Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ÔNG PHIỆN

Nguyễn Quốc Hùng


ÔNG PHIỆN

 

Đã hơn ba mươi năm, chưa ai thấy ông Phiện đi làm bằng xe đạp. Từ nhà tới xí nghiệp gần bốn cây số, ông bước thủng thẳng như người đi dạo. Không ít lần các đồng nghiệp đi cùng đường mời ông lên xe, ông chỉ nhệch miệng cười thay cho lời cám ơn rồi xua tay cho họ đi trước. Ấy vậy mà chưa chắc người kia đã tới xí nghiệp trước, bởi họ đã là công nhân bốc vác cảng tránh sao khỏi tụ tập quán xá. Thời gian với ông Phiện luôn chính xác như chiếc máy đo.

Không phải quá túng bấn mà ông không sắm được chiếc xe đạp. Thời xưa nói vậy còn nghe được, nay lương khá, chiếc xe đạp cũ của Nhật có đáng là bao. Cũng không phải ông không biết đi xe. Có công có việc ông vẫn đi chiếc xe còn mới, đồ i - nốc sáng bóng. Chiếc xe ấy dành cho con trai ông đi học đỡ mệt. Ông phân bua: “Đi bộ quen rồi, đâu có thể lười chẩy thây như mấy thằng trẻ ranh ở tổ này”. Mấy đứa trẻ lắc đầu: “Chiụ bố già, sống ki bo thế để vợ con nó phá à. Sống phải biết hưởng thụ”. chúng còn dám dạy khôn ông già! Ông nhăn mũi, xịt miếng nước bọt qua kẽ răng: “Đời còn dài con ạ!”

Đời còn dài, còn nhiều thay đổi. Hơn ba mươi năm trước, ông là chàng trai mảnh dẻ, cơ bắp đuồn đuỗn ẩn mãi đâu dưới lớp da đen xạm, nhưng không lười và ngang ngạnh như mấy đứa trẻ bây giờ. Công việc bốc vác bấy giờ thực sự là bốc bằng tay, vác bằng vai, đâu có cơ giới hóa như bây giờ để lấy cớ chây ì. Những bao gạo nặng một tạ tì xiết xuống vai, xuống cổ trong sáu tiếng liền khiến cho lớp da đỏ rộp như phải bỏng, những cạnh hòm khứa sâu xuống bắp vai thành vết lõm cả ngày không đầy lên được, những cuộn giấy nặng ba tạ, vần xa hàng trăm mét muốn xé toạc cơ lưng, chưa một lần ông than phiền. Nghề nghiệp đã cô đọng, hun đúc cơ thể ông những cơ bắp nổi cuộn như sóng, đặc biệt là những u chai ở hai vai, sau gáy nổi gồ lên như bướu, dáng đi ậm ịch, khuỳnh khuỳnh như chú gấu. Bọn trẻ đùa, nắn nắn những u chai trên người ông với thái độ cợt nhả khiến ông nổi cáu: “Còn đời các con đấy!”. Ông xịt miếng nước bọt qua kẽ răng. Nói vậy thôi, đời chúng đâu phải vất vả như đời ông, công việc bây giờ nhàn tênh.

Hơn ba mươi năm ông Phiện mài chân trên con đường này, hỏi ai quen ai lạ ông chịu. Chiếc áo bảo hộ vắt vai, nước da đỏ thâm, ông cắm cúi bước không bao giờ có ánh mắt nhìn ngang, không bao giờ vô cớ hỏi chuyện người khác nhưng lại hay bẳn gắt như chú mèo già mỗi khi bị người khác nói động đến tự ái. Ông bước đi âm thầm cạnh cái bóng của mình.

-Uống bia đã bố Phiện ơi!

Chúng chỉ mời rơi, ông muốn xịt miếng nước bọt qua kẽ răng trước những kẻ mặt đỏ tím lịm như miếng tiết đọng, mồm miệng bóng nhẫy thức ăn, ngồi ngả ngớn trên ghế. Động tác xịt nước bọt của ông thật điệu nghệ, chỉ khẽ nhếch mép một tiếng tạch nhỏ phát ra là lập tức miếng nước bọt được bắn ra khá xa.

-Làm thằng bốc vác không ăn để vợ nó phá à, lấy sức đâu mà làm!

Triết lý bần tiện của những kẻ ngồi lê quán xá. Ông đáo mắt về phía kẻ vừa nói. Thằng Tiến “ngoác”, khi nãy giả vờ đau bụng về trước để mình ông vật lộn nốt xe hàng. Thế ra hắn ra đây ngồi với mấy tay áo sơ mi trắng làm trên văn phòng, miệng dính đầy bọt bia trắng như xà phòng hâng hấc cười ngạo mạn trơ những chiếc răng dài như răng chó đói ra như để đe dọa ông. Bộ mặt mỏng thế mưu mô lắm, nghiệp bốc vác hắn chẳng mong. Thây kệ hắn, chẳng phải bận tâm, ông thấy lợm trong cổ muốn xịt miếng nước bọt nhưng kín vỉa hè là người ngồi, là những bàn thức ăn đầy ngộn. Ông cố nén, kéo chiếc áo bảo hộ lên lau những dòng mồ hôi chảy dài trên mặt.

-Trông như chú gấu già, hôm nào đi làm về cũng thấy ông ấy say, uống ở đâu thế? - Mấy đứa chủ quán hỏi khách hàng là những công nhân còn nhễ nhại mồ hôi ngồi oải trên ghế.

-Có mà say tình! Vô phúc lấy phải trẻ ranh, đã vậy lại là con điếm không công ăn việc làm, nuôi báo cô.

Chúng nó nói để cố tình cho ông nghe thấy. Mặc! Chúng nó đã được như ông à. Cổ họng ông đắng chát, muốn đổ một cốc bia mát lạnh vào cổ họng cho dịu, nhưng như thế là hủy hoại sức khỏe. Nhìn Tiến “ngoác” thì thấy, khi mới vào làm từng múi cơ nổi vồng trên cơ thể, thế mà chỉ năm sau da tái thâm, sọm đi như mới ốm dậy. Chỉ tại uống nhiều! Không chỉ có Tiến “ngoác”, xung quanh ông thấm đẫm hơi men trộn với mùi mồ hôi chua nồng. Chúng muốn nói gì thì nói, ông luồn lách, bước qua, vấp phải chân ghế, cứ trên vỉa hè ông đi. Về nhà hẳn có cốc trà đá vợ ông pha sẵn.

Bốn mươi tuổi ông mới lấy được vợ. Nguyên do là tính hay cáu bẳn và ù lì ít quan hệ, mọi người kết luận vậy. Ông không nghĩ thế, chuyện vợ chồng âu cũng là do duyên số, đến hẹn thì về với nhau. Ngày xưa khu tập thể còn hẻo lánh, một vài dãy nhà dựng tạm, mái giấy dầu, vách ngăn bằng bìa, bằng cót... bằng bất cứ thứ gì nhặt nhặnh được ngoài cảng, cỏ dại mọc ngập lối đi. Qua lại nơi đây thường xuyên là không ít những cô gái đã tàn tạ nhan sắc, họ rất khéo trong việc moi từng đồng tiền lẻ trong túi của các anh công nhân xa nhà, xa vợ con. Mặc cho mọi người với thú vui ấy của mình, ông tránh xa.

Ngày ấy, đi làm về vừa bước chân vào cửa, Phiện phải chựng lại bởi trong phòng có hai người đàn bà. Người lớn tuổi hơn ở khu tập thể này đã nhẵn mặt đang ngồi chạng chân giữa nhà nhặt sạn trong giá gạo. Người đàn bà còn trẻ lần đầu tiên xuất hiện ở đây ngồi trên giường Phiện, đôi mắt sợ sệt nhìn quanh.

-Mới đấy, còn làm cao, mày gạ được nó mất hẳn cho mày tháng lương! - Mấy đồng nghiệp cùng phòng thì thầm vào tai Phiện, nét mặt lộ rõ vẻ bực tức.

Chàng trai tân khó chịu, nhăn mũi xịt miếng nước bọt qua kẽ răng ra cửa.

Tối ấy, người đi làm ca, người đi tìm thú vui của mình không ở hội đỏ đen thì cũng ở những người đàn bà lang bạt. Trong phòng chỉ còn Phiện cùng cô gái trẻ vẫn ngồi co ro từ lúc đến ở góc giường. Đêm muộn! Không thấy ai về. Có lẽ mọi người sẽ vùi mình ở đâu đó thâu đêm bởi hôm nay là ngày kì lương. Phiện rụt rè bảo cô gái:

-Cô ngủ giường tôi cho yên, giường khác nhỡ đêm hôm có người về không có chỗ nằm.

Nói xong, Phiện trải chiếu ngủ ngoài hè. Trời mát mẻ dễ chịu nhưng không sao ngủ được, hết trong màn lại chui ra ngoài, chỉ có một mình đối mặt với thinh không tĩnh lặng, hình ảnh cô gái cứ hiện lên trước mắt Phiện tồi tội, đôi mắt hoảng hốt mỗi khi có người đến gần khiến Phiện động lòng thương. Cô gái có khuôn mặt vuông khổ hạnh nhưng sống mũi thẳng, cái miệng nhỏ xinh, đỏ hồng lại khiến cô dịu dàng, xinh xắn. Nếu hồi chiều, cô ta huyên thuyên như mọi người đàn bà vẫn qua đây thì Phiện đã dứt khoát như mọi khi, hoặc Phiện sẽ đuổi đi nếu gặp đứa lì lợm Phiện sẽ đi nơi khác ngủ. Đằng này cô ấy cứ yên lặng, đến bữa ăn cũng không dám ngồi vào mâm.

Trong phòng bật lên tiếng khóc rấm rứt của cô gái. Phiện rụt rè đẩy cửa vào, bật đèn. Cô gái vẫn ngồi nguyên vị trí từ lúc đến, bó gối ở góc giường, gương mặt đầy nước mắt.

-Cô sao thế?

Có người hỏi cô gái khóc to hơn, tiếng khóc đầy tủi cực. Trời xui đất khiến thế nào, một người nhát như Phiện lại dám ngồi xuống cạnh cô gái giữa đêm hôm. Cô kể, cô đã có chồng, chồng cô mải mê với công việc đào vàng thành thử lấy nhau đã ba năm mà gần chồng chỉ tính được theo ngày cho nên chưa con cái gì. Làm ăn thua lỗ, anh chồng phải nợ lãi, về quê bán nhà, đánh vợ trọng thương rồi bỏ đi đâu không biết. Ra viện cô không biết phải về đâu, nhà thì không còn, bố mẹ đẻ không còn ai. Nghe theo lời mách bảo của người đàn bà hư hỏng đến thành phố này tìm kế sinh nhai. Ai ngờ lại là công việc này. Có lúc cô đã nghĩ tới việc phải nhắm mắt đưa chân để mà sống.

Lần đầu tiên Phiện được tâm sự với người khác giới thâu đêm để rồi sáng sau xin nghỉ ca làm, bỏ hết vốn liếng mua nguyên vật liệu, san đám đất bỏ hoang đầu hồi xây nên tổ ấm đầu tiên ở khu tập thể này.

Chuyện nhà cửa chật chội khiến hai vợ chồng ông day dứt mỗi khi nhìn đứa con trai ngày càng phổng phao. Phải có nơi ăn chốn ở cho tương lai của nó. Nghĩ lại thấy tiếc, ngày xưa đất hoang mênh mông, quây lấy khoảnh thật rộng, không xây nên được nay bán đi cũng thừa tiền mua được miếng đất rộng rãi ven thành, đến khi nghỉ hưu hai vợ chồng chăm chút mảnh vườn, con lợn con gà cũng đủ tiêu. Nay sống chen chúc, xây lấn sang nhau một phân là lập tức nói với nhau bằng vũ khĩ mạnh. Bàn tính mãi hai người không thống nhất được quan điểm. Ông muốn bán nhà ra vùng ven sống, không được đám đất như mong ước nhưng cũng sẽ được rộng rãi thoáng mát, cũng có chỗ dành riêng cho con học hành. Bà do dự, nay bệnh tật công việc cuốc xới không làm nổi, nhà có chật nhưng ở vị trí mặt đường, bà sẽ quanh quẩn với hàng nước, tuy chẳng nhiều nhặn gì nhưng cũng thêm được vào cùng đồng lương của chồng.

Gần một tháng chưa có hạt mưa nào, nóng đến nhược người. Ông ngửa cổ uống một hơi dài cốc trà đá, uống đến lạnh tê cuống họng, trong cổ đọng lại rin rít của thứ trà ngon thấy sảng khoái. Ông lau những giọt mồ hôi lăn dài trên mặt nói với vợ:

-Bà có thấy mấy hôm nay nhà mình khổ vì trời nóng không. Bệnh của bà phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng mới khỏe được. Mà bán thêm cái hàng nước ấy bà kiếm ngày được bao nhiêu, lại sinh đau yếu thêm tiền thuốc cũng không đủ.

Bà vỗ nhẹ lên ngực cho dễ chịu, nói dằn dỗi, trong khóe mắt dân dấn nước:

-Biết vậy! Thì bây giờ tôi theo ý ông. Thằng Tiến “ngoác” mua nhà bên này xong rồi, muốn mua luôn nhà mình để tiện kinh doanh, trả giá hơn bên ấy, ý ông thế nào?

-Mai kia ông về hưu nhàn rỗi, có đám đất làm thêm thế cũng thuận.

-Bà nói phải, cái nghề của tôi bây giờ không động chân động tay là suy sụp nhanh lắm.

-Có tay gì ở phòng tổ chức khi sáng ngồi uống nước có nói chuyện, đưa ông về tổ nấu nước hay vệ sinh gì đấy chờ ngày về hưu...

-Thế thì chết tôi rồi! Về đấy lương được bao nhiêu... Tôi phải lên phòng tổ chức hỏi xem sao. - Nói vậy nhưng ông bỗng dừng lời đắn đo: - Mà đời tôi đã biết phòng tổ chức rộng hẹp thế nào đâu, giờ lên biết ăn nói thế nào.

Bà biết chồng buồn nên tránh ánh mắt nhìn của ông.

Được chuyển đến nơi ở mới rộng rãi, có khoảnh đất nho nhỏ sau nhà, đúng như mơ ước bấy lau nay lẽ ra ông phải mừng nhưng nỗi phấp phỏng chờ quyết định của phòng tổ chức khiến niềm vui không được trọn vẹn. Mấy lần bước chân tới khu văn phòng, muốn rẽ vào phòng tổ chức nhưng lại quay ra, làm vậy khác nào cầu cạnh người ta. Tiến “ngoác” hứa hỏi hộ cũng chẳng thấy trả lời, mua được nhà mới nghỉ liền cả tuần chưa thấy đi làm. Vợ con ông được ở nhà mới thật vui. Bà ấy bận rộn cả ngày, lo quét dọn trước sau cho sặch sẽ, tỉa lại hàng rào hoa giấy cho bớt rườm rà. Mỗi khi ông giục bà nghỉ tay lại thấy nét mặt bà trở nên đăm chiêu. Bà ca cẩm, giọng nói vướng nghẹn nơi cổ:

-Chẳng lẽ về già ông lại phải nuôi báo cô tôi. Lương chẳng được là bao.

Ông càng thêm sốt ruột, bước chân, bước chân thêm phần vội vã hơn miết trên mặt đường.

Ông Mạnh nhận quyết định nghỉ hưu thấy sung sướng, cười nói bả lả suốt ca làm. Sau vài năm nữa, ông thèm có được tâm trạng như vậy. Ông biết sức mình còn khỏe lắm, đến khi bằng tuổi ông Mạnh ông còn dư sức hơn nhiều, chuyển về tổ vệ sinh khác nào bị cùm chân cùm tay lại, còn cùm thêm cả chi tiêu hàng ngày của gia đình.

Ông Mạnh có bữa chia tay với tổ. Lần đầu tiên ông tụ tập quán xá. Thực lòng ông không thích, lại thêm nỗi buồn, xong ca làm muốn về ngay nhưng làm với nhau mấy chục năm thế sao được, từ chối không đành. Ông chọn chiếc ghế trong cùng, chậm rãi nhấp từng ngụm bia mát lạnh.

-Lần đầu tiên được tiếp bố già, bố phải uống thật say để con lấy may.

Cô chủ quán hơ hớ cười, đặt những cốc bia sủi đầy bọt trắng xuống trước mặt ông, cổ áo để quá trễ khoe bộ ngực trắng hồng. Cô ta quá đỏng đảnh, ông muốn xịt miếng nước bọt qua kẽ răng. Lượng bia trôi vào dạ dầy của mọi người không có định lượng, men bia khiến cảm giác âm thanh mất nhạy cảm, ai cũng phải cố gào thật to như sợ người nghe không hiểu ý mình. Bọn trẻ như cuồng, hãnh diện khoe số lượng cốc đã cạn. Bẩy giờ tối không ai muốn tàn cuộc.

-Xin chào cả tổ! Cáo lỗi đến muộn vì có chút việc bận. Bác Mạnh, xin chúc mừng bác hạ cánh an toàn!

Tiến “ngoác” hăm hở bước vào quán, áo trắng giắt cốt đúng tác phong của dân văn phòng. Cô bạn gái đứng chờ ngoài đường.

-Em ơi, chê bọn anh hôi hay sao mà không dám vào thế!

Những khuôn mặt đỏ ậng ngửa lên cười sau câu nói đùa với bạn gái Tiến “ngoác”.

-Im ngay! Biết con ai không mà trêu vào! Muốn mất việc không!

Kẻ trêu bậy chỉ cần nói đến thế là hiểu. Những tiếng cười im bặt. Tiến “ngoác” hãnh diện giới thiệu:

-Đấy là người yêu cháu. Nhân đây tôi cũng xin thông báo, tôi đã có quyết định được điều về phòng tổ chức, sẽ có buổi chia tay vui hơn thế này, mọi người nhớ mồng sáu này, đừng ai quên đấy!

Không còn cơ hội nào tốt hơn để nhờ, ông kéo Tiến “ngoác” lại bàn mình:

-Này, mai hỏi hộ xem tại sao tao lại phải về tổ vệ sinh!

Tiến “ngoác” ngửa cổ lên cười hầng hậc khoái trá:

-Làm gì có chuyện đó bố già ơi! Làm bốc vác còn có đồng ra đồng vào, bố còn có điều kiện chăm sóc mẹ, về tổ vệ sinh lương thấp bố phải tính, cho nên có tung hỏa mù thế thì bố mới bán nhà cho con. Con đang xây lại, chắc chắn không lụp xụp một túp lều tranh hai trái tim vàng như đời bố.

Ông giận tím mặt, đứng dậy bỏ về, bước chân lảo đảo bước qua những dãy ghế.

-Hôm nay mới thấy bố Phiện say, thế này về nhà vợ giận không cho lên giường thì khổ. - Tiếng cô chủ quán lảnh lót đuổi theo sau.

Qua cửa, cô bạn gái của Tiến “ngoác” chăm chắm nhìn vào cơ thể ông. Không biết cô ta thán phục ở tuổi ông nước da còn đỏ au, sức vóc vạm vỡ hay đánh giá về tính cáu bẳn thể hiện trên nét mặt và bước đi chệnh choạng của ông già say. Đời còn dài con ạ! Cố lo cho đời thằng Tiến “ngoác” được như ông. Ý nghĩ hãnh diện khiến cho cơn cáu giận qua đi, ông thấy ân hận về hành động bỏ về của mình. Lẽ ra ông phải ngồi lại với ông Mạnh, chả gì hai người đã làm với nhau hơn ba chục năm. Và vợ ông cũng hẳn sẽ rất vui khi được biết ông vẫn là anh bốc vác. Ông luồn lách, bước qua, vấp phải chân ghế, va vào người ngồi uống bia nhưng cứ trên hè đường ông đi. Bước chân lật khật của người say.

                                                                                            N.Q.H

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 29
Trong ngày: 101
Trong tuần: 755
Lượt truy cập: 440029
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.