Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

PGS.TS NGUYỄN NGỌC THIỆN...

PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện - Chiếc cầu nối các thế hệ văn chương

Huyền Thương

anh_nguyenngocthien

Lấy dấu mốc bài phê bình đầu tiên được đăng trên Tạp chí Văn học vào tháng 7+8 năm 1974, đến nay vừa tròn 50 năm cầm bút của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện. Bên cạnh vai trò là một nhà lý luận phê bình văn học, ông còn là một nhà báo kỳ cựu, một nhà giáo mẫu mực, một nhà lưu trữ tư liệu văn học nghệ thuật với “gia tài” đồ sộ.

Mang trong mình dáng vẻ của người con quê hương Kinh Bắc, lại sinh ra trong gia đình có truyền thống học hành, khoa cử, ngay từ khi còn là cậu sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã chọn nghiên cứu văn học là mục tiêu, là con đường lập nghiệp để cống hiến và theo đuổi suốt đời. Những tấm gương mà PGS. TS, nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện noi theo trong nghề lý luận phê bình là những bậc thầy đáng quý như GS. Đặng Thai Mai, GS. VS Hoàng Trinh, GS. Hà Minh Đức; nhà phê bình nổi tiếng Hoài Thanh; những nhà lý luận tiên phong trong nền báo chí cách mạng Việt Nam Hải Triều, Hà Xuân Trường.

50 năm lao động không ngừng nghỉ trên lĩnh vực lý luận phê bình, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiên luôn tâm niệm: “Trong văn chương, chỉ ỷ vào tích lũy vốn sống và tài năng thiên bẩm là không đủ. Nó luôn đòi hỏi sự huy động hết mình, nội lực và những năng lực tiềm ẩn. Văn chương - một vùng bí ẩn, âu cũng là duyên phận con người”.

Theo ông, điều quan trọng mà một người làm công tác lý luận phê bình cần chú ý là phải gắn bó mật thiết với đời sống, với thực tiễn sáng tác, đặc biệt là đời sống văn học nghệ thuật của đất nước; phải nắm được thực trạng nghiên cứu, phê bình văn học của đương thời, của quá khứ trong và ngoài nước; phải đọc nhiều, viết nhiều và không ngừng học hỏi để có được lượng kiến văn tối đa cần thiết giúp hình thành nên những tư duy, nhận định có tính chất khái quát, tổng hợp và mới mẻ.

Bên cạnh khả năng thiên phú của một nhà khảo cứu thứ thiệt, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, người làm lý luận phê bình nhất định phải có được năng lực tầm cao về khái quát và tổng hợp. Không có năng lực này sẽ dễ bị sa đà vào những chi tiết miêu tả, liệt kê dài dòng, vụn vặt, dễ sai sót và không sâu sắc, không thể bao quát được vấn đề, vì trong cái chung rất rộng, đòi hỏi người làm lý luận phê bình phải chia nó thành từng khu vực nhỏ để nghiên cứu từng bước thấu đáo.

Cùng với niềm tâm huyết nghề nghiệp, năng lực diễn đạt khúc chiết, rành rẽ như một trạng sư cũng là điều PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện quan tâm. Ông cho rằng, có ý tưởng mới mẻ trong đầu đã đành nhưng phải có được năng lực diễn đạt thuyết phục bằng chữ, cách thức tổ chức chặt chẽ một bài viết, nêu ra được vấn đề và triển khai có logic, thấu đáo, vừa nói được vấn đề vừa có được ý kiến mới mẻ, giúp người đọc dễ hiểu, dễ tiếp cận trọn vẹn.

Trên văn đàn Việt Nam từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có thể thấy Nguyễn Ngọc Thiện xuất hiện trước hết là một nhà văn – nhà nghiên cứu, một cây bút sắc sảo của lý luận, phê bình văn chương thuộc thế hệ thứ ba. Đóng góp đáng ghi nhận của ông là đã góp phần làm sáng tỏ những vấn đề chủ yếu của sự hình thành và phát triển chuyên ngành lý luận – phê bình văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay (lịch sử phát triển; các vấn đề đặt ra và được giải quyết qua các giai đoạn với những thành tựu và hạn chế, bất cập; những tác gia và tác phẩm tiêu biểu; đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại...).

Bên cạnh viết nghiên cứu lý luận, ông còn quan tâm viết phê bình các tác gia, tác phẩm của các nhà văn, nhà lý luận phê bình đồng nghiệp; tuyển chọn, sưu tầm, cho xuất bản những “hạt bụi vàng” là những tác phẩm lý luận phê bình cắm mốc trong mỗi giai đoạn phát triển, gắn với tên tuổi của các nhà lý luận phê bình thuộc các thế hệ.

Ông đã cho xuất bản 11 đầu sách (in riêng), 40 đầu sách chủ biên, góp bài vào 70 đầu sách in chung. Tổng số bài viết và chuyên luận khoa học ông đã công bố trên báo, tạp chí và sách in là trên 200 đơn vị ấn phẩm. Đồng nghiệp và bạn đọc rất quan tâm đến các công trình nói trên, từ năm 1996 đến nay đã có hơn 150 bài viết về con người và tác phẩm của ông, phần lớn được tập hợp vào sách Nguyễn Ngọc Thiện – Văn và Đời, Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2021, hơn 1000 trang in.

Các công trình in riêng và công trình do ông chủ biên nếu xếp chồng lên nhau thì có tổng chiều cao 1,8 mét, nên ông được xếp vào hàng tác giả “trước tác đẳng thân”.

Dành cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện đã sở hữu được vốn kiến văn phong phú, uyên bác. Ông được người trong nghề gọi là “nhà Ma Văn Kháng học” bởi ông đã đọc và nghiên cứu cả chục ngàn trang sách của nhà văn Ma Văn Kháng. Nhờ sự hiểu biết sâu sắc về nhà văn này, ông đã hướng dẫn thành công 24 luận văn Thạc sĩ, 3 luận án Tiến sĩ về tác phẩm và sự nghiệp của Ma Văn Kháng.

Với ông, nhà văn tài năng bậc thầy Ma Văn Kháng không chỉ là đối tượng trọng tâm để nghiên cứu mà còn là người bạn vong niên, cùng nhau chia sẻ nhiều niềm vui nỗi buồn trong văn chương và cuộc sống. Nhà văn Ma Văn Kháng đã có những dòng nhận xét trân trọng về ông: “Có thể nhận ra Nguyễn Ngọc Thiện là nhà phê bình, lý luận hội đủ những phẩm chất quý giá nhất của nghề nghiệp. Anh là tác giả cả một khối lượng lớn những công trình sưu tầm, nghiên cứu có giá trị. Công việc vừa có ý nghĩa đóng góp một xác quyết có tính học thuật, vừa thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của một nhà nghiên cứu khoa học nhân văn”.

Để có được thành công trên mảnh đất lý luận phê bình văn học, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện khuyên những nhà nghiên cứu trẻ cần xác định rõ niềm đam mê của mình như là ngọn lửa cháy rực không tắt. Phải cần cù, chịu khó, đọc nhiều, diễn giải có căn cứ thực chứng và lý lẽ đầy đủ. Bên cạnh đó, cần có sự gần gũi và đồng hành, đối thoại cùng các tác giả, trân trọng các tác phẩm của họ và phải công tâm, khách quan khi thẩm bình tác phẩm, tác giả văn học nghệ thuật trước công chúng.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện còn là một nhà giáo thỉnh giảng dạy môn lý luận văn học và báo chí học tại các cơ sở đào tạo Đại học, sau Đại học trong nước. Ông cũng là người hướng dẫn luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ cho nhiều học viên, nghiên cứu sinh với con số lên tới 75 công trình cho 6 Tiến sĩ và 69 Thạc sĩ.

  1. Bùi Như Hải - một trong những học trò của ông, đã viết: “Với sự tận tâm, ý chí nghị lực trong quá trình gây dựng cho mình một tên tuổi, một thương hiệu nghề nghiệp, thầy Nguyễn Ngọc Thiện đã được đền đáp, ghi nhận, xứng đáng là một nhà khoa học nghiên cứu – phê bình văn học nghệ thuật có tài, một nhà báo văn nghệ lão thực, một nhà giáo tận tâm với việc đào tạo thế hệ kế cận, ‘truyền nhân’,…”.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện cũng là một nhà báo kỳ cựu, một chủ bút lành nghề của Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam – cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tiếng nói của giới văn nghệ sĩ nước nhà. Trong hơn 20 năm làm báo, ông có 15 năm liền giữ cương vị Tổng Biên tập, góp phần xuất bản 180 số Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Tờ tạp chí đã trở thành nơi công bố của nhiều bài viết lý luận phê bình, sáng tác văn nghệ có chất lượng, uy tín, góp phần định hướng và trở thành cầu nối giữa tác giả, văn nghệ sĩ và công chúng.

Không chỉ có công trong việc phát triển tờ tạp chí, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện còn dụng công lưu giữ đầy đủ 327 số Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, từ số đầu tiên (số 1/11/1991) đến số 327 (tháng 2/2022) tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III để phục vụ cho công tác lưu trữ để đời, nghiên cứu của bạn đọc. Tại đây, hiện cũng đang lưu trữ 77 đơn vị tác phẩm nghiên cứu, phê bình và những tài liệu có liên quan thuộc về PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện bởi ông mong muốn cái lõi sự nghiệp của mình sẽ có ích cho những thế hệ sau. Ông đã được Bộ Nội vụ trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn thư, lưu trữ vì đã có công lao “gìn giữ, bảo quản và hiến tặng tài liệu lưu trữ có giá trị, góp phần làm phong phú phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam”.

Có lẽ, cái chất của một người chuyên làm công việc nghiên cứu đã thẩm thấu vào trong tác phong, phong cách làm việc và các hoạt động khác trong đời sống của ông. Sắp bước sang tuổi bát thập nhưng ông vẫn giữ được phong thái cẩn trọng, từ tốn, tinh thần làm việc hết mình, sự thăng hoa trong nghiên cứu khoa học cũng như theo đuổi được niềm đam mê lưu trữ, sưu tầm nhiều hiện vật tinh hoa, độc đáo thuộc kho tàng văn hóa của dân tộc và nhân loại.

Ông bảo, từ khi xác định đi theo con đường lý luận phê bình đã bắt đầu lưu trữ sách, bởi nhà nghiên cứu, phê bình cần phải có sách và rất nhiều sách. Ngôi nhà 4 tầng của ông hiện tại là một thư viện sách văn học nghệ thuật phong phú với hàng chục nghìn cuốn. Trong số đó có nhiều sách hiếm, sách quý mà hiện nay khó tìm được trong các hiệu sách.

Với phong cách chỉnh chu, lão thực, vốn kiến thức uyên bác, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện đã có một hành trình dấn thân vào sự nghiệp đầy ý nghĩa. Những suy ngẫm văn chương, những bài viết súc tích, những bài báo sâu sắc, những công trình nghiên cứu đồ sộ, những học trò thành đạt... đã khẳng định vị thế của một “phu chữ” tài ba trong nền văn học đương đại Việt Nam. Một đời bền bỉ làm việc, rồi lại cần mẫn sắp xếp cẩn thẩn những thành quả của mình để lưu lại cho thế hệ sau, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện như chiếc cầu nối thế hệ văn chương quá khứ, hiện tại với những thế hệ sau, để mạch nguồn văn chương, quốc học Việt Nam được tiếp tục chảy mãi.

Hà Nội, tháng 11 năm 2024

 ruong_thang_co_gai

 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 33
Trong ngày: 92
Trong tuần: 853
Lượt truy cập: 435394
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.