Võ Thị Kim Liên
Nhận được tập truyện nhà văn gửi tặng tôi đọc ngay. Đọc vì tựa đề quá hấp dẫn và vì đây là tác phẩm thứ 13 của anh. Mười ba đứa con tinh thần đủ sắc màu từ thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, biên khảo… Tất cả đủ chứng tỏ đây là một nhà văn đa tài. Nói đúng hơn anh là người có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực, nhất là văn hoá vùng miền Tây Nam Bộ.
Đọc xong BỨC TƯỢNG VÀ NGƯỜI ĐÀN BÀ của anh, tôi càng tin cảm nhận của mình về anh là đúng. Hai mươi bảy (27) truyện ngắn trong tập là 27 mảnh ghép về đời sống xã hội, về số phận những con người, từ đứa bé chưa biết chữ đến người mẹ mất con, từ nhà văn, hiền triết đến người tình bé nhỏ… đã được tác giả khắc hoạ một cách rõ nét nhất, mang đậm dấu ấn và tính cách đặc biệt riêng biệt đã làm người đọc say mê và ám ảnh.
Tôi đặc biệt thích truyện “Bức tượng và người đàn bà”. Với lối kể từ từ, mộc mạc, tác giả đã dẫn dắt người đọc đi từ hiểu nhầm đây là câu truyện tình giữa người đàn ông và đàn bà mà kết quả cuối cùng là bức tượng. Nhưng không phải thế. Đọc xong tôi như người bị thôi miên. Nhân vật chính ấy không phải là chàng hay nàng mà là người mẹ nông dân mất con, đứa con gái đi dân công hoả tuyến đã hy sinh. Người mẹ đau xót và nhớ con đã nặn hình con bằng tất cả tình yêu và trí nhớ của mình, dù bà không hiểu bất kỳ một kỹ thuật, nghệ thuật điêu khắc, hội hoạ gì. Cứ thế bà nặn tượng con. Bức tượng thành công đến mức được nhiều người lùng mua. Rồi cũng vì cuộc sống mưu sinh mà bà phải bán bức tượng. Bán rồi lại nặn bức tượng khác. Nặn tượng con cho đến chết gục bên bức tượng chưa hoàn hảo. Tôi không nhớ mình đã bị thôi miên như thế trong bao lâu. Đến khi sực tĩnh thì tôi tiếc sức khoẻ mình không cho phép, nếu không tôi sẽ làm một bộ phim về người mẹ nặn tượng này.
Nhà văn phải là người luôn luôn sáng tạo trong từng con chữ, nếu không bạn đọc sẽ từ từ rời bỏ. Có lẽ nhà văn Nhật Hồng cũng rất thấm nhuần điều đó. Vì vậy anh đã cố tìm cách kể chuyện mới nhất, bất ngờ và hấp dẫn nhất mà mình có thể. Trong truyện “Giấc mơ kỳ lạ” tác giả đã mượn giấc mơ để cho các nhân vật từ các trang sách bước ra cuộc đời chất vấn nhà văn, người đẻ ra mình: Tại sao ông lại để tôi phải chết? Tại sao ông lại để tôi thế này thế kia? Cũng mô típ ấy, trong truyện “Cái bóng của tôi” tác giả đã coi cái bóng như một nhân vật luôn đeo bám theo mình, xoi mói mọi đời sống riêng tư của mình… đến mức cái bóng trở thành kẻ thù của chủ thể. Bằng cách này nhà văn đã bộc lộ nội tâm một cách tự do nhất, sâu sắc nhất. Bởi vì tôi chỉ nói với cái bóng của tôi thôi mà. Chúc mừng anh đã rất thành công trong lối kể chuyện mới của mình.
Trên là những cảm xúc vụn của tôi về tác phẩm lớn, tác phẩm tâm huyết, đáng đọc của nhà văn Nhật Hồng. Cảm ơn anh đã tặng sách. Chúc mừng đứa con tinh thần thứ 13 của anh ra đời đúng vào dịp đầu năm mới nhiều may mắn, hồng phúc và đặc biệt được đông đảo bạn đọc đón nhận, đánh giá cao về tác phẩm.
Mỹ Tho 10/1/2025
V.T.K.L
(C.S)
Người gửi / điện thoại