Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

PHẠM VĨNH CƯ GIỚI THIỆU THƠ BẢO NGỌC

Đôi lời của một bạn đọc vong niên

PHẠM VĨNH CƯ

bao-ngoc-vanvn6

NHÀ THƠ BẢO NGỌC ( BÍCH NGỌC)

Hơn 20 năm về trước, hồi còn tồn tại trường Viết văn Nguyễn Du và người viết mấy dòng này còn được làm việc và giảng dạy ở đấy. Vào một trong những mùa tuyển sinh cuối chót, một nữ sinh mới tốt nghiệp trung học phổ thông ở Khoái Châu, Hưng Yên, nộp dự thi một chùm thơ dĩ nhiên còn đậm nét thơ ngây, học trò song qua chúng người đọc có kinh nghiệm đã có thể nhận ra le lói một đôi dấu hiệu về bản sắc thơ có thể hình thành. Trong cuộc sát hạch vấn đáp, khi một giám khảo viên hỏi: “Ước mơ cao nhất của em là gì?”, nữ thí sinh ấy không do dự trả lời, nét mặt trở nên trang nghiêm, quả quyết: “Để lại cho đời một số bài thơ”.

Một ước vọng quả là cao. Ở mọi nơi và mọi thời đại đều thế, nhất là ở nước ta, trong thời đại của chúng ta. Thực tại thơ ca ở ta từ năm này sang năm khác, từ thập niên này qua thập niên khác cho thấy quá rõ điều đó. Nghe nói, Xuân Diệu cuối đời, nhìn lại toàn bộ sáng tác của mình, nói với bạn bè rằng, ông đã để lại cho các thế hệ con cháu, tức là cho chúng ta hôm nay, một “ngũ đại thi”. Được biết ý kiến về mình ấy của một tác gia vẫn được xem là “ông hoàng” của Thơ Mới và của thơ tình Việt Nam, cũng vẫn kẻ viết mấy chữ này đã đọc lại toàn bộ thơ Xuân Diệu và theo nhận định cố gắng công bằng của nó thì con số “ngũ” ấy cao hơn cái có thật. Còn các nhà thơ nữ thời hiện đại của chúng ta thì… Nhưng lẽ tất nhiên, đã ước vọng thì phải ước vọng cao xa. Người ta từng nói, anh lính cầm súng trường nào không mơ đến cái gậy quyền của nguyên soái thì đó là anh lính tồi.

Cô nữ sinh ấy đã được tuyển và sau bốn năm học tập đã ra Trường Viết văn, không để lại những thành công nổi bật trong sáng tác, mà những người làm Trường cũng không mong đợi điều ấy, chỉ kỳ vọng từng học viên thu lượm được cho mình mỗi người một hành trang không thể thiếu cho những cuộc viễn du sáng tạo sau này.

Trong vòng mười tám năm sau đó, người nữ sinh cũ của Trường Viết văn đã kiên trì im lặng, không in ở đâu một bài thơ nào. Nhưng năm nay, thì cho ra mắt bạn đọc hai tập thơ: Bến trăngGiữ lửa.

Không đề cập đến tập thơ Bến trăng do tính chuyên biệt rất rõ của nó, người năm xưa từng đọc thơ của Bích Ngọc có thể nói gì về tập Giữ lửa gồm hơn năm mươi bài thơ trữ tình được sắp xếp thành ba phần, chắc là theo mức độ gần xa với tâm não trạng hôm nay của tác giả?

Trước tiên là niềm vui nho nhỏ được đọc lại vài bài thơ thiếu thời đã gây ấn tượng không sai năm nào. Hóa ra – một lần nữa độc giả đã cao tuổi này ngộ thấy – cái trẻ non mang hứa hẹn có cái duyên riêng không phai của nó, không lệ thuộc vào việc những hứa hẹn ấy sau này có hóa thực hay không. Ra khỏi cái trẻ non tự nhiên ấy để đến được với cái chín chắn, già dặn mang cá tính của riêng mình, ngay với những tài năng lớn cũng là quá trình quanh co khúc khuỷu, không chỉ với những thu lượm, mà cả với những mất mát khó tránh. Trường hợp Bích Ngọc cũng không khác. So sánh những bài thơ niên thiếu của tác giả này như: “Thương em”, “Lời thu”, “Mắt cỏ”, “Đóng cửa trái tim”  với một số bài viết trong nhiều năm sau này – “Soi bóng”, “Dòng thương”, “Hành khất”, “Hành trình”, “Trở về”… - ta thấy thoáng tiếc một Bích Ngọc chân thật, hồn nhiên và bạo dạn nói những lời của mình năm nào. Cái áo cô đơn, lẻ loi, lạc bầy mà người làm thơ này sau đó nhiều năm khoác lên mình và bây giờ thỉnh thoảng vẫn vận lại là bộ trang phục chung của quá nhiều tác giả thơ nữ ở nước ta. Cái giai điệu đơn côi tập thể, nhẹ lâng lâng, tự vuốt ve, tự ôm ấp, cứ hát đi hát lại hợp xướng chẳng khác gì đơn ca ấy sao xa khác nỗi đau cô đơn xé lòng, dù khát khao đến đâu cũng không thể một mình vượt qua của từng tâm hồn con người trong đời thật và sao nó vênh lệch với điệu thức chung của thơ thế giới hôn nay – điệu thức nhiều khi rất nghịch nhĩ, lạnh sắc, gây sốc ấy thể hiện một sự thách thức mới, đã phải mua bằng giá rất đắt của loài người, sự tỉnh táo trước tiên đối với những ảo tưởng, ảo mộng, ảo vọng, với thế giới nội tâm từng được mù quáng tôn thờ của mình. May thay, ở ngay phần giữa của tập thơ, bên cạnh những câu thơ và bài thơ “viết chung” hư tạo ấy, chúng ta được đọc mấy bài thơ khác, mang hơi thở sống của đời thực, đời riêng: “Bến thương”, “Nhớ ngoại”, “Cô của trò ngoan”, mỗi bài với thi vị riêng, không lẫn lộn.

Nhưng một mực trung thành với cái đời thực, đời thường, với ngôn ngữ mộc mạc, chất phác của nó để từ đó chưng cất nên một đặc tửu ngày càng già, càng đậm nồng lại là một việc không dễ dàng tí nào và xét kỹ thì cũng không thích hợp với cái căn tạng của nữ tác giả này, vốn thích thả mình vào thế giới của những suy cảm, suy tưởng. Và Bích Ngọc ở phần được in trước của tập thơ đã chia sẻ với chúng ta những tìm kiếm mới nhất của mình – phần này theo chúng tôi là đáng để ý hơn cả và hữu trọng hơn cả. “Cảm hứng”, “Giữ lửa”, “Mắt trẻ”, “Tìm lối”, “Hỏi – Đáp”, “Yêu”, “Hoa hồng”, “Người vá tháng năm”, “Ngày đi”, “Gọi ngày” – qua những bài thơ mới này, như qua mấy bản phác họa, có thể nhận ra một khuôn mặt tác giả mới, khác xưa và cũng không giống ai xung quanh. Tác giả này, hay nhân vật trữ tình này, đang gắng tìm ra cho mình một thế giới mới, riêng biệt mà lại vững chãi trong đời, một lăng kính mới, sáng hơn và chắt lọc hơn, để nhìn nhận đời và nhìn nhận bản thân, một phương cách tiếp cận trước đó chưa được biết đến, đặc thù của nghệ sĩ đối với hiện tại và quá vãng của quê hương, đất nước. Còn phải chờ xem những tìm kiếm này được tiếp tục như thế nào, nhưng những bước đã đặt đáng được khích lệ. Chúng tôi muốn bày tỏ một vài nguyện vọng cụ thể với tác giả, xuất phát từ một bài thơ cụ thể mà chúng tôi tâm đắc.

 

Mắt trẻ

 

Trẻ thơ vẽ

Mặt trời xanh xanh

Bình minh mềm như cỏ

Gió có chân

Rung bờm, tung vó.

 

Trẻ thơ vẽ

Dòng sông ráng đỏ

Trái hoàng hôn trôi

Lênh lênh cuộn về trời!

 

Trẻ thơ vẽ

Những đôi mắt cười

Nét cọ tươi

Đôi chân trần

Chạm lòng đất mẹ!

 

Trẻ thơ vẽ

Hơi thở đêm khe khẽ

Mắt ban mai

Mặt đất hồi sinh.

 

Này những ai đã lạc mất hồn mình

Hãy lên chùa sám nguyện

Rồi trở về

Nhìn vào mắt trẻ thơ!

 

Trong thi phẩm khó chê này, chúng tôi lưu tâm đến hai chữ “sám nguyện”. “Sám nguyện” chứ không chỉ cầu nguyện. Sám hối trước, cầu nguyện sau. Con người Việt Nam đại chúng hôm nay – chúng tôi không nói đến đồng bào theo đạo Kitô hay các phật tử chân chính – thường lui tới những nơi được cho là linh thiêng để cầu phúc cầu tài, chờ đợi cầu gì được nấy mà không biết sám hối là gì, không tự hỏi mình có xứng đáng hay không, dâng lời cầu lên các đấng thiêng thánh, vô hình chung biến tôn giáo thành một phương tiện đơn thuần phục vị đời sống, thánh thần – thành những kẻ phục dịch con người. Môtíp, chủ đề sám hối xưa đã thưa thớt nay càng thiếu, vắng mặt trong văn chương người Việt viết bằng tiếng Việt. Một phần do đó mà thứ thơ đại trà, được làm ra nhiều đến thế ở xứ ta, xét nghiêm khắc chỉ là loại thơ tự vỗ về, tự nâng niu, tự mãn nguyện với cái  “tôi” hay cái “chúng ta” (chúng không khác nhau!) vị lợi, nghèo nàn và nông cạn của mình. Trong khi đó thì xung quanh chúng ta hàng chục thế kỷ rồi, sự sám hối, sự ăn năn hối lỗi, sự đau khổ khôn nguôi về cái bản chất bất toàn, tội lỗi của con người đã và đang làm nguồn cảm hứng không cạn cho biết bao nhiêu kiệt tác thơ văn, âm nhạc, mỹ thuật mà một phần chúng ta mới được biết đến qua loa, phần lớn còn xa lạ. Mong sao tác giả bài thơ này và tập thơ này biết khơi sâu trong chính mình để sẻ chia với độc giả cái năng lực cải tử hoàn sinh ấy của sự sám hối.

Nhìn chung, tập thơ Giữ lửa gây ấn tượng với một cuộc “vỡ giọng”. Sự “vỡ giọng” này là không thể thiếu cho những ai theo đuổi nghiệp thơ. Nó có thể đến sớm hay muộn, diễn ra một mạch hay ngắt quãng, nhưng nó phải đến, thì người làm thơ mới trở thành nhà thơ, thành thi sĩ. Mong nó sẽ đến với nhiều người làm thơ ở nước ta.

Phạm Vĩnh Cư

 


In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 23
Trong ngày: 84
Trong tuần: 1178
Lượt truy cập: 436198
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.