Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NHỮNG NGƯỜI CHẮT VÀNG ĐEN

Phạm Ngọc Chiểu

NHỮNG NGƯỜI CHẮT VÀNG ĐEN TRONG ĐÁ MÓNG

          Ông mở cửa, vào phòng, bước nhanh đến bên bàn làm việc. Trên mặt bàn, trong ánh sáng trắng dịu của ngọn điện tỏa xuống từ chao đèn màu sữa, hai tài liệu nằm ngay ngắn bên nhau trước mắt ông. Đó là quyển sách VIETSOVPETRO khổ lớn, in màu rất đẹp, bìa cứng, ruột sách đầu là giấy cút sê loại tốt, dày, in song ngữ Việt-Nga. Cạnh quyển sách là bản “Báo cáo của Vietsovpetro” chỉ năm trang đánh máy vi tính, khổ giấy A4. Ông đã đọc 46 trang sách có ảnh màu minh họa vài lần, và hồi chiều cũng đã lướt mắt qua năm trang chữ vi tính. Tuy dày-mỏng và kỹ thuật in ấn khác nhau nhưng ông thấy cả hai bản in đều cùng một đích: Tổng kết chặng đường 36 năm thăm dò và khai thác dầu-khí của Liên doanh Vietsovpetro, từ 1981 đến 2017. Vừa thoáng nhớ nhận xét của mình, trong đầu ông vẳng lên giọng nói của ai đó, bảo rằng hình như có một ông Nhà văn Nhà báo nào phát hiện có sự không trùng khớp một vài số liệu của hai văn bản. Ông tự dặn mình thu xếp thì giờ đọc lại hai bản tổng kết, tuy đó không thuộc trách nhiệm của ông. Mới thoáng nghĩ thế thì có điện mời của Phó Bí thư Đảng ủy phía Việt Nam của Liên doanh Vũ Việt Kiều: 7 giờ 30 tối 11/10/2017 đến dự buổi gặp gỡ giữa đại diện lãnh đạo Vietsovpetro với Đoàn Nhà văn Việt Nam vừa từ Hà Nội vào Vũng Tàu. Lời mời nhiệt tình, lại gặp đoàn Nhà văn, khiến ông vui vẻ nhận lời.chuyengia

          Đúng giờ hẹn, ông bước vào căn phòng ấm cúng trên lầu một nhà hàng hải sản quen thuộc của thành phố Vũng Tàu. Người đầu tiên reo gọi ông là cựu Phó Tổng Giám đốc Liên doanh phía Việt Nam. Ông Trần Hồi đứng hẳn dậy giang tay đón ông, kéo ông ngồi vào ghế sát bên tay trái. Bên phải cựu Phó Tổng Giám đốc là một người đàn ông để ria mép trông đậm đạp chắc khỏe, Trần Hồi trịnh trọng giới thiệu là Phó Trưởng đoàn Nhà văn, chức vụ chính đang đảm nhiệm là Phó Tổng biên tập thường trực tuần báo Văn nghệ- diễn đàn Văn học-Nghệ thuật chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngồi sát bên trái ông là người dáng vẻ thư sinh, cũng để tia mép, được giới thiệu là Phó Giáo sư-Tiến sĩ, dạy văn học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng là nhà văn, chuyên viết Lý luận-Phê bình Văn học. Bên kia bàn, đối diện với ông và Phó  tổng Trần Hồi là con trai ông, có hai bằng cử nhân của hai trường Đại học bên Nga, hiện đang làm Chủ tịch Công đoàn phía Nga của Liên doanh, và chàng giáo viên dạy trường phổ thông cho con em Nga trong làng Nga tại Vũng Tàu, có năng khiếu thi ca, đã viết và in nhiều thơ tiếng Nga, tên là Xtrebkốp Alếchxây. Ngồi bên hai chàng Nga trẻ là một vị Phó Giáo sư - Tiến sĩ nữa của đoàn Nhà văn, tóc chớm nuối tiêu, miệng cứ tủm tỉm tủm tỉm. Sáu nhà văn còn lại ngồi xen với Chánh Văn phòng Đảng ủy và các Bí thư Đoàn thanh niên của phía Việt Nam trong Liên doanh.

          Cuộc gặp mặt không còn phân chia chủ-khách, khi vị Phó Trưởng đoàn Nhà văn đứng lên khai mào chương trình văn nghệ bằng bài “Chiều Mátscơva” cả lời Nga và lời Việt. Ông sửng sốt thấy Nhà văn thoắt biến thành một ca sĩ giọng nam trung, tiếng hát thật lôi cuốn, với con mắt và gương mặt đầy biểu cảm, hai cánh tay linh động lúc cắt nhát vào không khí theo chiều dọc, lúc vươn lên như hai cánh chim bằng, hát những bài hát tiếng Nga mà chính ông cũng không thuộc. Bất ngờ hơn, từ giọng đơn ca khơi mào của Nhà văn, mọi người trong phòng, cả Nga và Việt Nam đồng loạt hát theo. Dàn đồng ca, do Nhà văn phục phịch lĩnh xướng, hát hết bài này sang bài khác của nước Nga. Từ “Chiều Mátscơva” sang bài “Thời thanh niên sôi nổi”, rồi bài “Niềm hy vọng”, bài “Chiều bến cảng”. Tiếng hát say sưa, trầm hùng của dàn đồng ca như những dờn sóng ngoài khơi lớp lớp vỗ vào dàn khoan không dứt. Nhà văn Phó Trưởng đoàn vung tiếp hai cánh tay, hát câu mở đầu của bài “Cuộc sống ơi, ta mến yêu người”, và tiếp bài “Ca chiu sa”... Chao ôi, vui quá, thân tình quá ! Phải tìm đâu xa , ơi các Nhà văn ! Tại đây, đêm nay, chính các ông, bằng tiếng hát và lòng nhiệt thành của mình qua các bài hát của hai đất nước, hai dân tộc, cùng các chuyên gia dầu khí Nga, trong đó có tôi, đang biến đêm trên thành phố dầu- khí Vũng Tàu thấm đẫm mối tình Việt-Nga rồi !

          Tiếng đồng ca vừa lắng xuống thì chuyên gia giáo dục, thầy giáo Xtrebkốp Alếchxây, đứng lên đọc bài thơ “Vũng Tàu” do anh sáng tác, với giọng xúc động cố kìm nén. Và, một Nhà thơ Việt, tên là Nguyễn Hòa Bình, được giới thiệu đoạt giải quán quân cuộc thi thơ Tình yêu cùng nhà thơ khác tên là Vương Tâm, do báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đứng lên đọc những bài thơ tình của mình, nối dài tiếng thơ trong đêm biển đầy gió.

          Tiếc quá, đang vui thì ông phải xin cáo lui, ra về. Trách nhiệm một Phó Chánh kỹ sư trưởng phía Nga trong Liên doanh không cho phép ông tự do vui lâu. Mọi người chia tay ông và con trai ông với sự tiếc nuối hiện rõ trong lời chào và trong những cái bắt tay.

          Xe phóng nhanh trong đêm Vũng Tàu mát rượi.

          Và, ông bước vào phòng, đến ngồi bên bàn, lòng chưa hết bồi hồi nhìn quyển sách VIETSOVPETRO in sang trọng và bản “Báo cáo của Vietsovpetro” gọn trong năm trang đánh máy vi tính trên giấy A4...

          Chợt nhớ cuộc trao đổi của lãnh đạo Liên doanh phía Việt Nam về mục đích chuyến vào Vùng Tàu của đoàn Nhà văn, ông đọc lại bài in trang 4 sách VIETSOVPETRO và trang đầu bản “Báo cáo của Vietsovpetro” mới nhận. Đúng là có vài con số không trùng khớp. Không được, số liệu thế này không thể đưa lên mặt báo, nhất là tờ báo quan trọng của Hội Nhà văn. Minh chứng cho kết quả liên doanh dầu - khí Vietsovpetro trong 36 năm ai cũng thấy, nhưng phải có số liệu tin cậy. Nghĩ vậy, ông bấm điện thoại, gọi trao đổi với các đồng nghiệp Việt Nam. Nét mặt ông giãn dần sự băn khoăn, tươi tỉnh lại, miệng luôn nhắc điệp khúc “Khơ ra sô !” “Khơ ra sô !” .

          Đúng, công bố nội dung như thế để đưa lên mặt báo là thỏa đáng. Ông lẩm bẩm những con số và những dấu mốc đáng nhớ.

          Ba mươi sáu năm thực hiện các Hiệp định liên Chính Phủ Việt-Xô, Việt- Nga và các Nghị định liên quan, Vietsovpetro đã đạt được 10 thành tựu quan trọng.

          Đã khảo sát hàng trăm ngàn ki lô mét tuyến địa chấn 2D, hàng chục ngàn ki lô mét vuông địa chấn 3 D, khoan hơn 500 giếng khoan, tìm kiếm, thăm dò và khai thác với tổng chiều dài hơn hai ngàn cây số khoan; phát hiện được tám mỏ dầu-khí có trữ lượng công nghiệp giá trị và đang tiến hành khai thác. Đó là các mỏ: Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, Nam Rồng-Đồi Mồi, Thiên Ưng, Gấu Trắng, Thỏ Trắng, Cá Tầm. Ngoài tám mỏ trên đây, Liên doanh còn phát hiện nhiều biểu hiện dầu-khí trên các cấu tạo được đặt tên Tam Đảo, Ba Vì, Bà Đen, Sói, Mèo Trắng nữa.

          Đáng nói nhất, có thể coi là một chiến tích lớn, rất lớn, là Liên doanh đã phát hiện và đưa vào khai thác nguồn dầu trong tầng đá gốc Granit dưới đáy biển mỏ Bạch Hổ với trữ lượng lớn. Vietsovpetro có công đầu tìm ra và khẳng định một loại thân dầu mới phi truyền thống trong công nghiệp dầu-khí thế giới, làm thay đổi quan điểm tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu-khí ở Việt Nam và trong khu vực, đi đầu trong sáng tạo và ứng dụng các giải pháp công nghệ phù hợp để thai thác dầu trong đá mỏng một cách hoàn toàn mới, chưa từng gặp trên thế giới, đóng góp rất đáng kể cho khoa học dầu-khí của nhân loại. Nhờ thế, đến nay Liên doanh đã khai thác được hơn 193 triệu tấn dầu từ đối tượng này, tạo sức hút mạnh mẽ các công ty dầu-khí nước ngoài đầu tư hơn 12 tỉ đô la vào hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam.

          Ba mươi sáu năm làm việc không ngơi nghỉ, Liên doanh đã khai thác được trên 227 triệu tấn dầu thô, đạt tổng doanh thu bán dầu thô gần 77 tỉ đô la, nộp ngân sách Nhà nước và lợi nhuận phía Việt Nam gần 48 tỉ đô la, lợi nhuận phía Nga gần 11 tỉ đô la, đưa vào bờ trên 32 tỉ mét khối khí đồng hành, thúc đẩy công nghiệp Khí-Điện-Đạm tại khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu và phát triển ra nhiều vùng đất nước.

          (Người viết bài này đã có dịp làm việc với PV Gát –Tổng công ty khí, với PVOIL-Tổng công ty dầu, lại được tận mắt chứng kiến hoạt động biến dòng khí chuyển từ các mỏ khai thác ngoài khơi xa xôi vào thành phân đạm và các sản phẩm hữu ích khác tại nhà máy đạm Phú Mỹ. Chưa hết, còn được lãnh đạo PVOIL Vũng Tàu, lãnh đạo Công ty vận chuyển khí Đông Nam Bộ kể cho nghe nhiều chuyện, được đi xem hệ thống ông dẫn và hoạt động của các phòng điều khiển Trung tâm tự động, hết sức hiện đại. Vì vậy, không chỉ tin vào những sự kiện, những con số của Liên doanh Vietsovpetro, mà thấy mừng cho ngành Dầu-khí và cho nền kinh tế nước nhà !)

          Đến đây, hẳn có bạn đọc đặt câu hỏi:  vị chuyên gia được gọi “ông” từ đầu bài viết là ai mà có vẻ am tường lắm chuyện và nhiều   nghĩ suy đến thế ?

          Xin thưa:

          Về cương vị công tác, phần đầu đã giới thiệu qua, hiện nay ông đang là Phó Chánh kỹ sư phía Nga của Liên doanh Vietsovpetro, một chức trách quan trọng về kỹ thuật, chỉ đứng sau Tổng Giám đốc.

          Còn, ông là ai ư ? Họ và tên đầy đủ của ông hơi dài theo cách gọi Nga. Ông là Crupenkô Épghênhi V.lađimia Rôvic, dân tộc Nga, nhưng sinh năm 1958 tại Gru-snưi  , thủ đô nước Cộng hòa Tréc-sni-a phía bắc Cộng hòa Liên bang Nga. Đất nước nhỏ bé lạnh giá này lại là cái nôi đào tạo các chuyên gia và công nhân kỹ thuật cho ngành Địa chất, trong đó có khoan thăm dò  và khai thác dầu-khí cho cả nước Nga và Việt Nam ta. Tôi từng gặp Anh hùng lao động Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Hữu Tươi và rất nhiều thợ khoan Địa chất phục vụ tại Tập đoàn thủy điện sông Đà học tại Gru-snưi, nay đến Liên doanh Vietsovpetro, gặp các kỹ sư khoan thăm dò và khai thác dầu-khí, hỏi thì được biết, rất đông trong số họ cũng học Đại học và học nghề tại thành phố này, trong đó có vị Phó Chánh kỹ sư Crupenkô Épghênhi Vlađimia Rôvis ta đang tìm hiểu. Tốt nghiệp khoa khai thác Mỏ-Đại chất tại Gro-snưi, chàng kỹ sư trẻ Crupenkô làm việc trong ngành Dầu-khí Nga, đến năm 1993, tròn 35 tuổi đời với vốn liếng nghề nghiệp đã vững vàng, kỹ sư Crupenkô tạm biệt vợ con, trong đó cậu con trai thứ hai mới lọt lòng mẹ, sang Việt Nam, nhận nhiệm vụ làm Dàn trưởng dàn khoan số 9 của Liên doanh Vietsovpetro. Ba năm sau, ông nhận lệnh trở về Nga, công tác tại cơ quan Dầu-khí Máscơva, nhưng thường xuyên đi đến các cơ sở khai thác dầu-khí ở Tây Xibêri. Và, năm 2015, ông vui mừng trở lại Việt Nam nhận trách nhiệm nặng nề hơn: Phó Chánh kỹ sư phía Nga của Liên doanh.

          Cần nói thêm rằng, ông vui mừng trở lại Việt Nam vì được làm công việc kỹ thuật với quyền hạn dưới một người, trên nhiều nghìn người (chỉ riêng đội ngũ lao động quốc tế đã có gần 8.000 người), mà có thêm lý do quan trọng là, sang Việt Nam lần hai này đã có già nửa thành viên gia đình ông cùng có mặt ở thành phố Vũng Tàu. Đó là chàng trai trưởng của ông - Xécgây Épghênhi Crupencô, cùng vợ và con gái nhỏ 5 tuổi của anh ta. Sinh năm 1986 tại Gru-snưi, hết phổ thông, Xécgây vào học và tốt nghiệp Khoa Luật trường Đại học Bách khoa Cáp Cát tại Starôbưn. Đang say học tập, Xéc gây học tiếp và tốt nghiệp Khoa Kinh tế trường Đại học kỹ thuật Dầu khí U-pha. Với hai bằng đại học trong tay, Xéc gây phục vụ quân đội một năm theo nghĩa vụ, và tháng 11 năm 2009, anh đưa vợ con sang thành phố Vũng Tàu.

          Nghe câu hỏi: Tự anh muốn sang Việt Nam làm việc trong Liên doanh Vietsovpetro hay do ông bố vạch hướng? Chàng Chủ tịch Công đoàn phía Nga của Liên doanh tròn 31 tuổi, có khuôn mặt rất búp bê Nga, cười hiền lành, trả lời thật thà: do bố tôi.

Hỏi: Hồi mới sang, anh đảm nhận việc gì?

Đáp (trong nụ cười tươi): Làm nhân viên trong bộ máy điều hành của Liên doanh, sau đó được điều xuống làm Phó phòng cán bộ Xí nghiệp khai thác kiêm Chủ tịch Công đoàn phía Nga của Xí nghiệp. Đến năm 2017 này được bổ nhiệm kiêm Phó phòng Tổ chức-Nhân sự cùng chức vụ Chủ tịch Công đoàn phía Nga của Liên doanh.

          Trước khi chia tay, Xéc gây thổ lộ thêm rằng: 8 năm ở Việt Nam, do công việc và bấn bíu vợ con nên tuy biết thiên nhiên Việt Nam rất đẹp, con người Việt Nam tuyệt vời, nhưng mới chỉ cùng vợ và con gái nhỏ đi thăm được thành phố Hồ Chí Minh, và các thành phố Nha Trang, Hội An, Đà Lạt, chứ chưa được thăm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Xéc gây bảo không chỉ lấy làm tiếc mà còn coi đó là một khiếm khuyết, sẽ phải sớm sửa chữa.

          Chuyện đang vào “phom” thì phải dừng, vì chàng Chủ tịch Công đoàn có gương mặt búp bê Nga xem đồng hồ và cáo lỗi vì đến giờ anh phải đi giao ban(!)

          Vậy đó, y như bố anh, có việc là đi, vui mấy cũng bỏ. Mà không chỉ có bố con Xéc gây, hơn 500 lao động người Nga, Azecbaizan, Ấn Độ, Ma-lai-xia... hiện tại, hay thời điểm cao nhất đội quân Quốc tế này lên đến hơn hai ngàn người đều vậy, và cả nhiều chục ngàn cán bộ, công nhân Việt Nam trong ngành Dầu-khí, tất cả họ, những người đã và đang ngày đêm chắt thứ vàng đen đặc biệt trong đá gốc biển Đông cho Tổ quốc, đều làm việc với tinh thân đặc biệt như thé. Vàng đen đặc biệt! Đúng, trước nay ta có thứ vàng đen thể rắn là than đá, nay ta có thứ vàng đen thể lỏng và khí từ đá gốc biển Đông. Với ý nghĩ rất vui này, đêm ấy, trong căn phòng trên lầu 7 nhìn ra biển đêm Vũng Tàu lấp lánh muôn ngàn điểm sáng như sao sa, tôi lại hình dung về bố con người chuyên gia Nga, như tôi đã mường tượng về ông sau đêm vui đầm ấm tình Nga-Việt trong nhà hàng hải sản Vũng Tàu, mà tôi đã ghi lại ở phần đầu bài Bút ký các bạn vừa đọc.

                                          Khương Đình, Hà Nội, 4h30’ sáng 24/10/2017

                                                                 P.N.C

(Ảnh: Đoàn nhà văn chụp ảnh với các chuyên gia tại Làng chuyên gia - Liên doanh Vietsovptro)

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 104
Trong tuần: 857
Lượt truy cập: 450870
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.