Nguyễn Thị Thiện
TRƯỜNG CA “GIỌT GIỌT ĐÊM HÀ NỘI”
CỦA NGƯỜI SAY ĐẮM VĂN CHƯƠNG
- Hà Nội, nguồn cảm hứng lớn trong dòng chảy văn học Việt. Thủ đô Hà Nội không chỉ là trái tim yêu quý của cả nước, trung tâm hành chính, kinh tế quốc gia, còn là di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng, nguồn cảm hứng dồi dào của các nghệ sĩ. Bạn đọc từng biết đến Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam; Phố phường Hà Nội xưa của Hoàng Đạo Thúy; Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài; Hà Nội lầm than của Trọng Lang, Hà Nội rong ruổi quẩn quanh của Băng Sơn; Phố - tiểu thuyết của Chu Lai…Thật thú vị giờ đây, chúng ta lại có trường ca “Giọt giọt đêm Hà Nội” giàu xúc cảm của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo. Tác phẩm như một bông hoa ngôn từ thắm sắc ngát hương dâng tới bạn đọc mừng Ngày Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô 10/10 (1954 – 2024).
- Phạm Thị Phương Thảo là người say đắm văn chương. Chị sinh năm 1959 ở Lào Cai nhưng sống tại Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thời thanh xuân, chị dành tâm sức cho chuyên môn và gia đình. Gắn bó với ngành y, từng giữ chức Viện phó Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia - Bộ Y tế. Song vốn là học sinh giỏi Văn phổ thông, với trái tim mê đắm thi ca, chị đã viết nhiều bài thơ văn ở những chủ đề khác nhau nhưng chỉ cho riêng mình, cất trong ngăn tủ. Năm 2010, nhân dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chị mới tập hợp in thành sách, cho ra mắt liên tục các tác phẩm văn thơ gửi tới bạn đọc. Đén nay, chị có 25 ấn phẩm ở nhiều thể loại: Thơ, tản văn, trường ca, tùy bút, tiểu luận và phê bình văn học; thể loại nào chị cũng có những thành công rất đáng ghi nhận.
- Trường ca “Giọt giọt đêm Hả Nội” gồm 192 trang in khổ 13 x 20,5cm do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 8 năm 2024, là trường ca thứ tư trong gia tài thi ca của chị. Trường ca là tác phẩm dài bằng thơ mang ý nghĩa xã hội rộng lớn. Nhan đề và xuyên suốt tác phẩm, nhà thơ đã chọn đêm là thời gian nghệ thuật để nói lên tiếng nói cảm xúc dạt dào tình yêu đất và người Hà Nội, nơi lưu giữ vẻ đẹp đặc sắc văn hóa Hà Thành, kết tinh truyền thống anh dũng kiên cường trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; cần cù sáng tạo trong xây dựng và phát triển của dân tộc Việt Nam.
Nhà văn Phùng Văn Khai viết trong lời mởi sách: “Từ lâu nay, viết về Thăng Long - Hà Nội, có nhiều tượng đài thơ đã trở thành bất tử. Nhưng Hà Nội không thể nào chỉ của riêng cho người có tên tuổi. Hà Nội cao rộng trầm hậu thăm thẳm cội nguồn lịch sử từ những mạch rễ li ti mà vươn khắp bốn phương trời. Hà Nội là một thức quà tâm hồn tuyệt không bao giờ chỉ dành riêng cho người Hà Nội” (tr 10). Vì thế, nữ nhà thơ đã nói lên tiếng lòng mình về Hà Nội dấu yêu. Tác phẩm gồm 12 chương, 81 khúc ca; mỗi chương khúc là một đoạn, chủ đề tương đối độc lập. Bạn đọc từng phần riêng lẻ cũng nắm được mảnh ghép tâm trạng, cảm xúc tác giả. Tất cả hợp nên một chỉnh thể, liên kết chặt chẽ cùng làm rõ về người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, đất Hà Nội giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.
Khởi đầu trường ca viết về sông Hồng – dòng Sông Mẹ mênh mang chở nặng phù sa với lấp lánh những vẻ đẹp gắn với Thăng Long – Hà Nội. Kết thúc trường ca cũng viết về nơi phên giậu đầu nguồn miền đất Lào Cai, quê hương tuổi thơ tác giả. Những trang đầu, người đọc được đến với những câu thơ đẹp về Hà Nội, nơi kết tinh hồn thiêng sông núi: “Sương khói, sương khói linh thiêng ngàn năm/ Hà Nội ngàn xanh, tinh hoa gọi hồn xưa, phố cũ/ Vẫn ngàn năm mơ khát vọng hòa bình/ Bên sông Hồng, lắng nghe sông kể chuyện”. Từ đây, nữ sĩ tìm về Hà Nội của những trầm tích, lắng nghe Sông Hồng kể chuyện qua âm vang của dòng sông như còn văng vẳng tiếng ca trù: “Sông Hồng đêm nay ngân vang tiếng ca trù/ Tiếng sóng vỗ về, hay sông Mẹ hát ru?”. Thi nhân gợi để mọi người cùng nhớ về ca trù – một trong 15 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ca trù là loại hình nghệ thuật độc đáo mang đậm chất “thính phòng”, hòa quyện giữa thơ và nhạc với kỹ thuật hát khi khoan khi nhặt, lúc tha thiết lúc dập dìu: “Âm thanh/ Giọt giọt đêm, là giọt giọt ca trù/ Dập dìu khói sương, lời châu ngọc thiên thu” thật tinh tế. Và “Ca trù ai hát hôm nay/ Tiếng tơ tiếng trúc lòng này ngẩn ngơ” (tr 43). Tiếp đó, tác giả nhớ những ngày Hà Nội kháng chiến chống Pháp “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để giờ đây “Quán Thánh uy nghiêm với tượng đài” các chiến sĩ cảm tử (tr 83). Đây nữa là những tháng ngày Hà Nội bị những hung thần không tặc Thần Sấm và Pháo đài bay B52 của Mỹ bắn phá dữ dội:“Hà Nội mười hai ngày đêm/ Bom rơi đạn nổ Khâm Thiên nát nhàu (tr 44). Đế quốc Mỹ ném bom tàn sát nhiều nơi, rõ nhất là khu phố Khâm Thiên, phố Hai Bà Trưng, bệnh viện Bạch Mai… Biến đau thương thành hành động, người Hà Nội kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương: “Những chàng trai, cô gái Thủ đô/ Ánh mắt sáng và nụ cười rạng rỡ/ Vẫn “Súng trên vai, sao vuông đầu mũ”. Cùng với quân dân cả nước, nhân dân Thủ đô không tiếc tiền của, máu xương, tham gia chiến đấu ở những mặt trận ác liệt nhất, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ra khỏi cuộc chiến, Hà Nội những năm 80 đầy gian khó và thiếu thốn. Nhà thơ không né tránh mà ghi lại cảm xúc rất chân thực: “Sung sướng mau quên cái nghèo luôn nhớ”; càng nhớ hơn vẻ đẹp của Hà Nội với cảnh trí thiên nhiên tuyệt vời:“Hà Nội ngày ta yêu nhau/ Cây xanh trên từng mắt lá/ Hồ Tây sóng xô nhè nhẹ/ Em cười thơm nắng búp sen” (tr 57). Hà Nội suốt 12 tháng, ngày nào cũng đẹp, nhưng đẹp nhất là những ngày thu: “Hà Thành thơm nắng phố hoa/ Hà Nội ngát thơm những mùa tháng tám/ Cúc vàng hồng thơm ly tím sắc hương/ Thương những người đàn bà/ Gánh mùa thu vào phố” (tr 72). Phương Thảo còn là người mê hội họa, nên thơ chị giàu màu sắc? Bức tranh về Hà Nội hiện lên thật đẹp, nhất là những khúc ca lục bát viết theo lối ngắt dòng:“Giêng hai/ Hây hẩy/ Tơ non/ Bao tinh khôi/ Vẫn như còn/ Phôi thai…Đào xinh/ E ấp/ Trang đài/ Vẫn còn ghen/ Với sắc mai/ Rực vàng” (tr 97). Vốn mơ mộng, Phương Thảo yêu cái đẹp, rất yêu các loài hoa, nhất là hoa sen. Cảm hứng về sen xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của chị. Trường ca có nhiều câu thơ rất ấn tượng về hoa sen: “Sen muộn/ Sen chờ người hái trăng lên/ Mắt đêm thăm thẳm lụa mềm như tơ…/ Sen đợi người thả câu thơ/ Xập xòe lá biếc ơ hờ bung biêng” (tr 134). Những câu thơ đọc lên, cảnh và tình như hòa quyện bởi vần điệu, hình ảnh cứ xoắn quyện hài hòa.
Bên cạnh đặc sắc về nội dung tư tưởng, thiên trường ca có nhiều thành công về nghệ thuật. Với 12 chương được phân thành 81 đoản khúc, tất cả viết theo lối cách tân qua nhiều thể loại: thơ tự do, thơ 1, 2,3; lục bát và nhiều đoản khúc thơ văn xuôi. Mỗi mảng thơ đều có những đoản khúc ca hay, hình ảnh và tứ thơ đôi khi đạt tới thăng hoa trong cảm xúc. Chẳng hạn như: “Tôi bay dọc triền sông. Một ngày đầy gió. Ngắm sông Hồng nằm thở. Bình minh đã rực hồng. Sông mùa này thật trong. Hà Nội đã vào thu! Gió chải tóc ven sông. Hoa dại nở tím hồng. Chờ một mùa hoa cải. Nở rực vàng bên sông… Bóng thiếu phụ chờ chồng. Giọt giọt buồn đợi mong…” (tr 172).
Lý do khác khiến tập trường ca được yêu thích còn bởi tác giả có những câu thơ độc lạ và rất táo bạo như: “Khi ánh sáng và bóng tối giao hoan/ Cây cọ vẽ rung ngân!” (tr 72); “Cầu Thê Húc cong như dấu hỏi/ Đỏ những dấu môi” (tr 73) hay “Giọt giọt dương cầm” (tr 90). Bản trường ca khép lại bằng những câu thơ về dòng sông nhưng ở tầm khái quát hơn: “Hà Nội có sông Hồng/ Giọt giọt sông mẹ chảy vào lòng tôi/ Dâng dâng mênh mang mát rượi/ Tràn dâng sóng nước cuộc đời/ Một đời sông là muôn vạn kiếp người” (tr 182).
Tác giả chia sẻ: trường ca Giọt giọt đêm Hà Nội được chị bắt đầu viết từ mười năm trước, đến bây giờ mới hoàn thành. Lý do chị viết là bởi “Hà Nội của tôi! Hà Nội của bạn! Hà Nội của tất cả chúng ta. Bốn mấy năm tôi đã sống và trưởng thành trên mảnh đất thủ đô yêu dấu. Dẫu ai có nói gì đi nữa thì Hà Nội đã là máu thịt của tôi… Tôi mang ơn mảnh đất này”. Cảm ơn tác nhà thơ đã nói hộ cảm xúc, suy nghĩ của mỗi người với Hà Nội mến yêu, Hà Nội – thành phố Vì Hòa bình rất đỗi tự hào.
N.T.T