Nguyễn Nhuận Hồng Phương
NHỮNG ĐIỀU CÒN LẠI
Kính tặng hương hồn cậu Nhâm
Sao mình lại vô tâm thế nhỉ? Lúc nào cũng luôn mồm răn dạy người thân: Có những việc cần làm, nếu không xử sự kịp thời sẽ ân hận suốt đời. Thế mà bây giờ chính mình lại là kẻ nói một đằng làm một nẻo. Thật đốn mạt! Thật vô tình, vô nghĩa. Biết bao lần nhắn nhủ thế nào cũng phải dành thời gian về thăm nơi ấy. Thế mà… Từ lúc lên xe, Sơn tự dày vò. Lý do? Có biết bao lý do biện hộ cho một lỗi lầm đã mắc. Bảo không có điều kiện đã đành. Đằng này, mỗi năm ra Hà Nội công tác, họp hành biết bao lần. Mà đường sá có xa xôi, cách trở đò giang gì cho cam. Tàu, xe sẵn, lên đấy chưa đến năm mươi cây số. Nhưng lần nào cũng đủ những lý do. Một thằng bạn cùng học đại học, giờ làm Tổng giám đốc Công ty X… Nghe điện xong, hỏi: Hội thảo mấy ngày? Cần đếch gì! Buổi sáng điểm danh là được. Tầm trưa tớ cho xe đến đón, hôm cuối cùng có mặt dự tổng kết là xong chứ gì? Còn lái xe, thả cho nó “đôi lít”, bảo nó nghỉ trong nhà khách, chơi đâu thì chơi, ai hỏi tìm lý do hợp lý mà trả lời. Còn cậu theo tớ đi câu cho đã. Xứ trong cậu có ao câu chưa? Cầm cần câu “mười vé” bao giờ chưa?... Chưa hả?... Cứ theo tớ khắc biết!
Vào cuộc, vui thật! Nhìn những ngón tay búp măng trắng nõn nã, móng sừng chuốt bóng lộng, hồng như ngọc, mềm mại, uốn éo như diễn viên múa mắc mồi câu mà ngứa cả chân răng, nước miếng chảy ròng ròng, chỉ muốn há miệng cắn một miếng… Giật được con cá còn lơ lửng trên không, đang giãy đành đạch, vạt váy đã xoè ra khuỳnh khoàng hứng đón, thấp thoáng mảnh lá nho tí tẹo, bắp vế thon, dài, trắng như ngó sen, uốn éo. Mông cong vồng, chân tay, thân hình nhún nhảy, không khác chi tranh xưa vẽ thiếu nữ hứng váy đón dừa. Sẩm tối, hạ tiệc dưới thảm cỏ, tay tiên bóc vảy cá nướng bọc bùn, mùi thơm phức, ánh điện giả ánh trăng huyền ảo chẳng kém thiên nhiên là mấy…
Lần khác, một thằng cùng nhập ngũ, bây giờ nghe chức danh thường thường: Trưởng phòng đời sống. Nhưng bổng lộc nhìn ngoài đã chết khiếp. Cưỡi xe Cờ Rao, mặt mũi phương phi đến nỗi phải nhờ tư duy của giác quan thứ sáu mới lục tìm được khuôn mặt của quá khứ. Hì hì… - Nó phảy tay- Tranh thủ sống tới đi! Xưa chiến trường không chết, nay chơi cho đã, vút tầm đi! Chén tạc vạc chén thù, ôn đời quân ngũ, nhắc chuyện chiến trường, ăn với nhau đôi bữa, thức với nhau vài đêm, tận hưởng không khí đô thành. Sang Gia Lâm, vào làng Lệ Mật, bảo “cu Dực” chủ Nhà rắn gia truyền, bắt con hổ mang bành, phanh sống, tim, mật bày lên đĩa nhảy tanh tách… Tao béo, nuốt mật cho hạ hoả; mày gầy, nuốt tim cho tăng huyết áp. Rắn gia truyền bảy món, nhắm với rượu ngũ xà hạ thổ thập niên, rượu nhập, ngấm tích xưa, thòi ra đủ chuyện…
Cứ thế! Cứ vậy! Biết bao lần dự định sẽ phải… Nhưng rồi cũng biết bao lần vấp phải những lý do để khất lần khất lữa…
***
Người phụ lái đưa cho Sơn chiếc vé:
- Chú xuống Thạch Lỗi còn đi đâu nữa không?
- Tôi vào Ấp Tre.
- Vào Ấp Tre sao chú xuống Thạch Lỗi?- Người phụ xe hỏi.
Sơn đáp:
- Thật tình lâu lắm tôi mới đi đường này…
- Nếu thế thì chú xuống bến xe Khu Công nghiệp Bình Minh sẽ gần hơn- Người phụ lái nói- Xuống đấy, chú đi năm nghìn “xe ôm” là tới.
- Thật chứ? Thế thì nhờ anh cho tôi xuống đấy. - Sơn nói.
- Cháu nói dối chú làm gì! - Người phụ xe thể như thanh minh- Mùa thu hoạch hành tây nào mà xe cháu không vào Ấp Tre chở về Hà Nội. Gớm, đất tốt, hành gì mà củ nào củ nấy cứ to cái bát bình vôi…
Câu chuyện vô tình của người phụ lái làm lòng Sơn nhói buốt. Thời gian quá xa để hình dung ra những gì đã đổi thay. Trong tâm tưởng của anh bồng bềnh hiện lên khuôn mặt một dĩ vãng…
***
Nhúp cái tăm đưa lên miệng, Sơn nói với Tâm: Uống nước xong thanh toán tiền rồi đi. Ngoài trời mưa tầm tã, gió thổi ù ù. Trùm kín chiếc áo bông lên người mà Sơn thấy vẫn rét. Những ngọn gió thổi thốc từ mạn Đông Bắc về, luồn sâu vào thớ thịt như cứa như xé. Hai người đứng dậy, khoác áo bạt, kéo lại tai mũ, thít chặt dây rồi chạy ra chiếc xe ô tô đỗ ngoài sân. Trước khi lên ca bin, Tâm ngoảnh lại dặn Sơn: Trong khi tớ nổ máy lấy hơi, cậu kiểm tra lại một lượt xem thế nào. Nếu để nước mưa vào là chảy tuột hết hàng đấy.
Sơn đi lại phía sau xe, nước từ nóc bạt chảy thành dòng. Anh lấy tay sờ kiểm tra khoá thành và những nút buộc. Tất cả đều tốt. Từ phía đầu máy, tiếng vù ga ùm ùm của Tâm như có ý giục. Sơn yên chí quay lại, bỗng có người đẩy chiếc xe đạp thồ chà tới, rồi một giọng run run, hỏi:
- Xe các đồng chí có lên ngược cho tôi quá giang một đoạn?
- Xe đầy hàng không đi được! - Sơn đáp.
Người kia giọng van vỉ:
- Mong đồng chí xem xét hoàn cảnh, chiếu cố cho. Có hai sọt hành giống, nếu để ướt, hỏng hết!
Qua ánh sáng chớp dông, một khuôn mặt khắc khổ trùm kín áo tơi đan bằng lá hiện ra, da mặt sạn sần, nước mưa đọng trên lông mi lủng lẳng, nhỏ từng giọt, môi tái nhợt, run rẩy. Có vẻ như ông ta bị nước mưa thấm vào người rất lạnh. Sơn cảm thấy mủi lòng, ái ngại. Chợt Tâm từ ca bin nhảy xuống, quát to:
- Xe chở hàng quân sự, không đi được!
- Trời mưa gió, các đồng chí làm ơn…
- Ơn huệ gì! Không được là không được! Dẹp lấy chỗ cho xe ra.
Người đàn ông biết nài nỉ cũng không được, đành kéo chiếc xe thồ lùi lại, lũi cũi nhảy lên xe đạp đi. Tâm cho ô tô lùi khỏi bãi rồi cài số tiến. Lúc vượt qua, lấp loáng trong ánh đèn gầm, Sơn nhìn thấy người đàn ông gò rạp trên xe, gió thổi phần phật làm chiếc áo tơi khoác trên người ông căng phồng. Dưới chân, đôi dép cao su trật trẹo theo nhịp đạp, có một hay hai sợi dây cao su bị tuột lê thê quét xuống đường theo chiều đạp vương vào đáy chiếc sọt thồ nặng trĩu… Tâm liếc nhìn Sơn, vút ga lấy đà tăng số, miệng nói:
- Áy náy gì, dân chạy chợ đấy mà. Tớ thấy lão ta ngấp nghé định xin đi nhờ từ lúc bọn mình đang ăn cơm cơ. Nhưng xe mình đang “đánh quả” cho đi nhờ có bằng lạy ông tôi ở bụi này à.
Sơn im lặng. Một nỗi buồn vô cớ nhen nhúm trong lòng anh. Tiếng chổi gạt nước quét trên mặt kính chắn gió rên rin rít, sàn sạt, mưa mỗi lúc thêm nặng hạt, hắt mạnh, đập, bắn tung toe, nhoè nhoẹt. Tâm vươn người về phía trước, tay ôm vô lăng, mắt chăm chú nhìn đường, môi chúm chím huýt sao, một bản nhạc quen thuộc của cánh lái xe vang lên…Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ…
Buổi sáng, Thủ trưởng gọi Sơn lên giao nhiệm vụ:
- Đồng chí theo xe áp tải hàng xuống D3.
Lúc trả hàng xong, lái xe Tâm bàn với Sơn:
- Công lệnh đến 9 giờ sáng mai xe mới phải có mặt ở đơn vị. Bây giờ tụi mình xuống bến Phà Đen tranh thủ làm chuyến than, mang về quê tớ bán cho tụi lò gạch, kiếm mỗi thằng thêm “tí phụ cấp”.
Đây là lần đầu tiên Sơn được đơn vị phân công nhiệm vụ áp tải hàng. Hàng hoá giao xong là Sơn hết trách nhiệm, còn việc lái xe đi, đứng thế nào là của Tâm. Nghe Tâm bàn, cảnh lính, Sơn nghĩ có tiền cũng khoái. Tuy vậy còn đắn đo:
- Liệu có việc gì không?
- Việc gi! - Tâm trả lời- Tớ quen rồi. Có cái khi đổ than xong phải chịu khó rửa cho hết bụi than để về các thủ trưởng khỏi phát hiện.
- Việc rửa ráy đáng gì- Sơn đồng tình.
Lấy than xong thì trời ập tối, một cơn mưa kéo tới, mây trên trời vần vũ, sấm chớp loằng nhoằng xì xẹt. Hai người giở bạt hì hụt che hàng. Tâm nói:
- May quá, trời đất thế này thì bố thằng Giôn Sơn cũng không dám bay ra. Tụi mình cho xe vượt cầu phao sang bên kia thì ăn cơm.
Đến thị trấn Đông Anh trời ập mưa, Tâm cho xe vào quán cơm cạnh đường nghỉ, bảo Sơn:
- Tụi mình cũng phải “nạp xăng” vào dạ dày đã!
… Xe chạy được một lúc thì tới lối rẽ. Đang đi trên đường quốc lộ rộng rãi, giờ đi vào đường nhánh nhỏ và hẹp, càng vào sâu càng khó đi. Tâm bật thêm đèn dự phòng để nhìn đường cho rõ. Chiếc xe chồm lên rồi lại hút xuống những “ổ voi” “ổ trâu” trên đường, tốc độ chậm như rùa bò. Sơn hỏi: Từ đây về đến nơi tập kết hàng còn bao nhiêu cây số? Tâm lựa cho xe tránh chỗ sóc, trả lời: Đi đường Quốc lộ 2 dễ đi nhưng xa, tắt lối này qua Thạch Lỗi đỡ được hơn 20 km, nhưng quan trọng là tránh được tụi Kiểm soát Quân sự. Phải cái trời đêm nay mưa nên đường trơn.
Tối mò mò lại mưa gió bão bùng thế này ai ra đường mà kiểm soát? Sơn nghĩ. Xe một cầu, đường lại vắng tanh như chùa Bà Đanh, bị pan ti nê, mắc lầy, ách lại đây thì khốn. Gọi xe nào đến cứu được? Mà địa bàn này gần sân bay Đa Phúc, nhiều căn cứ quân sự là trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ. Mưa gió đùng đùng nên chúng không ra, chứ như mọi bữa, chạy giữa đồng không mông quạnh thế nay thì liệu hồn.
Như đọc được ý nghĩ lo lắng của Sơn, Tâm an ủi: Đoạn đường này toàn bọn đặc chủng kéo tên lửa chạy qua nên mới nát bét thế này. Qua đường tàu sang bên kia toàn đường sỏi ruồi, cát đỏ, chạy êm re!
Quả thật, khi rẽ vào đoạn đường giao nhau với đường sắt, đường êm hẳn. Sơn hạ kính chắn gió đưa tay hứng. Trời bớt mưa, màn mây u ám giãn dần nhường cho từng quầng sáng và mặt trăng thi thoảng lấp ló hiện, ẩn như chơi trò ú tim. Sơn ngó hẳn đầu ra quan sát. Hết mưa rồi lại lo tới máy bay. Sơn nhắc Tâm: Trời quang thế nay tụi F4H dễ luồn mây ra lắm, tắt bớt đèn dự phòng đi cho an toàn. Tâm đáp: Vượt qua đường sắt tớ sẽ tắt.
Phía trước, dải đường sắt vổng cao, chạy dài như con trăn nằm vắt ngang cánh đồng. Nơi này xa làng mạc nên không có trạm ba ri e chắn báo tầu. Triền dốc thươn thươn, nhưng đến đoạn vượt qua đường sắt thì dốc ngược. Tâm thận trọng về số, giảm tốc độ, quan sát hai bên xem có tầu hoả không rồi mới tiếp ga lấy đà cho xe vượt. Bánh xe chồm qua đường tầu, ca bin dựng ngược. Sơn nắm tay nắm cốp, ghì chặt chống trả cú sóc nảy người, đầu chạm nóc. Chiếc xe vượt sang bên kia vừa lấy lại được thăng bằng thì bỗng ”Khực…khực…khực…” đột ngột khựng lại, tiếng máy ằng ặc, ằng ặc rên thêm mấy tiếng rồi tắt lịm. Tâm thảng thốt kêu: Có lẽ xe bị chạm cầu rồi?
Sơn cầm đèn pin mở cửa nhảy xuống. Chiếc ô tô mang nhãn mác Giải Phóng kềnh càng cưỡi ngang đường sắt. Sơn cúi xuống nhìn vào gầm. Chiếc cầu xe tròn lủng, đen ngòm nằm lơ lửng giữa hai thanh đường ray, dưới đáy hở ra một vệt sáng như sợi chỉ. Sơn nói vọng lên ca bin: Gầm chưa chạm, nổ máy là đi được! Đáp lại lời Sơn, tiếng máy khởi động kêu xoe xoé, vòng tua cánh quạt cắt gió xoay tít, nhưng máy không làm sao nổ nổi. – Xe bị pan rồi! –Tâm ngừng khởi động, nói -Đưa cho tớ cái đèn pin –Rồi mở cửa trèo lên đầu máy, kéo chốt, Lật cánh gà xe lên. Tâm hua hua đèn pin, nhưng từ trong, hơi nước thổi ra nóng giãy, ngùn ngụt, trắng xoá làm cho Tâm không nhìn thấy gì. Tâm kêu lên: Hình như bị thổi goăng quy lát rồi Sơn ơi.
Bỏ mẹ thật! Bây giờ mà tàu hoả chạy qua thì chết cả lũ! Sơn cuống cuồng nhìn trước nhìn sau, bỗng thấy đèn xe vẫn rót ngược lên trời, liền quát: Đèn thế kia để mời máy bay đến hả? Tâm vội trở lại ca bin tắt công tắc, rồi xuống xe đi về phía sau chui vào gầm mầy mò, lúi húi ra chiều nghiên cứu. Sơn ngồi xuống theo, nhìn vào: Làm thế nào bây giờ? Cũng chưa biết làm thế nào đây! - Tâm nghĩ- Máy không nổ, tiến không lên, lùi không lại. Trời quang, mây tạnh, mưa ngừng rơi, gió ngừng thổi, trong khi đó, xa xa thấp thoáng ánh đèn dù, vòng vọng ầm ì tiếng máy bay, đấy là chưa kể nếu bây giờ có tàu hoả… Mới nghĩ thế thôi mà Tâm thấy lưng áo mình ướt đẫm mồ hôi. Tâm hô: Đẩy!
Xe chết, tải nặng, cả hai gò lưng un, đủn, chiếc xe ì ra như khúc gỗ, không hề động đậy tí nào. Xuống hàng cho nhẹ, ý kiến có vẻ khả quan. Nhưng gần năm tấn than, trong tay không hề có một dụng cụ, lấy gì để thao tác? Sơn mở bạt trèo lên xe, tháo khoá chốt, cửa hậu rơi rung cả xe, than ướt, đóng bánh thành tảng liên kết chống lại lệnh. Sơn lấy chân đạp, chân ngập trong bùn than nhão nhoẹt, đạp ba lần, mỗi lần một nhúm than rơi xuống “lẹt bẹt…” như trâu ỉa vãi. Kế ấy không được rồi. Cuống! Lái xe Tâm nhảy lên xe bật chìa khoá, khởi động máy. Đề được một lúc tiếng máy cứ “ư ử… ư ử…” như chó cắn ma vậy.
Đang cuống, bỗng từ dưới chân dốc có người đạp xe đi tới. Cả hai cùng đồng thanh gào: Này, bác gì ơi… Cuống tĩ thì gào bừa, chứ đêm tối thế này biết già hay trẻ, gái hay trai mà bác với ông. Sơn giơ đèn soi lên vẫy. Trong ánh đèn lấp loáng, Sơn và Tâm nhận ra người đàn ông khoác áo tơi, xe đạp thồ, đã hỏi hai người đi nhờ ở quán cơm. Hai người chưa biết nói sao thì ông đã nhảy xuống, ngả xe đạp cạnh rệ đường, phăm phăm chạy đến:
- Các tướng làm ăn thế nào mà để ô tô nằm chềnh hềnh giữa đường sắt thế này? - Ông giật chiếc đèn pin trong tay Sơn, hua hua vào chiếc ô tô -Tầu hoả bây giờ tới thì chết cả nút! Mà bây giờ mấy giờ rồi?
- 2 giờ 15 rồi ạ- Sơn lật tay xem đồng hồ trả lời.
- Khoảng 3 giờ sáng có một chuyến tầu chở quặng apatít chạy qua- Ông nói, rồi hỏi- Liệu bây giờ các tướng có chữa được không?
- Cháu đề mãi mà không nổ- Tâm đáp.
- Còn có gần tiếng đồng hồ nữa, lềnh chềnh là chết- Bỗng giọng ông dứt khoát- Các đồng chí khẩn trương chuyển đá cho tôi lót vào bánh xe sau.
Sơn và Tâm theo lời hối hả bốc đá chuyển cho ông. Xong, ông nói:
- Đồng chí lái xe lấy ma ni ven xuống quay máy cho xe nhích lên! Nhớ cài số tiến vì đằng trước là chân bờ kênh, có chạy xuống đấy cũng không sao. Đồng chí còn lại lấy cho tôi hai cái chèn đem về phía sau, bánh xe nhích lên được tí nào thì chèn lại.
Tâm hiểu ngay ý, thoắt một cái nhảy lên ca bin lật ghế lấy hai cái chèn gỗ ném xuống cho Sơn, rồi lập tức cầm tay quay đi về phía đầu xe. Nhưng mặc cho Tâm đu cả người lên chiếc tay quay mà máy vẫn không chuyển. Thấy vậy, người đàn ông đang lúi húi dưới gầm xe hỏi vọng lên:
- Đồng chí cài số mấy?
Tiếng Tâm:
- Dạ, số tiến!
- Nhưng là số mấy? - Ông hỏi gần như quát.
- Dạ. số 5 - Tâm đáp.
- Giời ơi là giời! – Tiếng người đàn ông gào lên- Mới lái xe hay sao mà ngu vậy? Lên cài số 1 cho tôi. Mau lên, nhanh nhanh không tầu về đến nơi là chết cả lũ bây giờ.
Tâm nhanh như máy hành động lặp theo lời ông. Lần này thì máy chuyển động. Cứ mỗi lần Tâm quay, bánh xe lại dịch chuyển nhích lên từng ít một. Và cứ được một nhịp người đàn ông và Sơn lại dùng chèn, cái nọ kế cái kia chèn bánh lại.
- Cố… cố… Cố gắng lên…- Người đàn ông gò người, nghiêng mặt, tỳ hẳn vai vào sát si như muốn đội cả xe lên còn miệng thì động viên- Cố lên các đồng chí.
Sơn vừa đẩy vừa chèn, vừa lo lắng nhìn hút về hai phía đường sắt, cầu mong sao không có tầu hoả. Nếu có thì… Sơn không dám nghĩ tiếp đến cảnh tượng nếu bất chợt có chuyến tầu nào đấy xuất hiện. Và nỗi lo lắng càng tăng khi hai bánh xe sau vào đến giữa đường tầu thì khựng lại, không nhích đi được nữa. Tâm từ phía đầu xe chạy về phía cuối:
- Đầu xe cao quá, hẫng, cháu không quay được nữa.
Người đàn ông gật gật đầu, nói:
- Tôi hiểu rồi, vì đường dốc quá đấy mà, các đồng chí chờ tôi một phút. - Ông đi vòng quanh xe một lượt rồi nằm áp sát xuống đất ngó vào gầm xe quan sát. Khi chui ra, ông vẫy hai người lại, nói như quán triệt - Các đồng chí cần hiểu bây giờ là lúc quyết định. Chỉ một lát nữa sẽ có tầu hoả chạy qua. Nếu chậm sẽ chết! Bây giờ đồng chí lái xe lên “cầm máy”. Khi nào nghe tôi hô “Hai, ba” thì tiếp đề ma rơ lấy đà; ở dưới này chúng tôi sẽ đẩy hỗ trợ hiệp đồng tác chiến. Khi bánh xe đã chuyển, tuyệt đối không được dừng lại, phải cố! Các đồng chí rõ chưa?
Tự nhiên, cả hai lập nghiêm cùng đáp: Rõ!
Tâm trèo lên buồng máy “cầm máy” như lời ông nói, còn ông và Sơn đi về phía sau xe.
- Hai… ba… nào…- Tiếng ông vang lên như tiếng kèn xung trận.
Tâm đạp khởi động “Khực…khực…khực…” Chiếc xe khập khừng chuyển động. Sơn và người đàn ông cong vồng người lên đẩy tiếp đà… - Cố… cố…cố… Giọng người đàn ông như nghẹn thở, bánh xe trèo lên thanh ray lừng khừng lưỡng lự cưỡng lại như phản kháng, rồi như phải khuất phục trước lòng quyết tâm của con người, lăn đi, bon bon trôi tuột xuống dốc.
Sơn và người đàn ông chạy theo một đoạn rồi cùng lăn ra bãi cỏ cạnh đường nằm thở. Cả hai thi nhau thở, thở lấy thở để, thở như chưa bao giờ được thở…
Ít phút sau, một chuyến tầu từ trên ngược xình xịch chạy đến. Khi qua đường ngang, người lái tầu thản nhiên kéo một hồi còi điểm nhịp. Từng đợt khói trắng hình chữ O nối tiếp nhau thổi lên trời, âm thanh dội vào đêm, phá tan sự tĩnh lặng, báo hiệu sự bình yên như chưa bao giờ bình yên vậy.
Sau khi thoát nạn đường sắt, chính người đàn ông ấy lại giúp Tâm và Sơn sửa chữa xe. Nhìn ông thao tác thành thạo, Tâm hỏi:
- Bác là thợ sửa chữa hay là lái xe mà thạo thế?
- Không giỏi nhưng cũng biết lọc vọc- Ông vừa xoáy ốc vừa nói- Trước khi vào bộ đội mình vốn là thợ rèn nên lúc biên chế được xếp vào làm lính thợ. Mỗi lần xe vào xưởng mình lại tò mò, tọc mạch tìm hiểu.
- Thế sao bác không ở bộ đội nữa? - Sơn hỏi.
- Nghe nói đình chiến hai năm rồi sẽ tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam, Bắc, nên tớ mới xin về phục viên. Ai ngờ mười lăm năm rồi mà vẫn còn ác liệt thế này. Rồi ông hỏi Sơn- Nghe tiếng thì biết đồng chí quê xứ Thanh?
- Dạ, quê cháu huyện Hoàng Mai- Sơn đáp.
- Đồng bào vùng ấy gian nan, vất vả nhưng cũng anh hùng lắm! Suốt ngày bị máy bay trên không oanh tạc, tầu thuỷ ngoài biển bắn vào. Mẹ cha thằng Mỹ- Chửi Mỹ xong ông xoa tay bảo Tâm- Thôi, được rồi đấy, đồng chí lên bật công tắc nổ thử xem thế nào.
Tiếng máy rền rã phá tan bầu không khí bình minh. Vù ga thử máy thêm mấy lần nữa ông nhẩy xuống:
- Thôi mời “các tướng” lên đường.
Lúc chia tay, thấy Tâm nhắc đi nhắc lại lời xin lỗi vì việc đã xẩy ra, ông cười xoà:
- Lúc “các tướng” không cho đi nhờ là tớ biết tỏng ngay rồi. Thời chiến làm gì có xe quân sự chở than đốt gạch. Kể ra chỉ xe đạp không thì tớ chẳng cần. Nhưng đằng này là chở hành giống. Cũng may tớ nhặt được mảnh ni lông của ai đánh rơi che lên cũng tạm.
- Thế bác chở từ đâu về? – Sơn hỏi.
- Nghe nói bên huyện Thường Tín có giống hành cho năng suất cao, tớ đi lấy về thử trồng xem thế nào. Biết đâu đấy lại hợp với đất quê mình. Vùng tớ đất đai, ruộng đồng khó tính lắm. trồng lúa rơm nhiều hơn thóc. Hôm qua trước lúc đi tớ phải thồ một sọt đất sang bên ấy để so sánh xem thế nào rồi mới quyết mang giống về.
- Thế có được không bác? - Sơn hỏi.
- Chất đất có hơi khác một chút, nhưng bà con bên ấy bảo trộn thêm nhiều gio vào là cải tạo được.
- Thế quê bác còn xa đây không ạ? - Tâm hỏi.
Người đàn ông cười, nụ cười hiền lành hiện trên khuôn mặt khắc khổ:
- Thì “Các tướng” đang đứng trên đất quê mình chứ đâu- Rồi ông chỉ tay về những rặng tre có thấp thoáng mấy nóc nhà lợp rạ lụp xụp nằm sát bờ sông máng đang đào dở- Đấy, nhà mình ở chỗ ấy.
Sơn và Tâm nhìn theo tay ông nhưng thái độ như chưa hiểu. Thấy vậy ông nói:
- Đấy mới là ấp, ít dân nên chưa được gọi là làng. Thôi, sáng rồi, chuyện trò mãi, nhỡ máy bay nó ra thì lại khổ. Để “các tướng” đi đổ hàng cho kịp. Nhưng nhớ “trót dại” lần này thôi nhá! Nếu ai cũng liều như “các tướng” thì bao giờ mới đánh xong Mỹ để giải phóng miền Nam?
Tâm và Sơn cúi mặt xuống nín lặng như đứa trẻ biết lỗi rồi trèo lên buồng lái. Đang định cài số đi, bỗng nghĩ thế nào Tâm mở cửa nhẩy xuống, hỏi:
- Bác cho chúng cháu biết tên để có dịp cháu sẽ đến thăm.
- Hẹn nhau ngày toàn thắng. Đến đây cứ hỏi Nhâm Ấp Tre ai cũng biết.
Chợt Tâm dang tay ôm choàng lấy ông, ghì mặt mình vào đám râu tua tủa của ông thì thào:
- Chào bố, chúng con đi. Hẹn bố ngày toàn thắng!
Hẹn thế, nhưng đã toàn thắng mấy chục năm trôi qua rồi nhưng chưa một lần nào Sơn quay lại. Sau lần đó anh được lệnh hành quân vào Nam, còn Tâm được điều về Đoàn vận tải 559. Hoà bình Sơn chuyển ngành về công tác ở quê. Trong dịp vào dự Lễ kỷ niệm Giải phóng miền Nam Thông nhất Tổ quốc ở thành phố Hồ Chí Minh, Sơn gặp lại Tâm. Hai người bồi hồi nhắc lại chuyện cũ, hẹn hò nhau thể nào có dịp sẽ về thăm lại ân nhân… Nhưng…
Nhưng cho đến khi cầm trên tay bức điện khẩn của Tâm, thì Sơn mới nhận ra mình là kẻ thất hứa, vô tình. Nhưng thà muộn còn hơn không. Sơn ra ga lấy vé lên tàu. Đến Hà Nội thì trời sáng, vừa kịp chuyến xe khách đầu tiên.
***
Theo lời chỉ dẫn của người phụ xe, Sơn xuống bến xe khách ở khu công nghiệp Bình Minh, rồi nhảy lên một chiếc xe ôm. Chiếc xe ôm đưa anh vào giữa khu công nghiệp. Các nhà máy hiện đại nằm phơi mình trong nắng sớm. Anh cảm thấy mình như lạc vào một nơi xa lạ, liền nhắc:
- Này, cho mình vào Ấp Tre nhé!
- Thì đang trên đường Ấp Tre đấy bác! - Người lái xe ôm trả lời
Ấp Tre bây giờ thay đổi thế này ư? Một khu dân cư rộng lớn, sầm uất, với từng dãy nhà tầng và lợp ngói đỏ nằm san sát theo trục đường bê tông ngang, dọc. Những hàng cây bạch đàn, phi lao to, thẳng tắp, hình tháp bút in trên nền trời xanh thẳm, rì rào vẫy gọi. Cho đến lúc vượt qua dốc Sơn mới nhận ra nơi ngày xưa chiếc ô tô gặp nạn. Dải đường sắt và bãi cỏ, chỗ chiếc xe rơi xuống hình hài vẫn còn, tuy bây giờ mặt đường rộng rãi và đã trải nhựa. Sơn đang bâng khuâng nhớ về những kỉ niệm chợt từ xa có tiéng trống, kèn vọng lại, rồi mùi nhang trầm theo gió ngan ngát đưa hương…
Đường bờ kênh xóc, thi thoảng có những rãnh thoát nước xẻ ngang khiến chiếc xe đi rất chậm. Sốt ruột, Sơn bám vào vai người lái nhổm hẳn lên để nhìn. Anh bàng hoàng nhìn thấy, xa xa, phía bên kia bờ kênh, một dải lụa trắng như mây bồng bềnh rỡ ràng bay trong nắng sớm trải dài như vô tận. Vội vã, Sơn nhảy xuống, hối hả chạy… Anh đã nhận ra đó là mầu khăn trắng vấn trên đầu những người đưa tang kết thành một dải…
Sơn đã theo kịp đoàn người. Anh lọt vào giữa một rừng khăn tang, mắt ai cũng đỏ hoe, sụt sùi thương tiếc. Sơn thắc thỏm: Làm sao đám tang của một người nông dân mà đông đến thế? Hay đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Đang băn khoăn thì Sơn thấy Tâm từ trên đi xuống. Anh lao tới, hai người ôm chầm lấy nhau riết róng, Tâm nức nở: Sơn ơi, trước khi bác Nhâm mất cứ nhắc đến Sơn mãi… rồi bác nói không chờ được Sơn rồi… Sơn gục đầu vào ngực Tâm thổn thức, hai bàn tay siết chặt vai bạn, môi cắn chặt, toàn thân run rẩy… Bác Nhâm ơi, cháu đã về với bác đây… Xin bác hãy tha thứ cho một kẻ vô tình, vô nghĩa… Bà con ơi, hãy cho kẻ vô ơn này được tạ tội cùng ân nhân lần cuối…Tâm vỗ vỗ vào vai Sơn dỗ dành: Thôi Sơn ơi, đừng tự dày vò mình nữa. Bác Nhâm thấy hai đứa chúng mình cùng có mặt thế này là bác ấy vui lắm rồi. Sơn nghẹn ngào: Tâm nói với người nhà của bác Nhâm cho mình xin cái khăn… Tâm cởi chiếc khăn trắng đang đeo trên đầu mình xuống, dùng răng xé dọc làm đôi, quấn lên đầu bạn:
- Sơn ơi, bác Nhâm đâu còn người thân. Bác là bộ đội Nam tiến từ những ngày đầu kháng chiến. Năm 1954 bác tập kết ra Bắc để lại một người vợ trẻ và ba đứa con thơ dại. Những tưởng sau hai năm sẽ được đoàn tụ. Ai ngờ, vợ con của bác đã bị bọn Mỹ – Diệm giết hại dã man trong nhà tù Phú Lợi…Năm 1962, bác là người đầu tiên đưa mười hộ gia đình ra đây khai hoang lập nên vùng quê mới. Để tìm hướng canh tác cho bà con, bác đã lặn lội, mầy mò đi các nơi, dành dụm chút tiền thương tật ít ỏi của mình để tìm ra giống cây trồng cho phù hợp, biến nơi đây từ một vùng hoang hoá, cằn cỗi, nghèo nàn trở nên một vùng chuyên canh trù phú… Hôm nay đưa tiễn bác đi, toàn thể nhân dân nơi đây tự vấn lên đầu mình một vành khăn tang, để tưởng nhớ tới một vị Thành Hoàng đã có công khai lập…
Sơn lặng người, khuỵu xuống, những điều còn lại của một con người bây giờ anh mới biết, cứ day dứt xoáy sâu vào trái tim như một niềm thức tỉnh…
N.N.H.P