Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

NỐT NHẠC BUỒN

Nguyễn Xuân Mẫn

NỐT NHẠC BUỒN PHU PHO THẦU 

          Ba giờ chiều, cao nguyên Cánh Đồng Chum, bước vào mùa mưa năm 1969 bằng trận giông lốc ùn ùn kéo mây đen cuồn cuộn bầu trời. Chúng tôi vội vàng tháo tăng võng khi mưa rào ào ào đổ xuống, kèm theo những hạt mưa đá to chừng hòn bi trong suốt. Tôi cùng Dùa người Mông và Ních người Dao cùng ở Lào Cai lại cùng nhập ngũ với tôi, giục nhau vào hầm kèo trú mưa. Dùa bảo: Hết chiến dịch mùa khô rồi, chắc đơn vị mình sẽ được về Nghệ An vừa nghỉ an dưỡng vì mấy năm nay đã được về nước đâu! Đang rôm rả chuyện trò thì Tiểu đội trưởng Đào Đức Hạnh gọi hội ý chuẩn bị hành quân. Tôi mừng thầm chắc mấy chuyện vừa bàn sẽ thành sự thật… Song khi nghe Tiểu đội trưởng quán triệt mỗi người phải mang thêm đạn lựu đạn và nhắc mấy người dùng súng CKC đưa đi đổi lấy AK thì mọi ước vọng của chúng tôi đều tắt ngấm.

          Năm giờ sáng hôm sau cả Đại đội hành quân về phía nam, toàn phải rẽ rừng, không được để lại dấu vết, mãi chập choạng tối ngày thứ ba, chúng tôi mới đến nơi tập kết. Ông Trần Văn Sướng, Chính trị viên Tiểu đoàn ân cần hỏi han hành quân có vất vả không, rồi ông tháo chiếc điếu cày đeo ở thắt lưng ra hút. Suốt ba ngày không dám hút, sợ thám báo địch phát hiện được hơi thuốc, nên bây giờ chúng tôi nhao nhao đến véo sạch gói thuốc lào Độc Lập, không nể ông là Thủ trưởng. Ông Sướng hể hả: Tôi còn hai ba gói nữa, các cậu cứ hút đi! Nhìn người thủ trưởng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, tính tình điềm đạm thân mật nên ai cũng thấy dễ gần. Ngoài cương vị là Chính trị viên tiểu đoàn, ông lại là người cao tuổi nên chúng tôi trân trọng như cha chú mình. Ngày cánh tân binh Lào Cai vào đơn vị, ông xuống tận nơi trò chuyện thân mật, chia cho mỗi đứa một phong lương khô. Ông bảo đây là loại chỉ dành cho cấp tá, ông được Chính uỷ Trung đoàn gửi tặng. Tên ông là Sướng nhưng ngày trước nhà ông nghèo khổ lắm nên bố mẹ phải phiêu bạt từ Hải Dương lên Lào Cai quê tôi kiếm sống và sinh ra ông. Năm 1946, giải phóng Lào Cai, ông trốn nhà đi theo bộ đội khi mới 15 tuổi. Năm 1952, một mình anh Vệ quốc Trần Văn Sướng đánh chìm một tàu chiến của Pháp, ở ngã ba sông Đà hoà nước vào sông Hồng, diệt hơn 100 tên lính lê dương. Đơn vị đã đề nghị Nhà nước tuyên dương Anh hùng quân đội, nhưng vì lý do gì đó, dù cấp trên rất khâm phục nhưng đành phải trao tặng danh hiệu chiến sĩ quyết thắng cho ông.acliet2

 Tối hôm đó ông Sướng đi cùng ông Phạm Văn Ngọ, Phó chính uỷ Trung đoàn xuống giao nhiệm vụ cho Đại đội tôi đánh địch trên ngọn núi, tiếng Lào gọi là Phu Pho Thầu, tức là núi ông già. Ngọn núi này sần sùi, gân guốc, vách đá hiểm trở, chỉ ở phía tây có dăm ba lối nhỏ men theo sườn mới lên được đỉnh. Thiên nhiên phủ rừng già xung quanh ngọn núi thành tấm áo xanh khổng lồ để xua dịu khô khan của đá. Nằm sâu trong phía tây nam, “ông già đá” nhìn ra Cánh Đồng Chum ở phía đông, bên tay phải là dãy núi hình con voi khổng lồ, nên người Lào gọi là Phu Hua Sạng. Bên trái là dãy núi chạy dài như đàn kiến đang rình rập, chỉ chờ ông già đá sơ sểnh là bò sang ngốn thịt chú voi kia, tiếng Lào gọi dãy núi đó là Phu Xen Luông. Chẳng rõ người Lào có huyền thoại về đàn kiến và con voi không nhưng trong cuộc chiến tranh này, núi ông già đá là nơi bao lần giữa ta và địch giành giật quyết liệt. Bởi lẽ hướng tây Phu Pho Thầu là sào huyệt Long Chẹng của tướng phỉ Vàng Pao nên ngọn núi này trở thành tiền đồn quan trọng phía đông của địch. Kết thúc mùa khô 1968, tướng phỉ Vàng Pao đổ quân ra chiếm giữ Phu Pho Thầu cho đến bây giờ. Lần này trọng trách của Đại đội tôi là đánh mật tập để cho địch hoảng sợ, dù mùa mưa đấy nhưng quân ta vẫn luồn sâu áp sát chúng. Mặt khác từ trận này sẽ nâng cao khả năng chiến thuật mật tập của bộ đội như đặc công. 

Suốt chiến dịch mùa khô gian khổ qua hơn chục trận đánh cùng với mấy tháng giữ chốt, phải hứng bom đạn của máy bay oanh tạc và đánh trả các đợt tấn công chiếm chốt của bọn địch, khi tập kết sang đây Đại đội tôi còn có 30 người. Ai cũng gầy rạc, khuôn mặt hốc hác, xanh xao vì chiến đấu gian khổ và sốt rét, nhưng khi được giao nhiệm vụ vẫn nêu cao ý chí tiến công, hoàn thành nhiệm vụ. Trong lúc này Tiểu đoàn trưởng đang chỉ huy Đại đội 1 và Đại đội 3 tác chiến ở Bản Na, Đại đội trưởng Đại đội 1 vừa được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn phó. Vì vậy chỉ huy cũ của Tiểu đoàn chỉ có Chính trị viên Sướng và Chính trị viên phó Lê Minh Quang. Xác định tầm quan trọng của trận đánh nên Ban chỉ huy Trung đoàn mới cử Phó Chính uỷ Ngọ xuống trực tiếp chỉ huy.

Trong khi Chính trị viên phó Hà chỉ huy bộ đội luyện tập chiến thuật mật tập, thì bộ phận đi trinh sát trận địa gồm: Ban chỉ huy Đại đội, 3 Trung đội trưởng, 1 y tá cùng 2 trinh sát và 1 chiến sỹ thông tin đeo máy vô tuyến 2 oát của Tiểu đoàn. Sau 4 ngày tiếp cận, anh em nghe rõ tiếng chúng ho hắng, nói chuyện, tiếng đi lại bình bịch, lù lù trong đêm, mùi cơm xôi thơm nức. Trận địa của chúng có 1 lớp giao thông hào sâu chừng 1 mét, thông với 4 hầm ngủ có đắp ụ đất che chắn. Hỏa lực có 2 khẩu cối 60mm, 1 khẩu đại liên, 1 khẩu ĐKZ 57, quân số khoảng 14 đến 15 tên. Nói chung trận địa của chúng khá chắc chắn. Đỉnh đồi khá rộng, nhấp nhô. Do địa hình đá lởm chởm, 3 mặt dốc đứng nên chúng có phần chủ quan.

          Đoàn trinh sát về báo cáo, Phó chính ủy Ngọ yên tâm. Đơn vị đắp sa bàn, lên phương án tác chiến cụ thể. Các Trung đội họp, quán triệt nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm, khí thế đơn vị lên cao.

          Từ khi bộ phận trinh sát lên đường, ông Sướng thường ra gốc cây thông già nhìn vào Phu Pho Thầu. Qua vài trận mưa rào đầu mùa, bầu trời trong xanh như vừa được rửa sạch, rừng cũng xanh tươi hơn. Ông nhìn rõ mồn một và đếm có 15 chiếc dù pháo sáng trên ngọn cây rừng, trắng như những cánh cò chấp chới phía tiền duyên Phu Pho Thầu. Không ai quan tâm đến chi tiết đó, nhưng riêng ông Sướng, tuy là cán bộ chính trị nhưng lại để ý đến từng chiếc, nằm ở vị trí nào? Khi đoàn trinh sát sắp về, ông phát hiện cánh rừng phía đó thiếu một chiếc dù. Bộ phận trinh sát về đến nơi trú quân, ông truy hỏi. Quả đúng có vài anh em lúc quay về đã trèo lên cây kéo lấy một chiếc. Ông Sướng như dẫm phải tổ kiến lửa, đứng ngồi không yên, liên tục lẩm bẩm: Chết rồi, thế này thì chết rồi, còn đánh đấm gì. Ngược lại, Phó chính ủy Ngọ ngồi rung đùi giọng đủng đỉnh: Không có vấn đề gì... Ông Sướng khăng khăng: Ở trên cao, nó nhìn xuống rõ mồn một 15 cái dù, không bão giông mà tự nhiên mất 1 cái, chúng sẽ nghi ngờ. Chúng biết bộ đội ta rất thích dù. Từ đó chúng sẽ tăng cường lực lượng, hỏa lực, củng cố hầm hào, cảnh giác hơn. Ông kiên quyết đề nghị hoãn đánh Phu Pho Thầu. Những cuộc họp liên tiếp diễn ra, tranh luận quyết liệt. Có một vài ý kiến cho rằng nên xem xét kỹ ý kiến đồng chí Trần Văn Sướng, nhưng đa số đồng tình với Phó chính ủy. Thời ấy ai bàn lùi thì chắc chắn không có đường tiến thân! Ông Sướng một mình bảo lưu ý kiến “chưa đánh”.

          Phải mất mấy ngày tranh luận, xin ý kiến trung đoàn, ngày N phải lùi lại hơn một tuần. Ông Sướng bị đánh giá là “sa sút ý chí chiến đấu”, không được trực tiếp xuống chỉ huy Đại đội tôi mà chờ xem xét kỷ luật.

          Cuối cùng ngày “N” cũng được quyết định. Ông Sướng ra gốc cây thông già nhìn về hướng Phu Pho Thầu thổn thức lo âu. Ông bảo nếu trận đánh thắng lợi thì dù trên có kỷ luật thế nào ông cũng vui vẻ chấp hành. Ông cầu mong như vậy lắm. Nhưng nếu thất bại, anh em thương vong thì ông ân hận suốt đời! Cuộc đời ông đã trải nhiều cay đắng. Trình độ thấp kém, tính tình bộc trực, chỉ làm chứ không biết nói. Chỉ có những người ở lâu với ông thì quí ông, kính trọng ông!

          Đau đớn thay, trận tập kích Phu Pho Thầu diễn ra đúng như ông Sướng đã cảnh báo. Không biết địch có đếm dù pháo sáng hay không? Chỉ biết rằng, khi 2 phát B40 của ta khai hỏa, tất cả tung lưu đạn xung phong mới hay toàn bộ chiến hào vành ngoài đã bị chúng lấp đầy đất đá nham nhở, lổng chổng. Phía sau là một đường hào mới, với những bao đất, cát chất cao. Chúng cắm một hàng ngang mìn clemo đồng loạt điểm hỏa. Như một cơn lốc, hất tung toàn bộ những gì phía trước. Các đồng chí của ta vừa lao lên đã bị thổi bay trong tích tắc. Đội hình phía sau bị cối 60, đạn ĐKZ57 - B90 trùm lên. Anh em thương vong vội kéo nhau xuống! Trận đánh kết thúc nhanh chóng.

          Liên tiếp những ngày sau, chúng tôi vào tìm đồng đội. Đến chiều muộn ngày thứ tư, tìm thấy Tẩn Sành Ních, người Dao đỏ cùng Lào Cai với tôi. Ních bị mìn quạt bay xuống lưng chừng đồi, nằm thoi thóp, miệng còn gặm chặt thân cây chuối rừng, mút nước. Mạng sườn anh bùng nhùng, bốc mùi, vét ra cả vốc dòi. Qua các tuyến, anh về đến Quân y viện 108 mổ lần thứ 3: cắt 1/3 lá phổi, gẫy 4 rẻ xương sườn. Sau vài năm điều trị, Ních về học trường bổ túc công nông tỉnh, xong học tiếp trường trung cấp nông nghiệp rồi ra trường về tỉnh công tác. Bây giờ mỗi lần gặp nhau, tôi tự hỏi ông có sức sống phi thường hay cái số may mắn. Ních nghỉ hưu đã gần 20 năm với một gia đình hạnh phúc, con cháu thành đạt.

          Sau nhiều ngày tìm kiếm không thêm được ai, mọi người gạt nước mắt quay ra... Lúc vào trận có 34 anh em cả 2 trinh sát và 1 thông tin tiểu đoàn thì 11 người nằm lại, có cả Dùa, đồng hương với tôi. Chỉ tìm thấy liệt sỹ Hoàng Văn Hưng. Còn 20 người bị thương. Anh Ma Văn Pành, Chính trị viên gẫy tay, y tá Minh bị mù mắt, thông tin Chính cũng bị gãy đùi, chiếc máy 2 W bị hàng chục mảnh đạn nên không dùng được...Chỉ có liên lạc Lê Trung Long và tôi không hề hấn gì.

          Đại đội tôi như bị cơn bão tràn qua, không khí u ám, nặng nề xơ xác. Ông Sướng ngày ngày cầm điếu cày ra gốc thông già ngồi rít thuốc lào liên tục, nhìn về Phu Pho Thầu xót xa, không nói, không rằng. Ông cố nén không cho ai biết ông đang khóc thương anh em đồng chí.

          Ở các cấp đã diễn ra rất nhiều cuộc họp rút kinh nghiệm trận đánh Phu Pho Thầu nhưng ông Sướng im lặng. Mãi đến khi có một hội nghị quan trọng, ông mới phát biểu: Các đồng chí nên nhớ rằng, đánh nhau với kẻ địch này chúng đâu có ngu như một số đồng chí tưởng. Đánh nhau bằng tính mạng, bằng xương máu bộ đội, không phải cứ hô khẩu hiệu quyết tâm là thắng. Hỏa lực của nó mạnh, chúng ở trong công sự, chờ ta đến để đánh, không còn yếu tố bất ngờ nữa rồi. Mấy ông ngồi tít phía sau mà hô quyết tâm, dễ thế! Phải thương lính chứ?.. Nói đến đây mắt ông hoe đỏ, cổ ứ nghẹn mãi sau mới nói tiếp: …Đánh địch không chỉ bằng lòng dũng cảm, bằng ý chí, quyết tâm mà còn phải bằng sự thông minh, tinh khôn, sáng suốt, quyết đoán. Đành rằng trong chiến đấu, không sao tránh khỏi hy sinh mất mát, nhưng phải là ít nhất, để giành thắng lợi to lớn nhất. Tôi hỏi các đồng chí hàng ngày 15 cái dù trắng lồ lộ trước mắt chúng, tự nhiên mất một cái, trong khi không bị giông gió, dân không có, bọn chúng không bao giờ lấy, vậy thì ai lấy? Đơn giản như vậy mà mấy vị cứ khăng khăng:  Không…có…vấn…đề…gì... quyết đánh cho bằng được?... Không khí hội nghị chùng xuống, trái đất như ngừng quay!         

          Ông Sướng không bị kỷ luật. Mọi người đều kính nể ông, thương cảm với ông, tiếc cho ông, một con người tinh tường nhưng gân guốc đến khắc khổ như núi đá Phu Pho Thầu. Năm 1973 ông về hưu sau 15 năm khoác trên vai quân hàm thượng úy. Riêng Phó chính uỷ trung đoàn thì nghe nói bị gọi về Bộ tư lệnh Mặt trận để đưa xuống làm trợ lý củaTrung đoàn khác.           

 Lào Cai, Tháng 5 năm 2024

                                                                     N.X.M     

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Đồng BT: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.