Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NHỚ NGÀY GIỖ TỔ

Cầm Sơn

NHỚ NGÀY GIỖ TỔ
 
  Ngày 29 tháng 9 năm 2023, tức ngày 15 tháng 8 âm lịch. Dòng họ Nguyễn Hiền tại thôn Nghĩa Trai xã Tân Quang huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên tổ chức chuyến về nguồn dự lễ kỵ nhật cụ tổ là Khai Quốc Trạng nguyên Nguyễn Hiền tại Nhà thờ Tổ tọa lạc thôn Dương A xã Nam Thắng huyện Nam Trực tỉnh Nam Định.
  Đoàn do ông Nguyễn Ngọc Toàn (đời thứ 28) Trưởng Ban Đại diện dòng họ Nguyễn Hiền Nghĩa Trai làm trưởng đoàn cùng 49 người là con cháu nội ngoại dòng họ di chuyển trên một chiếc xe 50 chỗ ngồi, ngoài ra còn có 16 người ở một nhánh thuộc chi thứ ba tại thôn Thiệu Tổ xã Trung Nguyên huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc đi trên một chiếc xe khác do ông Nguyễn Xuân Khi (đời thứ 29) làm trưởng đoàn cùng tham gia về dự lễ.

  Sơ lược xuất xứ để có một dòng họ con cháu cụ Nguyễn Hiền tại thôn Nghĩa Trai như sau: Thời vua Trần Dụ Tông (1341 -1369) do ăn chơi xa xỉ làm cho Triều chính suy sụp, mục rữa. Các gian thần kéo bè kết đảng lũng đoạn triều chính. Thấy triều chính hỗn loạn, danh nho Chu Văn An dâng Thất trảm sớ xin chém 7 gian thần nhưng Dụ Tông không nghe, liền xin từ quan về dạy học. Các vị quan chính trực khác như Phạm Sư MạnhLê Quát tuy có năng lực nhưng không can gián được Dụ Tông bớt hưởng lạc. Vốn Chu Văn An yêu thích núi Chí Linh nên ông về cư ngụ tại đó, chỉ khi nào có buổi thiết triều quan trọng thì mới tới kinh sư. Dụ Tông thấy Chu Văn An là người có tài, muốn trao cho ông đại quyền, thế nhưng ông một mực khước từ không nhận. Thấy vậy, Hiến Từ Thái hậu đã khuyên can: "Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta?". Và khi nhà vua ban áo mũ cho Chu Văn An thì danh nho này chỉ đa tạ thôi chứ không nhận. Dòng tộc con cháu cụ Nguyễn Hiền cũng là những quan lại có phẩm cấp trong Triều theo gót thầy Chu Văn An từ giã Triều chính. Nhằm bảo đảm an toàn, anh em con cháu phải phân tán đi nhiều nơi để gian thần trong triều khó truy sát hãm hại. Năm 1365, cụ Nguyễn Phúc Hải là dòng trưởng trở về quê gốc Dương A. Cụ Nguyễn Đức Trọng ngành thứ hồi hương về quê mẹ tại thôn Ngọc Lịch tổng Cổ Trai huyện Gia Lâm phủ Thuận An trấn Kinh Bắc nay là thôn Nghĩa Trai xã Tân Quang huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên làm nông dân và làm thầy thuốc lương y chữa bệnh, chính vì vậy mà sau này dòng họ có nhiều con cháu hiện tại vẫn là những lương y tỏa ra khắp đất nước. Mãi sau này đến đời nhà Lê mới lại có người trong dòng tộc Nguyễn Hiền ở thôn Nghĩa Trai ra làm quan đó là cụ Nguyễn Oanh đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1481) niên hiệu Hồng Đức năm thứ 12 đời vua Lê Thánh Tông; cụ Nguyễn Thanh đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn (1496) niên hiệu Hồng Đức năm thứ 27 đời vua Lê Thánh Tông và cụ Nguyễn Minh Dương đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1550) niên hiệu Cảnh Lịch năm thứ 3 đời vua Mạc Phúc Nguyên.

    Chiếc xe 50 chỗ ngồi chở theo 49 tằng tôn hậu duệ cụ Nguyễn Hiền xuất phát từ đình làng thôn Nghĩa Trai lúc 6h20p đến cổng Đình làng thôn Dương A hồi 9h00 hội nhập với đoàn thôn Thiệu Tổ xã Trung Nguyên huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc được hướng dẫn vào Nhà thờ cụ Tổ Khai quốc Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Sau đó, đoàn được hướng dẫn đội lễ ra bái vọng cụ ngoài Đền thờ.

   Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền nằm ở trung tâm làng Dương A, đền quay hướng Tây Nam với bình đồ kiến trúc kiểu “Tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”. Phía trước đền là hồ sen, xung quanh có nhiều cây cổ thụ xòe tán lá rộng che bóng mát. Hệ thống nghi môn có 4 cột đồng trụ. Hai cột giữa cao 7m, phía trên có khung bảng đắp nổi họa tiết tứ linh với những đường nét tinh tế, tạo thành cổng chính của đền, hai cột bên thấp nhỏ hơn, hợp cùng với cột giữa tạo thành hai cột: tả môn, hữu môn. Tòa tiền đường được tu sửa vào cuối thời Nguyễn gồm có 5 gian, 2 chái với 6 bộ vì làm theo kiểu “Thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy”, đặt trên 4 hàng cột. Bên dưới cột là những tảng chân đá với dáng thấp cổ bồng. Mặt trước của tiền đường có hệ thống cửa gỗ lim, chân quay. Cửa ở gian giữa được làm trên con song dưới bức bàn, các gian bên là cửa con bài. Tòa đệ nhị 3 gian có hệ thống cửa gỗ lim chân quay chắc chắn, cửa ở gian giữa có 6 cánh chạm bộ tranh tứ quý “Tùng, Cúc, Trúc, Mai”, chính giữa là hình lưỡng long chầu nguyệt. Tòa này có mái cong với các đầu bẩy chạm họa tiết lá lật, trúc hóa long khá công phu; họa tiết chạm khắc trên các bộ vì chủ yếu là triện tàu lá dắt. Cung cấm có 2 gian, được làm giao mái với tòa đệ nhị. Trên bộ vì có chạm họa tiết long quấn thủy, tứ linh, tứ quý. Các cánh cửa của cung cấm đều làm bằng gỗ lim, chân quay, trên con song dưới bức bàn. Tại cung chính có đặt ngai thờ và bài vị thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Năm 2010, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng với sự đóng góp của nhân dân, đền được tu bổ, tôn tạo với qui mô lớn bao gồm: hệ thống đường vào di tích, hồ sen, tường bao, cổng, sân, nhà bia, hai dãy dải vũ, tiền đường, siêu hương, nhà chè và chính tẩm.
          Lễ hội Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền là lễ hội lớn, mở hội định kỳ hàng năm từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 8 âm lịch.

  Mặc dù đã hơn sáu trăm năm dòng tộc cư trú trên đất Hưng Yên nhưng đời đời con cháu vẫn hướng về quê gốc cội nguồn Dương A. Bài tựa trong Gia phả dòng tộc dòng họ Trạng nguyên Nguyễn Hiền cư trú tại Hưng Yên chép:
 
  Thường nghe “Cây có vạn cành vạn lá nhở ở gốc rễ, nước có muôn lạch trăm khe nhờ ở đầu nguồn, người có đông con nhiều cháu gốc từ tiên tổ”
  Trạng nguyên Nguyễn Hiền khí thiêng anh tú chung đúc từ lâu, cây đức rườm rà chăm vun muôn thuở. Coi sử là kinh, là ruộng, coi thư sách là vàng.
Lấy cương thường gìn giữ đời đời
Lấy Trung, Tín làm đầu
Lấy Nhân, Nghĩa làm gốc ngày càng tỏ rạng, đức sáng còn dài mãi mãi.
  Nhiều đời vinh hiển, đi thi đỗ cao, văn chương quán thể. Khoa hoạn thì rạng rỡ, áo đỏ đầy triều.
  Trải từ đời Nhà Trần tới triều Hậu Lê, tiếp chân nối gót, quan to hết bậc, ân đức đầy nhà. Nào là Lễ bộ Thượng thư, nào Đông các Đại học sĩ, nào thăng quan Thái Bảo, nào thăng chức Tư Đồ, nào Phụ chính Tướng quân, nào Nha đô chỉ huy sứ, Cương chính công thần, Vĩnh Lộc đại phu, Lâm lang Ngự sử, Chiêu văn các quán học sĩ Quốc tử giám, giám sinh.
  Văn mô chức trọng, triều cương cung đỉnh tốt đẹp truyền nhà
Vũ lược quyền thao, lĩnh cầm tướng ấn, phù trợ nước nhà trong lúc khốn nguy, mở mang sán lạn đã có từ lâu.
Khắc xương quyết hậu, cháu con phiệt duyệt đời đời
Tích năm tích lịch tính đời đã bao thế kỷ
Lập công, lập ngôn, lập đức còn đó ngàn thu
Đẹp lắm thay công đức Tổ tiên vời vợi
Ta có thân ta nhờ tiên Tổ mở đầu.
Vinh quang thay dòng họ Trạng nguyên Nguyễn Hiền muôn thuở.
 
  Sau khi bái vọng ngoài Đền, đoàn quay về Nhà thờ giao nhập cùng con cháu dòng họ ở quê gốc Dương A. Lễ giỗ cụ do ông Nguyễn Chiến Hạm – Thuộc ngành đích tôn là huyền tôn đời thứ 29 làm chủ lễ.
 Lễ bái vọng cụ của chi nhánh thôn Nghĩa Trai do ông Nguyễn Đức Sơn là huyền tôn đời thứ 29 được Ban Đại diện dòng họ Nguyễn Hiền Nghĩa Trai ủy thác đọc lời khấn.
  Ngày giỗ cụ Tổ lần này, ngoài con cháu ở Hưng Yên về dự lễ còn có một đoàn con cháu từ Nghệ An cũng kéo về.
   Cây có gốc, sông có nguồn, những dịp lễ tết, con cháu dòng tộc từ nhiều mọi miền đất nước rủ nhau hội tụ tưởng nhớ tiên linh đồng thời cũng là dịp được gặp gỡ, làm quen, nhận nhau anh em chung dòng tộc là nét văn hóa đẹp của người Phương Đông. Biết nhau, thân nhau, quý nhau cùng cộng tác, giúp đỡ nhau phát triển ngày càng phồn thịnh nhỏ thì kể từ gia đinh riêng, lớn thì đến quê hương Đất nước. Rất mong hàng năm, cứ đến ngày 15 tháng 8 âm lịch, tầng tầng lớp lớp con cháu ở khắp mọi nẻo miền quê nếu bố trí về được quê gốc có nhà thờ cụ ở thôn Dương A thì rất quý, nếu chưa về được thì cũng ngưỡng vọng về quê, nhớ ngày giỗ Tổ.
 
                                                                                                  C.S

 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 17
Trong tuần: 1177
Lượt truy cập: 436129
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.