Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NHẬT KÝ

Vũ Thảo Ngọc
 
NHẬT KÝ NGÀY THÀNH PHỐ MẮC ĐẠI DỊCH COVID
 
 Chiều nay
Sớm nay
Trưa nay

 Tôi vẫn có thói quen ghi nhật ký hàng ngày, nhưng thời gian này thì tôi không thể ghi hàng ngày được nữa, tôi phải ghi theo từng giờ, từng giờ, vì nơi tôi ở đang mắc cơn địa chấn dịch bệnh rất trầm trọng, một loại virut có sức mạnh vô hình đang đe dọa mạng sống của con người.
 Chúng tôi không bao giờ nghĩ mình lại rơi vào tình thế như thế này. Không được ra đường, không được đến công sở làm việc. Thành phố hơn chục ngàn người đang đông đúc, sôi động với vô vàn các hoạt động cả ngày lẫn đêm bỗng dưng bị ngưng trệ. Sự ngưng trệ tức khắc như đông cứng lại, tất cả đều hoảng hốt, tất cả đều ngỡ ngàng. Từ lo sợ đến tuyệt vọng là cảm xúc những ngày tháng này ở thành phố phương Nam đông dân nhất đất nước của tôi. Chúng tôi chỉ vừa đến thành phố lập nghiệp, mọi thứ đều rất mới mẻ, đều rất lạ lẫm thì bỗng dưng rơi vào sự hoảng loạn tức khắc này. Một cảm giác thật vô cùng lạnh lùng và thách thức mỗi chúng tôi.
Các phương tiện truyền thông ra rả thông tin vì đại dịch gây hiểm họa chết người ở khắp nơi. Bệnh viện kín người, người chết vì bệnh đã có. Những đám tang không được đưa tiễn, không nén hương, không điếu văn, không và không… Thật xa xót, thật đau lòng!
  Những con người bỗng nhiên chới với trước cuộc đời. Bỗng nhiên không có lỗi lầm gì mà bị con virut kia cướp đi sinh mạng còn đang tươi tốt của mình. Con virut đâu có chừa ai, nó tấn công cả loài người, các nghệ sĩ lớn, các chính trị gia đến mọi tầng lớp xã hội đều có thể là con bệnh trong tích tắc nếu không may nó xâm nhập vào. Cái thời khắc đông cứng lại ấy, tiếng xe im bặt, tiếng người cũng im bặt! Lạnh lẽo và vô hồn ở khắp nơi. Và vô số những trái khoáy từ việc chống dịch chưa kịp là sáng kiến hôm nay thì ngày mai đã lỗi thời và bị chỉ trích. Con người lại làm khổ con người và bao hệ lụy để tất cả cùng chống lại con virut khốn kiếp kia. Cả thế giới quay cuồng trong cơn chấn động dịch bệnh lịch sử này. Chúng tôi đang ở tâm dịch. Chúng tôi cần hỗ trợ. Chúng tôi không còn hơi sức để cấp cứu… Chúng tôi không thể mua được nhu yếu phẩm, người bệnh tăng theo giờ, nhiều lắm, ở quận này, ở phường kia, những cuộc điện thoại gấp gáp, các nền tảng công nghệ sáng trưng những lời kêu gọi khẩn thiết hăm bốn trên hăm bốn giờ.
   Hình ảnh các bà mẹ cố sinh con khi bản thân đã bị nhiễm chủng virut kia và đã nỗ lực hết mình để sinh con và…trút hơi thở cuối cùng! Có vô vàn những tình cảnh đáng thương khác và ngay lúc ấy có cả những gia đình bé nhỏ cùng bị lây nhiễm, những đưa trẻ bỗng dưng mất cha mẹ và trở thành trẻ mồ côi và những giọt nước mắt, những sự cứu trợ khắp đất nước hướng về thành phố chúng tôi…
 Hình ảnh các đoàn nhân viên y tế khắp đất nước đổ về thành phố chúng tôi để tăng cường cho mặt trận chống dịch trực tiếp. Những bộ đồ của nhân viên y tế kín bưng. Những gương mặt căn thẳng, lo âu hay vui buồn đều phải ấn giấu sau những cái khẩu trang che kín. Một mặt trận không tiếng súng, không bom đạn, nhưng nóng bỏng chưa ừng thấy.d1_2
  Đã có những nhân viên y tế mắc bệnh, đã có những nhà hảo tâm lao vào tâm dịch hỗ trợ bệnh nhân và y bác sĩ nhiễm bệnh và không thể giữ được mạng sống của mình chỉ vì con virut vô hình kia. Những tin tức không vui. Buồn. Lạnh. Những chiều thành phố nắng như uể oải hơn. Những cơn gió lạnh trái mùa đổ về cũng nhiều hơn. Thành phố như trôi trong cơn mộng mị của cơm cuồng phong mang tên ác quỷ vô hình chưa từng có. Những hàng cây sao, cây dầu cổ thụ chạy dọc phố phường cũng như ủ rũ thay cho thân phận con người chợt trở nên bé nhỏ trước cơn bão này!
Chiều nay…
   Hai tiếng về nhà rung lên trong tim tôi. Chưa bao giờ tôi có cảm giác tê dại khi nhắc đến hai tiếng ấy. Nó rung bần bật trong tim mà không thốt lên được. Hai tiếng về nhà bật ra và rơi tõm vào cái khoảng trời nắng gió cứ chong chong như mắt người đang rơi vào nỗi buồn sâu thẳm. Khấp các nền tảng công nghệ hôm nay đều nổi lên hai chữ về nhà đến nhức nhối. Mà lẽ ra hai chữ về nhà thân thương ấy nó không phải mang sứ mệnh của sự thôi thúc trong khốn cùng như chiều nay nó bật lên ở khắp nơi…
   Sau những vật vã chống chọi trong lòng thành phố, thì các cư dân tìm cách thoát khỏi cái chết lơ lửng, vô hình kia nhưng đã hiện hữu khắp thành phố khi thuốc chưa kịp chữa trị, khi bệnh viện đang quá tải không thể khác… Có một cơn siêu bão đã tấn công nơi thành phố chúng tôi, cơn bão không có gió, không có mưa, nhưng có sức hủy diệt sự sống của con người thật kinh khủng. Vì thế cơn chấn động tiếp theo là những con người bé nhỏ cố gắng chạy thoát khỏi vùng bão tố đầy chết chóc ấy. Một dòng thác người lớn chưa từng có nối đuôi nhau từ thành phố tìm đường về các vùng quê hương của mỗi người, mỗi nẻo đường như lại trĩu xuống đón những bước chân tha thân…
Và đã có biết bao những câu chuyện thương tâm trong dòng người chạy khỏi thành phố những ngày này, họ tìm cách chạy khỏi các vùng có dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập đến bản thân và gia đình họ. Trên các nẻo về nhà ấy đã có người chết vì đói, vì va chạm giao thông, vì muôn vàn nỗi niềm chua xót khác mà lịch sử nhân loại chắc cũng chưa bao giờ thấy.
   Họ tìm mọi cách để về được nhà, khi các phương tiện giao thông công cộng bị cấm không được hoạt động trong mùa dịch, biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh không lây lan từ vùng này sang vùng kia. Nhưng con người mà, đâu phải vật vô tri mà xếp gọn vào một chỗ, con người mà, thiếu cơm tìm cơm, thiếu nước tìm nước chứ, sao mà có thể ngồi yên chờ cái chết đến cửa nhà!  Như tức nước vỡ bờ, như đói đầu gối phải bò, như …muôn vàn trí khôn của con người, không có cách nào hơn thì tìm cách đi, kể cả đi bộ và tìm được các phương tiện thô sơ có sẵn, miễn có thể dời thành phố, dời các vùng tâm dịch càng sớm càng tốt. Hàng ngày nhìn trên màn hình bản tin của các phóng viên truyền hình, của công cụ trên các nền tảng công nghệ số về dòng người ấy len lỏi nhọc nhằn vượt nắng gió, mưa lạnh, vượt đèo cao, sông sâu cố gắng bằng mọi cách tìm về nhà mà xót xa thân phận người trong cơn đại dịch này. Con virut kia không nhìn thấy, nó mơ hồ bí ẩn dai dẳng đeo bám con người, nó không là quỷ dữ mà hơn quỹ dữ, nó không là bom nguyên tử nhưng còn ghê sợ hơn sức công phá của quả bom nguyên tử.
 Và dòng người về nhà kia thật sự gây nức nhối cho tất cả chúng ta.
Nhìn dòng người nhọc nhằn trên các con đường mà họ đang tìm cách về nhà ấy, khiến trái tim chúng tôi lại thêm một lần đau, thêm một lần ứa máu! Là nhát cứa vào trái tim tất cả chúng tôi đang ở tâm dịch và cả những người may mắn hơn chúng tôi không ở tâm dịch. Hãy làm gì cho người không may mắn khi chúng ta còn có thể giúp họ. Chúng tôi ngồi lặng bên nhau ngắm sông Sài Gòn khi hoàng hôn buông đỏ trời chiều, khi ban mai vứa hé, mặt sông vẫn lặng trôi, những tảng lục bình vẫn lững thững màu xanh diệp lục….
Sáng nay
   Cái nắng ở thành phố này cũng lạ, nắng đến đỉnh trưa rồi sang chiều là dìu dịu kéo nhau về những vầng mây rồi mưa, mưa nhỏ có, mưa to có, và cái nắng như chỉ là sự thử thách con người nơi vùng đất vừa có sông, vừa có biển, vừa có đồng bằng này. Có lẽ vì thế mà chúng tôi thích sự thử thách. Tuổi trẻ mà. Cứ lựa chọn cái phía đầy thử thách đó với một niềm tin phơi phới, dù ban đầu có thể còn nghi ngợi, nhưng khi đã quấn vào với cái miềnnắng chong chong ấy thì khó mà dứt ra, khó mà nói không muốn rời xa nó. Vậy mà cả tuần nay, khắp thành phố cứ váng vất hai chữ “về nhà”, cái âm thanh nó rất mơ hồ nhưng vô cùng mãnh liệt. Tôi và Phương đều nén chặt tiếng thở dài ấy, không đứa nào dám chạm đến hai chữ về nhà khi các tin tức ngày ngày đâu đó dâng lên và dòng người dâng lên khắp các ngả đường tìm cách về nhà. Như một cơn ác mộng. Như một cơn mơ không có điểm dừng!
  Về nhà là sự chuẩn bị kỹ lưỡng của chúng tôi, mỗi khi định về nhà thì chúng tôi đều phải có kế hoạch từ trước, là thu xếp công việc, là một chuyến đi về nhà với những người thân yêu phải thật chu toàn mới lên đường chú. Còn đây, sự về nhà của hàng ngàn, hàng vạn người ùn ùn đổ ra đường như thế kia… Ôi chao chỉ nhìn dòng người ấy thôi trái tim ta đã như bị ai bóp nghẹt!
   Vợ chồng chúng tôi lập nghiệp ở thành phố phương Nam ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi định đi học tiếp với ý định tìm học bổng, nhưng Phương của tôi khi ấy nhất định nói không, cô bảo, chả đâu bằng quê hương mình, cả hai cứ vào phía Nam lập nghiệp một thời gian, nếu thích ứng thì ok, nếu không cả hai sẽ cùng tìm học bổng để đi du học một nước nào đó của châu Âu, châu Úc đều ok.
   Tôi yêu Phương, nên mỗi khi có việc hệ trọng của cả hai thì tôi đều nghe Phương. Tôi yêu Phương không cần điều kiện gì nên thấy Phương lên kế hoạch thì tôi đồng tình ngay. Chúng tôi cùng xin phép cha mẹ hai bên để cùng chung chuyến bay sau khi Phương tốt nghiệp đại học. Chúng tôi cùng nhiều sở thích, thích nghi nhanh với mọi điều kiện hoàn cảnh, thích tự do bay nhảy, thích độc lập và sáng tạo. Chính vì những ưu điểm đó mà chúng tôi đã thích nghi và có điều kiện kiếm tiền nhanh hơn bạn bè cùng lứa. Nhờ có những ưu điểm thích lao động, thích kiếm được những công việc có thu nhập khá ổn định và có sự hậu thuẫn của cha mẹ hai bên, chúng tôi nhanh chóng có được tổ ấm như ý ở khu chung cư ngoại ô thành phố đang phát triển. Khu chung cư mới tinh, phía dưới vẫn còn cả một vùng đồng ruộng rộng rênh, xa chút nữa là dòng sông Sài Gòn vẫn lừng lững xuôi về biển, vì thế mỗi căn hộ đều có hướng cửa sổ hướng ra sông Sài Gòn lộng gió. Hàng đêm chúng tôi vẫn có thể nằm trong nhà mình mà ngắm ngọn tháp cao nhất thành phố phía góc kia và mở cửa để đón những làn gió mát rượi mỗi ban mai phía sông Sài Gòn thổi về...
   Nói chung nếu như, vâng nếu như không có điều gì bất thường chắc chúng tôi đã chả phải nghĩ đến hai chữ về nhà một cách xa xót đến vậy. Đã ngót hai năm đi qua, cả thế giới cùng phải chống chọi dịch bệnh lây lan từ một loại vi rút gây chết người, công việc của chúng tôi vẫn tốt, nhưng cũng không có tín hiệu khả quan vì các ngành nghề cả xã hội đã như bị đuối sức. Các nhà máy, các công trường bị thứ vi rút kia lặng lẽ tấn công, nhìn ra xung quanh thì nhiều người ở nhiều khu vực lao động khác đã có vẻ đuối sức. Nhất là các ngành nghề lao động tự do, dân lao động tự do ở thành phố lại thích nghi với công việc kiếm sống trong ngày, trong tuần nên họ không có khả năng tích trữ để chống đỡ dài hơi khi bị ngưng thu nhập theo thời gian ngắn ngủi ấy.  Và, khi con vi rút tấn công nhanh quá, họ là người bị tước quyền tồn tại đầu tiên! Hôm trước Phương đi làm về, tôi đón cô ở cửa, nhìn mặt Phương tôi biết cô có điều gì đó không vui. Tôi liền hỏi trước:
-Phương, em sao đó, sao hôm nay mặt như bị bánh đa nhúng nước thế.
-Đâu có, anh cứ trêu
-Thật mà, em soi gương đi
-Vậy ư, thế em phải soi xem sao, chả nhẽ mặt em tự dưng sưng lên à.
Ôi, tôi không nghĩ Phương không nhận ra điều ấy, sau thì Phương kể:
-Em bị xị mặt là do em khóc lúc ở cơ quan anh ạ, hôm nay nghe tin nhà kia đi xe lam tìm cách về nhà, họ lôi đứa con mới đẻ chục ngày tuổi, bà mẹ còm cõi thì bị mổ đẻ, nhìn em bé và mẹ nó mấy chị em cùng òa khóc. Sao họ khổ thể, họ khổ quá ạ. Nếu như là em và anh thì em sẽ chết mất…
 Nói rồi Phương lại rơm rớm nước mắt. Em khóc sụt sịt rồi khóc to. Tôi phải ôm Phương vỗ về.
-Ừ anh biết trường hợp đó, sáng nay các báo chí và mạng xã hội đã đưa tin, lại còn mấy trường hợp khổ hơn thế nữa cơ. Cả gia đình cái nhà anh ở Tây Nguyên đi xe cày về Nghệ An, đang đi bị nạn, họ đã có người…chết là một trong bốn người nhà ấy. Xót xa quá.
-Vâng. Em cũng đọc tin ấy. Ôi trời sao dân mình khổ quá. Con mắc dịch lẩn khuất đâu đó đã cướp đi cuộc sống bình thường của chúng ta. Về nhà là câu nói bình thường, là câu nói cửa miệng của mỗi ai, giờ nó nặng như đá đeo, thương quá anh ạ. Mình làm gì giúp họ được không. Ừ, anh cũng nghĩ như em, anh và em rủ mấy bạn mình đồng nghiệp làm một cái gì đó góp phần cho đồng bào mình đỡ chút nào hay chút ấy nhé.
Phương ôm tôi, cố nén tiếng khóc!
_116276412_gettyimages-1210330117
Và trưa nay…
  Và trưa nay, ngay lập tức trong đầu tôi hiện ra cái tên về nhà, thôi thúc và giục giã. Chúng tôi đã nhanh chóng lập ra nhóm trên nền tảng công nghệ Facbook có tên “VENHA”.  Chỉ trong tích tắc khi lập nhóm, vợ chồng tôi cùng những chàng trai cô gái tuấn tú có cùng chung mục đích làm thiện nguyện đã nhanh chóng hình thành. Các bạn tôi đều thành thạo mọi việc, họ gom mọi thứ, ai cho gì nhận tất, rồi tự lái xe đi phát cho từng hộ gia đình trong các vùng đang bị phong tỏa.
  Nhóm “VENHA” vẫn lặng lẽ làm phận sự của mình, Phương làm trưởng nhóm điều hành, thực ra, ở đây là phân nhau cho có đầu mối thôi, chứ tôi hay Phương hay Toàn chồng Yến và mấy cặp vợ chồng khác nữa mỗi người đều có thể là trưởng nhóm. Chúng tôi cứ lặng lẽ làm, lặng lẽ với trách nhiệm trên vai của những công dân đã và đang mang ơn thành phố này Chuyện không có gì đáng nói, nhưng hôm kia, nhóm đưa quà thiện nguyện, tôi và Phương vào đến xóm sâu ở đường hẻm sâu ở bên phía Đông thành phố, thực ra chúng tôi không nhớ nổi đã di chuyển thế nào vào con hẻm đó, nó rất dài, rất đông dân cư, rất dễ bị lạc.  Tôi và Phương đứng trước căn nhà mà nhóm đã nhận thông tin là có một cụ cô đơn đang sinh sống, không có khả năng ra ngoài mua bán lương thực, thực phẩm, chúng tôi nhón chân gọi mãi mà không tài nào gọi được, chả nhẽ đang phong tỏa cách ly mà chủ nhân đi đâu giờ này được. Gọi mãi, gọi mãi thì bèn nảy ra ý định nhờ hàng xóm. May thay chị hàng xóm cũng vừa ló đầu ra khi thấy tiếng chúng tôi gọi nhà bên và kêu trời:
-Ôi trời ơi thật quý hóa quá, chúng tôi đang bị kẹt, trong hẻm xa chợ, xa phường, xa trường…  Nhà cụ Toả hả, ối, cụ ở trong nhà mà, sao lại không thưa nhỉ. Cụ Toả ơi, cụ Toả ơi…
  Im lặng kéo dài, chỉ có thứ ánh nắng chong chong hắt lên nhóm người đứng trước cái hẻm sâu hoắm chằng chịt lối ra vào nếu đi một lần sẽ bị lạc. Những ngọn cỏ phất phơ, cái hàng rào như sắp đổ của nhà cụ Toả có đám cỏ leo vật vờ bật lên mấy bông hoaa tí xíu không có tên. Bầu trời có thứ nắng cứ chong chong như mắt người trong nỗi buồn vời vợi. Chị hàng xóm và chúng tôi đành chờ tổ dân khu phố đến để phá cổng vào nhà cụ Toả. Và, tất cả chúng tôi đều không cầm được tiếng thở dài, không cầm được giọt nước mắt trào ra. Cụ Tỏa đã nằm yên trên giường với quần áo chỉnh tề và cụ đã nằm đó với giấc ngủ trong lành như cụ vẫn ngủ ở cái giường ấy từ bao lâu rồi!
  Chúng tôi lặng lẽ trở ra, các việc cho cụ đã có người trong khu dân cư hỗ trợ cụ.    Chúng tôi đi về giữa những cơn mây chiều âm thầm đang chuẩn bị xả xuống thành phố một cơn mưa chắc sẽ rất lớn. Nhưng trước khi bầu trời ầng ậc nước kia đổ xuống thì cả bầu trời đó vẫn là một màu nắng chong chong, cái màu nắng chói chang không lời. Cá màu nắng của mùa hè đi vắng, của thành phố đột ngột bị ốm và hai chữ về nhà cứ ong ong trong tim tôi.
  Về nhà, Phương ơi, mình về nhà. Trong tim tôi chợt ngân lên hai âm thanh đó. Phía sau, Phương bấm chặt bàn tay đầy mồ hôi vào vai tôi.
  Về nhà, bước chân đến căn hộ chung cư thì chúng tôi chả kịp nghĩ ngợi gì khác vì hàng hóa, lương thực thực phẩm của các mạnh thường quân đã sẵn sàng đặt lên vai chúng tôi, gửi gắm chúng tôi đến các ngôi nhà khác đang cần trong thành phố…
  Về nhà trong cái nắng chong chong ở thành phố phương Nam mà tôi và Phương sẽ còn tiếp tục các công việc hữu ích, nhất định hết dịch chúng tôi sẽ thực hiện được  hoãi bão  mà chúng tôi đã từng hứa hẹn với nhau. Nghĩ thế, tôi căng ngực và hít một hơi dài, tự nhủ thầm, về nhà với Phương thì tôi sẽ còn đi đến hết cuộc đời đầy yêu thương này, cho dù còn nhiều khó khăn ở phía trước.
  Và những trang nhật ký của tôi cứ dày lên với muôn chuyện vui buồn của chúng tôi khi đang ở giữa tâm dịch covid là như thế./.

                                                                  Mùa hè dịch bệnh COV 2021
                                                                                   V.T.N
 
 
 
 
 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 130
Trong tuần: 686
Lượt truy cập: 425398
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.