Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NHỊP CẦU VĂN CHƯƠNG 3 - VŨ NHO.

Vũ Nho
 
VỀ TẬP THƠ NHỊP CẦU VĂN CHƯƠNG 3
 
   Thật vui mừng trước cố gắng của những người tổ chức. Nhịp cầu văn chương 3 với hơn ba mươi tác giả đã xong! Nhịp cầu nối những người làm thơ với nhau, nối những người làm thơ với bạn đọc đông đảo. Nhờ nhịp cầu này, chúng ta làm quen với những người viết ta đã gặp. Và cả những người viết mà lần này là lần quen biết đầu tiên!
          Với tôi, người yêu thơ thì có khá nhiều những tên tuổi trong tập này tôi đã quen, đã được tặng sách, đã cùng chia vui nâng lên, hạ xuống chén rượu nồng nàn tình bạn, tình thơ!  Và cũng có thể chỉ biết tên qua những người bạn yêu văn chương, thấy ảnh trên trang báo mạng, trong các tuyển thơ nhiều tác giả. Tôi vui như gặp lại cố nhân những Lê Tiến Vượng, Vũ Minh Huệ, Trần Thu Ba, Ngô Đình Ngọ, Trịnh Bá Sướng, Phạm Khắc Mã, Vương Thiên Nga, Lê Thanh Hùng, Ngô Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Đấu, Đặng Khánh Cường, Trần Trọng Giá, Bành Phương Lan…
          Có thể nói qua nhịp cầu vào tới miền thơ, người đọc như được thỏa sức hưởng bữa tiệc với các món lạ từ nhiều miền đất nước.
          Tôi đã vài lần đến Suối Hai, lưu luyến với cảnh nơi đây “Đã bao lần tôi đến Suối Hai ơi…Chẳng muốn về tôi còn ở lại”; vì thế lại càng ấn tượng với Suối Hai của Nguyễn Ngọc Đấu:
                    Suối Hai bây giờ
                    Suối Hai của mai sau
                    Suối Hai của thơ và của nhạc
                    Và của lúa, của luồng cá bạc
                    Đẹp diệu kì- đây một bức tranh quê
                              (Suối Hai)
Tôi cũng say vui trong tháng năm với hương lúa chín trong thơ Nguyễn Quang Huệ:
                    Giữa hè lúa chín vàng hanh
                    Nếp thơm hạt mẩy hạt lành bờ xôi
                    Bậc thang lúa trải kín đồi
                    Vàng ươm chân ruộng
                    Một trời hương quê…
                              (Tháng Năm)
Theo Trần Ngọc Anh, bạn đọc hòa vào hội cồng chiêng Mường Vang:
                    Lòng chợt nghiêng lòng nơi viễn xứ
                    Cong cần vít rượu say Mường Vang
                    “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói”
                    Vui hội cồng chiêng vút núi ngàn
                              (Đêm Mường Vang)
Hoặc về miền Biển cùng Nguyễn Mạnh Dưỡng để tràn đến tận cùng với sóng biển ngập bờ:
                    Ngẩn ngơ cánh sóng
                    Duyên tơ mặn nồng
                    Giữa lồng lộng
                     Thỏa niềm mong
                    Tràn nhau tràn đến tận cùng
                    Biển đêm
                              (Biển đêm) 
Có thể theo Phạm Khắc Mã đi du xuân đất Thái Nguyên:
                    Sông Cầu lững thững xanh trong mắt
                    Nắng cài dìu dặt phủ Linh Sơn
                    Xuân đem sắc mới từ lòng đất
                    Mưa bay lất phất, xuân đã hương
                                        (Xuân về)
Cũng có thể đi thăm khu du lịch Tràng An để ngắm vòm nhũ đá (mà cũng có thể nhũ người), vì có ai ước nhũ chạm đầu để đầu bươu cơ chứ!
                    Em nhắc tôi thuyền qua vòm nhũ đá
                    Nhớ nghiêng đầu kẻo chạm “nhũ” đau
                    Em nghiêng nón, mắt nháy cười tinh nghịch
                    Tôi ước mơ, được “nhũ” chạm đầu
                             Nhũ Tràng An - Nguyễn Xuân Dương
Người yêu thích hội hè vùng cao thì theo “Vó ngựa biên cương” của Vũ Thục Sương:
                    Tiếng khèn trong bản rộn âm vang
                    Vui múa xòe ô đến rộn ràng
                    Quả còn ngũ sắc ai thầm gửi
                    Chén rượu mắt vui cứ ngập tràn
                               (Vó ngựa biên cương)
                             
Tôn giáo và đời thường đều có phép nhiệm mầu. Thật bất ngờ khi 2 sự nhiệm mầu đó cùng đồng hiện trong bài thơ ngắn của Trần Thu Ba:
                    Cầu Chúa niềm hạnh phúc
                    Hàng ngày em không quên
                    Mong ngủ ngon mơ đẹp
                    Anh chúc em từng đêm
                    Một mình em ở giữa
                    Chúa và anh hai đầu
                    Ngủ ngon và Hạnh Phúc
                    Cả hai đều Nhiệm Mầu
                                   (Nhiệm Mầu)
Về những người phụ nữ trong chiến tranh, các tác giả cũng dành những vần thơ nói lên nỗi mất mát, sự hi sinh.
          Phạm Thúy Hậu viết về người chị:
                    Chị gửi lại Trường Sơn
                    Mái tóc mùa con gái
                    Gửi lại miền xa ngái
                    Trong ngần tuổi hai mươi
                              (Gửi lại Trường Sơn)
Đặng Khánh Cường viết về người vợ bền bỉ, kiên trì tìm hài cốt chồng:
                    Trải qua bốn chục mùa đông
                    Tay cào nát cỏ mà không thấy người
                    Ngước trông Thành Cổ nghẹn lời
                    Sông Thạch Hãn vẫn lở bồi phận sông
                                        (Tìm chồng)
Cũng dòng sông Thạch Hãn này, Trần Trọng Giá, một cựu chiến binh bùi ngùi:
                    Dòng sông Thạch Hãn mênh mông
                    Năm xưa máu đỏ nhuộm hồng người ơi
                    Để giờ thương nhớ đầy vơi
                    Nghe trong tiếng gió bạn tôi đang về
                              (Mong đồng đội thứ tha)
                                                 
Nguyễn Thượng Hiền viết về người chị mất cả chồng và con trong chiến tranh trong hai bài thơ cảm động “Ngọn đèn” và “Chị tôi”. Những câu thơ đầy nỗi xót xa, thương cảm:
          Nàng Tô Thị có con bồng
          Chị chìm trong tối, ngồi không nhìn đèn
          Chị thừa ra dười màn đêm
                              (Ngọn đèn)
          Chị về làm giỗ năm mươi
          Hai vành khăn
          trắng
buốt trời ngày đông
Khói nhang bay lệch cánh đồng
 Từ hai ngôi mộ
rỗng không tiểu sành
          (Chị tôi)
Viết về chủ đề này, Bành Phương Lan có bài thơ xuất sắc “Tôi muốn vẽ một nét chiến tranh”. Bài thơ vừa ca ngợi sự chịu đựng, hi sinh của những người phụ nữ trung trinh, vừa cảm thông, bao dung cho những chị em “đuối lòng”. Một bài thơ giàu tính nhân văn.
Có lẽ thơ về Mẹ là một chủ để nói mãi không cùng, viết mãi không cạn…
Vương Thiên Nga biết ơn “Quà của Mẹ” bình dị, thiết thực ngày Phụ nữ:
                    Ngày mồng Tám tháng Ba
                    Dăm lon gạo làm quà
                    Xưa nay Mẹ vẫn thế
                    Ưng hơn là tặng hoa!
                                    (Quà của Mẹ)
Đỗ Anh Thư nói cái vất vả, tần tảo của người mẹ thật cảm động. Chỉ hai câu thơ mà chân dung người mẹ thật ấn tượng:
                    Bát cơm ăn vội…một thời
                    Chân trên ruộng trũng, mắt nơi chợ chiều
                                     (Mẹ quê)
Người mẹ vừa tất bật, vừa như “phân thân” để hoàn thành công việc!
          Tác giả Trịnh Chu Sách viết bài thơ “Mẹ làm giỗ con”. Một đề tài hay nhưng tiếc là tác giả chưa đủ bút lực.
  Bành Phương Lan viết tâm sự của đứa con ngày mẹ đi lấy chồng! Nỗi khổ của em bé là đứng trước hai sự kiện ông bố đi bước nữa, và đến lượt người mẹ làm cô dâu! Không hiểu sao bài thơ gợi nhớ câu ca dao: “Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai”. Đó là người đàn bà góa đi bước nữa và nỗi lo lắng của đứa con/ cho đứa con bé bỏng.
  Trong bài thơ của Bành Phương Lan, hai người li hôn. Người bố tục huyền trước. Người mẹ đi bước nữa sau. Tâm trạng thật giằng xé:
Mẹ như nửa tỉnh nửa mê
Ngoài kia xe đón mẹ về nhà ai
Mẹ cười, nước mắt vắn dài
Chân đi mắt vẫn tìm hoài con yêu
Những câu thơ kết thúc bài thật ám ảnh:
          Thêm lần bước xuống đò ngang
          Bồng theo cả tiếng ru sang nhà người
          Mẹ đi tìm lại nụ cười
          Con về nhặt tiếng à ơi…của bà…
                    (Đám cưới mẹ)
          Nhà thơ họa sĩ Lê Tiến Vượng viết bài thơ “Thôi đừng trách mẹ nữa em”. Đầy thương cảm người mẹ ở góa cô đơn nuôi con:
          Cha đi mình mẹ một giường
          Một chăn, một chiếu soi gương một mình
 Người mẹ tuổi đã cao, nhớ nhớ quên quên, nên được thương cảm, nên được cảm thông chứ không nên trách móc. Câu kết bài thơ gợi nhớ câu tục ngữ “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”, khá  nhẹ nhàng mà  thuyết phục:
                    Thôi đừng trách mẹ em ơi
                    Kẻo e tiếng trách truyền đời sang con.
  Trên đây tôi đã điểm qua những câu thơ, bài thơ ấn tượng. Đáng tiếc là hơi ít những bài thơ hay, những câu thơ đẹp như đã dẫn. Có những bài còn sa vào kể lể, có những bài cảm xúc không đủ mạnh, câu chữ khá dễ dãi. Trình bày dàn trải… Tuy nhiên một tập thơ  khó tránh khỏi sự trồi sụt, nhất là của các tác giả khác nhau.
          Xin chúc mừng NHỊP CẦU VĂN CHƯƠNG tập ba. Chúc mừng các tác giả đã góp bài làm nên tập sách!
 
                                     Hà Nội, 13 tháng 2 năm 2023
                                                     V.N
 
         
 
 
                   
         
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 5
Trong tuần: 1152
Lượt truy cập: 436785
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.