Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

QUA ĐỀN BÀ TẤM

Nguyễn Văn Chương
 
QUA ĐỀN BÀ TẤM
 
“Bây giờ cô Tấm đi đâu
Để dâu ai hái để trầu ai têm
Nhện chăng khung cửi bên thềm
Trăng suông lạc bóng cho mềm lòng nhau
 
Bây giờ cô tấm về đâu
Hài rơi lẻ chiếc chân cầu nước trôi
Cỏ xanh non cũng thừa thôi
Tay liềm bán nguyệt han rồi từ lâu
 
Bây giờ cô Tấm hay đâu
Hết thiêng chiếu chỉ trộm trâu tội đày
Những ai cuốc ruộng chai tay
Những đâu trâu mất ban ngày có đau
 
Bây giờ cô Tấm biết đâu
Bộ Tam Đa đất trát màu sơn tây
Sọt rơm Phúc - Lộc - Thọ đầy
Hàng rong quen mặt phiên này phiên sau
 
Bây giờ cô Tấm ngờ đâu
Cây lan em tựa cây cau em trèo
Người qua như lá bay vèo
Chợ Dâu hàng Thái, chợ Keo hàng Tàu
 
Bây giờ cô Tấm ở đâu
Tháng tư mồng tám hội Dâu không về
Phim heo chiếu cửa bồ đề
áo phông lượn với còi xe bụi ngầu
 
Bây giờ cô Tấm...Tìm đâu...?”
 
 denbatam
 
LỜI BÌNH CỦA ĐỖ NGỌC YÊN
 
   Cô Tấm là một biểu tượng tượng trưng cho nét đẹp truyền thống của người con gái Việt nam; và điều đó cũng có nghĩa cô Tấm là một di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc Việt Nam. Nhưng còn gì đau lòng hơn đối với những ai quan tâm đến việc bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, khi nó đang hàng ngày hàng giờ phải đối mặt và đánh chắt với nền kinh tế thị trường và văn hoá thương mại.
  Càng đọc “Qua đền bà Tấm” của Nguyễn Văn Chương tôi càng cảm thấy chua chát và xót xa không phải cho một cô Tấm bằng xương bằng thịt nào, mà xót xa cho những giá trị văn hoá và nhân văn của dân tộc đang bị mai một. Những đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, thật thà, chất phác và đôn hậu của người phụ nữ Việt Nam phải hàng bao đời nay thông qua lao động, một nắng hai sương, cha ông ta mới tạo dựng được và ký thác nó vào một mẫu người lý tưởng là cô Tấm. Vậy mà chỉ có vài năm mở cửa nền kinh tế theo hướng thị trường thì mọi điều đều rạn vỡ và có nguy cơ tan biến mất.
   Cô Tấm thời kinh tế thị trường không mấy bận lòng với việc hái dâu chăn tằm, mặc cho khung cửi nhện chăng, chiếc liềm bán nguyệt han rỉ. Ngay cả chiếc hài đi ở chân có rơi cũng thây kệ, cô đang bận nặn tượng Tam Đa bằng đất sét và dùng sơn tây quét lên cho nhanh, để còn kịp đẩy sọt đi bán Phúc Lộc Thọ, chứ sơn ta thì lâu lắm. Rồi thì hàng Thái, hàng Tàu đủ loại bày bán la liệt ở chính chợ quê nơi ngay trước cửa đền thờ cô. Trăm người bán vạn kẻ mua đến chóng cả mặt. Cô nghiệm ra các hoàng tử thời nay chỉ cần trả tiền ngay không tình nghĩa, rồi hãy mau như chiếc lá bay vèo khỏi tầm mắt cô đừng để lại điều gì luyến tiếc, nhớ nhung. Thậm chí biến càng sớm càng tốt để cho cô còn bán cho người khác. Hoặc giả, nếu không cô còn bận đi xem phim heo nơi cửa bồ đề. Đến thế là cùng nơi chốn cửa Đền linh thiêng là thế mà kinh tế thị trường cũng không buông tha. Hơn thế nữa người ta còn đem cả những điều uế tạp trước đây thường bị cấm kỵ đến đây để kinh doanh, buôn bán kiếm lời. Ai đi trẩy hội mặc ai, còn em thì nếu không đi xem phim heo thì cũng lên xe máy lượn lờ cho hợp mốt kinh tế thị trường, đừng
có bàn cãi nhiều thêm rách việc.
   Từ những điều mắt thấy tai nghe thường nhật, Nguyễn Văn Chương đã thể hiện sự nhạy cảm của mình trước những đổi thay đến chóng mặt của các cô Tấm thời hiện đại. Nhưng đằng sau những những điều đó là tấm long, cái tâm và sự nuối của tác giả đối với những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Bài thơ giản dị, dễ hiểu lại được thể hiện bằng thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc rất dễ thuộc càng làm tăng thêm khả năng thẩm thấu đối với mọi tầng lớp công chúng. Đó cũng chính là một lời nhắn gửi đến tất thảy chúng ta và nhất là các cô gái Việt Nam rằng đừng vì muốn hợp mốt thị hiếu nhất thời hay vì mục đích kinh tế trước mắt mà đánh mất đi những giá trị nhân văn của mình và cũng là những giá trị văn hoá truyền thống của cả một dân tộc, kẻo rồi cái giá của sự vô tâm ấy còn đắt hơn rất nhiều những gì mà các cô có được hôm nay./.
 
                                                                                           Đ.N.Y
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 208
Trong tuần: 1178
Lượt truy cập: 436389
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.