NHÀ THƠ QUANG KHẢI (1943 - 2020)
Nhà thơ Quang Khải sinh năm 1943, tên đầy đủ là Bùi Quang Khải, quê xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông vốn là kỹ sư ngành Thủy Lợi, từng công tác tại các công trường thủy lợi trên khắp đất nước, sau chuyển về cơ quan Bộ Thủy Lợi từ những năm 1971 đến 1985. Từ năm 1985, ông chuyển về làm Biên tập viên tại Nhà Xuất bản Lao động, chuyên về sách văn học, cho đến khi nghỉ hưu năm 2006
Sinh thời, nhà thơ Quang Khải thường được nhắc đến với nhiều bài thơ viết cho thiếu nhi. Ông từng tâm sự: “Viết cho lứa tuổi này thật khó. Nếu sâu xắc quá thì hóa ra người lớn (mà đây là lứa tuổi chớm nhớ, chớm thương về những xao xuyến thuở ban đầu). Còn nếu viết nhẹ quá thì rất dễ sáo mòn, hời hợt…”. Tuy nhiên ngoài sáng tác cho thiều nhi, ông còn là tác giả của nhiều tập thơ, văn xuôi, biên khảo… được dư luận chú ý, như các tập thơ Nửa mùa thu (1987); Mái nhà xanh (1990); Nẻo đường hút gió (1991); Chiều giông gió & Thơ Quang Khải (tuyển chọn, 2004); Ngoài vùng phủ sóng (2007); Dòng sông không có đôi bờ (Ký văn học, 2000); Bùi Viện với sự nghiệp canh tân đất nước cuối thế kỳ XIX (Biên khảo cùng Thế Văn, 2000); Bùi Viện, sứ giả Việt Nam đầu tiên đến Hoa Kỳ (2006-2008); Tìm gì ở phía hoàng hôn (Truyện, ký và tạp văn, 2011); Quang Khải - Thơ văn tuyển tập (2014), Mái nhà xanh (Tuyển thơ viết cho thiếu nhi, 2016), Sứ thần Bùi Viện vượt trùng dương (Tiểu thuyết ký sự, 2020)…
Các giải thưởng văn học: Hai giải thưởng thơ cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 1987 và năm 1990-1991; Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2005
Đỗ Chiến Thắng
Bẵng đi mới có một tuần tôi vào thăm lại nhà thơ Quang Khải trong bệnh viên Việt Xô. Mấy ngày trước vào thăm anh, anh vẫn còn tình táo nói chuyện vui vẻ. Anh bảo người hơi mệt chỉ húng hắng ho do bị viêm phổi thôi. Thực ra gia đình giấu anh không cho anh biết anh bị bạo bệnh. Từ lúc do bị ho nên đi khám, bác sĩ yêu cầu nhập viện ngay. Mới chỉ hơn một tháng mà diễn biến bệnh quá nhanh. Anh nằm đấy lơ mơ không nhận biết được gì rõ rệt quanh mình nữa. Màn hình báo chỉ số sinh tồn tăng giảm thất thường. Bác sĩ đã báo cho gia đình chuẩn bị tinh thần đón nhận tin không vui.
Quang Khải hơn tôi mấy tuổi, học trước tôi hai năm, nhưng vào đại học thì cùng năm với tôi. Ở quê nhà chúng tôi rất gần nhau lắm. Anh học giỏi môn văn, những bài văn của anh thường được thày chấm điểm cao nhất theo thang bậc 5 điểm của Nga thời những năm 60 . Tốt nghiệp lớp 10 anh có nguyện vọng vào học tổng hợp văn, nhưng trớ trêu Ban tuyển sinh lại cứ xếp anh hai năm liền vào trường và ngành học không phải là sở trường. Ở nhà tham gia lao động sản xuất và được bàu là Phó bí thư xã đoàn phụ trách văn hoá. Biết là có chờ đợi nữa thì cánh cổng Trường Đại học tổng hợp văn vẫn khép, anh vào học Trường Đại học Thuỷ lợi ngành cơ khí. Trường sơ tán tận Lục Nam Hà Bắc. Gian khổ, những môn học tự nhiên: khoa học cơ bản, cơ sở, chuyên môn cơ khí vốn là sở đoản hành anh, người nặng nợ và có tình yêu mãnh liệt với văn chương.
Thời sinh viên chúng tôi thường viết thư trao đổi cho nhau, thư anh bao giờ cũng kèm những bài thơ anh vừa sáng tác. Tôi và bạn bè cùng lớp thích và thuộc thơ anh rất nhanh. Sau này tôi tập hợp hợp lại in thành một tập “Thơ Quang Khải thời sinh viên”
Anh đọc lại và mỉn cười nói kỷ niệm đẹp, nhưng bây giờ mà viết thì chắc khác lúc đó. Trong tuyển tập dày dặn mấy trăm trang “Thơ và văn Quang Khải”, anh in và phát hành 2018, anh chỉ lấy có một bài thời ấy như là ghi dấu ấn kỷ niệm thời sinh viên
“ Đồi Bắc Giang như thư tình bỏ dở
Dòng tiếp dòng là vần chữ ngổn ngang
Lòng em khép sao lòng anh lộng gió
Khuất bóng con đò trên sông nhỏ Lục Nam”
Ra trường năm 1971, tốt nghiệp với tấm bằng Kỹ sư thuỷ lợi anh rong ruổi có mặt trên khắp các công trường xây kè, đắp đập, đào hồ, mong góp chút sức lực của mình vào công cuộc xây dựng đất nước. Vốn có khả năng viết bài tuyên truyền cổ động kịp thời trên công trường dưới nắng gắt mưa giông, anh được BCH Công trường trưng dụng vào tổ tuyên truyền, viết tin hàng ngày phát trên loa phóng thanh. Ngày đó anh đã có những bài thơ được in trên báo Nhân Dân ngợi ca sự lao động cần cù không quản nắng mưa của người lao động trên công trường thuỷ lợi. Rồi từ công trường lụi lầm bụi đất anh được điều về Ban thi đua tuyên truyền Bộ Thủy lợi. Về đây anh có điều kiện đi đây đi đó, thâm nhập viết lách, những bài thơ áng văn sau mỗi chuyến đi, hé mở cho bạn đọc biết về một khả năng văn thơ đang phát lộ.
Rồi anh được điều về NXBLĐ của Tổng liên đoàn lao động, làm biên tập văn học. Ngày ấy in được tập thơ, tập văn còn khó lắm. Nhà nước bao cấp, nên đòi hỏi mỗi BTV phải vững tay nghề, cảm thụ thơ văn tinh tế, để gọt dũa giúp cho bài thơ, tập thơ áng văn của các tác giả khi đến tay bạn đọc ít nhất phải là những bài thơ áng văn đọc được. Như con ong cần mẫn, chỉn chu anh là bà đỡ mát tay cho nhiều tác phẩm ra đời, giúp cho cả những nhà thơ có tiếng tăm bây giờ được in ấn và tác phẩm của họ đến tay bạn đọc suôn sẻ ngon lành.
Anh về hưu từ NXBLĐ. Hôm trước anh đi dự Lễ kỷ niệm thành lập NXB này về, anh vui lắm, vì gặp được bao bạn bè từng cộng tác, nhưng cũng ngậm ngùi nhớ các bác đã đi xa. Quang Khải là thế, nhẹ nhàng mà sâu sắc, giàu tình cảm, đức nhân văn
Cuộc đời anh vốn không suôn sẻ, sinh ra đã không được như người bình thương. Lấy vợ sinh con muộn, long đong đi ở nhờ mãi, anh nói căn hộ tầng 4 khu nhà ở tập thể Khương Thượng chỉ gần 20m2, cả gia đình 4 người tá túc, cũng phải nhờ đến bàn tay của Chủ tịch Cù Thị Hậu kiên quyết bảo vệ.
Người bạn đời của anh đã từng cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, nếm trải những ngày gian khó , hơn chục năm trước bỏ bố con anh đi xa cũng vì căn bệnh K quái ác.
Với tôi anh vừa là người anh, người bạn, vâng bạn vong niên, dìu dắt tôi vào con đường văn chương thi ca, truyền cho tôi tình yêu nàng thơ đỏng đảnh đầy ma lực.
Chúng tôi thường ngồi bên nhau hàng giờ ôn lại những kỷ niệm về quê hương chòm xóm, nhâm nhi ly rượu thuốc, đàm đạo chuyện văn chuyện đời. Trong lúc cao hứng anh chưa bao giờ lên giọng của người anh từng trải, cứ thủ thỉ nhẹ nhàng như tiếng gió xạc xào thổi qua tán cây bằng lăng tím mọc trước sân tập thể nhà anh.
Giờ nhìn anh nằm đấy thoi thóp thở, như con cá Thờn bơn mắc cạn trong lòng con ngòi khô nước, trên cánh đồng quê, lòng không khỏi xót xa, lệ trào khoé mắt.
Anh là người sống chân thành thuỷ chung, được mọi người trân quí.
Anh đã đứng chân vào ngôi nhà văn chương của Hội nhà văn HN, Hội nhà văn VN ngay từ đầu những năm của thập kỷ 80. Nhà thơ Quang Khải đã giành được những giải thưởng văn học: Thơ viết cho thiếu nhi HNVVN và TƯ Đoàn TNCS HCM 1987,1990-1991 trao tặng;Tặng thưởng thơ Tạp chí tuổi xanh 1993; Giải thưởng UB toàn quốc LH các Hội Văn học Nghệ thuật VN 2005; Giải thưởng văn học về đề tài công nhân 1999-2009.
Quang Khải đã xuất bản nhiều tập thơ, bút ký , tuỳ bút, truyện ngắn, thơ cho thiếu nhi. Năm 2018
sau bao năm cầm bút, ra hàng chục đầu sách, anh đã tập hợp làm tuyển tập “Thơ Văn Quang Khải” được NXB HNV cấp phép ấn hành và HNV VN hỗ trợ một phần kinh phí . Gần đây nhất là cuốn tiểu thuyết ký sự
“ Sứ thần Bùi Viện vượt trùng dương “ mà anh là hậu duệ của cụ. Anh đang háo hức mong chờ ngày về khánh thành khu tưởng niệm Danh tướng Bùi Viện tại quê cha, do nhà nước đầu tư khá hoành tráng. Vậy mà...
Chao ôi ! sao Nam Tào, Bắc Đẩu cứ mải đánh cờ trên tiên giới, bí nước gỡ chiếu tướng, gẩy sĩ vén tượng lung tung, rồi không nhìn sổ thiên tào, cầm bút gạch bừa xoá tên một con người, một nhà văn tử tế.
Biết là quy luật nghiệt ngã của đời người : Sinh Lão Bênh Tử, tôi vẫn cứ ước ao cho Quang Khải được vượt qua bạo bệnh, tiếp tục những trang thơ trang văn, trang đời đôn hậu
(Thơ Quang Khải)
Thôi dẫu là sống một nửa, hãy trở về xôn xao nữa đi anh !
Ôi ! ước mơ vẫn chỉ là ước mơ, sự thật trần trụi không lá không hoa , như cây đời đã hết nhựa sống, lá úa héo vàng rồi rụng về đất mẹ đã sinh ra.
12-2020
Đ.C.T
NGÔI NHÀ ẤY
Quang Khải.
Ngôi nhà ấy-Trong Thơ chọn của Quang Khải-Nxb Hội nhà văn 2004.
NGÔI NHÀ ẤY- HOÀI NIỆM VUI BUỒN
Lời bình của Trần Trung
Tôi thích và quí cái chất riêng,tạo nên giọng điệu thơ Quang Khải, chính là Cái tình, Cái nghĩa với quê hương xứ sở, nơi in dấu ai hoài về những người thân yêu ruột thịt, quá đỗi gần gũi với nhà thơ.
Đặt tên cho thi phẩm- “Ngôi nhà ấy”, nhà thơ đã chiu chắt và gửi thầm vào đó một không gian riêng của lòng mình, lại chất chứa bao kỉ niệm của một thời xa ngái, mà ám ảnh. Bởi, “Ngôi nhà ấy” đầy ắp những dấu ấn hoài cảm về mẹ cha xưa; Dấu ấn lo buồn, từ không gian “khuất vào nẻo gió” của ngôi nhà; Rồi, từ chính nơi ấy, chợt vọng lên trong tâm tưởng những thanh âm-những tiếng buồn từ cha, từ mẹ...một thuở nào:
“đầu này cha khục khặc ho
giường bên mẹ già rên rẩm”
Những tiếng buồn và nhớ ấy, sao mà yếu già tội nghiệp! Cũng thật buồn, thật xót làm sao, khi những thanh âm ấy lại như hòa vào không gian quạnh hiu của “đêm hôm khuya khoắt” với ngày “trái gió trở trời” cùng cảm nhận mơ hồ mà thấm thía “gió thở dài mái rạ”...
Cũng chính từ không gian vật chất ảm đạm buồn lo,ái ngại , nhà thơ thương quê, nhớ quê, chợt cất lên tiếng thở than, thành thực trong những lời thơ khái quát thời cuộc mà cũng đau đến tận lòng; ân hận đến tận lòng:
“con ở xa, chưa về chăm chút
Đất nước thêm dằng dặc
vòng vo bao nẻo đường...”
Những tiếng “dằng dặc”, “vòng vo bao nẻo đường” cùng cả dấu ba chấm (...) đâu phải là đổ lỗi cho hoàn cảnh, tình thế, mà dường như còn chất chứa bao nỗi niềm, bao tâm trạng của người con đi xa!?
Bài thơ đẫm màu hoài niệm của Quang Khải, từ không gian của “Ngôi nhà ấy” lại nới rộng ra không gian vườn tược, mà thêm buồn, thêm nhớ... Có gì đó như gợi sự hoang tàn héo hắt.Đọc lên cứ rưng rưng niềm hoài cảm lẫn xót xa! Những con chữ của Quang khải hiện hữu và sóng đôi bởi những cái nhìn thấy và những cái cảm thấy, thật lòng và cũng thật lạ, thật gợi:
“Góc vườn quả chát rồi chín nẫu
Cây cao vói mà lưng Mẹ còng
Cây cao vói mà tay Cha mỏi
Trái rụng thầm lòng già héo hon”
Cảnh ngộ và tâm trạng của mẹ cha nơi quê nhà như hòa lại và đồng cảm, đồng điệu với người con đi xa mà luôn hướng về quê hương, hướng về cha mẹ, là khi: “Gió trở mùa thảng thốt lòng con /Vơ vẩn nghĩ... ngón tay lần sợi bạc/ Duy miền quê xa ngái chẳng nguôi/Nơi đó ngôi nhà bình lặng nhỏ nhoi/ Người nuôi tôi sắp trọn đời lam lũ”...
Mà, làm sao nguôi quên được “Ngôi nhà ấy”! Những lời thơ cuối của Quang Khải, chợt như quẫy lên những đợt sóng tâm tư trong hoài cảm vui buồn, lại chập chờn như thực, như mơ, khi nhớ về “Cha lại ho sặc sụa khói thuốc lào/Vị nồng cay ấm nơi mẹ miếng trầu”. Để rồi, bài thơ hoài cảm quê, khép lại trong những lời tự cảm, tự vỗ về lòng người, chấp chới trong da diết buồn vui:
“Se sẻ ơi, góc đầu hồi thiếp giấc
Se sẻ ơi, chút an ủi đời tôi”
T.T
Người gửi / điện thoại