Cao Ngọc Thắng
NGƯỜI TIÊN PHONG CÁCH TÂN THƠ
Năm nay – 2020, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tròn 100 tuổi (ông sinh ngày 16 tháng 11 năm 1920 tại Đà Lạt, nguyên quán ở Quảng Bình). Trong 100 năm ấy, đời thơ Nguyễn Xuân Sanh trải dài hơn 60 năm ở thế kỷ XX và tiếp tục đồng hành với thế kỷ XXI. Những đóng góp của ông trong tiến trình chuyển mình của nền thơ Việt cũng như quá trình xây dựng Hội Nhà văn Việt Nam, để lại những dấu ấn khó phai và đã được khẳng định. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ xoay quanh thơ Nguyễn Xuân Sanh trong Xuân Thu nhã tập.
- Từ năm 1938, Nguyễn Xuân Sanh đã có thơ đăng báo. (Theo hồi ký Song đôi của Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh làm thơ từ năm 1935). Có nghĩa, thơ Nguyễn Xuân Sanh ra đời trong Phong trào Thơ Mới (1932-1945). Và, Nguyễn Xuân Sanh và thơ của ông có địa vị và vai trò không nhỏ trong/đối với nhóm Xuân Thu (xuất hiện từ năm 1939).
Năm 1942, ấn phẩm Xuân Thu nhã tập ra đời ngay lập tức được dư luận đánh giá là một hiện tượng, một khuynh hướng khác và lạ. Trong đó, bài viết của Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ và Nguyễn Văn Hạnh với những luận điểm, quan niệm tương đối toàn diện và có tính hệ thống, được coi là Tuyên ngôn Thơ của nhóm Xuân Thu.
Trong bối cảnh lịch sử của dân tộc vào đầu thế kỷ XX, sự ra đời Phong trào Thơ Mới đã là một cuộc cách mạng mang tính xã hội rộng rãi, thì Tuyên ngôn Thơ của nhóm Xuân Thu là hồi chuông gióng lên sự cần thiết phải thực hiện rốt ráo cuộc cách tân thơ, nhằm thoát khỏi chiều hướng thoái trào, lâm vào bế tắc ngay trong lòng Thơ Mới. Đó là đóng góp hết sức quan trọng. Bởi, Tuyên ngôn Thơ tiếp tục khẳng định: cách tân là nhu cầu tự thân của nền thơ Việt – một nền thơ có truyền thống, có bản sắc và có năng lực tiếp thu tinh hoa của các nền thơ khác, cả trong quá khứ ở phương Đông và đương thời ở phương Tây, để không ngừng đổi mới và hiện đại thơ, trong đó tính dân tộc là bất biến, mọi cái tiếp thu được đều nhằm tới đích làm đẹp thơ Việt, cả về nội dung và hình thức biểu cảm, cả về tư duy và ngôn ngữ thơ. Một đóng góp khác của Tuyên ngôn Thơ mang tính nguyên tắc là: công việc sáng tạo thơ phải xuất phát từ cuộc sống và phục vụ cuộc sống – tức là phải xây dựng được mối quan hệ khăng khít giữa thơ và quần chúng bạn đọc. Tiếc rằng, hoàn cảnh lịch sử không cho phép nhóm Xuân Thu tiếp tục triển khai những ý niệm đã thể hiện trong Tuyên ngôn Thơ. Song, âm hưởng của Xuân Thu nhã tập vẫn luôn âm ỉ và ảnh hưởng nhất định trong tiến trình chuyển dịch tích cực của thơ Việt qua từng giai đoạn cụ thể, qua những cuộc thảo luận về thơ không vần, thơ văn xuôi, nhất là trong nỗ lực âm thầm cách tân của các thế hệ nhà thơ nối tiếp nhau.
- Ngoài đóng góp trực tiếp vào Tuyên ngôn Thơ, Nguyễn Xuân Sanh còn tiên phong thực hiện cách tân thơ như nhóm Xuân Thu chủ trương. Ngày nay, ở khoảng lùi khá xa, sau 78 năm, cho thấy thơ Nguyễn Xuân Sanh trong Xuân Thu nhã tập cách tân rất đậm nét. Thao tác dưới đây sẽ cố gắng minh chứng điều đó ở các điểm sau:
- Cái tôi phổ biến trong Thơ Mới, được Nguyễn Xuân Sanh chuyển hoá thành cái ta ẩn dụ. Nhân vật trữ tình trong thơ ông là sự tập hợp các trạng thái tình cảm gắn với hoàn cảnh, làm nền cho âm thanh và màu sắc biến hoá đa dạng. Ông viết: “Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi/ Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y/ Rượu hát bầu vàng cung ướp hương/ Ngón hường say tóc nhạc trầm mi” (khổ một - Buồn xưa), biểu tả sự quyện chặt, quyến luyến giữa ngôn ngữ thơ với ngôn ngữ nhạc và ngôn ngữ hoạ trong một phức hợp dưới sự “cầm chịch” của nhịp điệu, khiến không gian thơ phóng khoáng, mở ra nhiều chiều, làm mờ đi ranh giới giữa các sự vật và hiện tượng, do vậy cái tôi chật hẹp mất chỗ đứng.
- Ba bài thơ của Nguyễn Xuân Sanh in trong Xuân Thu nhã tập – Buồn xưa, Bình tàn thu và Hồn ngàn xưa, đều được triển khai trên tinh thần vừa nêu. Các bài thơ này đều có hình thức thơ bảy chữ, nhưng không phải hoàn toàn là thất ngôn của Đường luật, cũng không còn mấy dấu ấn của thơ bảy chữ phương Tây.
- Về cấu tứ, ba bài thơ là ba cách tổ chức khác nhau. Buồn xưa – 4 khổ 4 dòng và 1 khổ 2 dòng (4-4-4-4-2), khổ 2 và 4 có dòng ngắt (bậc thang). Bình tàn thu – cấu trúc dòng là 2-3-2-3-2. Hồn ngàn xưa – lại có dạng 3-1-3-1-3-1-3-1 (ngắt dòng ở câu hai khổ một).
- Về âm, số âm trắc chiếm khoảng 1/3 tổng số âm của mỗi bài, cụ thể: Buồn xưa có 126 âm thì chỉ có 43 âm trắc (chưa đầy 35%), Bình tàn thu là 24/84 (hơn 28%), Hồn ngàn xưa là 37/112 (nhỉnh hơn 33%). Thú vị hơn là, toàn bộ các dòng/câu thơ trong cả ba bài hoàn toàn kết thúc âm bằng.
- Bài Buồn xưa rất gần với thể thất ngôn thơ Đường, nhưng phá niêm luật: ở cách cấu trúc (ngắt dòng), ở cấu trúc dòng, ở cách tổ chức âm và vần ở mỗi dòng/câu thơ, đặc biệt chữ cuối câu ba trong mỗi khổ cũng là âm bằng, ví dụ cụ thể ở khổ ba: “Buồn hưởng vườn người vai suối tươi/ Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời/ Môi gợi mùa xưa ngực giữa thu/ Duyên vàng da lộng trái ru người”, vần u chen vào giữa vần ươi (ơi) (chứ không phải vần trắc như thể thất ngôn); cũng vậy, khổ một là vần ương chen giữa vần i/y, khổ hai là vần ơm chen giữa vần a, khổ bốn là vần ương chen giữa vần ưa.
- Ở hai bài Bình tàn thu và Hồn ngàn xưa, âm và vần cũng được tổ chức tương tự ở mỗi dòng/câu thơ, nhưng có khác. Bài Bình tàn thu, chữ cuối mỗi dòng của mỗi khổ hợp vần với nhau, ví dụ khổ một là vần ơi: “Bình tàn thu vai phấn nghiêng rơi/ Chén vàng dâng ướp nhạc lòng đời”, khổ hai là vần ương: “Sương mùa lệ héo dặm đường hương/ Cung phi dăng bướm buồn Nghê Thường/ Sách đâu tay xõa ái – tình – chương”; tương tự, khổ ba là vần ươi, khổ bốn là vần a/oa, và khổ năm là vần ương (cấu trúc dòng của bài là 2-3-2-3-2). Với cấu trúc dòng 3-1-3-1-3-1-3-1, bài Hồn ngàn xưa lại hợp vần theo từng cặp 3-1, ví dụ vần ây ở cặp 3-1 thứ nhất: “Hy-mã-lạp-sơn buồn thu đây/ Thu – Tóc xuân bưng đỉnh chiều đầy/ Quỳ dâng Hình Nhạc nẻo nghìn mây” và “Trầm ngàn mùa nghe tóc buông xây”; tương tự, cặp 3-1 thứ hai là vần an/ang, cặp 3-1 thứ ba là vần ương, và cặp 3-1 thứ tư là vần ông.
- Dù có khác nhau ở cách tổ chức âm và vần, nhưng sự chiếm ưu thế vần bằng trong toàn bài cũng như biến thể cách hợp vần ở cuối mỗi dòng theo khổ ở cả ba bài có ý nghĩa tạo nhịp điệu và tiết tấu như những bản nhạc, với giai điệu du dương, tả đúng tâm trạng buồn mênh mang, khó dứt thường thấy ở các bài dân ca Việt Nam (nhạc ngũ cung).
- Chữ trong thơ Nguyễn Xuân Sanh không mới, không lạ, nhưng cách xếp/đặt các đơn vị chữ, cách ghép từ (thành từ đôi, từ ba), cách sử dụng từ loại (mật độ tính từ có phần trội hơn các loại từ khác), rất linh hoạt và đa dạng, đã làm biến đổi ngữ pháp câu thơ, cấp cho câu thơ nghĩa mới, từ đó cấp cho người đọc cách hình dung, cách cảm thụ khác với truyền thống, thậm chí gây cảm giác “bí hiểm”.
Cách tân “kiểu” Nguyễn Xuân Sanh thực hành, như nêu ở trên, ít thấy xuất hiện trong thơ của các tác giả cùng thời. Có nghĩa, Nguyễn Xuân Sanh lựa chọn cho thơ mình một lối biểu cảm, một hình thức có nội dung (tức là nội dung của hình thức) tương thích và trung thành với Tuyên ngôn Thơ.
Cấu trúc cũng như cách phân bố âm và vần trong các dòng/câu và toàn bài thơ, cho phép tác giả giữ vẹn toàn hồn cốt thơ dân tộc, không bị lệ thuộc vào những cái tiếp thu từ ngoài vào. Trong thơ Nguyễn Xuân Sanh, cuộc sống nhân thế, kể cả nỗi buồn, có xu hướng hoà vào môi trường thiên nhiên, cố gắng vượt thoát cái tôi bế tắc nơi trần gian, vươn lên tận vũ trụ. Thơ ông (kể cả thơ văn xuôi) là loại thơ để cảm hơn là để hiểu. Và, rõ ràng người đọc đã cảm được cái đẹp toát ra từ những bài thơ của ông.
Lựa chọn của Nguyễn Xuân Sanh xuất phát từ tinh thần Tuyên ngôn Thơ của nhóm Xuân Thu mà ông là một đại diện, có tính triết học làm nền tảng, do đó thơ ông có dấu hiệu hình thành phong cách tác giả. Tuy nhiên, phong cách ấy không có điều kiện củng cố và duy trì để tiến tới hoàn thiện tính độc lập, tính cá thể. Khách quan mà nói, trong hoàn cảnh của 78 năm trước đây, bản thân Nguyễn Xuân Sanh khó lòng kiên trì đi tiếp con đường mà thuở ban đầu ông lựa chọn; ngay cả sau này khi hoàn cảnh đã đổi khác, hồn thơ cách tân của ông ngày ấy cũng không gượng dậy nổi.
- Tinh thần cách tân của nhóm Xuân Thu và của Nguyễn Xuân Sanh, thể hiện trong Xuân Thu nhã tập, mặc dù dang dở nhưng vẫn tiếp tục diễn ra và góp phần soi xét một vài khía cạnh hạn chế mà thơ hiện nay bộc lộ, thể hiện khá rõ ở mấy điểm sau:
- Mặt bằng thơ hiện nay mất cân đối giữa số lượng và chất lượng. Cái đẹp, cái hay của thơ khá chênh vênh, bởi thiếu sự liên hệ cần thiết với bạn đọc, cũng tức là thiếu đi sự đồng sáng tạo. Nhìn chung, hệ quả của trạng thái “chênh vênh” này là chất lượng của người sáng tác thơ và chất lượng của người thưởng thức thơ không có cơ hội nâng lên, thậm chí quay lưng với nhau. Có rất nhiều nguyên nhân. Trách nhiệm trước hết thuộc về người sáng tác thơ. Công tác xuất bản, biên tập, phê bình, giới thiệu… - những cầu nối quan thiết giữa thơ và người đọc thơ, như thực trạng hiện nay cũng có trách nhiệm liên đới khá nhiều.
- Trong nhiều năm nay, hiện tượng người làm thơ tăng nhiều và nhanh hơn người sáng tạo thơ (hai cụm từ này không tương đồng với hai cụm từ “chuyên nghiệp” và “không chuyên nghiệp” trong thơ), không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng thơ, mà nhìn chung còn làm giảm tốc độ cũng như xu hướng cách tân thơ.
- Thơ cách tân hiện nay (không phải tất cả) bộc lộ một số dấu hiệu tách xa hồn cốt dân tộc cả về chữ nghĩa, cả về xu hướng “tây hoá” trong sự hấp thụ, dẫn đến sự “bí hiểm” mới, không phù hợp với mục đích: cách tân để thơ hay hơn, thơ đẹp hơn và đóng góp tích cực để Tiếng Việt giàu hơn, ngày thêm trong sáng. Phải chăng, trong xu thế hội nhập thơ thế giới, thơ Việt càng phải khẳng định bản sắc Việt một cách rõ ràng, tránh sự hoà tan?!
- Hiện nay ở Việt Nam hình như thiếu vắng những nhóm thơ có khuynh hướng, có ý nghĩa trào lưu với định hướng cách tân thơ như nhóm Xuân Thu trước đây. Do đó thiếu động lực thúc đẩy việc cách tân thơ nhằm nâng cao chất lượng thơ và khẳng định bản sắc thơ Việt. Nếu đúng như vậy thì cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhóm thơ xuất hiện, đặc biệt là người trẻ, mà nòng cốt là cá nhân các nhà thơ có sức hút, có khả năng tổ chức và dẫn dắt nhóm trên nền tảng học thuật đích thực. Các nhóm thơ như vậy, rất khác với các CLB thơ tự phát nhanh và nhiều hiện nay, sẽ có tác dụng tích cực và làm động lực cho tiến trình cách tân thơ có mục đích rõ ràng.
*
Nhân dịp chào mừng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tròn 100 tuổi, thảo luận về thơ và đóng góp của ông cho sự cách tân thơ, cũng là dịp nhìn nhận khách quan những hạn chế và tìm cách khắc phục những hạn chế đó của thơ Việt hiện nay./.
Hà Nội – Thu 2020
C.N.T.