Hoàng Thị Kim Vân
NHỮNG MÙA MÂY XỨ LẠNG
Trong những ngày cuối năm 2017, đoàn nhà văn Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức chuyến đi thực tế tại Lạng Sơn. Đoàn đã có cuộc hành trình đến với những cung đường tuần tra biên giới, những căn cứ Cách mạng, những làng xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Kết thúc chuyến đi, các nhà thơ, nhà văn đã có những tác phẩm đa dạng phản ánh về đất và người xứ Lạng.
Là một thành viên của đoàn nhà văn Báo Văn nghệ, sau chuyến đi thực tế tại Lạng Sơn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hoà Bình đã viết “Mùa mây”, là một bài thơ có những cảm nhận rất riêng về xứ Lạng.
Mùa mây của Nguyễn Hòa Bình được đăng trên Báo Hà Nội mới số Xuân Mậu Tuất 2018. Bài thơ viết về xứ Lạng những ngày mùa đông giá lạnh, “tháng một, ngày ba độ” với cảm hứng về thiên nhiên, mây trời vùng biên ải, khi các nhà văn đi thực tế tại cung đường tuần tra biên giới. Bài thơ là những cung bậc tình cảm gần gũi, chân thành của tác giả về xứ Lạng. Kết cấu của bài thơ theo dòng cảm xúc, có thể chia thành các phần: Mây và gió; Mùa mây - mùa bình yên; Mùa mây- mùa lễ hội; Mùa mây- mùa yêu.
Mây và gió
Mùa mây được mở ra từ một điểm nhìn từ trên cao, với một không gian rộng mở, tràn ngập gió, lồng lộng gió, ào ạt gió, “gió cuộn quanh người, ta bay cùng gió”. Trong vòng xoáy của những luồng gió cuồn cuộn ấy, trời cao dường như thấp xuống, chỉ vừa tới ngang vai người và con người thì “như bay cùng gió”… Nhưng mây mới là điểm nhấn trong không gian lộng gió ấy. Mây hiển hiện như một chứng nhân của lịch sử, như một người bạn thân thiết, gắn bó, luôn đồng hành, gắn bó, sẻ chia với cuộc sống con người. Ở mảnh đất biên cương địa đầu Tổ quốc này, mỗi con người từ khi sinh ra, lớn lên và trưởng thành, cho đến ngàn năm sau vẫn vậy, những mùa mây vẫn qua đây, tuần tự và lặp lại, như một quy luật tất yếu của đời người, của vũ trụ.
Những mùa mây qua đây
mấy ngàn năm bao mùa lặp lại
Tuổi trai, đi qua giông bão
xua mây mù, gọi nắng bừng lên.
(Mùa mây - mùa bình yên).
Mây không chỉ để nói về một hiện tượng tự nhiên, không chỉ là chứng nhân của lịch sử, mà còn để diễn tả cuộc sống bình yên của con người nơi đây. Ở đâu có mây, nơi đó có sự bình yên, ấm áp. Mây đem lại sự ấm áp cho những vạt rừng, góc suối nơi biên giới, những đám mây lành che mát cho những con đường tuần tra biên giới, chở che cho những chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Mùa bình yên
Mây ấm từng vạt rừng, góc suối
che mát đường tuần tra biên giới
nuôi Kỳ Cùng ăm ắp mỗi sẻ chia.
(Mùa mây- mùa lễ hội).
Xứ Lạng, vùng đất nơi biên ải là mảnh đất nổi tiếng với hàng trăm lễ hội khơi dậy nét đẹp văn hóa các dân tộc, thu hút đông đảo du khách mọi miền tham dự. Hàng năm, mỗi độ Tết đến, xuân về, khi cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa đào, hoa mận khắp nơi bung nở, cũng là khi người dân xứ Lạng tưng bừng mở hội cầu mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, viên mãn. Trong lễ hội mùa xuân, không thể thiếu những làn điệu dân ca giao duyên đặc trưng của dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng. Khách thập phương đến đây vào dịp lễ hội, ai cũng ngạc nhiên và thích thú khi được chứng kiến khung cảnh người người chen chân đi hội, những chàng trai, cô gái trong màu áo chàm xinh xắn vừa đi hội vừa hát giao duyên…Những làn điệu sli, lượn, vén eng, phuối pác… đã kết đôi cho bao chàng trai, cô gái xứ Lạng nên duyên hạnh phúc. Nhà thơ đã dùng hình ảnh “mây chở điệu sli, điệu lượn, lời vén eng, phuối pác” tạo nên sự duyên dáng, mềm mại, như những áng mây bay trên bầu trời, đỉnh núi.
Mùa hội về
Mây chở điệu sli, điệu lượn
lời Vén eng, Phuối pác
để ai say từ ánh mắt
em gái Tày Lạng Sơn.
Không gian của gió, của mây cùng những làn điệu giao duyên, hay ánh mắt em gái Tày xứ Lạng khiến du khách bỗng trở nên bồi hồi xao xuyến...
(Mùa mây- mùa yêu).
Những mùa mây còn gắn với mùa yêu, mùa của tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống:
Cùng gió bay lên
Mây vun thắm thêm mùa vụ
thông thơm mùi nhựa
vàng ươm màu lúa
phưng phức hương hồi.
Mùa yêu
suối hoa chảy giữa lưng Trời
tiếng đàn Tính quyện giữa lời Then bay
Ta về Xứ Lạng chiều nay
nghe mùa gọi bạn, biết say mây rồi.
Vẫn là cặp đôi mây và gió cùng xuất hiện, nhưng không “cuồn cuộn” mà rất nhẹ nhàng, dịu dàng “cùng gió bay lên” tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo để cùng tô điểm, làm đẹp hơn cuộc sống của con người xứ Lạng. Đó là bức tranh đa sắc của ánh sáng, màu sắc, hương thơm được bao bọc bởi mây và gió. Trong bức tranh có sắc vàng ươm của lúa chín, có hương thơm nhựa thông, có “phưng phức” hương hồi xứ Lạng… Độc đáo hơn trong bức tranh đó có cả tiếng đàn tính, vốn là âm thanh đặc trưng, là ngôn ngữ tình yêu của người xứ Lạng. Sử dụng thể thơ lục bát với nhịp điệu êm ái, cùng với những hình ảnh đẹp “suối hoa chảy giữa lưng trời”, “tiếng đàn tính quyện giữa lời then bay”, nhà thơ đã thể hiện đỉnh cao của sự hoà quyện, gắn bó, đồng điệu, thăng hoa trong tình yêu của con người xứ Lạng.
“Nguyễn Hoà Bình là một nhà báo năng động, một nhà thơ lúc nào cũng đau đáu nhân tình và ngùn ngụt cảm xúc” (Đặng Huy Giang). Nguyễn Hòa Bình viết chưa nhiều về xứ Lạng, nhưng Mùa mây đã thể hiện những am hiểu sâu sắc của anh về đất và người xứ Lạng, từ những đặc điểm về thiên nhiên, con người, những nét đặc sắc trong các phong tục, tập quán, sinh hoạt lễ hội…Bài thơ chính là thể hiện của tình cảm gần gũi, chân thành, “ngùn ngụt cảm xúc” của anh về mảnh đất và con người xứ Lạng.
Hy vọng nhà thơ Nguyễn Hòa Bình sẽ còn tiếp tục viết về mảnh đất này bằng những trải nghiệm và những tình cảm gắn bó, yêu thương./.
Lạng Sơn, ngày 8/02/2018.
H.T.K.V
Người gửi / điện thoại