Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

PHÊ BÌNH VĂN HỌC CẦN NHỮNG GÌ?

PHÊ BÌNH VĂN HỌC CẦN NHỮNG GÌ?

 

Vũ Thanh Hoa phỏng vấn Nhà văn Nguyễn Trường

 anh_ng.truong

Vũ Thanh Hoa: Chào Nhà văn Nguyễn Trường.

Từ tháng 12-2022 Tạp chí Văn nghệ Bà Rịa- Vũng Tàu

mở chuyên mục ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY nhằm giới

thiệu tới bạn đọc nhiều hơn những tác phẩm thơ hay và

để các nhà thơ giới thiệu về nhau một cách chuyên

nghiệp hơn, đồng thời người giới thiệu và người sáng

tác cùng học hỏi và nâng cao tay nghề viết văn.

Được biết Nhà văn Nguyễn Trường không chỉ

thành công ở mảng sáng tác văn học mà còn là cây bút

phê bình văn học sâu sắc, vậy xin ông tóm tắt về khái

niệm phê bình văn học một cách khái quát và dễ hiểu để

bạn đọc có thể phân biệt được giữa việc “bình luận một

tác phẩm” khác với “lý luận phê bình văn học” như thế

nào ạ?

-Trả lời: Tôi là người sáng tác, không phải là cây

bút phê bình văn học. Tôi có viết một số bài về các tác 

phẩm văn học cụ thể nào đó, lấy kinh nghiệm sáng tác

của mình để bình phẩm, chỉ ra cái hay, cái chưa hay của

tác phẩm mà mình thích. Đó cũng là cái chung của các

nhà văn, hầu như các nhà văn không nhiều thì ít đều có

viết phê bình văn học. “Phê bình văn học là sự đánh giá

các hiện tượng văn học từ những quan điểm thẩm mỹ

khác nhau. Nghệ thuật đi tìm cái đẹp của đời sống. Phê

bình văn học đi tìm cái đẹp của nghệ thuật. Phê bình có

thành tựu là phán đoán được đường đi nước bước của

văn học (Tác giả/ tác phẩm/ khuynh hướng). Nhà phê

bình tài năng là một “nhà tiên tri” bằng sự mẫn cảm

nghề nghiệp -năng lực đón đợi- có thể hình dung được

những bước đi của văn học”. (Nhà phê bình văn học Bùi

Việt Thắng). Văn học càng phát triển càng mở rộng và

khơi sâu năng lực cảm thụ của người đọc. Vì thế, phê

bình văn học ngày nay rất quan trọng. Nó có tác dụng

hướng dẫn (hay gợi ý) cách đọc (tiếp cận) tác phẩm,

giải mã tác phẩm văn học. Nó là cầu nối giữa tác phẩm

và người đọc.

Sự khác nhau giữa nhà lý luận phê bình và nhà văn

sáng tác biểu thị ở khâu then chốt nào? Trước hết, theo

Nhà văn Ma Văn Kháng: “Ít nhất họ (nhà phê bình văn

học) là người có học nhiều hơn tôi. Sáng tác thì có thể

dựa vào năng khiếu bẩm sinh và vốn sống riêng nên có

thể sinh ra văn tài Võ Huy Tâm chứ lý luận phê bình thì

không có trường hợp nào như thế.” (Phút giây huyền

diệu- Ma Văn Kháng, NXB Hội Nhà văn, 2013). Suy ra,

người sáng tác có thể qua kinh nghiệm của mình, qua

nghiền ngẫm, qua thực tế sáng tác... mà viết về một tác

phẩm nào đó, có khi rất hay, rất tinh tế làm nhà lý luận

phê bình cũng phải khâm phục. Trần Đăng Khoa viết

Chân dung và đối thoại, một cuốn sách hay về các nhà

văn, nhận xét, bình luận về các tác phẩm của các nhà

văn rất sắc sảo, “có cái nhìn tinh quái của người sáng

tác văn chương” (Nguyễn Văn Thọ).

Còn bình luận (ngày trước các cụ gọi là bình văn)

một tác phẩm là bình luận về một vấn đề (phương diện)

nào đó thuộc giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của tác

phẩm văn học cụ thể, giúp khơi sâu năng lực cảm thụ

văn học của độc giả. Cũng có khi người bình luận bình

rộng ra, so sánh với các tác phẩm trong và ngoài nước,

nhưng tựu trung lại không thể đi quá giới hạn là bình về

một tác phẩm đang bình, nếu nói quá rộng, quá xa sẽ dễ

lạc đề.

Lý luận văn học, bằng các phương pháp khác nhau,

có nhiệm vụ phân tích, lý giải về một tác phẩm cụ thể,

cũng có khi về một giai đoạn văn học, một trào lưu, một

khuynh hướng văn học, trong nước hoặc ngoài nước đã

hình thành, hay đang hình thành trong đời sống văn

học. Với phong cách hàn lâm, kinh viện, người viết khái

quát được những quy luật chung nhất là về văn học,


quy luật đó đồng hành với quy luật phát triển của cuộc

sống, nâng lên thành lý luận, qua đó dự đoán được

tương lai của một nền văn học, một trào lưu văn học...

Tóm lại, phê bình văn học (bao gồm bình luận văn

học nhưng phạm vi quan tâm rộng hơn) và lý luận văn

học, dù có cùng đối tượng là văn học (tác giả, tác phẩm

văn học, khuynh hướng, phong cách, đặc trưng ngôn

từ...) có phần vừa giống nhau, vừa có phần không giống

nhau. Nếu nói hình tượng thì như hai vòng tròn đồng

tâm.

-Vũ Thanh Hoa: Thưa nhà văn, khi phân tích một

bài thơ ta dùng trí hay cảm nhiều hơn, nói một cách

khác là cần dùng học thuật hay chỉ cần dùng cảm nhận

bằng trái tim là đủ? Có sự phân biệt giữa nghiệp dư và

chuyên nghiệp ở đây không?

-Trả lời: Khi phân tích một bài thơ ta dùng trí

nhiều hơn, trí cũng có nghĩa là học thuật rồi vì trong trí

là cả bề dày kiến thức của người phân tích tác phẩm.

Vậy đòi hỏi người phân tích phải có học, có kinh

nghiệm, có vốn sống phong phú về đời sống văn học.

Tất nhiên người phân tích có khả năng cảm nhận về

những câu thơ hay thì bình luận sẽ tinh tế hơn, sâu sắc

hơn. Nhưng như tôi đã viết trên báo Văn nghệ số 39,

ngày 24/9/2022, bài “Hồn nhiên như tuổi thơ còn sót

lại”: “Thơ cần đa nghĩa, nhưng phải để cho độc giả hiểu.

Thơ tù mù, rối rắm không hiểu thì làm sao người ta cảm

được... Không có nhận thức, không có con người. Hiểu,

chính là nhận thức của con người”. Vậy yêu cầu bài thơ

mang ra bình ấy phải để cho độc giả hiểu, người bình

thơ mới vừa dùng trí vừa dùng trái tim và tâm hồn mà

cảm được. Nhưng cảm được bài thơ có khi còn do

người bình đồng điệu với tác giả, rung động trước tác

giả và hoàn cảnh ra đời bài thơ. Khi đang đi trong chiều

mưa phùn chớm đông của miền Bắc ta dễ cảm được câu

thơ “Đã nghe rét mướt luồn trong gió” của Xuân Diệu.

Hay như Chế Lan Viên khi làm tập thơ “Mùa cổ điển” đã

chê bài thơ Qua sơn của Quách Tấn kém thi vị. Nhưng

đến khi nhà thơ “lên lầu cửa Đông Bình Định, hôm ấy

trưa nắng, bốn phía người qua lại rộn ràng. Một mình

sống trong tịch mịch, Hoan mới cảm thấy vị đắng của

đời người. Và thế là bài Qua sơn của Tấn đã xuất hiện

trong tâm trí. Hoan rung cảm và bâng khuâng nhớ Nha

Trang quá... Tấn ơi thơ tuyệt cú của Tấn hay hơn bát cú

một bậc. Qua sơn hay lắm!” (Phút giây huyền Diệu-

SĐD). Một bài thơ ít nhất phải có đôi ba câu thơ hay.

Chính những câu thơ hay làm sáng cả bài thơ. Người

viết phê bình phải có khả năng thẩm thơ, biết lẩy ra

được nhưng câu thơ hay đó. Sinh thời nhà phê bình văn

học Hoài Thanh đã viết đại ý, muốn đọc một bài bình

thơ trước hết đọc những lời thơ trích dẫn xem có hay

không. Nếu thơ trích ra khen mà không hay, thì đừng


phí thời gian đọc bài bình thơ ấy.

-Còn phân biệt giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp

thì tôi không đặt thành vấn đề. Một người nghiệp dư

nhưng có tài, có cách cảm tinh tế đến “tinh quái” có khi

lại bình một bài thơ nào đó hay hơn một nhà phê bình

chuyên nghiệp là chuyện bình thường.

-Vũ Thanh Hoa: Theo Nhà văn Nguyễn Trường, sự

thiếu hụt đội ngũ viết lý luận phê bình văn học hiện nay

có thực sự đáng lo ngại không? Tai sao người sáng tác

thì rất nhiều nhưng phê bình văn học thực sự rất yếu và

rất thiếu. Phải chăng vì ngại đụng chạm, vì lười đọc, vì

kiến văn mỏng?

-Trả lời: “Thiếu và yếu” là một cách nói chủ quan

về thực trạng lực lượng phê bình văn học hiện nay.

Thực tế thì đội ngũ lý luận phê bình văn học của chúng

ta rất hùng hậu (có hơn 100 hội viên Hội Nhà văn Việt

Nam chuyên ngành lý luận phê bình). Chỉ điểm sơ các

nhà lý luận phê bình văn học lớp trước, người còn

người mất: Hoài Thanh, Phan Ngọc, Phong Lê, Nguyễn

Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Phương Lựu, Phan Cự

Đệ, Hà Minh Đức, Văn Tâm, Lê Ngọc Trà, Trần Đình Sử,

Vũ Nho, Hồng Diệu... đến các nhà Lý luận phê bình “trẻ”

hơn như Bùi Việt Thắng, Trần Đăng Suyền, Tôn Phương

Lan, Bích Thu, Lý Hoài Thu, Lê Huy Bắc, Phạm Xuân

Nguyên, Hoàng Đăng Khoa... Nhưng hùng hậu không


kém là các nhà văn, nhà thơ vừa sáng tác vừa viết lý

luận phê bình, các nhà sáng tác không nhận mình là nhà

lý luận phê bình, mà ghi trong tác phẩm: Tiểu luận; bút

ký nhà văn; nhà văn nói về nghề văn; luận bàn văn học...

(Cũng người mất người còn) như: Hoàng Cầm, Trần

Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân

Diệu, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh

Châu, Ma Văn Kháng, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa,

Phạm Đình Ân, Nguyễn Văn Thọ, Sương Nguyệt Minh,

Nguyễn Trọng Tạo, Lê Huy Mậu, Uông Triều... “Văn phê

bình của họ không lệ thuộc vào sách vở, không mắc

bệnh “kinh viện”, mà chủ yếu xuất phát từ kinh nghiệm

- kinh nghiệm sáng tác và thưởng thức. Đặc điểm này

làm cho văn phê bình của họ nhiều khi phóng túng,

thiếu chặt chẽ, nhưng thường tinh tế và hấp dẫn, nhất là

với những thứ có tính chất vi mô” (Hồng Diệu- Tham

luận tại Hội nghị lý luận, phê bình toàn quốc lần thứ

nhất do Hội Nhà văn tổ chức tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc)

ngày 14 và 15/8/2003).

Người sáng tác chỉ cần năng khiếu, vốn sống là có

thể viết nên tác phẩm. Thậm chí Trần Đăng Khoa mới 8,

9 tuổi, đã sáng tác nên những bài thơ hay làm người lớn

phải ngả mũ thán phục. Nhưng nhà lý luận phê bình

không thế, phải có học đến nơi đến chốn (học ở sách vở,

ở trường đời, ở khả năng tự nghiên cứu...). Nhà văn Ma

Văn Kháng đã dành gần hết tuổi đời cho sáng tác, về già

đã rút ra kết luận: “Để trở thành nhà phê bình thực thụ

là khó vô cùng. Thậm chí còn khó hơn sáng tác. Chứng

cớ là cả một thời kỳ văn học rực rỡ 1930- 1945, điểm

danh các nhà phê bình tầm cỡ Hoài Thanh khéo chỉ có

một mình ông, trong khi đó thì giới sáng tác là cả một

khu rừng. Nghề này vừa đòi hỏi năng khiếu bẩm sinh

vừa cần sự uyên bác” (Phút giây huyền diệu, SĐD). Bởi

vậy ở ta, nhà lý luận phê bình văn học ít hơn người sáng

tác là điều dễ hiểu. Ngoài ra cũng còn yếu tố thị trường

nữa, cũng theo nhà phê bình Hồng Diệu (tài liệu đã

dẫn): “Phê bình là một nghề bạc bẽo. Đã nhiều người

nói rồi, nhuận bút thấp, in tác phẩm khó, đầu tư ít, (nếu

có dịp được đầu tư), lại luôn luôn đối diện với những va

chạm, xung khắc, thù oán... Vậy nếu không thực sự có

năng khiếu, nếu không thực sự có niềm say mê khác

thường với nghề này thì người ta không thể nào làm

phê bình chuyên nghiệp được. Nhìn chung nhiều nhà

phê bình chỉ xông xáo làm phê bình vài ba năm rồi...nản

chí, chuyển sang dành thời giờ để làm việc khác như

nghiên cứu, biên soạn... ít dính dáng đến phê bình”.

Tuy nhiên cũng không thiếu người viết giỏi, có bản

lĩnh thì không sợ đụng chạm, dù có đụng đến những tác

giả lớn, đã định hình trong nền văn học. Đơn cử như

cuốn “Chân dung và đối thoại” của Trần Đăng Khoa.

Cuốn sách này đã thẳng thắn chỉ ra những chỗ chưa

được của các nhà văn lớn, làm được điều đó yêu cầu


nhà lý luận phê bình phải có tài năng vượt trội, chinh

phục được trí tuệ và trái tim người đọc. Những nhà lý

luận phê bình văn học như thế ở ta ít và hiếm.

-Vũ Thanh Hoa:Từ kinh nghiệm của mình, Nhà

văn Nguyễn Trường có thể cho biết những yếu tố cần

thiết nào để trở thành một nhà phê bình văn học “Có

nghề, có con mắt xanh thẩm văn”. Lời khuyên của nhà

văn cho những ai muốn đi theo con đường Phê bình văn

học đích thực?

-Trả lời: Theo Nhà văn Ma Văn Kháng, muốn trở

thành nhà lý luận phê bình văn học cần: “Được học

hành đào tạo bài bản chính quy đàng hoàng. Xoàng ra

tốt nghiệp đại học xong họ còn cả quá trình nghiên cứu

học lên. Nhiều người tu nghiệp ở nước ngoài, không

hiếm người có văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư... Nhà Lý

luận phê bình thì thế nào cũng phải lăn lộn trong cánh

rừng sách vở từ Aristotle, Hegel cổ điển đến Pospelov,

Bakhtin, Jean Paul Sartre, Roland Barthes hiện

đại...(Sáng tác và cây roi phê bình- Ma Văn Kháng, báo

Nghệ thuật số 9 ngày 8/10/2012). Như thế yêu cầu nhà

phê bình phải học hành đến nơi đến chốn, biết nhiều

ngoại ngữ để đọc được nguyên bản các tác phẩm ở

nước ngoài, những nước có nền văn hóa, khoa học tiên

tiến, nắm được xu thế của thời đại, của dòng chảy văn

học thế giới để cập nhật phê bình văn học trong nước,


hướng dư luận và nâng cao khả năng cảm thụ văn học

của người đọc, gợi mở cho giới sáng tác... Như vậy yêu

cầu người làm lý luận phê bình văn học thật sự uyên

bác, lại có phải có năng khiếu trời cho, một sự đam mê

khác thường, một sức khỏe đủ tốt để đọc và lao động

văn học cật lực... mới có thể trở thành nhà lý luân phê

bình văn học đích thực.

-Vũ Thanh Hoa: Vâng, xin cảm ơn Nhà văn

Nguyễn Trường.

 

(Tạp chí Bà Rịa - Vũng Tàu tháng 12/2022)

Trích trong cuốn GẶP GỠ NHỮNG VÙNG VĂN HỌC

anh_cua_trung_nguyen_11

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 150
Trong tuần: 700
Lượt truy cập: 425421
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.