từ phát ra “kênh nhân ái”:

          -“Vô đây!”

          Ông nói ngắn gọn rồi bước vô nhà, bảo người cháu dọn cơm cho ăn cùng.

          Ông cháu già Hai thật lòng, Đại cũng thực bụng đánh một hơi hai tô cơm với canh chua, thịt kho. Ngủ một giấc thẳng cẳng.

 Một thời con người dễ tin, dễ yêu, sống tử tế như thế đó.

Sáng, ông đánh thức Đại dậy: “Nếu cậu chưa biết đi đâu thì ở lại đây tiếp thằng cháu ta làm vườn. Mấy người làm mướn nháo nhác chạy về quê cả rồi.”

          Đại quen ngay với việc cuốc đất, nhặt cỏ, tưới nước cho cây. Nghĩ bụng biết ơn người cứu giúp mình lúc cơ nhỡ, càng chăm chỉ siêng năng với công việc. Bụng vẫn nghĩ, chuyện của mình không thể kể với ai. Phải sống chung với nó…như đeo một gánh nặng đè lên suốt cuộc đời.

          Một thời gian sau, khu vườn sạch cỏ. Cây cối chăm sóc chu đáo xanh tốt trông thấy. Ông già Hai rất vui. Đại càng thấy rõ sự nhân từ ở ông. Ông cho đúng cái mình cần. Đại tìm thấy sự yên ả nơi này. Có lúc Đại muốn cởi lòng mình ra. Nhưng cũng băn khoăn, áy náy không khỏi phấp phỏng trước cảnh huống của mình. Đại nhớ về Huệ, mối tình đầu tha thiết, trong trắng. Hai đứa yêu nhau đã lâu nhưng lần ấy mới…đi vào nhau một cách ngẫu nhiên như vậy. Đại không ân hận gì về điều đó, chỉ sợ nếu Huệ có con thì biết sao đây? Mình chạy trốn, để lại Huệ chịu mọi điều tiếng…

          Hình như ông già Hai cũng nhìn thấy sự uẩn khúc trong đôi mắt Đại. Những lúc nghỉ ngơi, ông chuyện trò với Đại như người bạn vong niên.

          Ông vui vẻ nhìn những tán cây xanh tốt, tươi mởn, giọng cao nhã:

          -“…Đất đai, cây cối cũng có hồn đấy. Hồn cây cối mà phiêu diêu hoảng hốt thì sinh thái hỗn loạn. Cháu thấy đấy, dạo mới đến đây, cây cối đâu được thế này. Bây giờ khác hẳn rồi đấy. Hòa hợp được hồn với xác nó thì sinh linh thuần thục, lúng liếng. Thân cây là xác, màu xanh với không khí là hồn của cây. Hai thứ đó phải hài hòa với nhau mới có mùa màng phong túc. Người ta cũng có hồn, có vía hẳn rồi. Phải giữ cho hồn vía yên bình, tâm thế an nhiên…mới sống tốt được”.

          Giọng ông từ tốn mà cao sang, thấu đáo. Đại bất giác hỏi:

          -Sao ông lại chọn nơi kín đáo, vắng vẻ này để sống?

          -“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn, người đến chốn lao xao

          Đại cười bẽn lẽn thầm bái phục cái “dại” của ông.

          Ông lại từ tốn:

          -“Giá như bây giờ ta sanh ra ở tuổi 80 này, rồi dần dần tiến đến tuổi 18, đôi mươi như cháu. Ai đã nói vậy, ta cũng muốn thế để học cái khôn ở đời.”

          Trò chuyện với ông già, Đại sáng ra nhiều điều. Quả là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ ba má ngày càng da diết. Kẹt nỗi lúc này sao về được. “Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Đại sống trong tâm trạng hoang mang tội lỗi, luôn ngập ngừng, bần thần lo lắng.

          Càng tin yêu mến phục ông Hai, Đại càng khó nói về sự thật của mình. Quả là tâm thế bất an. Nhiều lúc cứ nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa.

          Ít lâu sau, phải dấp dứ mãi, Đại mới nói được với ông Hai ý định xin đi.

          -“Ta có gì làm cháu không vui?”

          -“Dạ hông! Con rất cảm ơn ông đã cưu mang con thời gian vừa qua.”

          -“Ta thấy như cháu mắc nợ điều gì”. Ông trầm ngâm một hồi rồi tiếp:-“Hãy tự biết mình là ai…? Đất nước vừa bước qua khỏi chiến tranh, tất nhiên còn ngổn ngang trăm bề . Nhưng thiết nghĩ, đất nước này rồi sẽ bền vững. Phải bền vững cháu à. Tất cả phải tuân theo tự nhiên. Dân không thể lụi tàn. “Dân vạn đại”. “Dân vi quí” . Dân là số một”- Ông nói gãy gọn, chắc như đinh đóng cột - “ Người quê này, cây cỏ này…bao năm tao loạn nhưng cháu thấy đấy, vẫn xanh tốt. Mùa nào thức nấy. Chỉ trừ những nơi bom đạn tàn phá. Nhưng rồi “cây lại nảy chồi xanh”. Hết mùa này sang mùa khác. Như xưa nay, mùa nối mùa, vụ nối vụ…”

          Đến những ngày cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Nam nổ ra. Thanh niên nô nức lên đường nhập ngũ, Đại cố ý để lộ tờ giấy khen hồi là chiến sĩ quân giải phóng. Ngỏ ý muốn được ông Hai bảo lãnh cho nhập ngũ cùng với thanh niên địa phương.

          Ông già Hai vừa vui vừa buồn vì phải xa chàng trai cần cù, ham học hỏi. Trên vầng trán cao vuông vức có lọn tóc xoăn tự nhiên như dấu hỏi: “Hãy sống thế nào đây?”. Sự ra đi của cậu ta cũng là một câu trả lời về lẽ sống của tuổi trẻ lúc này.

          Rồi Đại được biên chế vào đơn vị quân tình nguyện sang chiến đấu ở chiến trường Campuchia.

Đại trở thành một con người khác hẳn. Một chàng trai rắn rỏi, tự tin hơn rất nhiều. Nỗi day dứt như được giải tỏa phần nào. Đại mau chóng hòa nhập vào đội ngũ kỷ cương với những người đồng đội dũng cảm, giàu lòng nhân ái.

Sau trận truy kích đánh bọn tàn quân PolPot. Dưới cánh rừng thốt nốt, lính tình nguyện tìm gặp đồng hương. Đại chạy từ lán này sang lán khác, nháo nhác hỏi: “Có ai người đất Sóc hông?”. “Có tui, dân hóc bò tó đơi…”. Đại đóng vai một người quen, hỏi thăm cặn kẽ chuyện quê nhà. Chiến sĩ trẻ không biết Đại, nhưng rất tường tận chuyện nhà ba má Đại ở quê sống ra sao.

            Hình ảnh ba má hiện ra trước mắt Đại. Cả những lầm lỡ, tội lỗi cũng không thể nào nguôi ngoai. Đại vẫn cảm thấy băn khoăn. Liệu ba má có bị liên lụy vì mình?

Rồi cuộc giải phóng Campuchia hoàn thành. Đoàn quân tình nguyện về nước. Đại ở trong diện giải ngũ. Mừng vì được “giã từ vũ khí”. Nhưng nỗi băn khoăn day dứt vẫn rối rắm như cuốn chỉ vò, không biết gỡ lối nào. Đã đành là quân nhân xuất ngũ. Nhưng về đâu? Trường hợp của Đại thật hi hữu. Đại đã có ý định bỏ đi làm ăn nơi khác, như trở lại nhà ông già Hai làm vườn chẳng hạn. Lại nghĩ, ba má ngày một già yếu. Với lại chạy trốn được cái thân nhưng cái “tiếng” vẫn để lại. Bấy lâu từng làm ba má mất mặt với bà con.

Sau mấy đêm thức trắng, Đại quyết định: Phải đối mặt với sự thật. Nhớ lời ông già Hai: “Phải biết mình là ai. Nếu không nhận ra mình thì sẽ không thay đổi được gì”.

          Cuối cùng Đại quyết định: Quê hương là lối thoát duy nhất. Sống làm người dân thường. “Dân vạn đại” mà...

          Ngày trở về. Vui buồn lẫn lộn. Má đứng sững giữa nhà khóc rưng rức. Ba lặng lẽ nhìn Đại chăm chú. Một lúc sau ba mới nói chậm rãi: “ Kiếm đâu được bộ đồ vậy con?”. Câu hỏi vừa thương cảm, vừa hờn giận. Buộc lòng Đại phải đưa tờ giấy xuất ngũ ra…Niềm tin yêu con cái đâu cần chứng cứ. Nhưng dù sao Đại cũng không muốn ba má buồn.

Trong bữa cơm sum họp gia đình. Ba nâng chén rượu trước mặt, chậm rãi nói:

-“Ở đời khổ nhất tội, nhì nợ. Tội thì phải chuộc, nợ thì phải trả”. – Ba ực một hơi hết ly rượu như một lời thề cả quyết.

Vẻ thấu hiểu ý ba, Đại nói:

-“Dạ. Con nghĩ, suy cho cùng tội với nợ là một ba à. Đều phải rửa cho sạch, trả cho xong”.

 Một ngày đầu thu. Bình minh đầu thu. Nắng vàng. Hoa vàng như nắng. Đại đóng bộ quân phục bạc màu, phẳng phiu, nghiêm chỉnh lên ủy ban nhân dân xã. Đường quê vừa quen vừa lạ. Người xe tấp nập. Thoáng nhìn thấy cái lều chăn vịt phía xa giữa cánh đồng. Đại cố quên đi chuyện cũ.

 Ánh nắng vàng lọt qua tán cây rắc hoa lốm đốm trên lối vào trụ sở.

          Vào văn phòng, gặp cô thư ký trẻ măng. Cô chả biết Đại là ai.Trình giấy tờ xuất ngũ xong. Đại tìm gặp trưởng ban tài chánh xã xin nạp số tiền phải bồi hoàn do thâm hụt ngân quĩ năm xưa.

          Đại trở về. Bước đi ung dung, nhẹ nhõm.  Đại đưa tay vuốt vuốt mái tóc có lọn tóc xoăn trên trán. Vầng trán vuông vức thanh thản. Mọi băn khoăn bấy lâu được giũ bỏ, nhẹ tênh.        

suthat1

          Những tưởng mọi việc như vậy là “đứt đuôi con nòng nọc”. Nhưng chuyện giữa Đại với Huệ lại “Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng”. Đã đành bây giờ Huệ đã có con với người ta. Hoàng Văn Tấn, chồng Huệ là một công chức mẫn cán, mẫu mực, yêu thương vợ con và chăm chỉ làm ăn. Thằng con lớn là Hoàng Văn Tài, quả là một tài năng từ nhỏ. Tài kháu khỉnh, thông minh, lanh lợi.

   Đại tránh gặp mặt Huệ. Mặc dù trong lòng rất muốn bày tỏ đôi điều. Điều vương vấn đó là thằng con Hoàng Văn Tài. Ngay từ ngày trở về, Đại đã có ý tìm hiểu, suy nghĩ. Rồi sau những xét đoán cụ thể, Đại cả quyết: Tài là con của mình. Mặc dù Tài đã mang họ Hoàng Văn của Tấn. Nhưng thật “vô duyên” nếu Đại lên tiếng nhận con! Đành nín nhịn, tự ém mình. Đã nhiều lần Đại ngồi ở quán café cổng trường, chờ thằng bé đi học về, lén nhìn nó, nghĩ bụng ước gì được ôm nó vào lòng: “Con ơi! Cha nè…”. Nhưng không thể được, chỉ nhìn vụng trộm vậy thôi.

Từ xa, Đại nhìn nó khôn lớn trưởng thành dần. Chẳng dám hé răng hé lợi với ai.

          Đại xây dựng gia đình ở xã bên, lập nghiệp ở quê vợ, yên phận làm ăn. Những bài học làm vườn từ Lâm Đồng đưa ra thực nghiệm khá hiệu quả.

          Hoàng Văn Tài trở thành chàng trai khôi ngô tuấn tú. Tài đương nhiên là đứa con cả trong nhà, tấm gương sáng cho các em noi theo về sự học hành giỏi giang, ngoan hiền. Vợ chồng Tấn-Huệ rất vui, tự hào về đứa con trai đầu lòng. Huệ nín nhịn, thầm vui trong bụng vì chồng mình coi nó như con đẻ...

          Cả hai đều nhớ vào một buổi chiều hồi nẳm. Tấn đi giăng lưới, cắm câu bắt cá trên sông. Đang mải miết bơi xuồng, Tấn thấy một con đò cột vô cây bần cặp mé bờ sông. Nghe có tiếng người kêu rên. Tấn cặp xuồng lại. Thấy Huệ đang nằm giữa đò. Huệ nghiến răng mà tiếng kêu vẫn bật ra. Tấn bước sang đò Huệ. Huệ vẫn oằn người lên, nghiến răng ken két. Tấn nhìn thấy bọc bông băng, thuốc men bên cạnh. Tiếng Huệ kêu: “Cứu...cứu! đau...đau...quá!”. Tấn luống cuống nhìn gần. Đưa tay kéo tấm mền đắp trên người Huệ ra. Tấn giật mình...Vừa ngượng, vừa lạ: “Ủa, thế này đây a?”. Tấn toát hết mồ hôi. Làm sao để lôi được đứa bé ra đây? Cứu người mà sao vừa...đàng hoàng, vừa như vụng trộm thế này. Huệ rặn è è, hụt hơi vẻ rất khó nhọc. Tấn trở nên mạnh dạn hơn: “Nào, dô ta! Dô ta nào!”. Bé từ từ...Rồi...tọt ra. Tiếng khóc oe!...oe! Tấn thở phào nhẹ nhõm. Lau chùi cho bé rồi Tấn ôm nó vô lòng. Ấp iu từ đấy.

          Huệ biết ơn và yêu Tấn hết lòng. Tấn biết điều đó và cũng rất yêu Huệ. Càng lớn, thằng bé càng đáng yêu. Số phận đã ngẫu nhiên cho họ một đứa con làm niềm vui cho cả gia đình.

          Nhìn thằng con càng lớn càng giống “người ấy” ngày xưa, có lúc Huệ chạnh nhớ kỷ niệm cũ. Người ta nói, tình đầu như “muối ướp nỗi đau tươi mãi”, quả không sai.

          Về phần Lê Đại cũng không dám “bật mí” về đứa con của mình với Huệ. Đại cho rằng mình không đủ tư cách để nhận con. Với laị nhận, sẽ làm ảnh hưởng đến sự tiến bộ của nó bởi vết đen trong lý lịch sẽ ghi sao đây...

          Vậy là cả ba người đều có lý do có thể gọi là chính đáng để tự dấu đi cái điều bí mật cho riêng mình. Nhưng trong sâu thẳm nỗi niềm mỗi người vẫn có sự day dứt. Đó là tự dối mình, canh cánh trong lòng chôn vùi sự thật.

          Sự thật vẫn kín như bưng.

          Hoàng Văn Tài trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Đại thầm vui trong bụng. Ông luôn dõi theo từng bước trưởng thành của Tài. Ông được biết Tài đang ở trong diện đào tạo, được cử đi học cao học. Đang làm luận án tiến sĩ. Tài chọn đề tài “Xây dựng lực lượng cách mạng địa phương”, lấy ngay đơn vị huyện mình làm thực tế để viết luận văn.

          Thời gian tìm hiểu lấy tài liệu, Tài được nghe kể về một đảng viên suy thoái, mất phẩm chất đạo đức, bị khai trừ khỏi đảng. Rồi bỏ trốn chạy sang hàng ngũ địch. Trong một trận đánh đồn, người này đã giữ khẩu súng máy, chống trả quyết liệt, gây thương vong lớn cho quân ta. Nhưng cũng người này, hiện là chủ “Trang trại Lê Đại”, được nêu gương toàn miền về cách làm ăn khoa học, hiệu quả cao. Hiện ông Lê Đại có rất nhiều đóng góp cho địa phương. Ông Đại đã bỏ tiền bạc, công sức phá con đập cũ, khai con mương đồng Găng, để cho nước lũ tự nhiên tràn về thau chua, rửa mặn, đem phù sa màu mỡ cho mùa vụ tươi tốt trở lại. Từ đấy dân gọi cánh đồng Găng là “Cánh đồng ông Đại”. Rồi ngôi trường mẫu giáo quê nhà cũng được ông Đại bỏ tiền xây dựng, vừa khánh thành đúng dịp khai giảng năm học mới.

          Tài ghi chép đầy đủ. Hẹn sẽ đi thực địa, gặp trực tiếp chủ trang trại Lê Đại. Tài nghĩ, những chuyện chân thực trong cuộc sống không có những mẫu mực hoàn chỉnh. Có sự thật nghiệt ngã lại làm ta cho là không thật(!)  Tài tin rằng luận văn của mình sẽ có chiều sâu nhất định, mang tính khách quan của lịch sử.

          Ông Đại bị bịnh bất ngờ. Bất ngờ vì đang dự hội chợ hàng nông sản sạch, thấy người đau nhẹ. Vô bệnh viện khám. Bác sĩ cho xét nghiệm. Rồi bệnh đùng đùng kéo đến. Thuốc thang mấy cũng không thuyên giảm.

          Những ngày nằm trong bệnh viện, ông Đại không khỏi nghĩ ngợi về chuyện cũ đời mình. Nhiều chuyện ông đã xóa khỏi bộ nhớ. Nhưng chuyện về thằng con Hoàng Văn Tài thì không thể nào dứt ra được. Ông nghĩ, mình đã tự ém…cũng là để cho nó rộng đường thăng tiến. Nhưng có lúc lại thấy hối tiếc không cả quyết nhận đứa con của mình. Rồi có lúc lại thấy mình vô trách nhiệm…Nghĩa là nỗi day dứt không thể rứt ra được…Từ lúc lâm bệnh, đó là nỗi ám ảnh ông còn hơn cả bệnh tình của mình.

          Một buổi trưa. Trên giường bệnh. Ông gặp Tài trong bộ quân phục chỉnh tề. Ông đã mạnh dạn nói:

          “Tài à, cháu…cháu chính là con bác.”

          Tài ngơ ngác:

          “Ủa, sao cháu lại…biến thành con? Bác nói thế hổng sợ ba Tấn cháu nổi giận à? Ba Tấn là người cha kính yêu của cháu.

          “Chuyện xưa…ngày ấy…”

          “Là chuyện cổ tích ha bác?”

          “Hổng phải cổ tích. Cháu là con bác thiệt mà. Bác với má cháu …yêu nhau. Rồi bác bỏ nhà ra đi…”

          “Nghĩa là bác bỏ vợ, bỏ con…chạy trốn à?”

          “Cũng vì hoàn cảnh thôi”.

          “Hoàn cảnh nào cũng không thể bỏ vợ, bỏ con được. Sao giờ bác mới nói chuyện này?”

          “Thì đấy là nỗi day dứt nhất đời bác. Hãy tha tội cho bác…À tha tội cho ba!”

          Ông bưng mặt khóc rưng rức. Bỗng giật mình tỉnh lại. Ngơ ngác nhìn, chẳng thấy có ai. Căn phòng lặng ngắt. Thì ra giấc mơ. Giấc mơ tái hiện những suy nghĩ của ông trên giường bệnh.

 Tài đang sắp xếp tài liệu, đặt lịch về gặp ông Lê Đại thì nhận được tin ông đang bị bệnh nặng, khó qua khỏi. Và một lá thư viết tay được trao tận tay Tài:

          “Hoàng Văn Tài, con trai yêu quí của ba!

          ...Mẹ con biết rất rõ việc này. Tình yêu với mẹ con có thể phai mờ theo năm tháng. Nhưng lòng trung thực của ba với mẹ-con con thì không thay đổi. Người ta nói: “Một trong những thất vọng nhất của con người là không được sống thật!”…

Chắc con hiểu, sự cao cả và thấp hèn có giới hạn rất mong manh...Hãy tha thứ cho ba. Trên con đường dài dằng dặc đời người, ba đã gồng mình lên, đeo đẳng một vết nhơ. Những tưởng...lụi tàn. Nhưng rồi ba đã vươn lên...Hãy tha thứ cho ba...và yêu thương cả ba Tấn, con à...      

Ba của con: Lê Đại.”

          Tài bàng hoàng. Đầu óc quay cuồng. Ngồi gục mặt xuống bàn. Nước mắt thấm đẫm lá thư. Bao câu hỏi đặt ra trong đầu. Sao lại trớ trêu thế này? Tôi nhận ra cha hay tôi nhận ra tôi đây? Lịch sử luôn là sự thật khách quan. Tôi viết hay không viết? Đây là luận văn tốt nghiệp - Sự nghiệp của đời tôi. Nếu lựa chọn, tất nhiên phải mất một. Tôi không viết thì lịch sử vẫn tồn tại…

          Tài về đến “Trang trại Lê Đại” giữa buổi trưa nắng gắt.

          Ông Đại nằm thiêm thiếp trên giường. Mái tóc nhuốm màu thời gian điểm bạc. Lọn tóc xoăn trên trán hình như hơi xoãi ra, chắc hẳn ông đã trả lời bao câu hỏi của cuộc đời mình một cách thỏa đáng.

 Vợ con và những người thân vây quanh, đang lắng nghe từng nhịp thở của ông.

Mở mắt nhìn quanh, ông Đại nhận ngay ra Tài đứng bên. Ông nhìn mọi người như muốn xác nhận đây là sự thật chớ không phải trong mơ. Ông vẫy tay ra hiệu Tài lại gần. Tài cúi xuống nắm chặt tay ông. Bỗng thốt lên:

          -“Cha...! Cha ơi!”

          Tiếng gọi tha thiết của Tài làm gương mặt ông giãn ra, tươi tắn hẳn, thoáng vẻ mãn nguyện. Mọi người ngạc nhiên, ngỡ ngàng nhìn nhau tưởng như chàng trai trẻ đã mang lại sự sống cho người thân của mình.

             Ông Đại nói đứt quãng mà rành rẽ:

          -“Luận văn...xong chưa?...Sự thật phải được phơi bày…dưới ánh sáng ngọn lửa mới...con à.”

                                                                                                    T.Đ.H.K

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 14
Trong ngày: 137
Trong tuần: 693
Lượt truy cập: 425405
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.