Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

ẤM ÁP NGHĨA TÌNH BẢN ĐON

Phan Mai Hương
 
ẤM ÁP NGHĨA TÌNH BẢN ĐON 
                                                            
     Được sự ủy nhiệm của Ủy ban nhân tỉnh Hòa Bình, đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi, do Chủ tịch hội Văn học Nghệ Thuật tỉnh Hòa Bình làm trưởng đoàn, đã có chuyến thăm và làm việc tại một số tỉnh của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Trong chuỗi hành trình, chúng tôi đã dành nhiều thời gian thăm và làm việc ở tỉnh Hủa Phăn. Ở đó, có một nơi mà chúng tôi muốn tìm đến là Bản Đon, một bản người Mường trên đất nước Lào.
    Tỉnh Houaphanh (ແຂວງ ຫົວພັນ), tiếng Việt gọi là Hủa Phăn, là tỉnh nằm ở Đông Bắc Lào, tỉnh lỵ đặt ở huyện Sam Neua. Tỉnh Hủa Phăn có diện tích 16.500km2. Theo điều tra năm 2015 dân số của tỉnh là 289.393 người. Tỉnh Hủa Phăn giáp Việt Nam ở phía bắc, đông và đông nam; giáp tỉnh Xiangkhouang về phía nam và tây nam; giáp tỉnh Luang Prabang về phía tây. Nằm trong vùng địa hình đồi núi rất gồ ghề, phần lớn diện tích của Hủa Phăn được bao trùm bởi núi rừng dày đặc, đặc biệt là phía tây. Con đường chính chạy qua Hủa Phăn là quốc lộ số 6 (Lào). Các sông chính là Nam Ma chảy từ Việt Nam qua bản Muang-Et; sông Nam Sam chảy qua thị trấn Sam Nuetai và Sam Tai, rồi lại đổ sang Việt Nam.
    Nếu tỉnh Hủa Phăn đang được coi là một trong những tỉnh nghèo nhất nước Lào, thì bù lại Hủa Phăn có phong cảnh thiên nhiên vẫn còn hoang sơ và cực kỳ đẹp đẽ. Ngoài ra bà con các dân tộc ở tỉnh Hủa Phăn còn có nghề dệt may thổ cẩm truyền thống nổi tiếng. Đó là những yếu tố tiềm năng để Hủa Phăn có thể phát triển du lịch xanh trong tương lai.
  Bà Phu Văn Phết My Xay - Giám đốc Sở Thông tin, Văn hoá và Du lịch tỉnh Hủa Phăn cho chúng tôi biết Hủa Phăn là một tỉnh phong phú về tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và văn hoá. Do vị trí địa lý thuộc vùng núi cao của Lào, thời tiết ở Hủa Phăn quanh năm mát mẻ, khí hậu dễ chịu, là nét khác biệt so với tất cả các tỉnh và thành phố khác của nước Lào.
Tuy nhiên, Hủa Phăn là một tỉnh khó khăn trong vấn đề giao thông đi lại. Trước đây, tỉnh Hủa Phăn chỉ có một sân bay dã chiến, phục vụ cho máy bay 12 chỗ ngồi, tần suất khai thác 1 ngày 1 chuyến, nghỉ ngày chủ nhật. Trong khi đó, hệ thống đường bộ của tỉnh Hủa Phăn còn nhỏ và hẹp, cung đường đi qua vùng đồi núi hiểm trở, địa hình rất khó khăn để thu hút khách du lịch. Đặc biệt, ở tỉnh Hủa Phăn các hình thức dịch vụ và phục vụ cho khách du lịch còn rất hạn chế. Điều đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến du lịch Hủa Phăn- phần lớn - vẫn chỉ đang ở dạng tiềm năng.
    Bà Phu Văn Phết My Xay cho biết, lãnh đạo tỉnh Hủa Phăn đã đề ra các giải pháp chú trọng phát triển hệ thống đường giao thông, quan tâm tới phát triển các dịch vụ du lịch. Đặc biệt là Sở Văn hóa Hủa Phăn đã tổ chức tập huấn cho người dân trong các làng bản cách làm du lịch cộng đồng để hướng tới phát triển ngành du lịch hiệu quả, bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Trong các chính sách phát triển du lịch, tỉnh Hủa Phăn đặc biệt sẽ chú trọng phát triển du lịch sinh thái theo xu hướng xanh và sạch, kết hợp bảo vệ rừng và gìn giữ môi trường.

img_5026

    Chúng tôi đến thăm khu du lịch sinh thái thác Phờ Lời, một điểm sáng du lịch mới nổi của Bản Đon, nằm cách Sầm Nưa khoảng 60 km. Phờ Lời  là tên của một thác nước có nhiều tầng, khi chúng tôi đến thì chưa có nhiều nước vì chưa tới mùa mưa. Con suối lớn cạn gần đến đáy, phơi ra những tảng đá bạc trắng to lớn như lưng voi, nhìn mà hình dung ra nếu mùa mưa thì lũ con suối này phải hung dữ lắm. Làm du lịch ở con thác này cũng như đánh bạc với thiên nhiên, con người phải lựa theo thiên nhiên mà đi. Tuy nhiên, thì khu rừng bao quanh con thác phần lớn là rừng cây to với gốc cây cổ thụ vừa tay người ôm. Nghe nói, ở đây còn phần lớn rừng nguyên sinh, nhìn những cánh rừng trải màu xanh ngút ngát, thì phần nào tin tưởng được dự án du lịch xanh thác Phờ Lời sẽ thành công.
 Trò chuyện với anh E Cồng, Giám đốc khu du lịch sinh thái Phờ Lời, chúng tôi được cho biết đây là mô hình công ty gia đình, được đầu tư khá bài bản bằng năng lực tài chính của cá nhân. Người đàn ông khoảng chừng 50 tuổi, có nước da đen rám nắng rất đặc trưng của người Lào mang đậm dáng vẻ nông dân chân chất, mộc mạc rất vui vẻ khi trò chuyện với tôi – tất nhiên là qua phiên dịch. Anh nói, gia đình đã đầu tư vào khu lịch này được thời gian 5 năm, phải vay ngân hàng 400 triệu kíp, tiền của gia đình là 500 triệu kíp. Hiện tại thì khu du lịch chưa thu được lời lãi gì, cố gắng duy trì hoạt động là tốt lắm rồi. Gia đình  anh E Cồng có một  trang trại nuôi khoảng vài trăm con trâu, anh lấy tiền lãi từ trang trại để đầu tư duy trì các hoạt động của khu sinh thái thác Phờ Lời.
    Những dịp lễ tết, đặc biệt là Tết Té Nước truyền thống của người Lào, thời gian khoảng đầu tháng 4 dương lịch, có tới hàng trăm lượt khách tới khu du lịch sinh thái Phờ Lời, trong đó có nhiều đoàn khách từ Viêng Chăn tới. Nếu tính quãng đường đi gần bản Đon nhất, nơi chúng tôi đến làm việc, thì nơi đây là một điểm sáng du lịch. Đặc điểm khí hậu vùng này mát mẻ quanh năm, tương tự như Đà Lạt của Việt Nam, thậm chí tới mùa đông có năm còn có tuyết. Nếu tính độ dài đường đi, thì thác Bờ Lời cũng không cách xa biên giới Việt -Lào là mấy, nếu đi từ Việt Nam sang cũng không khó khăn.
    Về các dịch vụ thì khu du lịch sinh thái Phờ Lời đã có nhà sàn kiểu homstay cho khách nghỉ qua đêm, có những căn lều bên bờ suối cho khách nghỉ ngơi trong thời gian một ngày. Nói về giá cả thì vô cùng dễ chịu, 100 kíp cho 1 ngày 1 đêm. Về dịch vụ ăn uống thì anh E Cồng nói nhà bếp của khu du lịch nấu những món ăn truyền thống của người Lào, và quan trọng nhất là thực phẩm sạch, khu du lịch Phờ Lời có khu tăng gia nuôi gà và trồng rau. Điều này thì tôi biết, bởi đoàn chúng tôi được chiêu đãi những món truyền thống người Lào như xôi đồ, gà nướng, măng luộc, và rất thơm ngon. Không chỉ đến nơi đây, mà hầu hết những ngày ở đất nước Lào, chúng tôi thấy nước bạn rất chú trọng vào thực phẩm sạch và môi trường sạch. Tôi nghĩ rằng, trong việc phát triển du lịch, thì điều đó là một yếu tố rất quan trọng để thu hút khách.
     Anh E Cồng cũng nói, khu du lịch Phờ Lời đã được sự hỗ trợ về tư vấn, quảng cáo, thiết kế của sở Văn hóa & Du lịch tỉnh Hủa Phăn. Chúng tôi thấy đây là mô hình công ty gia đình nhưng đã được đầu tư khá bài bản bằng năng lực tài chính của cá nhân. Đặt trong bối cảnh hiện tại, khi mà khách du lịch chưa nhiều, tỉnh Hủa Phăn còn rất khó khăn về giao thông, thì hướng đầu tư như của A Cồng có vẻ rất mạnh dạn. Hy vọng là trong thời sắp tới nơi này sẽ trở nên sầm uất như mong đợi.
    Rất may mắn là hôm chúng tôi đến, ngày 16/5/2023 là ngày tỉnh Hủa Phăn khánh thành sân bay Nong Khang (Sầm Nưa). Cũng là ngày tỉnh Hủa Phăn khai mạc lễ hội Khuôn Kẹo. Đây là lễ hội kết nối du lịch và thương mại với các tỉnh trên đất nước Lào và tỉnh Thanh Hóa, là tỉnh kết nghĩa với Hủa Phăn. Nhà báo Khăm Xa Khăm Thon (báo Hủa Phăn) cho tôi biết, đây là lễ hội Khuôn Kẹo được tổ chức thường niên, tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Thanh Hóa thay nhau đăng cai. Năm nay, tổ chức trên tỉnh Hủa Phăn rầm rộ hơn bởi trùng với sự kiện khánh thành sân bay.
   Chúng tôi cảm động vì sự đón tiếp trân trọng, thắm tình nghĩa anh em của lãnh đạo các sở Văn Hóa & Du lịch; sở Nông Lâm của tỉnh Hủa Phăn. Như trên đã nói, chúng tôi tới Hủa Phăn ngẫu nhiên trùng với dịp lễ hội Khuôn Kẹo và ngày khánh thành sân bay Nong Khang. Nhưng khi trưởng đoàn của chúng tôi, nhà thơ Lê Va trình bày lịch làm việc thì bà Phu Văn Phết My Xay, Giám đốc sở Văn Hóa & Du Lịch tỉnh Hủa Phăn đã giành thời gian tiếp đón đoàn đoàn tại hội trường của sở vào lúc đầu giờ làm việc. Tuy gấp gáp về thời gian và sức ép công việc, nhưng cuộc gặp vẫn diễn ra thân tình và trân trọng, khiến cho đoàn chúng tôi hài lòng về cách làm việc từ tốn chậm rãi và hiệu quả của lãnh đạo nước bạn.
Bà Phu Văn Phết My Xay phát biểu mở đầu, thay mặt cho cán bộ và nhân dân tỉnh Hủa Phăn vui mừng đón tiếp đoàn công tác từ tỉnh Hòa Bình, và đánh giá cao chương trình thăm và làm việc tại tỉnh Hủa Phăn. Tình cảm của chúng ta là tiếp nối truyền thống kết đoàn giữa hai nước Việt- Lào anh em, mở ra sự kết nối thân tình hữu nghị giữa tỉnh Hòa Bình ( Việt Nam) và tỉnh Hủa Phăn ( Lào).
Bà Phu Văn Phết Phu My Xay cũng báo cáo cụ thể tình hình du lịch của tỉnh Hủa Phăn nói chung và bản Đon nói riêng. Sở Văn Hóa & Du lịch Hủa Phăn gồm có 6 ngành và 2 trung tâm, hoạt động đưới sự lãnh đạo của ban Tuyên giáo, làm nhiệm vụ tuyên truyền chính sách của Đảng và nhà nước Dân chủ Nhân dân Lào. Tỉnh Hủa Phăn đã có 500 làng văn hóa, việc giữ gìn các đền chùa, gọi chung là “Vắt” được thực hiện khá tốt. Tỉnh Hủa Phăn có 9 dân tộc, có tiếng nói giống nhau trong đó có bản Đon, gần như 100% người dân tộc Mường có nguồn gốc từ Việt Nam.
    Đây là thông tin mà đoàn công tác chúng tôi rất cần, trong đó bản Đon là điểm đến quan trọng nhất của chúng tôi trong chuyến công tác sang nước bạn Lào lần này. Theo báo cáo của Giám đốc sở Văn hóa& Du lịch tỉnh Hủa Phăn, thì người dân tộc Mường - ở Lào gọi là người Mọi - di cư từ Việt Nam sang. Hành trình di cư ấy được thực hiện từ khoảng năm 1707 cho đến năm 1808, họ chính là nguồn gốc người Mường bản Đon ngày nay. Như vậy, có thể thấy cộng đồng người dân tộc Mường ở Lào đã có lịch sử gần 500 năm tồn tại và phát triển.
Khi tới bản Đon, quan sát bằng mắt, chúng tôi thấy những ngôi nhà sàn tuy thiết kế theo kiểu Lào – gần giống như nhà sàn Thái ở Việt Nam -  nhưng các nét nhà sàn Mường vẫn được lưu giữ lại trong kiến trúc tổng thể. Nếu nhà sàn Lào thì các cột sàn thường rất thấp, thì nhà sàn Mường thì các cột nhà tương đối cao, theo thói quen tránh thú dữ trên các sườn đồi gần suối.
    Nhà sàn ở Bản Đon là những ngôi nhà sàn gỗ cao ráo, thoáng mát, gầm sàn được tận dụng trở thành một không gian sinh hoạt thuận tiện. Cầu thang ngôi nhà vẫn được đặt hướng đông và mặt chính ngôi nhà nhìn ra hướng Tây, theo truyền thống người Mường. Các nhà sàn có hành lang bao quanh, chấn song lan can được làm thẳng, vót bằng các thanh gỗ tròn. Trong khi người Thái và người Lào thường làm lan can (gỗ, nứa) nhưng đan chéo cánh sẻ, hoặc đan hình thoi. Tuy nhiên, các cột nhà thì có chút khác, có ngôi nhà làm cột vuông theo phong tục của người Thái bên Lào, có ngôi nhà làm cột gỗ tròn theo truyền thống của người Mường. Thực sự là khi đi vào bản Đon, tôi có cảm giác như mình được trở về quê, bởi những nét thân thuộc của bản Mường vẫn được lưu giữ nơi đây.
Một dân tộc muốn tồn tại, thì dân tộc đó phải giữ gìn được nét văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là giữ gìn tiếng nói. Tôi cố gắng chăm chú nghe các cụ già nói chuyện. Họ nói tiếng Mường và tôi cũng hiểu một chút ít. Cụ bà tên là Pọ, 93 tuổi kể rằng nguồn gốc của cụ là ở “Hòa Mã”, có chồng người Mường nhưng chồng đã chết, cụ ông đi về miền mây trắng tính đến nay là sáu năm rồi. Hiện nay cụ Pọ sống vui vẻ và ấm áp cùng con cháu ở bản Đon. Tới bữa cơm kha thịnh soạn với các mon truyền thống, khi mời chúng tôi ăn cơm, thì ông thầy Mo của bản, nay cũng vào tuổi hơn 70, có nói “ ẳn nhúc cằn cặt”, có nghĩa là mời ăn thịt con dúi. Gọi thịt là “Nhúc” thì đúng là theo tiếng Mường của vùng Mường Vang ( Lạc Sơn – Hòa Bình ) và Mường Bi ( Tân Lạc – Hòa Bình). Thật sự là khi nghe lời mời này, tôi cảm động rơi nước mắt, như thể gặp người thân thiết ruột thịt của quê hương nơi xa xứ.
     Bản Đon có nhà thờ chung của bản, được đặt trong hang núi, mỗi năm một lần, tới ngày mùng Một Tết, bản Đon mở lễ hội, và mọi nhà trong bản đều mang lễ vật đến nhà thờ để cầu cúng mong ước cho mùa màng thuận lợi. Tôi nói chuyệnvới chị Pa (43 tuổi), chị kể về ngôi “đình” của làng, và hứa dẫn tôi đi xem. Nhưng rất tiếc là thời gian quá ít, mà chúng tôi có nhiều hoạt động, cho nên tôi đã bỏ lỡ cơ hội ra thăm ngôi đình của bản Đon. Tuy nhiên thì thông tin ít ỏi này cho thấy, người Mường ở đây có ý thức giữ gìn truyền thống dân tộc rất tốt, bởi thời gian đã trải qua 500 năm với không ít những thăng trầm của lịch sử, truyền thống cúng lễ tưởng nhớ tổ tiên vầ được thế hệ con cháu giữ gìn. Vì theo truyền thống người Mường, là mỗi bản đều có ngôi đình. Tôi lại nhớ chuyến đi vào Tây Nguyên, tới làng Hòa Thắng, làng người Mường ở Buôn Mê Thuột, mỗi bản đều phục dựng ngôi đình riêng của Mường nhà mình. 
Ở bản Đon có cách tính lịch riêng, học dung thẻ tre theo lịch Mường cổ, nhưng cách đặt ngày lại khác biệt, không có âm lịch dương lịch như người hiện đại, tạm gọi là lịch bản Đon. Ngày Tết được bắt đầu tính từ ngày mùng Một tháng Ba âm lịch, lấy ngày mùng Một tháng Ba làm gốc, bắt đầu đếm từ đó, cứ 10 ngày là 1 tuần, một tháng có 3 tuần, chẵn 30 ngày thì tính sang tháng tiếp theo. Một năm có 12 tháng, tính đủ 12 tháng cho đến mùng Một tháng Ba âm lịch năm sau thì ăn Tết. Ví dụ ngày chúng tôi tới bản Đon là 15/5/2023 nhưng tính theo lịch bản Đon là mùng 5 tháng 6 năm 2023.
Về trang phục, thì tuy đã có pha lẫn trang phục của Lào, nhưng dễ dàng nhận ra người Mường bản Đon vẫn giữ lại nét trang phục truyền thống của dân tộc Mường trên váy áo. Đó là chiếc áo gần giống với áo cóm và được cài cúc khá rộng rãi thoải mái, chứ không bó chặt như người Thái Lào. Trong trang phục váy áo của các bà các cô, ở nơi gấu váy vẫn viền vải đỏ ở mặt trong. Với người Mường đây là chi tiết trang phục rất quan trọng, vì khi bước chân đi, gấu váy nẹp cứng bằng vải đỏ sẽ tự lật lên để lộ gót chân trắng hồng, phô ra vẻ đẹp của các bà các cô. Nói thật là nhìn thấy các bà các cô mặc bộ váy áo tự dệt còn mới tinh, gấu váy nẹp vải đỏ bên trong, xếp hàng đón đoàn công tác, tôi vô cùng xúc động. Mặc dù không trao đổi được nhiều vì hạn chế ngôn ngữ nhiều khác biệt, nhưng chỉ chừng ấy thôi, đã khiến cho tôi không thể quên Bản Đon.
    Bà Phu Văn Phết Phu My Xay nhận xét rằng người Mường ở bản Đon có một nền văn hóa rất đặc biệt. Họ vẫn giữ được tiếng nói, nếp sống thường ngày, có nền văn hóa văn nghệ của riêng mình. Ở Lào, dân tộc Mọi chỉ có ở bản Đon, và người Mường ở bản Đon sống rất đoàn kết. Họ giữ gìn bản sắc dân tộc Mường bằng tiếng nói, sinh hoạt văn hóa và phong tục của dân tộc, trang phục của người Mường. Bà My Xay nói, nếu như không bận quá nhiều công việc của lễ hội thì bà sẽ đi cùng chúng tôi về bản Đon. Chúng tôi đã rất xúc động vì  tình cảm của lãnh đạo tỉnh Hủa Phăn dành cho đoàn công tác. Tôi nghĩ, những tình cảm ấy chính sợi dây thắt chặt tình hữu nghị Việt – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
    Với những gì tôi đã gặp ở bản Đon, cho dù rất ít ỏi bởi thời gian quá gấp gáp, nhưng chúng tôi đã hiều phần nào về bản Đon, một cộng đồng người Mường có nguồn gốc từ Việt Nam. Chia tay với thật nhiều lưu luyến, với những cái ôm thật chặt, những bàn tay năm chặt không muốn rời.  Trưởng đoàn công tác, nhà thơ Lê Va xúc động nói với bà con bản Đon rằng sẽ trở lại trong một ngày gần nhất.
 Chúng tôi trở về Việt Nam, mang theo một tín hiệu về nguồn gốc người Mường bản Đon ở nước Lào, đó là từ “Hòa Mã”. Tôi cho rằng ngành văn hóhai nước Việt Nam và Công hòa dân chủ nhân dân Lào, cụ thể là ngành văn hóa tỉnh Hủa Phăn và Hòa Bình phải cùng tìm hiểu và giải mã về nguồn gốc cộng đồng người Mường bản Đon. Cho dù lưu lạc gần 500 năm nhưng chúng tôi vẫn hiểu được khi nghe nhau nói, khi nhìn nhau qua ánh mắt, và tôi hiểu từ sâu trong tiềm thức, nguồn cội gốc gác quê hương mãi mãi vẫn còn.
 
                                           Bản Đon 15/5/2023 Hòa Bình 23/5/2023.
                                                                      P.M.H


 
 
 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 186
Trong tuần: 593
Lượt truy cập: 496907
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông