Đỗ Vinh
NGUYÊN PHI Ỷ LAN
Dựa lưng vào cây lan
Thân cây thân người song sinh thơm
Tóc cây tóc người cùng chiều mượt
Đứng ngược chiều đám rước vua quan
Dự định nở thêm hoa vào trời
Dự định mọc thêm rễ vào đất
Nhà vua đem lan về cung đình trồng
Dự định có một cây cảnh đẹp
Dự định những phút giây giải nồng
Cây lan vùn vụt xanh ngoài ý muốn
Xum xuê toả bông ngoài dự định
Triều Lý vươn cành thơm bốn phương.
Đ.V
LỜI BÌNH CỦA ĐỖ NGỌC YÊN
Tứ của bài thơ dựa trên cơ sở của truyền thuyết về nàng Ỷ Lan Nguyên phi thời nhà Lý. Chuyện kể rằng có một cô gái vùng quê Kinh Bắc đang đứng tựa gốc cây lan khi đám rước của nhà Vua và đoàn tuỳ tùng đi kinh lý đi qua. Nhà Vua bỗng phát hiện thấy một cô gái quê trẻ trung, thơm thảo lại trông dáng người thuỳ mỵ, nết na liền lệnh cho đoàn tuỳ tùng đón cô về triều làm người giúp việc. Thế rồi cô gái tựa gốc lan hôm nào bỗng trở thành Nguyên phi của nhà Lý.
Viết về một nhân vật lịch sử quá quen thuộc đối với công chúng bạn đọc là một việc khó. Còn viết cho hay lại càng khó gấp bội lần. Đấy là một ý tưởng khá mạnh bạo của Đỗ Vinh. Ông vừa bám sát vào cốt truyện cũ trong truyền thuyết, vừa biết tước bỏ những cái không cần thiết, mà chỉ tập trung vào một số chi tiết nhất định với một cấu tứ và ngôn ngữ biểu đạt riêng. Tác giả đã cố tình lờ đi những sự kiện đã từng xảy ra trong quá trình tồn tại và phát triển của triều Lý, cũng như của cuộc đời nàng Nguyên phi Ỷ Lan mà chỉ tóm lấy cái thần của nó. Đấy chính là cái kết cục ngoài dự định của nhà Vua, Ỷ Lan và tất thảy chúng ta. Một cô gái nông dân xinh đẹp trở thành Nguyên phi trong vương triều không phải là chuyện hiếm hoi gì trong lịch sử nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Nhưng từ phi trở thành người chấp chính thì không mấy ai, ngoài nàng Ỷ Lan ra.
Cái được của bài thơ chính là ở chỗ Đỗ Vinh đã biết biến cái tưởng chừng như không bình thường ấy ở một con người cụ thể trở thành cái bình thường đối với một dân tộc mà lịch sử trải dài trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và đã có không ít hơn một lần người phụ nữ phất cờ khởi nghĩa, cưỡi voi, cầm quân ra trận và đã đánh cho quân thù tan tác, lập nên những chiến công vang dội khắp núi sông, để muôn đời cháu con không thể nào quên.
Để đạt được một dự định nào đấy, trong thực tế là điều không hề đơn giản. Vậy mà Ỷ Lan không những không phụ lòng ái mộ và tin cậy của nhà Vua, mà còn đã tỏ rõ được tài đức của mình trong việc quân cơ, điều hành đất nước. Điều ấy đã trở thành cái phi thường của người phụ nữ nước Nam.
Cấu trúc bài thơ bằng một khổ hai, hai khổ ba và một khổ bốn câu đã chuyển tải khá trọn vẹn ý tưởng của tác giả. Đỗ Vinh đã không lụy câu, lụy vần, lụy cấu trúc mà rất phóng túng, uyển chuyển hợp với dáng vẻ của người phụ nữ, nhưng cũng rất chặt chẽ tạo cho bài thơ một âm hưởng chắc khoẻ đúng như tinh thần và khí phách của một trong số những người phụ nữ đứng đầu quốc gia./.
Đ.N.Y