Nguyễn Nhuận Hồng Phương
NGƯỜI VẮNG MẶT
1.Hoài niệm
Gần bến xe khách liên tỉnh, ngay ngã tư đầu ô thành phố, xen giữa những ngôi nhà cao tầng và các cửa hiệu bề thế nằm dọc theo đường Quốc lộ, có một quán hàng ăn, diện tích chừng hơn chục mét vuông. Đã chật chội, bức bí, ngột ngạt mà suốt ngày lại hứng chịu bụi cát của xe cộ chạy qua. Không những thế, hai bên đường cắm toàn biển hiệu giao thông. Xe ô tô, xe máy sợ bị cảnh sát bắt lỗi vi phạm nên không dám đỗ. Khách vãng lai đói bụng, có muốn ăn bát mì hay tô phở, nhìn cảnh quan như thế cũng ngần ngại, vì cái quán ấy gộp đủ 3 yếu tố: Vừa bé, vừa bẩn và vừa bụi.
Quán sá chật hẹp, cảnh quan phức tạp, điều kiện như vậy thì làm ăn buôn bán gì. Vậy mà bao năm qua nó vẫn tồn tại, mặc cho sự phát triển ồ ạt của xã hội giữa thời buổi thị trường biến động đến chóng mặt. Trong “Cái khó ló cái khôn”. Ban ngày không bán được thì bán ban đêm. Cái ngã tư có bến xe liên tỉnh này đêm đến không thiếu khách khứa qua lại. Ấy là chưa kể đến những người lái tắc xi, lái xe ôm chuyên rình đón khách lỡ độ đường, hoặc các hạng người vì công chuyện này, hay công chuyện khác, buộc phải lấy đêm làm ngày, mò đến kiếm đồ ăn…
Làm chủ cái quán ấy là một cặp vợ chồng đã luống tuổi cùng với một cô con gái. Trong khi cô con gái xinh xắn, non tơ, mơn mởn như cải ngồng non, thì ông bố thân hình nhỏ nhắn, nhìn bề ngoài dáng dấp như một người có máu yêu nghệ thuật: Mặt trái xoan, mái tóc bồng bềnh, xoăn tự nhiên, vài lọn tóc hình xoắn ốc, dủ, xõa che vầng trán mỏng trên cặp mắt long lanh, lấp láy trong đôi tròng kính trắng, phủ lên cặp chân mày hình dấu ngã, có những nếp nhăn ghi dấu ấn thời gian... So với chồng, người vợ tỏ vẻ sắc sảo hơn. Không xinh đẹp rực rỡ hay kiêu sa, quyến rũ, nhưng nếu quay lại thời gian mấy mươi năm trước, thì người phụ nữ này cũng thuộc vào hàng dễ làm xiêu lòng những chàng trai đa tình. Bởi ngay thời điểm như “nắng về chiều” rồi, mà khuôn mặt dù đã luống tuổi, phải thức đêm, thức hôm tảo tần với công việc bếp núc, mà vẫn lưu lại nét duyên dáng ở một thời xuân sắc, ánh mắt long lanh, động thái nhanh nhạy, miệng lưỡi hoạt ngôn, lưu loát…
Tuy vậy, cuộc sống là cả một vấn đề. Ngoài chuyện biến đêm thành ngày, vi phạm giờ giấc của chính quyền quy định, dân hàng phố rất bực dọc, khó chịu với cái cảnh đang say giấc nồng bị đánh thức đột ngột vì tiếng ồn ào như chợ vỡ. Cái quán ấy không khác gì cái chuông đồng hồ báo thức vô tội vạ. Thậm chí đôi khi còn xảy ra những vụ rắc rối, khách khứa ăn uống, rượu chè quá chén gây gổ, cãi lộn, tới mức công an phải đến can thiệp. Sau mỗi lần sự việc xảy ra như thế, thì lãnh đạo tổ dân phố lại đến nhà tìm hiểu sự việc. Trong lúc cán bộ tổ lập biên bản, thì ông chồng và đứa con gái cúi đầu e nép, gượng gạo ngồi tận góc giường, còn bà vợ nửa nhăn, nửa mếu, rối rít xoa tay xin lỗi, xin tha và hứa này hứa nọ... Vị Tổ trưởng kiêm Chi hội trưởng Cựu chiến binh, vốn bản tính nền nã, dễ cảm thông, chuyên “Giơ cao đánh khẽ”, nhẹ nhàng ôn tồn nhắc nhở.
Và rồi đâu lại hoàn đấy. Phê thì phê, nhắc thì nhắc, lập biên bản, phạt hành chính, cứ vậy, cứ thế, chẳng khác gì “Nước đổ đầu vịt”, qua đôi ngày rồi lại như thường. Đêm đêm, kiểu sinh hoạt, cảnh bán hàng vẫn tái đi, tái lại, quanh quẩn như đèn cù rằm Trung thu. Để ngăn tiếng ồn, dân hàng phố lắp thêm cửa kính, trộn vữa xi măng bít lại những lỗ hổng, lấy bìa cát tông, kiếm mảnh xốp nhét kín các khe hở âm thanh có thể lọt vào, và nín lặng không ỉ eo, kêu ca gì nữa. Suy cho cùng, người nào cũng xuất thân từ lao động, đặt mình vào địa vị ấy, vẫn là vì miếng cơm, hớp nước, nào ai nỡ táng tận lương tâm, vô tình triệt đường mưu sinh của cái gia đình bé nhỏ như bị giời đày ấy.
Nhưng thông cảm là một chuyện, còn có những việc không nghĩ cũng không được. Chả nói thì ai cũng biết: Dân chúng sống ở đô thị thời nào cũng thế, bề ngoài tỏ vẻ không để ý, “Mũ ni che tai”, nhưng thực ra bên trong vẫn ngầm ngã xét nét, săm soi. Họ xét nét, săm soi vì ngoài chuyện biến đêm thành ngày, gây ra bao điều khó chịu, phiền phức cho cư dân và chính quyền sở tại, thì gia đình ấy có một bản sơ yếu lý lịch hết sức là “mù mờ”. Mù mờ ở chỗ: Người đàn bà là dân sở tại, nhưng gã đàn ông không có hộ khẩu, thậm chí không một mảnh giấy tùy thân. Nguyên do hai người tình cờ quen nhau trong một lần đi buôn. Không hiểu dan díu thế nào, hay bởi “Tiếng sét ái tình” mà say nhau như điếu đổ. Thế là gã đàn ông bỏ quê hương, bỏ việc làm, xách khăn gói theo người đàn bà về đây chẳng cưới cheo gì hết.
Nhưng đã là công dân, sống ở đâu cũng phải có tôn ti trật tự. Vị Tổ trưởng muốn tổ dân phố của mình hoàn thành chỉ tiêu văn hóa, và để đảm bảo quyền lợi của công dân, nên yêu cầu gã trình bày hoàn cảnh. Gã khai đủ hai mặt giấy, kể lể mình là người có quê hương bản quán đàng hoàng, lại còn có nhiều công lao cống hiến cho xã hội. Nào là năm 1966 gã đã xung phong đi bộ đội, ở binh chủng thông tin, huấn luyện ở Thái Nguyên. Nào là gã cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam, chiến đấu ở khu “Tam giác sắt” thuộc vùng giáp ranh giữa Bà Rịa, Long Khánh và Biên Hòa. Gã khai lúc đó gã phụ trách máy truyền tin 15W ở Sở chỉ huy, trong một đơn vị có cái phiên hiệu mật danh rất đẹp và nữ tính là: “Đoàn Hải Yến”. Gã ở đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, sau đó còn vào chiến trường Tây Nam, cho đến khi chiến sự biên giới xảy ra, gã còn đánh nhau với bọn bành trướng rồi mới ra quân với lon hàm Chuẩn úy…
Khai thì khai vậy, kể thì kể thế, nhưng khi hỏi đến giấy tờ thì gã đỏ mặt, ngượng ngập, gãi đầu, gãi tai, bao biện: Vì di chuyển nhiều nơi nên bị thất lạc. Vị lãnh đạo tổ dân phố tỏ ra rất cảm thông, khuyên nhủ gã xác nhận lại giấy tờ, để vừa đảm bảo quyền pháp nhân, đồng thời được hưởng chế độ đãi ngộ. Nghe lời, gã bỏ công, bỏ sức, thậm chí còn bỏ tiền, bỏ của cậy cục, nhờ vả người nọ, người kia “biết đường đi, nước bước” ngược, xuôi chạy chọt. Nhưng đến đâu người ta cũng lắc đầu. Vì thời gian trôi qua đã lâu, mọi thứ thay đổi, con người cũng đã khác. Cái đơn vị có cái phiên hiệu mĩ miều tít tận trong miền Nam kia nay không tồn tại nữa. Ở vùng biên giới giờ đây đi lại đã thông thương, chẳng còn ai nhớ đến cái anh chàng chuẩn úy thấp bé nhẹ cân ngày xưa nữa. Và thời buổi này ai đâu rỗi hơi để ý đến những chuyện tồn tại mãi từ thế kỷ trước. Lâu dần, “Quá mù ra mưa”, chính quyền sở tại thấy giục mãi, nhắc mãi cũng không giải quyết được, đành chịu, còn dân hàng phố thấy gã trơ lì, đành coi gã như một vết sẹo trên cái thân thể lành lặn. Tuy thế, giữa gã với những người hàng phố, dẫu không nói ra, vẫn có một khoảng cách vô hình.
Chính cái khoảng cách vô hình, vô ảnh ấy khiến gã lúc nào cũng đau đáu trong lòng. Gã biết bề ngoài họ nói, cười giả lả thế thôi, chứ tận đáy tâm tư của bọn họ vẫn coi thường và khinh gã như mẻ. Buồn nhất là vào những ngày lễ trọng đại của dân tộc. Trong khi hội này, hội khác tụ tập liên hoan, quân trang, quân phục gọn gàng, huân, huy chương chói lòa trên ngực áo, người người tụ tập vui vẻ hát mừng, thì gã lủi thủi như kẻ sống ngoài vòng pháp luật, then lén như rắn mồng năm, nhìn ai không dám nhìn thẳng, tránh né như kẻ mắc lỗi…
Đêm về khuya, quán vắng khách, trên đường thi thoảng có những chiếc xe ô tô chạy vút qua, vương lại khói bụi cùng với tiếng động cơ ầm ì ào lên rồi ắng lặng. Gió lạnh từ phía núi Tam Đảo thổi về, mang theo màn sương màu trắng sữa lễnh loãng, tan hòa trong quầng sáng của ngọn đèn chùm nghễu nghện đứng giữa vườn hoa vòng xuyến ngã tư. Trong bến xe, dăm ba chiếc ô tô chuyên chạy đường dài nằm im lìm, lừng lững trông như những con bọ hung khổng lồ nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, vài quán nước le lói ánh đèn, thu hình, rúm ró trong những tấm vải bạt che từng cơn gió lạnh.
Gã đứng dậy, tắt bớt ngọn đèn trên gác xép, nơi vợ, con gã đang ngủ, rồi cầm mấy lon bia và đĩa lạc luộc ra ngoài hiên ngồi nhâm nhi. Kinh nghiệm bán hàng nhiều năm cho gã biết: Cứ vào độ sau tết Nguyên đán, dân chúng ít đi lại, hàng quán vắng ngơ, vắng ngắt, mở hàng theo lệ chứ lấy đâu ra khách khứa. Gã nghĩ thế rồi bật nắp lon ngửa cổ uống. Vị bia đắng dịu, gã nhăn mặt vì độ lạnh. Vừa lúc đó, có một chiếc xe máy từ dưới xuôi đi lên. Đến ngã tư, chiếc xe bấm đèn xin đường, tạt sang rồi đỗ ngay trước quán. Người lái là một người đàn ông, dáng to, cao, lững lững trông tựa một con gấu. Bên ngoài mặc áo bạt màu xám, thắt đai kiểu dành cho sĩ quan quân đội. Đầu đội mũ sắt, khuôn mặt trùm kín bằng một chiếc khăn, mắt đeo kính gọng to, lồi phồng như mắt sư tử. Trong ánh điện tranh tối, tranh sáng, trông ông ta không khác gì hình ảnh của những tên khủng bố trong một bộ phim nào đó, khiến cho gã giật mình chờn chợn… Gã buông vội lon bia đứng dậy, thò tay vào ngăn kéo tủ quầy cầm lấy cán chiếc gậy chống cướp...
Không đợi gã mời chào, người đàn ông tắt máy, nhảy xuống, đạp chân chống, kèm theo câu hỏi: “Còn gì ăn không đồng chí?”. Nghe giọng trầm ấm, thân thiện của khách, gã mỉm cười và thấy vui, tay rời khỏi cán gậy. Gã cười vì khách vào quán ăn lại hỏi còn gì ăn không. Còn vui, vì đã lâu mới có người gọi gã là đồng chí. Gã đáp lại bằng một câu hỏi có nhân xưng đồng dạng: “Thế đồng chí ăn gì, để tôi phục vụ?”. “Gì cũng được – Người đàn ông cởi trang bị hộ thân trên người ra vắt lên thân xe, đáp – Cơm, mì, phở… Có gì tôi ăn nấy”. Hẳn đây là một người dễ tính và từng sống nhiều năm trong quân ngũ. Gã nghĩ: Vì chỉ có người đã từng trải qua đời lính mới dễ dãi như vậy. Gã đứng dậy, hỏi: “Đồng chí có dùng rượu hay bia không?”. “Không! – Giọng người đàn ông dứt khoát – Uống vào, công an giao thông tóm được bị phạt mấy chục triệu ngay. Có mì hay miến, đồng chí làm cho tôi một đĩa to to là được”. “Có mì Chũ, vợ tôi vừa mới lấy sáng nay – Gã nói - Vậy tôi xào mì với tim cật nhé? “Vâng – Vị khách gật đầu, tháo găng tay ra – Đúng món khoái khẩu của tôi đấy. Đồng chí cho tôi thêm nhiều hành là được. “Yên chí đi – Gã bê tích nước rót ra bát mời – Đồng chí ngồi uống nước, chờ tôi một lát”.
Rồi gã đi vào kệ, bật bếp ga, đặt chảo lên. Vợ gã thức giấc, hỏi vọng xuống: “Có cần em dậy nấu cho không, mình?”. “Hai mẹ con cứ ngủ đi – Gã đáp – Xào mỗi đĩa mì thôi mà”. Không nghe tiếng vợ đáp. Gã lấy mì ra ngâm nước, tra mỡ, chờ chảo nóng rồi đổ gia vị vào. Mỡ reo xèo xèo, lửa bén trùm miệng chảo. Tay gã xóc liên tục, ngọn lửa như nhảy múa. Mùi hành phi quện với mùi tim cật chín thơm lựng tỏa khắp quán... Một lúc sau, gã bê đĩa mì ra. Đĩa mì nóng hôi hổi, bốc hơi nghi ngút, những củ hành chẻ trông như những bông hoa phủ kín mặt đĩa. Vị khách gật gù, gắp một miếng cho vào miệng, tấm tắc: “Tôi từng là đầu bếp, nhưng công nhận, nhìn đồng chí thao tác vừa nhanh, vừa khéo. Chất lượng lại đạt đúng 3 tiêu chuẩn: Ngon mắt, ngon mũi và ngon miệng”. “Vâng – Gã đáp – Đồng chí có nhắc tôi mới nhớ: Đó là tiêu chuẩn quy định trong bếp ăn quân đội”. Nói xong gã đến quầy cầm lon bia dở lên uống tiếp.
Vị khách vừa ăn vừa nghiêng mặt nhìn gã chủ quán rồi ngờ ngợ… Khuôn mặt này hình như đã gặp ở đâu rồi thì phải. Trông quen lắm. Vị khách ngừng ăn, nhíu mày, nhăn trán, buông đũa xuống bàn, vỗ tay lên trán như cố lục tìm trí nhớ... Gã chủ quán thấy khách dừng ăn, hỏi: “Mặn quá hay sao hả đồng chí?”. Vị khách không đáp mà hỏi theo ý mình: “Tôi hỏi khí không phải, ngày trước ông có đi bộ đội không?”. Gã cười khùng khục, đáp lại: “Hồi ấy những người ở tuổi tôi và tuổi ông, nếu không đi bộ đội, họa chăng chỉ có đui, què, sứt mẻ”. “Ông ở binh chủng nào?”. Vị khách hỏi tiếp. “Tôi là lính thông tin – Không mấy khi được giãi bầy, gã chủ quán cởi lòng, cởi ruột, khai tuồn tuột – Đơn vị tôi là đơn vị độc lập. Tháng 1 năm 1966 chúng tôi hành quân từ ga Phủ Lý - Nam Hà. Đi hơn 6 tháng mới vào được đến miền Đông Nam bộ. Trên đường đi ác liệt lắm. Ông tính, đơn vị 700 người, vào đến nơi còn có 200. Không chết vì bom, đạn hay gặp địch phục kích, thì cũng chết vì sốt rét ác tính. Quên đi thì thôi, chứ bây giờ mỗi lần nghĩ lại vẫn thấy sợ. May lúc đó tôi là lính báo vụ, chuyên môn đi theo chỉ huy nên mới không chết…”. “Thế sau giải phóng miền Nam anh ra quân à?”. Vị khách nghe chừng sốt ruột hỏi ngang. “Không! – Gã chủ quán khoát tay ra hiệu – Ra là ra thế nào. Tôi còn chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, cho đến khi chiến sự biên giới phía Bắc, lên đấy quần nhau với tụi Tàu, sau đó mới ra quân cơ mà”. “Hồi trên biên giới anh ở tỉnh nào?” Giọng vị khách giật cục. Gã đáp: “Tôi chốt ở huyện Quản Bạ…”. “Sao… - Vị khách thảng thốt kêu, đưa tay dụi mắt, như sực nhớ ra – Vậy có phải anh là Lê Chí Hữu, trợ lý Phòng Tham mưu Tỉnh đội Hà Giang không?”. Lúc này đến lượt gã chủ quán ngớ người, giương mắt nhìn khách: “Sao… sao… sao…”. Không để gã nói hết câu, vị khách đứng dậy, chồm tới nắm tay gã, lắc lắc: “Ôi, anh Hữu. Em là Bùi Văn Vệ, lính hậu cần Sư 313 Quân khu 2 đây. Anh còn nhớ em không?”.
Gã chủ quán ngỡ ngàng, nhưng rồi bộ nhớ trong đầu của gã đột nhiên thức tỉnh. Đúng rồi! Chính là thằng Vệ. Cái thằng to như hộ pháp, có giọng nói mang âm hưởng xứ Nghệ nặng chịch, oang oang như lệnh vỡ, mặt xạm đen thuốc súng, đã bao lần vượt qua mưa đạn của kẻ thù, gùi lương thực, thực phẩm tiếp tế lên chốt. Gã lặng người trong giây lát, rồi ôm choàng lấy người đồng đội, ghì riết, mắt chớp chớp như vẫn chưa tin đây là sự thật: “Vệ… Vệ… Có đúng là Vệ “khu chớ” phải không?”. “Vậy là anh nhớ ra rồi hả? - Vị khách nói – Đúng là Vệ “khu chớ đây”. “Thế đi đâu mà lọ mọ đi đêm, đi hôm thế này?”. Gã chủ quán hỏi. “Anh không nhớ mai là ngày gì à?”. Vệ không đáp mà hỏi lại. Mặt gã chủ quán ngây đuỗn: “Ngày gì cơ?”. “Mai Hà Giang tổ chức Lễ Kỉ niệm gặp mặt các Cựu chiến binh tham gia chiến dịch biên giới tháng 2 năm 79 – Vệ nói rồi hỏi - Thế anh không nhận được giấy mời à?”.
Nghe, gã chủ quán xịu mặt, không biết đáp sao. Vừa lúc đó, vợ gã thức dậy, từ gác xép đi xuống, nói: “Ông ấy nhà tôi, ai người ta mời hả chú”. Vệ quay lại chào rồi hỏi: “Em chào chị. Nhưng chị nói thế là sao?”. Người vợ kể lại tình hình của chồng mình, rồi thở dài: “Khổ lắm chú ạ. Anh Hữu chạy ngược, chạy xuôi, nhờ vả cả người này, người khác xin lại giấy tờ, nhưng chẳng đâu họ giải quyết. Mà chú tính, chân đi, mồm đi, hàng quán ế ẩm, tiền nong lấy đâu ra. Thế là anh ấy chán, suốt ngày ru rú trong nhà, ngại chả muốn đụng mặt ai”. “Thế còn chế độ, anh Hữu có được đãi ngộ gì không hả chị?”. Vệ hỏi tiếp. “Chế độ, chế đung gì – Người vợ than vãn – Đến hộ khẩu còn không được nhập, thẻ căn cước còn không được cấp, nói gì đến đãi ngộ. Người thông cảm đã đành, người vô tình còn cho anh ấy là đảo ngũ cơ”. Trán Vệ cau lại: “Thế còn chính quyền địa phương, họ đối xử với anh em thế nào hả chị? “Chính quyền họ tốt lắm – Người vợ đáp – Nhất là ông Tổ trưởng dân phố ấy. Ông ấy vốn là bộ đội phục viên nên rất cảm thông, thi thoảng lại sang nhà động viên. Nhưng chú biết đấy. Giấy tờ là do mình làm thất lạc, mình phải chịu, họ có lòng tốt mấy cũng chẳng dám bảo đảm cho mình được”. “Nhà ông Tổ trưởng gần đây không chị?”. Người đàn bà chỉ tay sang bên kia đường: “Nhà ông ấy mở cửa hàng bán xe máy ở đường bên kia kìa”. Vệ nhìn theo tay người đàn bà chỉ rồi quay lại nói với gã chủ quán: “Thôi, mọi chuyện để sau đã. Bây giờ anh mang rượu ra đây, anh em mình uống với nhau vài chén. Ôn cố tri tân, mừng cho cuộc gặp gỡ sau bao nhiêu năm. Sáng mai anh đưa em đến gặp chính quyền địa phương, rồi theo em lên Hà Giang một chuyến gặp lại đồng đội cũ... “.
Nhà Văn hóa tổ dân phố hôm nay trang hoàng rực rỡ. Mọi thứ dường như đều tươi mới, tưng bừng, lung linh trong ánh sáng đèn hoa. Phía dưới lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc và ảnh lãnh tụ, là tấm phông gắn phiên hiệu Cựu chiến binh Việt Nam, và dòng chữ: “Lễ Kết nạp hội viên Hội Cựu chiến binh”.
Ông Tổ trưởng kiêm Chi hội trưởng Cựu chiến binh cùng các hội viên, quân phục gọn gàng, tề chỉnh, trên ngực lấp lánh huân, huy chương các loại. Hôm nay, các cựu chiến binh vui vẻ, phấn khởi, vì sau bao nhiêu năm, ông chủ quán chuyên bán hàng ăn đêm được kết nạp vào Hội Cựu chiến binh. Đến dự còn có các vị lãnh đạo đại diện cho Đảng, Chính quyền và Hội Cựu chiến binh phường, và những người dân hàng phố mặc dù không phải là quân nhân, nhưng nghe tin cũng nô nức đến chúc mừng.
Lê Chí Hữu đầu đội mũ mềm, xúng xính trong bộ quân phục còn thơm mùi vải. Không hiểu do bộ quân phục mới hay vì xúc động, mà mỗi khi có người đến bắt tay, tặng hoa, ông lại bẽn lẽn, ngượng ngập như chú rể lần đầu cưới vợ. Còn người vợ và cô con gái của ông thì phấn khởi ra mặt, miệng tươi như hoa, luôn mồm cảm ơn, lăng xăng rót nước mời mọi người.
Sau Lễ công bố quyết định kết nạp, chủ tọa mời hội viên mới lên phát biểu. Lê Chí Hữu bước lên trước hàng quân, rập gót chân lập nghiêm, đưa tay lên chào, giọng run run:
- Thưa các đồng chí, đối với gia đình tôi, đây như một giấc mơ. Nhưng là một giấc mơ có thật. Thế là sau bao nhiêu năm xa rời quân ngũ, giờ đây tôi lại được trở về làm người Lính Cụ Hồ của Quân đội Nhân dân. Tôi được như thế này, ngoài sự giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể, còn có một người đồng đội mà trong ngày vui này, tôi rất muốn đồng chí ấy có mặt, nhưng…
Nói đến đây, Lê Chí Hữu nấc nghẹn, như người hụt hơi, mắt nhòa lệ, không nói lên lời, khiến vị Tổ trưởng kiêm Chi hội trưởng Cựu chiến binh phải nói đỡ:
- Thưa các đồng chí, người đã không quản vất vả, khó nhọc đi các nơi, tìm hồ sơ, và xác nhận lại thời gian phục vụ trong quân đội cho đồng chí Lê Chí Hữu của chúng ta, là cựu chiến binh Bùi Văn Vệ, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 303, đã nghỉ hưu. Lẽ ra, hôm nay đồng chí Vệ sẽ có mặt vui chung cùng đồng chí Hữu và chúng ta. Nhưng thật tiếc, cách đây ít hôm, chúng tôi nhận được tin đột ngột: Do ảnh hưởng chất độc màu da cam, đồng chí Vệ mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo, đang nằm điều trị ở bệnh viện quân y 108. Vì thế đồng chí ấy vắng mặt…
Tiếng ông nhỏ dần… Nhịp đập trái tim bỗng dưng se thắt… Ngoài kia, không gian như dừng lại mang theo bao nỗi niềm lâng lâng khó tả, nhập nhòa vui, buồn trên khóe mắt của những người chiến sĩ tan hòa trong ánh nắng chói chang của một ngày vào hạ…
N.N.H.P