Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NGƯỜI MÀ EM MUỐN CƯỚI

Bùi Thanh Minh

NGƯỜI MÀ EM MUỐN CƯỚI

- Thôi, thế này cậu nhớ, cậu cứ bằng lòng làm phù dâu cho tớ đi. Xong việc rồi, tớ hứa sẽ tìm cho cậu một chàng sĩ quan thật xịn ở trung đoàn. Còn hôm nay tớ sẽ kể hết cho cậu nghe, hi vọng dần dần cậu sẽ làm quen và hiểu anh bộ đội của tớ.

   Tớ cũng biết, anh Phú tớ bị thương từ hồi chiến tranh cơ. Tớ khuyên anh ấy đi khám thương tật, có quyền lợi thương binh. Anh ấy chần chừ, không chịu đi. Đến khi có đợt giám định thương tật, hỏi ra mới biết anh ấy không có giấy chứng nhận bị thương.

***

   Bẵng đi thời gian, tin anh Phú không nhận nâng tỷ lệ thương tật xôn xao cả trung đoàn. Họ bảo anh Phú khùng thật rồi. Có người còn ác mồm, ác miệng thế này cậu bảo có lộn ruột không cơ chứ:
- Cái Liên trông cũng máu đấy nhỉ? Vậy mà cứ bám chằng lấy tay Phú khùng ấy làm gì?

  Dư luận nó như căn bệnh hậu sản, làm người phụ nữ gầy mòn dần mà chết, cậu ạ. Chuyện là thế này… Sau khi anh Phú tớ lấy được giấy chứng nhận bị thương về, bỗng dưng tính tình thay đổi, có khi cả ngày không mở miệng nói một câu. Tớ “ cấp tập” cho một thôi “đại bác” cũng chẳng thấy chàng “ phản pháo”. Suốt ngày lầm lũi, đánh vật với công việc như con voi kéo gỗ. Thật chết người với ông ấy cơ.

  Trước vài ngày anh ấy nhận lời với trung đoàn là sẽ đi lấy giấy chứng thương, chúng tớ đã làm lành với nhau. Tình yêu thì hờn hờn giận giận vậy thôi chứ bỏ sao được.
  Nghĩ cái hôm làm lành thật buồn cười. Buổi sáng tớ làm sổ sách mệt quá, nằm quay ra giường. Anh chàng vào, tớ giả vờ ngủ. Nghe tiếng sột soạt bên giường rồi hơi thở, có cái gì nong nóng ấp vào môi. Tớ run người quơ tay ôm choàng lấy. Chao ôi! Khỉ thật. Không phải môi, mà là ông ấy thổi nóng hai ngón tay rồi đặt vào môi tớ. Tớ mắc cỡ quá, thấy mình ôm gọn cánh tay anh ấy… cậu bảo cái gì? Tớ thề với cậu chúng tớ chưa có gì với nhau. Không tin cậu cứ yêu rồi biết.

  Tiếp đó, anh Phú tớ khám thương tật được 20%. Hội đồng giám định y khoa quyết định nâng cho anh ấy một phần trăm nữa để đủ tiêu chuẩn thương binh loại một. Anh Phú kiên quyết không nhận, thế có khùng không chứ. Tớ quyết định phăng teo cái anh chàng khùng này.
tinhanhbodoi
***

   Thời gian qua nhanh, trung đoàn sắp có đợt ra quân. Tớ bận rộn với công việc chuẩn bị sổ sách để bất cứ lúc nào có lệnh là bàn giao được ngay. Chuyện của “ Phú khùng” ở trung đoàn cũng nguôi ngoai dần. Chuyện tình duyên của chúng tớ dường như còn căng thẳng lắm. Ngoài miệng tớ quyết định “ phăng teo”, nhưng trong lòng cứ tiêng tiếc thế nào… nghĩ cái công mình bồi đắp xây dựng. Kể ra, anh Phú cũng là người tốt, có điều này, điều nọ suy cho cùng là cũng tại chiến tranh cả thôi, chứ ai muốn. Nghĩ thế lại thương, người ta có thương tật nên mới có lúc dở tính, dở nết một tí. Ức là hình như anh ấy muốn bỏ tớ. Bỏ cho bỏ quách cần.

  Bỗng dưng tối thứ bảy anh ấy đến tìm tớ. Anh dẫn tớ ra con đê đầu làng Quỳnh Châu ngồi nói chuyện. Sau mấy câu ngập ngừng, rồi anh buồn buồn nói:
- Liên ơi, trước hết anh xin lỗi em. Hôm nay, anh sẽ nói hết vơí em. Không phải để thanh minh hay cầu xin tình yêu của em. Ở đây anh cần em phải hiểu để mà sống cho đúng thôi.
Tớ chả nói gì, ngồi bó gối nghe anh chàng lên lớp. Thấy tớ im lặng anh chàng nói tiếp:
-Anh đã tìm thấy giấy chứng nhận bị thương trong một hoàn cảnh đặc biệt em ạ… không phải cơ quan, hay người còn sống giữ, mà là trong hài cốt của người đã chết.

  Trời ạ! nghe đến đó tớ rợn người dùng mình, quay sang nhìn anh nghe cho rõ. Anh kể, hôm anh về đơn vị cũ lấy giấy chứng thương, có rẽ qua một huyện biên giới tìm ngôi mộ của người bạn liệt sĩ theo ý nguyện của gia đình. Trong nghĩa trang nho nhỏ của một xã biên giới ấy xuất hiện hai ngôi mộ còn mới. Một trong hai ngôi mộ có bia tưởng niệm ghi rõ họ tên, năm sinh, quê quán của anh Phú. Ngạc nhiên, anh Phú tìm gặp chính quyền địa phương để hỏi cho ra nhẽ, thì được trả lời khi bà con làm rẫy đã tìm thấy hai bộ hài cốt của hai chiến sỹ cùng với hai khẩu súng Ak bị vùi lấp trong một hố bom. Khi bốc dỡ về nghĩa trang liệt sĩ, đồng bào đã tìm thấy một chiếc túi ni lông, trong chỉ có một mảnh giấy chứng nhận bị thương. Bà con liền lấy họ tên trong tấm giấy đó để lập bia cho hai chiến sĩ. Cậu ạ, tấm giấy đó lại là của anh Phú tớ, thế mới lạ.

   Nghe anh kể đến đây, tớ bỗng thấy người mình rung nhẹ. Dưới vầng trăng bạc, tớ thấy có hai giọt nước mắt đang lăn trên gò má anh. Tớ hỏi:
- Thế là thế nào, hả anh?
Anh vẫn ngồi im lặng như pho đá trắng, lát sau giọng anh thủ thỉ:
- Thế này em ạ. Trong một trận chiến đấu phục kích bọn lấn chiếm biên giới anh bị thương. Sau khi sơ phẫu ở bệnh xá trung đoàn, anh được đi điều trị ở tuyến trên. Hai chiến sĩ cáng anh đi là người cùng quê. Vì là người thân nên các anh ấy đã cất dùm giấy chứng nhận bị thương cho anh. Quá trình điều trị anh được đưa ra Bắc an dưỡng, rồi đi học trường Quân chính và về trung đoàn này, cho đến nay đã sáu năm rồi, không biết tin tức gì về đơn vị cũ. Anh có về thăm gia đình nhưng hai chiến sĩ đều mất tin tức. Hôm tìm trở lại đơn vị cũ, anh mới biết hai anh ấy bị mất tích trong lần đưa anh đi viện về. Em có biết hai anh ấy là ai không? Một là anh Lâm con bà Dịu, còn một là anh Chuẩn em chị Oanh xã đội phó, cả hai đều là người quê em cả.

  Trời! Cậu ạ, tớ run bắn người, ôm choàng lấy anh, gục đầu vào vai anh khóc. Tớ còn lạ gì các anh ấy nữa. Anh Chuẩn là con bác ruột bên ngoại tớ. Cái nhẫn anh ấy mua tặng tớ hồi anh nhập ngũ hãy còn đây. Lâu lâu người ta vẫn đồn anh ấy hi sinh, nhưng nào có thể tin được dù không còn hi vọng. Đợi cho tớ bình tĩnh trở lại, anh Phú kể tiếp:
- Câu chuyện là như vậy đấy em ạ. Vậy mà bây giờ anh chấp nhận nâng tỉ lệ thương tật, để rồi gắn lên ngực mình tấm huy hiệu thương binh, hàng tháng nhận đồng tiền trợ cấp, trong khi anh Lâm, anh Chuẩn cũng chưa có được một tấm giấy có dòng chữ “ Tổ quốc ghi công”, thì anh còn ngẩng mặt nhìn ai được nữa.
Tớ ghì chặt lấy anh. Anh Phú của tớ tốt quá. Anh sống có một lý tưởng, cái lý tưởng này nó không viển vông, cao sang, mà là một lý tưởng suốt đời vì người khác, vì nghĩa, vì tình, vì đồng đội. Tớ phải cố gắng lắm mới xứng đáng với anh ấy.
 
  Thôi nhớ, giờ tớ đi làm đây. Cậu nhớ làm phù dâu cho tớ đấy. Hôm đó, cậu phải diện vào, để cho các chàng ở trung đoàn tớ ngẩn ngơ, ngơ ngẩn như anh Phú của tớ.

                                                                                          B.T.M
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 29
Trong ngày: 96
Trong tuần: 1182
Lượt truy cập: 436211
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.