Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

PHƯỢNG

Hồ Bá Thược


PHƯỢNG 

                     

       Ngày trước, ai đã từng sống ở bờ Nam, nói đến bờ Bắc sông Hồng, đều ngại ngần. Không chỉ đường xa vời vợi, còn tính chuyện cách trở đò giang, sông nước. Từ thời thuộc Pháp, để lại duy nhất mỗi cầu Long Biên nối liền đôi bờ, còn lại vài bến phà, nhiều bến đò ngang bằng con thuyền nhỏ mong manh, nhịp nối đôi bờ. Mùa cạn qua sông không đến nỗi nào, nhưng đến mùa mưa lũ, nhắc đến là rùng mình. Một tảng đất lở ven bờ, một xoáy nước giữa dòng, một con sóng nhỏ, hoặc con đò chao nghiêng, là có thể mất mạng người như chơi.

Không biết bao lâu thời gian, bắc sông Hồng bây giờ, đã trở thành một thành phố lớn, qui mô hiện đại với hàng chục cây cầu bắc qua sông. Hàng vạn ô tô qua lại ngày đêm, xoá sự cách trở “người Nam, kẻ Bắc”. Xa rồi cảnh “cơm niêu nước lọ” của anh công chức bờ Bắc đi làm bờ Nam, hoặc vợ xa chồng, cha mẹ xa con… Hình như sự ngăn cách ấy, không còn trong tâm thức của người hôm nay.

Tôi ra điểm dừng chờ xe buýt, chừng dăm phút, chiếc xe đã đỗ xịch trước mặt. Nhìn đúng số hiệu xe, tôi được anh phụ lái nắm tay hỗ trợ lên xe. Chưa kịp cảm ơn, một luồng hơi lạnh trên xe phả vào người mát rượi, cảm giác như trong phòng lạnh, dễ chịu quá. Dặn anh phụ lái điểm cần xuống, rồi chợp mắt thiu thiu đến nỗi xe qua cầu Thăng Long lúc nào không biết. Tuổi già, dễ ăn, dễ ngủ vậy ư?

Sở dĩ có chuyến đi này, cũng do anh bạn Quỳnh ở Bắc Hồng điện mấy lần, nài nỉ sang nhà chơi một chuyến. Hắn ta còn khích tôi, đây là chuyến đi “dối già”. Nghe cũng buồn cười thật, chỉ đôi bờ sông Hồng, vài chục nghìn tiền taxi, muốn đi là được ngay, sao phải chờ đến lúc cuối đời? Thế là tôi “đóng hộp”, mặc dù bụng dạ bây giờ hơi to một chút. Quần tây, cà vạt, giầy đen, mũ phớt. Thêm một túi “đa năng” lỉnh kỉnh đủ thứ, không quên dắt theo vài cuốn sách.

Từ đại lộ vào nhà Quỳnh, cảnh tượng bầy ra trước mắt. Một góc phố thôi, đã thấy nhà cao ngút mắt, dễ không đếm được bao nhiêu tầng. Liên tiếp nhà to, nhà nhỏ. Người ta ví von, nhà mọc như nấm sau mưa, cũng đúng thật. Dáng dấp các ngôi nhà vững chãi, thoáng mát, cây cối xanh um, cảm giác như khu biệt thự dành cho người giàu. Khác hẳn bờ nam sông Hồng, nhà cửa chen chúc như muốn “đè” lên nhau mà sống.

Đến đầu làng, trước mắt hiện lên một ốc đảo. Nhiều ngôi nhà ngói đã cũ, thấp thoáng trong vườn cây. Tại sao cả vùng đô thị hoá rồi, mà ở đây vẫn còn một ngôi làng cổ tồn tại? Bập ngay vào mắt là cổng làng. Cổ tự cổng làng ghi hai chữ “Làng Gạch”, đắp nổi bằng xi măng đã xuống màu, rêu mốc bám xung quanh. Cổng không cao to hoành tráng như nhiều làng khác, nhưng cũng đủ rộng cho xe nhỏ vào được. Hai lối nhỏ bên cạnh, giành cho người đi bộ. Ba cửa đều cuốn vòm bằng gạch thửa từ thời xa xưa, bây giờ ít thấy loại gạch này lắm.

       Thoạt nhìn, cổng làng có cảm giác thân quen, khiến người đi xa về, thấy da diết đến nao lòng, tựa như trở về lòng mẹ thời niên thiếu. Tôi thắc mắc mãi, không lẽ làng này chuyên sản xuất gạch ngói, mới có tên Làng Gạch? Tuyệt nhiên, không hề thấy một lò gạch nào cả, kể cả lò mới hoặc hoang phế. Đi sâu vào mới thấy, đúng là làng gạch thật. Đường chính, và các đường ngang, ngõ tắt đều lát bằng gạch xếp nghiêng. Nhà cũ, lẫn nhà mới, cũng đều xây bằng gạch mộc, không trát, trần trụi, phơi mưa nắng. Lạ lùng hơn, tất cả các viên gạch dài, rộng đều như nhau, khác hẳn với gạch thông thường ở các làng xã khác. Ngoài những ngôi nhà xây gạch, mái ngói ra, điểm nhấn quan trọng nhất là khu vườn sinh thái. Hình như, vườn nhà nọ nối liền với vườn nhà kia? Mới khoảng chín giờ sáng, đã thấy mấy đoàn khách nhấp nhô trong vườn. Thì ra, họ coi Làng Gạch là một viên ngọc quí, được bảo tồn trong lòng thành phố hiện đại, tạo thành làng sinh thái, phục vụ cho khách tham quan, du lịch.

       Đi vào giữa làng, cạnh bên con đường là một ao làng có dáng hình tròn, rộng khoảng ba mươi mét, bằng gạch xây đứng thành. Dưới mặt ao, nước trong xanh, không lá cây, rác bẩn. Xung quanh tường vây, cao chừng một mét, có lẽ đề phòng trẻ con chơi đùa vô ý rơi xuống ao chăng? Không có cây đa, giếng nước truyền thống như nhiều ngôi làng Bắc Bộ khác. Có lẽ vì sợ lá rơi rụng xuống ao? Thay vì sự thiếu hụt đó, xung quanh thềm ao là những cây trắc bách diệp cao vút, xanh ngắt làm dịu mắt những ngày nắng nóng.phuongthorau

       Ao làng vào tầm này rất vắng người. Bỗng nhiên, tôi thấy một phụ nữ đứng bên bậc cầu ao xây bằng đá hộc. Một ký ức xa xưa ùa về, tôi nhận ra người phụ nữ đó:

Phượng! Có đúng là cô Phượng không?

Vâng, em đây bác ạ. Nếu như nhà em không nói trước, dễ chừng em không nhận ra bác Sáu đâu. Trông bác bây giờ lạ quá, đạo mạo, sang trọng, đúng là nhà văn có khác.

Sao cô lại nghĩ tôi là nhà văn, mà không phải một người nào khác?

Trong tủ sách nhà em, nhiều sách của bác lắm, em đã đọc hết các tác phẩm của bác rồi, hay lắm.

Đây là lần thứ hai, tôi gặp Phượng. Lần đầu, cô vào Sài Gòn thăm chồng. Lúc ấy cô còn trẻ lắm, ngoài hai mươi tuổi một chút. Sau bốn mươi năm gặp lại, Phượng bây giờ không khác xưa mấy, chỉ già đi một chút thôi…

Hôm đó, Quỳnh hẹn tôi ra nhà khách Tổng cục ở phố Nguyễn Minh Chiếu, nhân thể giới thiệu cô vợ ở Hà Nội mới vào thăm chồng.Vừa tới cửa, đã nghe Quỳnh gọi vợ, giọng Bắc pha Nam, nghe buồn cười lắm:

Nhỏ Phượng đâu, bác Sáu T. (cách gọi Nam bộ) ở trong phi trường Tân Sơn Nhứt ra thăm vợ chồng mình đây nè. Cưng ra chào bác, rồi chạy ào ra quán, mua mấy bịch bia về nhậu chơi!

Nghe tiếng “dạ” trong buồng rất nhỏ, rồi Phượng xuất hiện. Tôi ngỡ ngàng nhận ra cô gái mặc bộ đồ Sài Gòn rất mốt. Khuôn mặt khá xinh, dáng người khoẻ mạnh, cân đối. Có vẻ cô cao hơn chồng một chút, dù đi dép lê trong nhà. Với con mắt quen “xoi mói” phụ nữ, tôi thấy vợ chồng họ có điều gì đó “sai sai” thế nào ấy. Có thể, cô là một vận động viên thể dục, thể thao thì đúng hơn? Buột mồm:

Em ở đội Thể Công hay đội Phòng không Không quân?

Phượng tròn mắt, ngạc nhiên rồi mặt ửng đỏ. Chợt nhận ra người khách đang có ấn tượng về chiều cao của mình.

Em hiểu ý của anh rồi. Em không ở trong đội bóng chuyền nào hết. Lúc học cấp hai, người ta đến trường tuyển vào đội bóng, nhưng em không thích. Nếu vào đội bóng chuyên nghiệp, có thể em đã lấy ông Huấn luyện viên rồi, còn đâu đến lượt “anh bộ đội Trường Sơn “nhà em”?

      Năm ấy tết Nôen đã đến. Mọi người lo lắng muốn sắm sanh một chút để chiêu đãi Phượng. Ngặt một nỗi thực phẩm khan hiếm lắm. May quá, tay quản lý bếp Hậu cần cho đôi gà đã làm sẵn, tổ chức liên hoan đêm Nôen

Điều đáng buồn nhất đi chơi đêm Nôen ở nhà thờ Thành phố, Phượng mất hút trong “biển” người. Bỗng nhiên, trước nhà thờ ồn ào, xô đẩy nhau như cơn “lũ ống”. Phượng bị thất lạc từ lúc ấy. Quỳnh hốt hoảng hét tướng lên: “Phượng ơi, đứng yên ở đấy nhé”. Nhưng rồi, tôi và Quỳnh cũng bị “trôi” cách xa nhà thờ hàng trăm mét. Quỳnh nói như khóc:

Thôi chết tôi rồi, một mình thân gái giữa thành phố xa lạ này, nguy hiểm lắm. Cô ấy mới vào, làm sao biết đường sá. Không lẽ hôm nay tôi mất vợ?

Tôi động viên hắn, nhưng thực lòng, cũng hoang mang tột độ. Thế là, hai thằng cố bơi giữa đám đông, miệng không ngớt gọi Phượng. Kiệt sức, tôi bàn với hắn trở về nhà khách, huy động thêm đám bạn bè, thậm chí báo công an tìm người lạc.

Vừa về đến nhà, thấy cửa giả mở toang, đèn điện sáng choang. Hắn lại giật mình một lần nữa. Không chừng thời gian vắng nhà, lại có trộm đột nhập? Chưa kịp hoàn hồn, Phượng dưới bếp xuất hiện, cứ như cô tiên trong quả thị bước ra. Quỳnh đứng như trời trồng, há hốc mồm không nói được câu nào, ào đến ôm vợ .

Nhờ hai chú gà “binh nhì” của bạn cho, bữa nhậu đêm Nôen khá thịnh soạn. Không khí đầm ấm, hạnh phúc, pha chút ân hận, xuýt nữa thì mất Phượng. Nhậu được năm sáu chầu bia, Quỳnh lắp bắp, líu hết cả lưỡi, khoe:

Phượng nhà em có tuyệt vời không anh Sáu? Có lẽ cô ấy đã từng đọc sách “Tây Hán chí” nói về điển cố “chịu nhục qua háng” của Hàn Tín. Một danh tướng thời Tây Hán. Cô ấy đành “chịu nhục” chui dưới chân đám đông người Sài Gòn, thoát được ra ngoài an toàn. Thuê xe xích lô chở về, giỏi quá ta?

Nhìn mặt Phượng đỏ bừng, ngượng ngùng được chồng khen. Tôi thấy Phượng đáng yêu quá, không thấy “sai sai” như lúc đầu mới gặp, mà thực sự họ rất xứng đôi, tràn đầy hạnh phúc trong mùa Nôen giữa thành phố xa lạ này…

Phượng thấy tôi ngây người như bị “ma ám”, bần thần bên cầu ao xây đá hộc, liền đưa tôi về nhà. Phượng không biết tôi đang nghĩ gì về cô ấy. Hơn bốn mươi năm trước, một “hoa khôi” đất Bắc bị “loạn lạc” giữa Sài Gòn hoa lệ .

Ông bạn đón tôi ở bậu cửa, dường như không muốn ra đầu ngõ. Khi bắt tay, tôi mới biết bạn mình đang có vấn đề ở chân. Hắn nói, thời tiết thay đổi là đôi chân bị thương ngày xưa lại nhức nhối, đi lại khó khăn. Phượng nhanh tay rót trà đặc ra chén. Tôi xua tay nói không uống trà, chỉ xin nước lọc. Quỳnh đột ngột hỏi:

Bác thấy quê em thế nào?

Làng, tôi chưa đi hết, nhưng từ cổng làng vào đây, tôi thấy thoải mái quá, làng sinh thái thật đáng sống.

Khi đô thị hoá, dân làng kiến nghị giữ nguyên làng cổ này, để tôn tạo thành làng sinh thái. Hiến toàn bộ đất ruộng, làm đất giãn dân. Ai có tiền và nhu cầu ra đó mà đấu thầu xây dựng nhà cửa, biến thành phố xá. Làng dành một khoản tiền, đầu tư nâng cấp vườn sinh thái. Các gia đình tự phục vụ nhu cầu khách du lịch, vừa kiếm tiền, vừa giải quyết nhân lực.

Ai đề xuất mà có ý tưởng hay vậy?

Cả làng hiến kế, dễ có đến hàng chục cuộc họp rồi ra nghị quyết, kiến nghị lên trên. Không ngờ được chấp nhận dự án. Hơn chục năm rồi, thu nhập cao hơn làm ruộng, nhiều gia đình làm được nhà mới, tu sửa vườn tược. Khách đến tham quan, còn mua cả con giống, cây cảnh. Nguồn thu đa dạng lắm bác ạ.

Thế con cái cô chú bây giờ thế nào rồi?

Em bác có một trai, một gái và được bốn cháu nội ngoại. Cũng nhờ năm ấy vợ vào Sài Gòn thăm chồng, nhà em có được con gái đầu tên là Nôen Nguyễn. Cháu trai đi làm việc ở nước ngoài, có tiền về xây nhà trên đất giãn dân của làng. Còn lại, hai ông bà sống ở nhà này thôi. Bác đi ra xem vườn sinh thái liệu có được không?

Phượng đưa tôi ra vườn. Tất nhiên, ông bạn bị đau chân nặng không đi được. Đúng là vườn của mấy nhà liên kết lại với nhau, nên rộng rãi, thông thoáng. Tôi không có nhiều kiến thức về cây cối, chủng loại, nên không đưa ra được ý kiến gì. Thấy cây cảnh rất đẹp, lạ mắt, gợi tò mò cho du khách. Phượng giới thiệu từng loại cây, xuất xứ ở đâu. Mua lại của người ta bao nhiêu tiền, giá trị sinh lời, tác động từng loại cây đến sức khoẻ, tâm lý con người ra sao? Tôi tròn mắt, không ngờ bà chủ vườn, kiêm kỹ thuật viên, vừa làm hướng dẫn viên du lịch. Xem xong vườn, Phượng đưa vào nhà xem bếp núc. Bụng nghĩ: “Quái lạ, hôm nay đón khách quí, trưa rồi mà bếp núc lạnh tanh thế này?” Chưa kịp rửa tay, đã thấy hai xe máy xịch đỗ trong sân. Họ khuân đồ vào phòng ăn. Phượng có vẻ thanh minh, nhiều hơn nói về tiện ích:

Bác ạ, bây giờ có việc gì lớn, đều có Shipper đưa đến tận nhà, không phải kích rích nấu nướng như thời xưa. Vừa mất thời gian, vừa bận rộn. Thực đơn ở nhà  không phong phú bằng nhà hàng. Ăn ngon, giá cả phải chăng. Trong làng có tới ba nhà hàng ăn lớn, còn nhiều nhà ăn nhỏ bán một hai món đặc sản, kèm theo bán đồ lưu niệm, lấy nguồn hàng độc lạ trong nước, đưa về.

Khi ngồi vào bàn, thấy đồ ăn bày la liệt, chủ nhà cười xởi lởi bảo tôi dùng thoải mái. Lúc mới rót rượu ra chén, chưa kịp nâng cốc, thấy một người phụ nữ chạy vào nhà, chào hỏi xong, cười chữa thẹn:

Anh trai ơi, cho em “mượn” tạm chị dâu chừng nửa tiếng nhé. Chúng em sẽ quay về “chầu” rượu hai bác sau - Cô ấy ghé sát tai chị dâu thầm thì gì đó rồi cả hai tất tả ra cổng.

Hai người đàn bà vừa đi khuất, Quỳnh tươi rói:

Em gái Hoa tôi đấy, nhờ cô ấy mà tôi mới có được người vợ như ngày hôm nay. Nào bác, ta cứ chén tự nhiên nhé, rồi hắn kể.

- Cái ngày em gặp bác, năm 1966 ở đường 20 Quyết Thắng, là do Trung đoàn 10 Công binh vào trong Nậm Bạc thuộc Đoàn 559. Đang hành quân, Trung đoàn được lệnh cấp trên, cho đơn vị dừng lại, phối thuộc Binh trạm 14, bảo đảm giao thông đường 20. Em đang lao động ngoài trọng điểm, bị thương ở chân do bom bi. Vì sức khoẻ yếu, đại đội cho về làm thống kê. Còn bác, gần như trọng điểm nào cũng có mặt. Cuối cùng trụ lại trọng điểm ATP ác liệt nhất cùng với Đội 25 TNXP. May mắn còn giữ được “gáo”, anh em ta mới có dịp gặp nhau.

 Không biết vì duyên cớ gì (có lẽ do em có tí văn hoá tốt nghiệp cấp II?) họ cho đi học mấy tháng rồi chuyển về Binh Trạm làm thống kê kho hàng. Sau này được điều chuyển về Phòng Kho hàng Cục Vận tải ở Hà Nội, lại gặp được bác bên Phòng Khoa huấn, trái đất nhỏ thật đấy, bác nhỉ! Leo mãi mới lên trung uý, được về cơ quan Bộ cũng là “oách” rồi.

Cũng may, Quỳnh ở bên bắc Hồng, là sĩ quan được phép về gia đình sau giờ làm việc, nên có thời gian lo việc gia đình. Cô em gái thúc dục muốn anh trai lấy vợ trước.

Tôi bảo: “Còi to, cho vượt”. Nhưng nó cứ dãy nảy lên, kêu còn bé với lại có một cô bạn muốn gán ghép cho ông anh, không nhanh tay thì vuột mất.

Em gái hỏi có biết chị Phượng không, tôi bảo có biết: “Con bé nhỏ tí teo từ thời học lớp 5 dưới anh hai lớp”. Nó bĩu môi, bây giờ gặp, anh “sái cổ” luôn. Chị ấy cao hơn anh một “tí”, người cân đối, vòng nào ra vòng ấy, đẹp như hoa hậu, đến em cũng phải ghen tỵ nữa là. Người chị ấy đậm đà, khoẻ mạnh. Nếu ẻo là, gầy đi một chút, là thành người mẫu rồi đấy. Tôi sốt ruột hỏi thế bây giờ cô ấy ở đâu? Cô em cười ngoa ngoắt. Mới lộ vài thông tin, ông anh đã cuống lên. Nếu gặp chị ấy, là anh “đổ” luôn.

Rồi em gái kể, hai chị em cùng trung đội nữ dân quân của xã. Suốt ngày đêm, cùng với bộ đội xây các trận địa tên lửa, trận địa pháo tầm cao. Mục đích là bắn chia lửa cho Nội thành. Trận địa di chuyển đến đâu, làm trận địa mới đến đấy. Công việc liên miên, lâu ngày quen hết các sĩ quan, chiến sĩ trong đơn vị. Tôi lắc đầu:

Thế thì, khối chàng sĩ quan tán tỉnh yêu đương, làm sao thoát khỏi lưới tình dăng ra? Hơn nữa, bọn họ là sĩ quan tên lửa, tán gái nhanh lắm?

Đúng thế - Cô em khẳng định chắc nịch. Chị ấy đẹp, nhìn vào là họ mê ngay, làm sao dửng dưng cho được. Các “đuôi” bám vào chị ấy có đến hàng tá. Có anh si tình quá, mò đến tận nhà làm quen với gia đình, tiếp cận đối tượng. Chị ấy phân trần nói đã có người yêu, không tỏ một thái độ gì để họ mơ tưởng. Thậm chí chị ấy còn đưa cho họ xem cả nhật ký của mình. Người yêu chị ở trong đó. Vậy mà họ đâu có tin, cứ bám riết như đỉa đói.

 Sao không bảo Phượng, chọn lấy một sĩ quan cho yên thân?

Em cũng bảo thế, nhưng chị ấy nói cũng thích lấy chồng bộ đội, nhưng phải là người cùng làng. Sau này, còn đi lại giúp đỡ cha mẹ đôi bên, mới tròn chữ hiếu. Nhỡ lấy họ rồi, chẳng lẽ suốt ngày đi theo mâm pháo ?

Bác ạ, câu chuyện cô em gái kể khiến em nao lòng, muốn gặp. Thế là nó chủ động tổ chức cho em gặp Phượng vào một đêm thứ bảy. Chỉ mấy đêm liền như thế, chúng em yêu nhau cuồng nhiệt… rồi không lâu trở thành vợ chồng.

Cưới vợ xong, chúng em phải nộp cho làng hai ngàn gạch. Đây là lệ của làng có từ thời xa xưa cho đến tận bây giờ. Vì thế, trong làng đường ngang, ngõ tắt, công trình công cộng ở đâu cũng bằng gạch. Bây giờ trên Hương Canh không chu cấp nữa, đành phải làm giả gạch xi măng, nhưng kích thước như viên gạch trước đây. Gạch này được sơn trộn với cát làm giống như viên gạch thật. Khách đến tham quan, phải quan sát thật kỹ mới phân biệt được thật giả.

Nhà nghèo, bố mất, còn mẹ già ốm yếu, kinh tế chỉ dựa vào cô em gái, nên rất khó khăn. Vợ chồng mới cưới, lấy đâu tiền mua gạch? Trong khó khăn, Phượng nảy ra một sáng kiến: Gần bến xe Bến Nứa có một đoạn đê cũ bỏ đi, đất bị xói mòn, trơ lại các hòn đá kè đê, không có cơ quan nào di chuyển. Nhằm vào đống đá ấy chở về xây cầu ao. Hiện tại ao làng mới có ba cái cầu xây gạch. Nhà mình xây thêm một nữa cho đủ bốn cái tương xứng với bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc? Còn vận chuyển đá về làng như thế nào, Phượng tính chỉ ba tháng sau, thừa đá xây cầu ao.

 Vấn đề làng có chấp nhận công trình có chất liệu khác ngoài gạch không? Khi trình bày phương án xong, không ngờ, các cụ trong làng cho là ý tưởng hay. Họ yêu cầu phải làm cam kết thời gian, chất lượng, mỹ quan...

 Chiếc xe đạp của chồng đang đi, Phượng bán đi mua  chiếc xe đạp thồ. Thấy chồng nhăn mặt, sợ không có xe đi làm, Phượng cười bảo chồng yên tâm. Mỗi sáng  Phượng thồ một tạ rau củ quả, kèm theo chồng ngồi sau xe, vợ đưa đến tận cơ quan. Khi chồng vào Thành làm việc, vợ chở rau ra chợ Bắc Qua bán.

Chiều tối, chồng tan tầm, vợ đến đón, cả hai cùng ra Bến Nứa, chở thêm một tạ đá hộc, rồi hai vợ chồng cùng về nhà. Có chồng đi theo, vợ yên tâm chồng phụ việc xe lên đò, xuống bến. Vậy là, mỗi ngày có hàng đi, hàng về, kèm theo ông chồng ngồi sau lưng vợ, tha hồ tình cảm. Phượng trêu:

- Chồng ơi! Không phải em quản lý chặt chồng mình đâu, mà em muốn sớm tối vợ chồng đều có nhau. Nếu anh chán em, cứ ở bên cơ quan, đừng về nhà nữa. Bao giờ đủ tiền, em mua cho anh chiếc xe đạp mới, muốn chở em nào đi chơi thì tuỳ.

- Bác thấy Phượng nói tận đáy lòng của mình rồi đấy? Em nghe vợ nói, mà sướng điên. Mọi việc cô ấy bàn rõ ràng rồi. Chỉ hiềm một nỗi, mỗi ngày cả đi lẫn về, Phượng phải cõng trên xe thồ, rau củ lẫn người đến hai tạ rưỡi hàng, sức đâu mà chịu nổi? Phượng cười rất tươi, khoe trước khi chưa lấy chồng, cô còn thồ được ba tạ một lần cơ đấy. Có thể chở thêm được hai ông chồng như anh, đừng lo nhiều cho vợ…

Hết mấy chầu rượu rồi, hắn say sưa khoe vợ, ca ngợi hết lời, coi là thần tượng. Nhưng tôi thấy, hắn khoe như thế vẫn chưa đủ. Bởi Phượng làm nhiều việc hơn thế, không phải người phụ nữ nào cũng làm được. Tôi có ấn tượng, muốn ví Phượng gần giống với bà “Nữ Oa đội đá vá trời” thuở xa xưa, nhưng chưa kịp nói thì điện thoại trên bàn kêu reng reng. Hình như Quỳnh quên tắt loa ngoài điện thoại, ngồi bên kia bàn, tôi vẫn nghe rõ Phượng nói:

Mình à? Tưởng hai chị em chỉ đi có một chút rồi về, ai dè công việc phức tạp hơn mình tưởng. Hôm nào hai chị em sẽ sang thăm bác.

Ra đúng trạm chờ, vừa hay, chiếc xe buýt cũng vừa tới đón khách. Anh phụ lái giúp tôi ngồi đúng vào chiếc ghế buổi sáng. Vài chén rượu vừa phải, người thấy tỉnh táo, nhưng tâm trí đôi chút còn băn khoăn. Đáng lẽ, Quỳnh được hưởng chế độ thương binh, nhưng giấy tờ thất lạc, cơ quan làm chính sách không có cơ sở giải quyết, đành chịu. Thảo nào, khi đến nhà, thấy hắn chống gậy dáng liêu xiêu, nhưng vẫn giữ được thăng bằng, tựa như muốn khẳng định, trong hoàn cành nào, không làm hắn ngã gục.

Quỳnh nói như an ủi tôi:

Không sao đâu bác, em không được hưởng chế độ thương binh, cũng tại mình không cẩn thận giấy tờ. Thôi, cũng là điều hay. Phần hưởng chính sách ấy, để dành cho các bạn thua thiệt hơn. Mang trong mình truyền thống bộ đội Trường Sơn, chúng em rất tự hào, không bao giờ đánh mất. Bây giờ, nhờ tự lực cánh sinh, nhờ làng sinh thái. Bác thấy đấy, làng chúng em có khác gì “Thiên đường” dưới trần gian không? Màu xanh Trường Sơn còn xanh mãi trên làng sinh thái. Nhờ đó, chúng em sống khoẻ, sống tốt.

        Xe mải miết chạy, tôi bỗng thấy hàng kính bên hông xe, loang loáng ánh hồng. Nhìn ra ngoài, thấy hàng phượng vĩ bên đường đỏ rực, mới nhận ra mùa hè đã tới./.

                                                               H.B.T

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 55
Trong tuần: 635
Lượt truy cập: 425293
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.