Nhật Hồng
VẾT ĐẠN TRÊN LƯNG KỲ LÂN
Không khí trong lành của buổi sớm ở thành phố rất dễ chịu, ông Tâm hít vô thở ra thật đều, nghe trong không khí có vị ngọt ngào, yên tĩnh vô cùng. Ông để toàn thân thư thả với đôi chân bước đều vế phía trước, đi với phong cách tự nhiên không gò ép. Ông cố hưởng thụ cho hết cái tinh túy buổi sớm mai của đất trời ban tặng. Ông thừa biết rằng, muốn có cái khoảng yên tĩnh này phải đợi một ngày và một đêm nữa, tức là hôm sau mới có được. Một ngày đi qua có biết bao sự biến động, ồn ào dồn nén xuống con đường nhựa này, trong lòng thành phố này. Vào những giờ cao điểm sáng, trưa chiều, người và xe chen nhau chật ních. Chưa nói đến bụi và hơi xăng dầu của những động cơ thải ra, cộng với cái nắng hối hả, cơn mưa bất chợt của đồng bằng làm cho không gian muốn ngợp thở như ngày tận thế. Cảm giác từ đôi bàn chân của ông Tâm nhận ra hơi sương còn ướt trên mặt đường và trên dĩa hè rất lãng mạn làm sao ấy. Bỗng vài hạt sương khuya đọng trên chót lá cây phượng rơi xuống vai, vừa đúng lúc ông Tâm đi qua. Ông thoáng mơ hồ một ý niệm, một ký ức xa xôi nào đó ở miền quê hiện về, buổi tập thể dục sáng nay không mấy vui, điều này thường đến với ông Tâm.
Những năm gần đây ông Tâm thêm cái tật mà con cháu không ai can ngăn được. Một việc mà tự tay ông làm dầu thời gian có bận rộn đến đâu, hay sức khỏe yếu kém cỡ nào ông cũng ráng phấn đấu cho xong. Đó là công việc chùi lư.
Năm nay, vừa bước qua rằm tháng chạp âm lịch ông Tâm dặn con trai: “Con đi làm nhớ ghé chợ tìm mua cho ba bột chùi lư nha!” Phương-con trai ông có vẻ không hài lòng, nói: “Ba đón ông chùi lư ngoắt vô, tốn năm ba chục ngàn là xong. Ba mua đồ về ngồi chùi mệt sức mà không bóng như người ta chùi bằng máy đâu!” Ông Tâm trợn mắt đôi chân mày lém bạc:
-Con cứ mua bột chùi lư cho ba là đủ rồi! Con không mua, ba nhờ người khác!
Câu nói có vẻ dứt khoát của ông Tâm làm Phương đuối lý, trước mặt ông già thì không nói gì thêm, nhưng Phương thỏ thẻ nói với vợ:
-Anh thấy dạo này ba như muốn lẫn, ổng cứ nằng nặc kêu anh ghé chợ mua dầu chùi lư, phần anh công việc bận rộn ở xí nghiệp đi sớm về tối, nên quên hoài. Hay là hôm nào em đón ông thợ chùi bộ lư cho rồi!
-Đâu được! Tính ba anh biết rồi rồi, muốn làm chuyện gì phải làm cho bằng được, nếu không ông cằn nhằn hoài, năm nay hết ăn tết đó! Anh không mua, em mua.
Đứa con dâu đem dầu chùi lư về đúng lúc ông Tâm dọn bộ lư đồng bỏ vào thúng bưng ra trước cửa nhà. Thấy con dâu cầm gói bột bước xuống xe ông Tâm thoáng vui trên nét mặt, đoạn ông Tâm xếp từng phần của bộ lư đồng xuống nền gạch, việc trước tiên của ông là lấy vải, bỏ dầu vào chén, kế đến ông cầm con kỳ lân lật qua lật lại, vết xẹo hằn khuyết trên lưng con kỳ lân mà chừng như không ai để ý đến chỉ có ông măn mê rờ rẩm cái vết thẹo này mấy mươi năm qua. Mỗi năm, ông trở về với vết thẹo vào dịp chùi lư. Vết thẹo bị viên đạn khứa ngang bén ngót. Thời gian, làm cho người quên kẻ nhớ, kẻ sống người chết, nhưng với vết thẹo trên lưng kỳ lân vẫn nguyên sắc nét với ông.
Ông còn nhớ rất rõ buổi chiều hôm ấy, vừa mới về nhà chưa kịp thay áo, bỗng nghe có tiếng chó sủa, ông bước ra cửa dòm quanh quẩn, chợt thấy thằng lính bồng súng hướng về ông. Phản xạ tự nhiên, ông nhàu xuống mương vườn. Những loạt đạn nổ khét nghẹt vây quanh, kèm theo tiếng hô to: “Việt Cộng! Việt Cộng!”
Quen từng buội cỏ, gò đất trong khu vườn quê nhà, ông Tâm thấp thoáng biến mất dạng, bọn lính không tài nào tìm được! Vả lạ, bọn lính rất ớn ông Tâm, vì đã đôi lần chạm trán với nhau. Lần đó, đám lính phục kích chờ ông tầm về, chúng chắc ăn sẽ thịt được ông. Nhưng ông Tâm biêt được ý đồ ấy nên nhử bọn chúng theo ông. Vừa thấy dạng ông Tâm phóng qua bờ mương vườn tốp lính nhanh chân đuổi theo vừa qua lùm cây một tiếng nổ long trời lở đất, tốp lình oằn oại trên vũng máu. Tứ đó, tên cảnh sát L… ở quận treo cái đầu của hai Tâm với cái giá rất cao. Chúng hết răng đe rồi dỗ ngọt vợ con và ông già để nhử… Hai Tâm biết điều đó, giáo dục gia đình rất kỹ, điều gì cần nói thì nói, điều không cần, cạy răng không nói.
Biết hai Tâm chạy vô khu vườn phía đó, nhưng chúng không dám rượt theo, sợ… chỉ bắn vu vơ cho hết đạn rồi về.
Loạt đạn mà ông Tâm nhớ lại còn ớn sóng lưng, không biết chúng đã bắn ra bao nhiêu viên đạn, nhưng còn để lại ba vết. Một vết cháy một lỗ áo ở kẹt nách, một vết khứa trên lưng con kỳ lân, một vết bể nát ba trái đào bên hông bộ lư. Nay chỉ còn duy nhứt vết đạn trên lưng con kỳ lân. Còn trái đào bể nát, ông mua trái khác gắn vô, chiếc áo bị mối ăn dưới đáy rương tiêu mất hồn xác. Trong những năm còn chiến tranh, ông Tâm xem vết đạn như lời thề tử sinh, một mất một còn với giặc. Sau ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải ý nghĩ ông Tâm lại đổi khác. Ông không còn hận thù mà chỉ là hối ức của cuộc chiến tranh, tất cả lần lượt qua đi, tự tiêu, tự lành lặn những vết đau thương trong lòng. Nhưng đối với vết đạn trên lưng con kỳ lân ông Tâm muốn nó mãi mãi còn, muốn cho các con cháu đời sau biết rằng: đây là dấu vết của chiến tranh, mà chiến tranh luôn ác nghiệt, nó không có nhân đạo, không có trái tim. Sự tổn thất lớn nhất của chiến tranh là mạng sống của con người. Chúng cắt đi hàng loạt mạng sống trong nháy mắt không một chút do dự. Và còn một ý nghĩa nữa mà ông Tâm muốn giữ con kỳ lân là muốn nói với con cháu về cái giá phải trả cho có được độc lập, hòa bình như hôm nay không phải dễ dàng mà có được!
Thấy ông Tâm mân mê con kỳ lân đứa cháu nội vui miệng hỏi:
-Nội ơi, nghe bà nội nói, lính bắn nội, nội né sang một bên, viên đạn trượt trúng lưng con kỳ lân, phải vậy không nội?
-Nội đâu có né đạn được con. Có lẽ thằng lính thiếu bình tĩnh, hấp tấp muốn sớm giết chết nội nên bắn trượt. Hên cho nội thôi!
Bà Tâm thấy ông cháu chùi lư kể chuyện, có lẽ ký ức cũng về với bà, nên bà Tâm ngồi xuống bên ông cháu, tự sự:
-Bữa đó, tui tưởng ông chết với loạt đạn đầu rồi, vội ôm thằng Hai nằm xuống đất, mẻ mắm kho vừa mới xôi trúng đạn bể tràn trên bếp. Đạn còn ghim qua lủng mấy cái nồi máng trên vá, đạn tránh người, chớ người sao tránh đạn cho được. Tốp lính trở lại cằn nhằn nhau: “ Đù mẹ, bắn hụt thằng VC… ! Dở quá! Em mừng, biết anh đã thoát! Chúng giận cá chém thớt, bắt mẹ con em và ba trói ngoài gốc cây đợi lịnh. Chúng nói gì đó với nhau mà không nghe được rõ, rồi thằng chỉ huy trở lại mặt mày ôn tồn: “Hai Tâm thoát lần này chớ không thoát được lần sau, có thương chồng thì kêu ra đầu thú sẽ được khoan hồng, gia đình cha mẹ vợ chồng được đoàn tụ.” Tội nghiệp ông nội sắp nhỏ, ông nháy mắt cho em đừng nói gì. Sau khi chúng trở ra chợ hỏi cung từng người, nhốt vài hôm rồi thả về. Ba nói với em: “Bọn nó tạm để yên nhà mình để nhử cho thằng Tâm đầu hàng, hoặc rình bắn chết! Nếu trong hai cách đó mà không thành thì chúng sẽ quay lại đánh đập, tù đày con và ba. Ba đã biết được ý định của chúng, nên đâu để mắc bẫy.
-Vậy là ba và em nửa đêm bỏ nhà trốn đi đó phải hông?
-Ừ! Chớ ở nhà sao được! Nó giết anh chết! Chúng rải tai mắt hay thiệt nghen! Em và ba lỏn đi ban đêm mà sáng ra chúng hay liền, vô đốt nhà cháy trụi lụi.
Ông Tâm thở xì hơi một cái rồi nói:
-Bỏ đi quá khứ đau lòng ấy! Ta nên vui với hiện tại, với những đứa cháu ngoan là hạnh phúc đời mình đó!
Bỗng tay ông Tâm ngừng tay trên lư đồng, hình ảnh nào đó chợt về, ông hỏi đứa cháu nội:
-Con có chơi đèn trung thu không?
-Có chớ nội! Đèn con cá chép! Chơi đèn vui lắm nội ơi!
-Nội có chơi đèn không?
-Có! Nhưng không phải chơi đèn cá chép-trung thu, mà chơi đèn đêm ba mươi tết. Ngày xưa lắm, thuở nội còn trẻ như con bây giờ, có những cái tết mà nội không sao quên được là tết đốt đèn đêm. Lúc ấy, nhà nội ở vùng quê cặp theo con sông, chưa có đèn điện, người ta dùng dầu lửa để đốt đèn ống khói trong nhà vào ban đêm. Trong những ngày tết, ngoài sân tối đen như mực, người trong xóm bày ra đốt đèn dọc theo đường cho có ánh sáng đi chơi. Từ nhà nội ở ra chợ khoảng năm cây số đường đất, người ta treo đèn giăng giăng dọc theo đường đi vui lắm. Nội cùng tốp con trai cùng lứa mê ánh đèn, lần theo, đi mãi tới chợ mà không hay. Khi trở về, mỗi đứa mua một hộp quẹt bỏ túi.
-Chi vậy nội- đứa cháu hỏi.
-Để đèn nào bị gió thổi tắt thì đốt lại. Vậy mà đi và về hết nửa đêm, về tới nhà ông cố con đã cúng giao thừa. Những ngọn đèn dầu thuở đó vui ngất ngưỡng trong đêm giao thừa, nó vẫn cháy mãi trong lòng nội cho tới bây giờ. Thời các con hôm nay vô cùng hạnh phúc. Điều hạnh phúc nhất là sự bình yên, không có bom đạn, không có chết chóc, các con đã thừa hưởng một cuộc sống mới vô cùng có giá trị, tiếp thu những tiến bộ của khoa học công nghệ, về đồ chơi thôi cũng đầy đủ, mẫu mã sắc màu đẹp, mang tính giáo dục, khoa học. Không như tuổi trẻ của ông bà nội xưa, chơi bằng trò kéo mo cau, bún dây thun, nhảy dây, bắn cu li…
Vợ chồng Phương vừa đi làm về, vừa bước vô nhà nghe ba má với thằng con trai mình vừa chùi lư vừa kể chuyện đời. Phương thấy cái không khí gia đình rất ấm áp và những câu chuyện hay hay, chính bản thân mình giờ cũng rất mờ mịt về những hồi ức năm tháng chiến đấu của ba. Biết rằng, có ngày hôm nay, thế hệ trước đã đánh đổi biết bao máu và nước mắt mới có được. Nhưng biết là biết vậy thôi, chớ hiện giờ người người phải làm việc đua với máy móc, rảnh đâu mà tìm hiểu những những sự việc đó. Nó đã có bảo tàng gìn giữ và tôn tạo một cách kinh điển rồi!
Phương thấy được ý nghĩa việc chùi lư của ba, và cảm thấy việc làm của ông ấy không lẫn lộn. Mà người lẩm cẩm chính là mình, nên nói với vợ:
-Này em! Mình tranh thủ tiếp tay cùng ba chùi bộ lư cho xong, rồi cùng ăn cơm luôn thể.
Phương tìm mua ở đâu được mấy thỏi trầm hương về đưa cho ba:
- Trầm này thứ thiệt, con nhờ người mua ở tận ngoài Trung, ba dùng nó trong dịp đón năm mới, rước ông bà cho thơm nhà thơm cửa.
Giờ giao thừa, đỉnh lư đồng nhà ông Tâm nghi ngút khói hương trầm, vết đạn trên lưng con kỳ lân còn trơ đó với mùa xuân mới.
N.H
(C.S)