Phạm Trọng Thanh
NGƯỜI VI HÀNH CHIỀU BA MƯƠI TẾT
Những năm tháng tuổi thơ ở ngoài cung đình, thuở vị thành niên chuyên cần rèn đức luyện tài, hoàng tử Lê Tư Thành sớm có ý thức thương dân, yêu dân. Lặng lẽ suy nghiệm công việc kinh bang tế thế của các bậc tiên đế, nhìn ra đạo quân vương trước khi khoác áo long bào bước lên lo việc triều chính năm 18 tuổi, 1460. Ông trở thành đấng minh quân Lê Thánh Tông làm rạng danh triều Lê trong suốt 38 năm trị vì đất nước cuối thế kỷ XV. Một vị Hoàng đế thao lược, văn võ toàn tài, công nghiệp còn ghi trong sử sách Đại Việt. Một vị Tao Đàn nguyên suý tài năng văn chương xuất chúng...
Tuổi thơ thế hệ các anh tôi, bậc Sơ học đã đọc thơ của vị Thiên Nam Động Chủ tài hoa. Mắt học trò sáng lên khi vua làm thơ vịnh “cậu ông Giời’ sao mà uy phong:
Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi,
Chốn riêng thăm thẳm một mình ngồi.
Tép miệng năm ba con kiến gió,
Nghiến răng rung chuyển bốn phương trời.
(Vịnh con cóc)
Những buổi tan trường, nghe tiếng mõ rao “chiềng làng, chiềng chạ”, nhìn bác mõ Khán tay cầm mộc đạc (mõ gỗ) dùi tre, tiếng gõ “cốc, cốc” gióng giả từng hồi ruổi rong khắp các ngõ làng, tự nhiên trong lòng thấy nể trọng. Đây, thơ vua vịnh người truyền hiệu lệnh “việc làng, việc nước” in trong sách Quốc văn giáo khoa thư ngày ấy:
Mõ này cả tiếng lại dài hơi, Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi.
Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi,
Kim thanh chuyển động khắp đôi nơi.
Trẻ già chốn chốn đều nghe hiệu,
Làng nước ai ai cũng cứ lời.
Thứ bậc dưới trên quyền cất đặt,
Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi.
(Vịnh thằng mõ)
Đến lớp tuổi thơ tôi lòng dạ sáng thêm ra khi được nghe thơ vua nơi mái rạ quê mùa. Tôi sang chơi nhà ông trẻ - ông chú của cha - tôi lúc bà đi chợ, ông ngồi đun nồi cám lợn, tàn tro và khói bếp nhẹ nhàng bay lên. Thấy tôi lò dò vào ngồi cạnh, ông cười, đọc cho cháu nghe:
Trên đầu phấp phới tàn bay thấp,
Trước mặt nghi nga khói toả cao...
Ông bảo: “Cháu thấy ông ngồi đun bếp cũng sang trọng đấy chứ! Đấy là thơ "đun bếp". Còn đây là thơ "dệt vải" do vua "ngự chế", các cụ ngày trước dạy ông đấy, nghe chưa”:
Thấy dân rét mướt nghĩ mà thương,
Vậy phải lên ngôi gỡ mối giường.
Tay ngọc lần đưa thoi nhật nguyệt,
Gót vàng dận dạn máy âm dương.
Lớn lên, tôi tìm đọc tác phẩm của Hội Tao Đàn do nhà vua sáng lập năm 1495, lòng hướng về năm thế kỷ trước, lặng lẽ chiêm ngưỡng hai mươi tám "vì sao thơ" nước Đại Việt bên tàn quạt của vị Tao Đàn nguyên suý, mường tượng những buổi sinh hoạt thơ cung đình trong vườn Thượng uyển thời Hồng Đức.Vua là người siêng năng, chuyên tâm "Trống dời canh còn đọc sách/ Chiêng xế bóng chửa thôi chầu", là người uyên bác "Ham học không biết mỏi, tay không rời sách, kinh, sử, chư tử, lịch số, toán chương đều tinh thông" - (Phan Huy Chú).Vua chủ trương khuyến khích dùng chữ nôm trong sáng tác văn chương với ý thức đưa tiếng Việt lên ngôi.
Các vị thành viên Hội Tao Đàn thấm nhuần tinh thần tự chủ, tự cường. Họ yêu dân, yêu lời ăn tiếng nói, hiểu rõ công việc làm lụng khó nhọc của dân:
Năm canh bố cốc tiếng kêu om,
Leo lẻo canh phu đã sớm nom.
Gió ngàn xanh xoay nón lệch,
Mưa núi lục cúi lưng khom...
Tấc đất tấc vàng yêu bấy tá,
Mồ hôi dằn dọi thuở đầu mom.
(Vịnh người đi cày)
Yêu cảnh vật bốn mùa cõi Lĩnh Nam từ thuở các vua Hùng dựng nước, những anh hùng liệt nữ đức hạnh cao dày, phẩm cách kiên trinh bất khuất:
Giúp dân dẹp loạn trả thù mình,
Chị nhủ cùng em cất nghĩa binh.
Tô Định bay hồn vang một trận,
Lĩnh Nam mở cõi vững trăm thành.
Mới rày bảo vị ra ơn rộng,
Đã đội hoa quan xuống phúc lành.
Còn nước còn non còn miếu mạo,
Nữ trung đệ nhất đấng tài danh.
(Trưng vương)
Hoa trái, chim muông, thời tiết, phong tục...thảy đều có chỗ đứng trong các cuộc xướng hoạ ngâm vịnh của Hội Tao Đàn:
Âm dương hai khí mặc xoay vần,
Nẻo quá thì đông đến tiết xuân.
Chân ngựa rong khi tuyết tĩnh,
Hàng loan sắp thuở canh phân.
Chín trùng chăm chắm ngôi hoàng cực,
Năm phúc hây hây dưới thứ dân.
Mây họp đền nam chầu chực sớm,
Bên tai dường mảng tiếng thiều quân.
(Tết Nguyên đán)
Thơ vịnh cảnh ngày hè nồng nực:
Nước ngâm sùng sục đầu rô trỗi,
Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè...
Thơ chấm phá phong cảnh mùa thu phương Nam tiêu tao mà xa rộng:
Lau chổng bãi nam nghìn dặm rợp
Nhạn về ải bắc một hàng bày...
Thơ "vịnh chó đá", những câu nghe thật ngộ, một "cốt cách thạch khuyển" hơn đời:
Cắn kẻ tiểu nhân nào đoái miệng,
Chào người quân tử chẳng phe đuôi...
Thơ nôm trong Hồng Đức quốc âm thi tập tuy không thể sánh với thơ nôm trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi về sự sâu sắc minh triết nhưng lại mở rộng về đề tài, về đối tượng phản ánh trong triều ngoài nội, vừa cao nhã, bình dị, lại hồn nhiên, hóm hỉnh, lắm vẻ hay.
Tác giả Kiều Văn trong bài "Thơ nôm của Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn" viết: "Thơ Lê Thánh Tông là thơ “tải đạo” (chở đạo). Đạo là quy luật tự nhiên của càn khôn và xã hội. Ở loài người, đạo hàm nghĩa đạo đức mà gốc của đức là chữ nhân. Thơ ông tràn ngập nhân đức và do đó tràn ngập vẻ đẹp. Chính lòng nhân đức đã cho ông con mắt nhìn thế gian khác nhiều so với những nhà thơ khác trong Hội Tao Đàn. Vận dụng triết lí vạn vật nhất thể và nghệ thuật khẩu khí, ông cố tình xóa nhoà ranh giới giữa cao và thấp, giữa sang và hèn nhằm mục đích nâng đỡ, an ủi, khích lệ, làm nở nụ cười trên môi những người mang số phận hẩm hiu".
Thơ nôm của vị Tao Đàn nguyên suý trong Hồng Đức quốc âm thi tập có những bài thuộc hẳn về lòng nhân ái. Vua cảm thương những thân phận nữ lưu gặp cảnh trái ngang, thiệt phận:
Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương?
Bóng đèn dầu lận đừng nghe trẻ,
Cung nước chi cho luỵ tới nàng.
Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt,
Giải oan chăng lọ mấy đàn tràng.
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng!
(Điếu Vũ Nương)
Thờ chúa thờ chồng hết tấc thương,
Một mình trọn đạo việc cương thường.
Non thiêng dễ hoá hồn Tinh Vệ,
Nước biếc khôn nhìn mặt Phạm Vương....
(Vịnh Mị Ê)
Vua thương tiếc hiền thần, những giọt nước mắt vương giả thật lòng, khiến ta cảm động:
Dẹp yên bốn cõi mới buông tay,
Lồ lộ Thai tinh một đoá mây.
... Than tiếc ít nhiều khôn xiết chế,
Miếu đường hầu lấy cột nào thay?
(Điếu Lê Khôi)
... Khí thiêng đã lại thu sơn nhạc,
Danh lạ còn truyền để quốc gia.
Khoát ngón tay khen tài cái thế,
Lấy ai làm Trạng nước Nam ta?
(Điếu Trạng nguyên Lương Thế Vinh)
Các sáng tác văn xuôi chữ nôm vua Lê Thánh Tông có Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Liệt truyện tạp chí, bài phú 400 câu Lam sơn Lương thuỷ. Văn xuôi chữ Hán có Thánh Tông di thảo "sinh động, hấp dẫn, nhiều yếu tố trữ tình hơn Việt điện u linh hay Lĩnh Nam trích quái". Các truyện Cuộc tình duyên kỳ diệu ở Hoa Quốc, Con chuột thành tinh...có giá trị khơi nguồn sáng tạo cho các tác gia thời kỳ sau.
Thơ chữ Hán của ông có 9 tập, mỗi tập một chủ đề: "bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên; ghi lại cảm xúc và phong cảnh trên đường hành quân; thể hiện niềm tự hào về đất nước; vui mừng vì dân chúng được mùa; mong mỏi đất nước phồn vinh; thể hiện ý thức và trách nhiệm của vua quan đương thời với đất nước; vịnh núi sông phong cảnh đất nước mà tác giả có dịp thưởng lãm; vịnh, khen, chê nhân vật lịch sử phương Bắc; ca tụng danh lam thắng cảnh non sông"...(Từ điển Văn học - Bùi Duy Tân).
Bài thơ vua ngự chế năm 1468, trong chuyến tuần du miền An Bang (thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay):
AN BANG PHONG THỔ
Hải thượng vạn phong quần ngọc lập,
Tinh la kỳ bố khán tranh vanh.
Ngư diêm như thổ dân xu tiện,
Hoà đạo vô điền phú bạc chinh.
Ba hướng sơn bình đê xứ dũng,
Chu xuyên thạch bích khích trung hành.
Biên manh cửu lạc thừa bình hóa,
Tứ thập dư niên bất thức binh.
Dịch nghĩa:
ĐẤT NƯỚC AN BANG
Muôn ngọn núi nổi lên mặt biển trông như những viên ngọc đẹp,
La liệt những vì sao, những quân cờ, chênh vênh một màu xanh biếc.
Cá muối nhiều như đất, nhân dân theo nghề đó rất tiện lợi,
Ruộng không cấy lúa nên thuế má nhẹ.
Sóng dồn về phiá thấp của dãy núi mà nhảy vọt lên,
Thuyền luồn trong rạch dài giữa hai vách núi mà đi.
Nhân dân ở biên giới từ lâu vui hưởng thái bình,
Hơn bốn mươi năm không hề biết cảnh binh đao.
(Hoàng Việt thi tuyển - BÙI HUY BÍCH)
Trong Quỳnh uyển cửu ca, chúng ta gặp lại "vua Lê Thái tổ Cao hoàng đế võ công hiển hách phất cờ khởi nghĩa, quân Minh tan vỡ, khôi phục đất nước.Vua Lê Thái Tông Văn hoàng đế kế thừa nghiệp lớn là bậc trí dũng. Quan thừa chỉ, tước Quan phục hầu Nguyễn Trãi, hiệu Ức Trai, phò tá Lê Thái Tổ dựng nghiệp, từ chương của ông làm vẻ vang cho đất nước. Tư mã Lê Khôi thuỵ là Vũ Mục, trầm tĩnh, quả quyết mà hùng dũng, đánh quân Minh, đánh đâu được đấy: Cao đế anh hùng cái thế danh,
Văn hoàng trí dũng phủ doanh thành.
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo,
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh...
(Minh lương)
Dịch nghĩa:
Vua Cao đế anh hùng, uy danh bao trùm cả một đời,
Vua Văn hoàng trí dũng, giữ yên cơ nghiệp thịnh vượng.
Ức Trai lòng rạng rỡ như ánh sáng sao Khuê,
Vũ Mục bụng bày hàng những binh giáp"...
(Vua sáng tôi hiền - Hợp tuyển thơ văn Việt Nam,
tập II, NXB Văn hóa - Viện Văn học, 1962)
Mỗi lần lên Hà Nội làm lễ dâng hương ba vị Hoàng đế: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông - những người công đức hàng đầu trong sự nghiệp dựng nền văn hiến nước nhà, được tôn thờ tại nhà Thái học Văn Miếu Thủ đô, chúng tôi thường dừng lâu trước tượng thờ cùng linh vị đức vua đã minh oan cho hiền thần Nguyễn Trãi (1380-1442). Thầm biết ơn Người đã xuống chiếu cho sưu tầm các trước tác của Ức Trai tiên liệt để di sản văn chương đất nước không mất đi những tác phẩm để đời của một danh nhân hàng đầu trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Việc "sửa sai" này cũng là công đức lớn, ân nghĩa cao của đấng minh quân Lê Thánh Tông (1442-1497).
Một ông vua hay chữ thích đi vào dân chúng trong dịp Tết để hiểu thấu dân tình. Giai thoại về vị minh quân khi cải dạng nho sinh, lúc mặc áo thường dân vi hành chốn kinh kỳ trên nửa thiên niên kỷ trước còn đây. Đây là câu đối tối ba mươi Tết, vua cho chữ, viết rồi dán lên cột nhà bà thợ nhuộm một mình ngồi ngóng con trai chưa về:
Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ,
Triều đình chu tử tổng ngô gia.
(Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ,
Đỏ tía triều đình bởi cửa ta).
Còn đây là câu đối vua viết cho một nhà hàng nước thưa khách chiều ba mươi Tết:
Nếp giầu quen thói kình cơi, con cháu nương nhờ vì ấm,
Việc nước ra tay chuyển bát, bắc nam đâu đấy lai hàng.
Xin được kể thêm rằng, những câu đối vua phóng bút viết cho dân trên giấy hồng điều chữ nghĩa đều hay, lại mang khí chất đế vương với ngụ ý kinh bang tế thế, khi trưng ra phố phường ngày Tết chốn kinh kỳ gây nên những xôn xao thú vị. Có vị cận thần tâu vua, xin cho điều tra xem ai dám viết nên những câu đối thơ, câu đối phú khí phách lớn lao, rắp ranh tranh bá đồ vương gì đây? Nghe lời tâu, vua im lặng hồi lâu rồi khẽ gật đầu mỉm cười nhận rằng mình "đã viết"!
Một đấng quân vương biết làm cho dân yên, dân vui, được người đời truyền tụng đến thế, thật đáng quý.
P.T.T
(C.S)