Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NGƯỜI TRỞ VỀ

Nguyễn Quốc Hùng

NGƯỜI   TRỞ   VỀ

Chỉ còn một ngày, hai ngày, có lâu lắm cũng chỉ một tháng nữa thôi ông sẽ được nhận quyết định nghỉ hưu. Ông nhẩm tính từng ngày. Không biết đến khi cầm tờ quyết định trong tay ông sẽ thế nào nhỉ? Chứ như những ngày chờ đợi thế này, lúc làm việc thì quên đi, cứ rảnh tay một lúc là ông lại ngồi bần thần trên cầu cảng, lắng nghe tiếng con sóng vỗ bên mạn tầu lách tách thấy tim mình đập loạn lên vì hồi hộp, tay chân run rẩy vì bứt dứt khi sắp phải chia tay với công việc nặng nhọc đã đè nặng lên cơ thể hơn ba mươi năm. Lưu luyến lắm chứ khi cuộc đời ông đã lấy bến cảng làm chốn đi về, lấy công việc làm tình thân. Người già hay cả nghĩ vậy thôi, chứ công việc bán lưng cho nắng bán mặt cho đống hàng còn cực nhọc bằng mấy người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng, được nghỉ hưu ai cũng thở phào như khi quăng được gánh nặng công việc trên vai cuộc đời mình đã phải đeo đẳng. Nhưng ông, còn có một tâm tư khác đè nặng xuống cuộc đời hơn những tấn hàng đè trên vai mà ông chưa một lần nói ra.

Ông ngồi một mình lặng lẽ trên chiếc cọc bích nơi phía lái con tầu. Ông cởi trần, nước da đỏ thâm vì nắng gió như hòa màu cùng chiếc cọc bích. Những múi cơ lúc nào cũng phải căng ra dưới sức nặng của công việc bện vít vào nhau xoăn chắc như sợi dây neo tầu. Nếu là những ngày trước đây, ông đã lim dim mắt tranh thủ ngủ ngồi một lát trong lúc chờ đợi đến giờ làm. Mọi người cho rằng số ông vất vả mới có thể ngủ được ở trong tư thế chênh vênh bên mép nước như vậy. Thế mà hôm nay, ngồi đã lâu mà không sao ngủ được. Ông nghĩ về cái gọi là số vất vả mà mọi người đã định ra cho một tư thế ngủ ngồi của ông. Công việc của anh bốc vác là phải nhờ tới sức mạnh của cơ bắp, không được thảnh thơi thì sao bền sức được, ông hay tranh thủ những lúc rỗi rãi để nghỉ ngơi đảm bảo sức khỏe. Mà đã là cuộc đời của anh công nhân bốc vác có ai nhàn đâu mà nói tới chuyện vất vả hay không. Có thể so sánh được thế này, ngày xưa chỉ có bốc bằng tay và vác bằng vai hẳn phải vất vả hơn bây giờ hiện đại, một bước cũng phải xe vận chuyển, cần trục, nâng hàng đưa tận nơi. Ở đời công việc nào cũng vậy, người ta đều cố gắng vươn lên để được nhàn hạ hơn chứ riêng đâu nghề này.1ggg

-Nóng quá không ngủ được à, bố Phiện? - Ông giật mình nhìn lên Huy rồi lại lặng lẽ nhìn xuống dòng nước đỏ ngàu phù sa.

Huy ngồi xuống cạnh vui vẻ bắt chuyện với ông.

-Sao bố không ngồi vào trong kia cho mát, ở đây hắt nóng.

Ông lại không trả lời chỉ nhếch miệng cười. Còn Huy quay người như muốn tìm điều gì đó xung quanh.

-Ờ mà ngồi đây một lúc thấy mát thế! Thảo nào bố hay ngồi riêng một mình, chắc còn tư tưởng tới ai chứ gì?

-Già rồi còn tư tưởng tới ai nữa. - Ông lúng túng giấu lòng mình.

Rồi ông hạ giọng xuống nói với Huy như muốn trút tâm tình của mình:

- Tại sao cậu biết ngồi đây mát không? Hãy nhìn hướng gió kia, phía lái con tầu khum khum thế này khác nào cái miệng hút gió. Đây là vùng gió quẩn. Chẳng lẽ hơn ba mươi năm đày nắng gió không cho mình chút kinh nghiệm nào.

Nếu là trước đây thì ông sẽ khinh khỉnh không thèm trả lời chứ nói gì trút lòng tâm sự với con người đã khiến ông phải đeo nặng thêm nỗi ưu tư về cuộc đời. Nhưng bây giờ nhìn nét mặt vui tươi của anh ta lại thấy có điều gì đó gần gũi với mình chứ đâu căm ghét như đã từng căm ghét người sinh ra anh ta. Đúng là nỗi vất vả của nghề này thì ai cũng như ai cả thôi, nhưng còn cuộc đời... chắc là chẳng ai giống ai! Huy đang xới cuộc đời ông lên. Chẳng lẽ đó là lòng vị tha của con người khi về già khiến ông muốn tha thứ cho con người ấy? Phải chăng đó là nỗi khổ cuộc đời của ông mà mọi người đã đoán định.

Mười tám tuổi, Phiện được miễn đi bộ đội với lý do nhà con một. Nhưng vào làm công nhân cảng trong lúc cuộc bao vây phong tỏa cảng bằng thủy lôi của Mỹ đang diễn ra ác liệt thì gian khổ, hy sinh có kém gì phải ra chiến trường. Vì đã tốt nghiệp cấp ba, Phiện được điều về đội tầu phá lôi. Thế là mơ ước được tung hoành ngang dọc trên biển rộng bao la của chàng thanh niên miền đồi trung du thành hiện thực. Nhưng đã gần hai tháng trôi qua, chỉ có một mình Phiện với dãy nhà tập thể trống tuyềnh trống toàng nằm bên mép nước. Khu tập thể mom thuỷ đội. Dãy nhà dựng tạm cho công nhân, mái giấy dầu đen xì, tường ngăn chỉ bằng những tấm liếp, thậm chí bằng những tờ giấy báo căng lên. Phiện đi dọc hành lang chán rồi lại ra mép nước nhìn những con tầu vội vã chạy ngang qua, ngóng chờ người về. Những lúc có tầu lớn chạy qua, sóng từ phía lái chuồi ra xô đẩy nhau đập vào bờ đá, nước bắn tung lên người, chính là lúc Phiện hình dung ra biển phải thế nào. Sóng dữ dội, hùng tráng – Khúc ca của biển phải như vậy.

Thế rồi, vào buổi chiều ấy, khi ánh sáng cuối ngày vàng như giọt mật loang trên mặt sông, chàng thanh niên mười tám đang bức bối nhìn dòng nước lững lờ trôi thì một cô gái xuất hiện ngay sau lưng. Phiện giật mình quay lại. Bắt gặp cô gái đang nhìn mình bằng ánh mắt trong veo như giọt nước lung linh khiến Phiện lúng túng. Phiện rụt rè chào cô gái:

-Chào chị! Chị hỏi ai?

-Thế anh là ai? – Cô gái hỏi lại.

Giọng nói của cô gái dứt khoát, chứng tỏ cô là chủ thực sự ở đây, còn Phiện chỉ là người mới đến cần phải khai báo.

-Tôi vào làm được hai tháng rồi. – Phiện lúng túng trả lời.

-Thế à! Anh thổi cơm chưa?

Thái độ tự nhiên của cô gái lây sang, lần đầu tiên Phiện biết trả lời làm thân với một người con gái:

-Chẳng biết linh tính thế nào hôm nay tôi lại thổi nhiều cơm, định cho cả ngày mai. Chị ăn luôn!

Chỉ có duy nhất một món cá khô nướng, thế nhưng bữa cơm kéo dài tới tận tối mịt bởi sự vui tính của cô gái đã cuốn theo bao câu chuyện mà chàng trai muốn hỏi. Cô gái tên là Tân, làm nhân viên giao nhận. Cũng như mọi người ở đây, Tân phải ra Hạ Long làm việc vì tầu vướng thuỷ lôi không vào được. Có người phải vào tận Quảng Bình, người phải lên Lạng Sơn cho nên không còn ai ở nhà. Cơm nước xong, Tân xin phép được dọn dẹp lại chiếc giường một bên cạnh giường Phiện. Bàn tay Tân vuốt từng mép chiếu cho thật phẳng, chiếc khăn mặt phơi trên dây được giặt lại sạch sẽ. Hình như trong lòng Tân đang xúc động, trong khóe mắt vương giọt nước mắt hạnh phúc. Hẳn người nằm trên chiếc giường đó phải là người cô ấy yêu thương lắm. Phiện thầm mong, cuộc đời mình có được người con gái như Tân.

Ba giờ sáng, Phiện giật mình tỉnh giấc bởi tiếng máy ca nô rú ga rồi dừng khựng ngay bên cửa sổ phòng mình. Tiếng những bước chân vội vã nhẩy lên bờ. Tiếng gọi hối hả vọng trong đêm:

- Cậu Phiện mới vào làm đâu, dậy ngay đi!

Phiện bật dậy, chạy vội ra mở cửa. Trước mặt phiện là ba người quần áo sũng nước. Người lớn tuổi giới thiệu:

-Tôi là tiểu đoàn trưởng tự vệ cảng. Cậu chuẩn bị đi làm nhiệm vụ ngay bây giờ! - Rồi ông quay sang nói với người thanh niên có dáng người cao lớn, khuôn mặt vuông nghiêm nghị, chín chắn: - Liệu có hoàn thành nhiệm vụ không?!

Người thanh niên trả lời dứt khoát:

-Anh cứ yên tâm, chắc chắn chúng em sẽ hoàn thành nhiệm vụ. - Người thanh niên quay sang Phiện giục: - Đi thôi, có gì mà phải chuẩn bị!

Có việc gì cấp bách thế! Phiện hồi hộp xen lẫn lo lắng, muốn hỏi nhưng thấy thái độ khẩn trương của mọi người nên không dám, khấp khểnh chạy theo xuống ca nô. Người thanh niên ấy mở khóa khởi động máy. Vừa lúc tiếng máy nổ rú lên thì Tân ở trong phòng mình lao ra gọi thảng thốt:

-Anh Hoàng! Chờ em với!

Người thanh niên ấy có tên là Hoàng buông tay khỏi vô lăng đứng bật dậy. Anh muốn nhẩy lên bờ với Tân nhưng rồi lại băn khoăn chựng lại gọi với lên:

-Chờ anh! Ngày mai xong việc anh về ngay!

Khi ấy, người thanh niên thứ hai từ khi đến vẫn ngồi lặng lẽ trong lòng xuồng cũng nhổm dậy nhìn lên. Sau này nghĩ lại Phiện mới nhận ra thái độ của Tương chứ khi ấy tình cảm Tân và Hoàng quyến luyến nhau lắm khiến chàng trai mười tám đang tuổi mơ mộng xúc động.

Họ chia tay mà không nói kịp nói với nhau lời riêng tư nào.

Chiếc ca nô rú ga, chồm qua đầu một ngọn sóng rồi lao thẳng về phía cửa sông. Vừa giữ chặt vô lăng Hoàng vừa nói rõ thử thách lần đầu tiên trong đời Phiện phải trải qua. Hiện có một tầu chở năm nghìn tấn thuốc nổ của Liên Xô đang bị thủy lôi phong tỏa giữa vịnh Hạ Long. Không thể đưa người và phương tiện vào bốc hàng xuống được, trong khi đó con tầu buộc phải đứng yên, nhỡ có gió mạnh sẽ khiến tầu xoay trở dễ bị vướng vào thủy lôi. Khi năm nghìn tấn thuốc nổ phát hỏa thì vùng vịnh Hạ Long sẽ bị san phẳng. Không có con tầu phá lôi chuyên dụng nào về kịp trong ngày, ban giám đốc cùng tiểu đoàn tự vệ như đứng trên chảo lửa. Chưa biết giải quyết thế nào thì Hoàng đưa ra đề nghị, dùng chiếc ca nô còn lại của cảng đi phá lôi. Hoàng quả quyết, chỉ cần thợ máy giỏi như Tương và thêm một người phụ giúp nữa sẽ đảm bảo giải quết thành công. Không còn ai ở nhà, thế là tên Phiện được nhắc tới.

 Có sợ không? Hoàng hỏi để trấn an tinh thần cho Phiện. Đã hình dung ra công việc thế nào đâu mà biết sợ thế nào. Phiện cười tự tin, không hề có ý nghĩ lo lắng gì về chuyến đi nguy hiểm này. Đứng cạnh một con người có giọng nói sôi nổi, mọi hành động đều chính xác, nhanh nhẹn, quyết đoán như anh Hoàng thì quả là một chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho Phiện rồi. Ánh bình minh đang rạn lên phía cửa sông. Những bãi sú vẹt hai bên bờ sông xanh ngập như khu rừng cổ thụ.  Cảm giác bình yên. Phiện thích thú đón những ngọn gió thổi tạt vào mặt rát rạt. Hoàng đưa Phiện cầm vô lăng, hướng dẫn từng động tác điều khiển. Vấp phải ngọn sóng, con tầu chồm lên. Phiện bám chặt tay vào vô lăng, cảm giác như mình đang cầm cương con tuấn mã kiêu hãnh. Vùng nước đỏ ngầu phù sa đã lùi lại phía sau, xung quanh Phiện bây giờ là màu xanh của biển. Màu xanh ngăn ngắt. Đúng như những gì tưởng tưởng về biển, Phiện hướng tầm mắt vào không gian ngút ngát tận hưởng niềm vui, quên cả mình đang điều khiển con tầu.

Chiếc ca nô dừng lại trước một hòn đảo. Hoàng chỉ cho Phiện thấy con tầu chở thuốc nổ đang neo đậu. Ánh mắt Hoàng trở lên căng thẳng, nhìn như khoan sâu xuống lòng biển thăm dò, miệng lẩm nhẩm:

-Bọn phi công này giỏi thật, vùng nước nhỏ thế mà thả thủy lôi ráp vòng như trám con tầu phải đứng yên chịu trận!

Bỗng nhiên, tiếng rên la của Tương bật lên phá tan không gian im lặng và căng thẳng. Hoàng hốt hoảng ôm Tương đang ôm bụng quằn quại xoay lại phía mình hỏi:

-Sao thế?

-Tôi đau bụng quá, không thể chịu nổi! - Mặt Tương tái nhợt, răng cắn chặt vào môi đến bật máu.

-Liệu có đi được không? Máy móc tốt cả rồi phải không, ông cứ yên tâm lên đảo nằm chờ, chúng tôi vào phá lôi xong sẽ quay lại đón... - Hoàng nhìn quanh băn khoăn: - Nhưng nếu đau ruột thừa thì nguy lắm, ông cố chịu, tôi cũng chẳng biết phải thế nào bây giờ.

Hoàng phân vân nhưng rồi cũng giục Phiện dìu Tương lên đảo.

Chỉ còn hai người trên ca nô. Phiện chưa biết công việc mình phải làm gì, nhìn lên anh Hoàng thấy nét mặt anh quyết đoán, tập trung về phía trước căng thẳng cũng thấy vững lòng.

- Quên không lấy mũ của anh Tương, chú đội mũ của tôi, bám chặt vào! - Hoàng tháo chiếc mũ bảo hiểm dùng cho lái xe thiết giáp đưa cho Phiện đội, còn mình đầu trần.

Chiếc ca nô rú ga lao về phía con tầu chở thuốc nổ. Khi đã nhìn rõ mặt những thủy thủ trên tầu, Hoàng mím môi quay vô lăng thật nhanh. Chiếc ca nô lượn một vòng cháy nước quanh con tầu khổng lồ. Lại một đường lượn tiếp theo vào gần con tầu hơn. Phiện phải bám chặt tay vào thành ca nô mới khỏi ngã. Mặt biển vẫn xanh ngắt, lặng tờ.

-Sao thế nhỉ?

Hoàng thốt lên ngạc nhiên vì không có quả thủy lôi nào nổ theo sau con tàu. Bây giờ Phiện mới thấy mình bắt đầu có tâm trạng lo lắng. Chỉ có hai người chơ vơ giữa sóng nước và cái chết đang rình rập đe dọa đâu đó rất gần với mình. Phiện nhìn sang Hoàng tìm một lời giải thích. Nhưng anh đang tập trung suy nghĩ lung lắm cho điều mình sắp thực hiện. Anh thả nhẹ chân ga cho ca nô chạy chậm lại rồi đột nhiên đạp mạnh. Chiếc ca nô bất thần phóng vọt về phía trước như mũi tên bật ra khỏi dây cung. Ục! Rào...! Phiện chưa kịp định thần sau tiếng nổ bất thần dội lên ngay phía sau thì thấy người mình hẫng đi. Chiếc ca nô hoẳm xuống như bị ai kéo tụt xuống lòng biển.

Chiếc ca nô lại chạy chậm lại. Phiện còn kịp nhìn lên một lát, thấy nét mặt anh Hoàng rạng lên sung sướng. Chiếc ca nô lần nữa lại rú ga vọt lên. Nhưng lần này không thể quật ngã Phiện được nữa. Những cột nước trắng xóa dựng lên sau tiếng nổ ùng ục ma quái. Chiếc ca nô thu hẹp dần khoảng cách với con tầu.

Bỗng nhiên tiếng động cơ bị chựng lại nổ khành khạch như bị sặc nước. Hoàng hốt hoảng buông vô lăng đẩy Phiện lên mũi ca nô, giọng lạc hẳn đi:

- Thả neo khẩn trương!

Phiện cảm nhận được tình thế nguy hiểm mức nào nhào lên mũi ca nô, quay tời cho mỏ neo hạ xuống. Tời bị kẹt, neo xuống một đoạn thì chựng lại. Chiếc ca nô chòng chành trôi trên mặt biển như chiếc lá.

-Sao không thả được neo hả Phiện!?

Hoàng đang cố sức kéo lại đoạn xích nối từ chân ga tới bệ máy bị đứt thì bất thần một tiếng nổ bùng lên. Ngay sau tiếng nổ là cột nước dựng đứng như cây nấm trắng khổng lồ. Cây nấm nước đổ sập xuống, chỉ cách ca nô một khoảng ngắn. Phiện bị sức ép của hơi nổ đẩy ngã chúi xuống, đầu va vào thành ca nô. May mà có mũ bảo hiểm nên chỉ bị choáng nhẹ. Ngay lập tức, Phiện choàng dậy chạy lại phía Hoàng xem tình hình ra sao. Anh Hoàng bị thương nằm gục xuống bệ máy, máu ở mũi, ở tai đang rỉ ra. Phiện thấy mình bình tĩnh lạ thường, bế anh Hoàng dựa vào thành ca nô rồi quay ra đấu nối lại chỗ xích bị đứt. Hoàng tỉnh lại gọi Phiện, nói đứt quãng:

-Chỉ hai vòng nữa...là hết ... hết thủy lôi, chú cố... cố lên!

Hoàng hy sinh. Cú sốc đầu đời với Phiện nặng nề quá. Phiện dằn vặt, chỉ tại mình đội mũ bảo hiểm của anh ấy, nếu không thì có bị va đầu vào bệ máy chắc cũng chẳng sao. Về đến cảng, Phiện lập tức được điều đi phá thủy lôi ở bến Khuể, nơi huyết mạch của con đường liên kết miền duyên hải Bắc Bộ. Hàng ngày, Phiện lầm lũi sục chân xuống bùn kéo tấm tôn qua bãi thủy lôi để kích cho chúng nổ. Sau tiếng nổ, phản xạ của mọi người phải ngồi thụp xuống phòng tránh có vật gì đó văng vào, nhưng Phiện thì vẫn đứng trơ như bức tượng đen bùn đất Cầu cho quả thủy lôi nào đó sẽ hạ gục mình, có thế mới tạ lỗi được với anh Hoàng, với chị Tân. Chỉ một thoáng thể hiện tình cảm của hai người đêm đó, Phiện ước ao có được hạnh phúc như họ. Thế mà bây giờ, chỉ vì mình mà...

Phiện ở lại bến Khuể cho đến khi chiến tranh kết thúc. Trên đường trở về với khu tập thể mom thủy đội, Phiện sợ phải gặp lại Tân. Khi đối mặt với cô ấy Phiện sẽ phải cư xử thế nào đây? Đường đời của Phiện mới đi được một đoạn ngắn nên không thể trả lời cho câu hỏi ấy của mình. Trái với điều lo lắng của Phiện, khu tập thể nhộn nhịp người đi về nhưng phòng của Phiện lại trống vắng Sang phòng Tân, hỏi mọi người ở cùng, không ai trả lời chính xác cô ấy giờ ở đâu. Chỉ biết rằng, thỉnh thoảng Tân lại đến âm thầm dọn dẹp giường của Hoàng cho sạch sẽ, ngăn nắp rồi lại lặng lẽ đi không nói chuyện với ai. Tình yêu của Tân với Hoàng sâu nặng lắm. Thế mà họ lại phải chia tay mãi mãi! Hành động của Tân càng làm Phiện ân hận về việc làm thiếu tính toán của mình. Mong sao cô ấy đừng đến nữa, Phiện sẽ giữ nguyên chiếc giường của anh Hoàng đúng vị trí ấy nếu như còn được ở gian phòng này.

Nhưng rồi điều không mong vẫn cứ đến. Tân không đến một mình mà có cả Tương đến cùng. Họ cùng nhau đến bắt tội Phiện sao đây!? Phiện muốn bỏ trốn. Nhưng trốn tránh mãi được à! Anh Hoàng dám đối mặt với hiểm nguy không hề tính toán, hình ảnh con người anh ấy hằn sâu vào tâm trí Phiện rồi. Phiện cũng sẽ cứng rắn như anh. Đứng trước hai người Phiện chỉ biết cúi đầu xuống, muốn cầu xin mọi người tạ lỗi. Nhưng lạ thay, hai người cũng đứng lặng nhìn Phiện. Rồi Tân khóc nấc lên. Hãy khóc đi, con người tự hào có được giọt nước mắt nhỏ xuống.

-Anh Phiện! Tôi muốn anh tha lỗi cho tôi! - Tân nói nhanh, giọng run run.

Sao thế, tôi là người có lỗi cơ mà! Phiện muốn thốt lên câu nói đó nhưng không nổi, bàng hoàng nhìn Tân. Cô ấy cũng lúng túng như Phiện, muốn nói tiếp nhưng không biết phải diễn đạt thế nào. Chỉ có Tương là người tỉnh táo trong lúc này. Anh ta khoác vai Phiện thân mật, lạnh lùng nói:

-Cô ấy xúc động quá, tôi xin được đỡ lời. Chúng tôi đến đây có lời đề nghị với chú thế này, chỗ anh em xin được sòng phẳng, hôm anh Hoàng hy sinh chỉ mình chú biết và nay tôi muốn không để có thêm người nữa ngoài ba chúng ta được biết.

Phiện kinh ngạc nhìn lên bộ mặt lanh lọc của Tương rồi quay sang nhìn Tân. Tân quay người lại tránh ánh mắt của Phiện. Cuộc sống lại có nhiều bất ngờ thế sao!?

-Thế này là thế nào!?

Giọng Tương đanh sít lại, vô cảm:

-Đổi lại, chú muốn được đi học một nghề gì đó hoặc học đại học tại chức để sau này có cơ hội tiến thân tôi sẽ hết lòng giúp đỡ.

Phiện hiểu ra rồi. Hồi còn ở bến Khuể, Phiện được biết có hội nghị biểu dương thành tích về việc phá thủy lôi để kịp thời giải phóng con tầu chở thuốc nổ mà Tương là người đọc báo cáo. Bây giờ thì vỡ lẽ, anh ta vờ bị đau bụng là để trốn tránh nhiệm vụ. Anh ta còn làm thế nào đó để không phải đi bến Khuể, được ở lại có thời cơ vơ hết thành tích về mình thì người còn trẻ như Phiện sao biết được. Anh Hoàng hy sinh không phải do mình. Nếu hôm đó có thêm người thợ máy giỏi như anh ta thì chiếc ca nô chẳng gặp sự cố. Chỉ vì sợ bị lộ chuyện nên anh ta mới trở lại khu tập thể này, nếu không thì với một người sống nặng về tình cảm như Phiện chẳng dễ gì nhận ra sự thực. Phiện trân trối nhìn anh ta rồi hét lên:

-Tôi không thèm cái sự ưu ái ở loại người gian manh như anh!

Phiện quay sang nhìn Tân, ánh mắt trở lên lạnh lùng, dò hỏi. Ánh mắt Tân cũng bất ngờ trở lên cứng rắn. Tân nói nhanh với Phiện:

-Tôi với anh Tương sắp tới sẽ cưới. Tình cảm của tôi với anh Hoàng sâu nặng thế nào chỉ có anh và anh Tương biết, cũng đề nghị anh không được nói với ai, có như vậy linh hồn anh Hoàng mới được yên.

Nói xong Tân quay người đi vội vàng ra khỏi khu tập thể.

Đất trời sụp đổ dưới chân Phiện. Tại sao lại thế!? Chẳng lẽ cuộc đời lại đảo điên như vậy sao! Cô ta quá lọc lõi, đã đánh đúng điểm yếu của Phiện. Hãy để linh hồn anh ấy được yên! Điều kiện này đã đóng chặt cánh cửa cuộc đời của Phiện lại.

Đã gần ba mươi năm trôi qua, ông Phiện sống cô đơn cùng cái bóng của mình, cần mẫn với công việc bốc vác ở xí nghiệp và hàng ngày dọn dẹp chiếc giường của anh Hoàng cho thật sạch sẽ trong căn nhà chẳng đổi khác là bao so với ngày xưa. Tưởng chừng những kỷ niệm đau buồn ấy dần nguôi ngoai thì Huy đến đào xới lên. Huy là con của những người đã nhấn chìm những ước mơ thời trẻ của ông. Hắn vào làm cái nghề này chắc chỉ là làm bàn đạp để tiến thân thôi, bố làm to thế chẳng lẽ muốn đầy thằng con duy nhất vào cái nghề thấp kém này. - Ông tự trả lời cho những thắc mắc về Huy. Căm ghét người sinh ra anh ta thế nào thì cũng căm ghét anh ta thế ấy, cùng dòng giống cả mà, nên chưa một lần ông nói với Huy lấy một câu chứ nói gì khi làm lại đi cùng cặp với nhau trong lúc làm. Tưởng như đã căm ghét thì sẽ chẳng thèm để ý tới anh ta, thế nhưng ông cần phải quan sát để hiểu sâu cái xấu xa của bố mẹ anh ta đã nặn lên khuôn mặt anh ta để mà căm ghét thêm. Nhưng rồi ông để ý mãi, cái con người luôn vui vẻ cùng mọi người, xốc vác với công việc, chẳng khi nào ngại khó ngại khổ đã không cho ông thấy thêm được điều xấu xa nào. Cho đến ngày sắp phải chia tay, ông lại thấy mình bịn rịn với anh ta.

Nhận quyết định nghỉ chính thức, ông bần thần đứng nhìn bến sông tấp nập tầu bè vào ra, đêm đêm nhiều khi giấc ngủ chập chờn đến rồi lại bỗng choàng tỉnh dậy vì trong lòng thấy bồn chồn không yên. Ánh điện cao áp hắt qua cửa sổ đậu trên vai, cọ vào da thịt gai gai, ông cảm nhận được dòng máu chẩy buồn buồn bên trong. Căn nhà không còn yên tĩnh nơi cuối ngõ nữa mà sau khi thành phố cải tạo lòng sông đã mở con đường bao dọc theo bờ, thành ra gian nhà cuối cùng trong khu tập thể mom thủy đội xưa nay trở thành mặt đường. Lúc này mọi người cho đánh giá lại, số ông về già được sướng. Chỉ cần cho thuê làm địa điểm kinh doanh ông sẽ có được cuộc sống khá giả, còn nếu có bán đi về quê thì xây biệt thự cũng không hết tiền. Họ không hiểu cuộc đời ông. Ông mở cửa cho ánh sáng tràn vào. Phía xa là cây cầu Bính sắp hoàn thành, ánh lửa hàn lấp lánh. Lòng sông rộng mênh mông thế, ngày xưa chẳng có ai lại mơ tới có được cây cầu bắc qua, thế mà bây giờ sắp trở thành hiện thực. Khi nào khánh thành ông sẽ phải đến đó để tận mắt chứng kiến sức vươn lên trong cuộc sống của con người thế nào.

Cũng như mọi buổi chiều, khi vầng mặt trời tròn vạnh, đỏ như chiêc mâm lửa dần rơi xuống đám khói của nhà máy xi măng, ông lại mang ghế ra hiên nhà ngồi đón ngọn gió mát từ dưới sông hắt lên. Ông đang nhìn miết về phía cây cầu mới khánh thành thì có hai người dừng lại trước mặt. Ông ngẩng lên nhìn người đàn ông có đôi má chảy xệ bởi lớp mỡ dầy cùng với những nếp nhăn hằn sâu, lạ lẫm không quen biết. Khi nhìn về người đàn bà thì ông đứng bật dậy. Dù có bao năm không gặp mặt, dù thời gian khiến con người đổi thay về thể chất nhưng ông vẫn nhận ra Tân. Và ông cũng nhanh chóng nhận ra người đàn ông kia. Ngạc nhiên khiến ông chưa biết phải xử trí thế nào thì ông Tương lên tiếng.

-Không nhận ra chúng tôi sao!?

Nhìn thái độ cởi mở làm thân của hai người khiến ông bình tâm trở lại, mời khách vào nhà. Bà Tân nhìn quanh không biết nên ngồi xuống đâu bởi nhà không có bộ bàn ghế nào, chỉ có chiếc giường một phía ngoài còn trống nhưng bà biết mình không thể ngồi xuống đó được. Chiếc giường vẫn giữ nguyên trạng từ ngày xưa. Vẫn là ông Tương lên tiếng trước:

-Ông nghỉ hưu rồi phải không, cháu nó có cho chúng tôi biết. Chúng tôi cũng nghỉ cả rồi... Ông Phiện à, chẳng biết có phải đến tuổi già con người mới nhận thấy những điều không phải trong cuộc sống của mình.

Ông ngắt lời ông Tương với giọng mỉa mai:

-Ông bà lại đến mặc cả gì với tôi đây, chả gì cũng có thằng con làm với tôi. Hay là ông đến đòi quyền sở hữu ngôi nhà này. Tôi biết ông đủ giấy tờ và lương tâm khiến tôi mất không. Bạc tỷ đang nằm trong tay ông đấy.

-Ông hiểu sai chúng tôi rồi. Thế ông biết thằng Huy là con ai không? - Bà Tân lên tiếng, giọng nói run run nhưng vẫn biểu hiện ra niềm vui trong lòng. - Tôi quyết định nói ra điều này là vì ông, cả vì thằng Huy nữa. Tôi biết ông giận chúng tôi lắm. Và cháu có nói lại, ông sống nặng về quá khứ, khiến tôi ân hận. Chẳng biết hai người gần gũi nhau thế nào mà cháu nó thương ông cho nên khiến tôi phải nói ra để cả ông và nó được yên lòng. Khác máu tanh lòng ông ạ, thằng Huy với ông Tương không thể đồng cảm với nhau được. Nó xin vào làm bốc vác cũng là vì thế.

Bà Tân dừng lời đưa khăn lên lau nước mắt. Còn ông gục đầu xuống hai vai, ân hận vì thái độ lúc nãy của mình.

-Tưởng rằng tôi làm vậy là vì tương lai của cháu. Tôi đã nhầm! Tôi có thai với anh Hoàng được bốn tháng, hẹn sang tháng sẽ tổ chức, thế nhưng như ông đã biết đấy. Anh ấy hy sinh, mà tình yêu của tôi với anh ấy có mấy người biết đâu, tôi sẽ bị tiếng là người chửa hoang rồi nhận sằng một người đã mất để lấp liếm, rồi còn danh dự của anh ấy nữa, linh hồn anh sẽ bị tổn thương, thời kỳ ấy là như vậy phải không ông. Tôi quyết định lấy ông Tương là để cho con tôi có được lý lịch trong sáng. Nhưng cuộc sống của chúng tôi ai cũng thấy mình khổ tâm khi phải sống bên nhau. Tôi tin là có linh hồn ông ạ, có vậy thằng Huy mới giống bố nó từ dáng đi đến lời ăn tiếng nói, tôi không thể sinh được đứa con nào thêm nữa cũng bởi vì hình bóng của anh ấy lúc nào cũng ám ảnh bên mình. Thời trẻ tôi cứ cố níu kéo con tôi vào một gia đình yên ấm giả tạo, còn ông Tương thì mờ mắt trước công danh và tiền bạc, đến giờ mới nhận ra, trở về đây lần cuối mặc cả với ông chẳng biết ông có bớt giận giúp tôi... Ông sẽ là người đứng ra nói rõ sự thật với cháu Huy được không!?

Trời đã sụp tối từ khi nào, ánh đèn đường tràn vào nhà mới khiến ba người nhận ra là vẫn đứng giữa nhà và im lặng bên nhau. Cầu Bính đã khánh thành, dãy đèn cao áp sáng bừng lên, cây cầu vồng lên như một cánh cung lửa khổng lồ.

 

                                                                                       N.Q.H

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 494
Trong tuần: 1168
Lượt truy cập: 436085
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.