Nguyễn Nhuận Hồng Phương
NGƯỜI LƯU DẤU NÉT QUÊ HỒN HẬU
Lần đầu tiên khi xem tranh của Hoạ sĩ Nguyễn Công Tước in trên Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc, thấy nghệ danh ghi Công Tước, tôi cứ nghĩ ông hoạ sĩ này cố tình dùng danh hiệu quý tộc của châu Âu để làm sang, làm dáng gây ấn tượng cho người xem. Nhưng rồi về sau này tôi biết mình đã lầm, và hiểu từ đệm cho danh xưng ấy là do cụ thân sinh của hoạ sĩ đặt cho ông từ thuở lọt lòng.
Hoạ sĩ Công Tước thân hình nhỏ nhắn, ánh mắt hiền hậu, nụ cười dễ mến, nói năng nhỏ nhẹ, có động thái nhiệt thành tự nhiên trong quan hệ giao tiếp. Thoạt quen, khi thấy tôi kêu bị chứng đau nửa đầu, lập tức ông giở y học dân tộc, bằng phương pháp “Diện chẩn” và “Day hạch thần kinh” khám, chữa cấp tốc cho tôi ngay. Thật thần diệu, sau ít phút bằng đôi tay mầu nhiệm rất chuyên nghiệp của ông, nửa đầu bên trái của tôi đỡ hẳn. Sau đó ông còn “Dò hạch” chẩn đoán, nhắc nhở tôi bị mắc một vài thứ bệnh, chính xác như các bác sĩ ở bệnh viện từng xét nghiệm, dùng máy móc chụp, chiếu kiểm tra và phán đúng như vậy. Phục tài năng, mến lòng nhiệt tình cộng với đức tính chân thật của ông, từ đó tôi “điền tên” ông vào danh sách những người bạn có khuôn mặt “chơi được”.
Và cũng sau đấy tôi biết thêm Hoạ sĩ Công Tước có một biệt tài nữa, mà tài năng ấy mới chính là mục tiêu của đời ông đã đặt ra cho mình bằng niềm yêu thích và sự đam mê ngay từ thủa nhỏ. Đó là hội hoạ. Ở bài viết này, xin lỗi các nhà lý luận phê bình mỹ thuật và các danh hoạ đương thời. Cho phép tôi viết về Hoạ sĩ Công Tước bằng sự cảm nhận thiên về cảm tính, kết hợp với lòng quý mến ông trong con mắt thiển cận, chủ quan của một kẻ ngoại đạo, chứ không dám mạo phạm phân tích, vạch vòi khen, chê và động đến các thuật ngữ cao siêu chuyên môn mang tính nghề nghiệp…
Thoạt ngắm, tranh của Hoạ sĩ Công Tước không gây sửng sốt, ào ạt, tựa như khi tuệ nhãn đột nhiên bắt gặp luồng cảm quan loé sáng, hay chói loà như ánh đèn palats của các nhà nhiếp ảnh. Tranh của Hoạ sĩ Công Tước không phóng túng, bung xoá, gân guốc hay gồ ghề, góc cạnh, đa sắc, đa màu ồn ã. Mà tranh của ông giản lệ, dung dị, nhẹ nhõm như thời gian lắng đọng, ấp ủ khối trầm tích nguyên sơ, trong trẻo, thanh bạch; thể như những hình ảnh thân thương bất chợt hiện về trong trái tim người xa xứ mỗi lần trở lại cố hương, nhắc nhớ đến kỷ niệm của những bước chân lần đầu ngập ngừng lưu luyến dã biệt quê hương…
Có đến hàng trăm tác phẩm lưu trữ trong kho tàng mỹ thuật của Hoạ sĩ Công Tước gồm các thể loại như: Tranh ký hoạ, pa no quảng cáo, tranh trừu tượng, tranh tĩnh vật; các cụm phù điêu tái tạo lại những công trình di tích lịch sử, văn hoá bằng vật liệu gỗ và đất gốm Hương Canh; ngoài ra còn có những bức điêu khắc và tranh chân dung các nghệ nhân, danh nhân nổi tiếng, cùng với những con người lao động bình dị trong cuộc sống thường nhật, bất chợt để lại khoảnh khắc ấn tượng trong những lần hoạ sĩ vác giá vẽ rong ruổi trên mọi nẻo đường mê mải hướng tới “Chân trời Mĩ thuật”… Nhưng thực lòng, trong tất cả các tác phẩm của ông, phần để lại dư vị mỹ cảm nhiều nhất trong tâm hồn tôi lại là những bức tranh dân dã. Cũng như nhiều hoạ sĩ khi thể hiện phong cảnh quê hương, đất nước thường lấy hình tượng thôn, làng, luỹ tre, mái đình, cây đa, vườn tược, ao, hồ, sông, lạch, ruộng lúa, ánh trăng, cánh vạc, cánh cò… cùng với những con người lao động một nắng, hai sương, biểu trưng đặc thù cho tính cách đồng quê. Và Hoạ sĩ Công Tước cũng không là ngoại lệ. Ông cũng lấy những hình ảnh ấy làm chủ đạo cho tranh của mình. Nhưng sự đằm thắm, quyến rũ trong tranh của Hoạ sĩ Công Tước khiến tôi rung động, không chỉ ở số lượng, mà toát ra ở từng bức vẽ được thể hiện mang chủ thể rõ rệt.
Theo thiển ý của tôi, dường như hoạ sĩ Công Tước rất có tình khi để tâm hồn mình phiêu dạt theo ký ức thời gian, với hoài niệm từ thủa ấu thơ và những hình ảnh trân quý về quê hương, để từ đó phóng tác, tạo nên những khung hình luyến nhớ. Có điều nếu người xem không chú tâm, chỉ ngắm nghía khái quát, sơ lược, thoáng qua đơn giản theo kiểu “Cưỡi ngựa xem hoa”, sẽ dễ bị nhầm lẫn cho rằng phần biểu trưng, lột tả dung hoà, trùng lặp, mà không phát hiện ra cốt cách đặc trưng mang tính cách biệt lập của người hoạ sĩ. Bởi tuy cùng một đề tài, cảnh trí và đặc thù như thế. Nhưng một khi người “đọc” dụng ý chú tâm chiêm sát, suy tưởng, để hồn mình đắm chìm vào thứ “ngôn ngữ” mỹ thuật biểu đạt, sẽ nhận ra trong mỗi bức tranh của Hoạ sĩ Công Tước có chiều suy tư và sự tinh tuý bao chứa, lắng đọng rồi khơi bật ra từ cấu trúc tổng thể đến từng nét nhấn mang bản chất trầm tĩnh, thuần phác của một con người từng trải, đến nhiều nơi, lăn lộn, bươn bả trong nhiều hoàn cảnh, nhưng cho dù dẫu vui hay buồn cũng không làm tản mạn được chân ý của hoạ sĩ mỗi khi đặt ngọn cọ của mình lên mặt toan, tìm tòi, chắt lọc để cho mỗi mảnh hồn quê thân thương ngân đọng trong tâm hồn người hoạ sĩ thành những đường nét thật riêng trong những mảng màu huyền diệu…
Từ hình tượng mái nhà tranh đơn sơ, mảnh vườn, bờ ao nhỏ, cây cầu tre rập rình, rặng hoa xoan phớt trắng dung dị tan hoà trong màu tím buông lơi dịu dàng thả bóng xuống làn nước mát xanh, khiến cho tôi bỗng nhớ đến những câu thơ trữ tình, mộc mạc, chân quê trong bài “Mưa xuân” của thi nhân Nguyễn Bính: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”… Và đây nữa, những nét vẽ mang tính ẩn dụ trong bức tranh “Chiều về”. Một khuông hình nhỏ nhắn nhưng vẫn toát lên cảnh trí khoáng đạt. Bức tranh không vẽ hình tượng mặt trời lặn, chỉ có đôi ba vệt nắng xuyên qua luỹ tre buông lơi xuống mặt đầm, nơi có chiếc thuyền neo đậu và người ngư phủ đang hối hả thu dọn đồ nghề. Nền trời hồng nhạt, xa xa rặng núi mờ xanh nhấp nhô trong những vạt mây bồng bềnh huyền ảo; dưới triền đồi trên bãi cỏ mơn mởn, đàn bò bụng no nê căng tròn nghênh sừng lắng nghe tiếng sáo mục đồng vòng vọng trong không gian hoàng hôn êm ả…
Tôi nhớ có ai đấy khi luận bàn về sự thẩm thấu mỹ cảm, đã nói đến sự giao thoa trong mối liên đới vô thường giữa Thi ca - Âm nhạc và Mỹ thuật. Và thật vậy, khi cảm quan tổng hoà thăng hoa, thì dường như sự chuyển giao tiếp tuyến ở các loại hình ấy tan hoà, quyến cuộn, ấp ủ, nâng niu, tựa một bản hoà tấu nhịp nhàng tôn nhau lên như một sự sắp đặt tự nhiên của tạo hoá. Bởi, mặc dù khi sáng tạo, mỗi loại hình mang biệt thể theo ý tưởng độc lập của tác giả. Nhưng vô hình dung sự tương tác, cấu thành của màu sắc, của thanh âm, của ngôn từ trong hình thái tự ngẫu, quấn quýt, hoà quyện, trì níu không cố tình nhưng lại mặc nhiên thừa nhận. Thật thú vị khi ta ngâm ngợi một áng thơ, hay cất giọng ngân nga một làn điệu dân ca, bất chợt trong tâm tư, muôn vàn hình ảnh xa xăm hiện về trong niềm nhớ nhung thao thiết … Cũng như khi chiêm ngưỡng một bức tranh, từ bố cục, đến đường nét hoà quyện cùng với sắc màu huyền ảo, khiến tâm hồn ta xao động, sâu lắng trong linh cảm; giai điệu thanh âm của dòng đời rung lên thánh thót toát ra từ những hình tượng và sắc màu phức hợp. Thể như ai đấy đã một lần lặng người trước kiệt tác bức tranh “Mùa thu vàng” của danh hoạ Levitan. Với bút pháp kỳ diệu, từng đường nét miền quê tan chảy trong cảm xúc của người hoạ sĩ, làm ta tưởng như lẫn trong sắc nắng dịu dàng kia ánh lên những điệu thức hồn hậu của làn gió mùa thu nhẹ nhàng lay động, ve vuốt trên tán cành của hàng cây bạch dương thả bóng xuống dòng sông lững lờ, mang theo cả tâm hồn và tinh thần dân tộc Nga trong sắc chiều của mùa thu êm ả…
Như một cơ duyên, may mắn vào trung tuần tháng 11 – 2024, tôi được cùng với hoạ sĩ Công Tước đi dự trại sáng tác VH-NT ở Nhà Sáng tác Vũng Tàu. Cũng nhờ đó mà tôi có điều kiện tìm hiểu thêm được phần nào về cuộc đời và sự nghiệp của hoạ sĩ: Tốt nghiệp phổ thông xong, chàng trai vùng quê Chấn Hưng, Vĩnh Tường xung phong nhập ngũ, phục vụ trong lực lượng phòng không không quân. Do có năng khiếu vẽ, ông được cấp trên cho đi dự lớp bồi dưỡng hội hoạ ngắn hạn, sau đó được điều về công tác ở Tổ Mĩ thuật thuộc Ban Tuyên giáo Tổng cục Chính trị Quân chủng Phòng quân Không quân, chuyên làm nhiệm vụ vẽ tranh tuyên truyền, phản ánh về cuộc sống và chiến đấu của bộ đội trong quân chủng. Năm 1983, thiếu uý Nguyễn Công Tước ra quân, chuyền ngành về Phòng Văn hoá UBND thị xã Vĩnh Yên. Cứ tưởng trong môi trường thuận lợi ấy Nguyễn Công Tước sẽ an tâm công tác. Ai ngờ lại bị vẻ đẹp của “Nữ thần Nghệ thuật” quyến rũ, mê hoặc. Vậy là lúc đó cho dù tuổi tác của ông đã ngấp nghé 50, nhưng Nguyễn Công Tước vẫn quyết tâm theo học lớp Đại học Mĩ thuật Công nghiệp, nhằm trau dồi và bổ sung kiến thức. Sau 6 năm đeo đuổi vừa làm vừa học, khi tốt nghiệp Nguyễn Công Tước được điều sang Thành uỷ thành phố Vĩnh Yên đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch UBMTTQ, kiêm Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cho đến khi về nghỉ chế độ.
Nghe ông tóm tắt tiểu sử cuộc đời xong, tôi hỏi: “Nhiệm vụ xã hội bộn bề như thế ông lấy thời gian nào mà vẽ?”. Hoạ sĩ Công Tước nở nụ cười hiền khô, trả lời: “Phải tranh thủ thời gian chứ anh. Ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật hay rảnh lúc nào là tôi lại lao vào vẽ!”. Tôi hỏi tiếp: “Tôi nghe nói ở hội mình có những hoạ sĩ bán được những bức tranh trị giá hàng chục triệu đồng. Thế còn ông có bán được không?”. Nghe tôi hỏi hoạ sĩ Công Tước bẽn lẽn gãi đầu, cười lệch miệng: “Ai thì không biết, chứ tôi thì chưa bao giờ nghĩ đến bán được tranh để sống anh ạ”. “Đã không có thêm thu nhập, lại “lạm dụng” thời gian như thế, mà bà xã ông không ỉ eo gì à?” - Tôi hỏi. “Không đâu anh! – Hoạ sĩ lắc đầu đáp rồi vẻ mặt trở lên trầm tư – Từ ngày quen biết nhau, vợ tôi đã biết tôi mê vẽ rồi nên rất cảm thông. Thậm chí bà ấy còn động viên, và chưa bao giờ kêu ca về chuyện tôi đem tiền chi phí vào việc mua nguyên vật liệu để vẽ vời cả”. “Ừ, đúng như vậy – Tôi đưa đà đồng cảm cùng ông – Đã chấp nhận là văn, nghệ sĩ, chỉ để thoả chí niềm đam mê sáng tạo thôi, chứ mấy ai đã sống được bằng nghiệp ấy phải không hoạ sĩ?”.
Nói rồi tôi cầm tập tranh của ông lên giở ra xem. Hành trang hoạ sĩ mang vào dự trại lần này gồm 17 bức tranh ông sáng tác vào thời gian gần đây. Vậy là tôi tha hồ được “ngụp lặn” trong những sắc màu đậm đà dung dị mang cảnh trí đồng quê. Những bức tranh ấy tuy chưa so sánh được với những tác phẩm của các bậc danh hoạ nổi tiếng. Song le, khi đắm chìm vào đó, những sắc màu ấy cũng quyến cuộn tâm hồn tôi vào nhịp sống êm ả trong tình cảm và tâm linh trắc ẩn của người hoạ sĩ. Trong số 17 bức tranh của hoạ sĩ Công Tước mang đến trại báo cáo, theo thiển ý của tôi, ngoài những bức tranh như: “Ao quê 1”; “Ao quê 2”; “Đầm nuôi cá”; “Bên hồ câu”; “Nắng trong vườn 1”; “Nắng trong vườn 2”; “Miền quê thanh bình”; “Ven sông”… Về cơ bản, hoạ sĩ vẫn duy trì phong cách đậm nét đồng quê. Song, còn có những bức tranh được hoạ sĩ mở rộng biên độ mang chủ đề tư tưởng chính trị xã hội. Đó là hoạ phẩm “Cầu lên Tam Đảo”; “Hồ Đại Lải”; “Cầu đầm Vạc” “Cầu Vĩnh Thịnh”; “Khu giải toả”… Những bức tranh đó không chỉ miêu tả, khắc hoạ những khung cảnh nằm trong ý đồ quảng bá vẻ đẹp và tiềm năng phát triển của ngành du lịch văn hoá. Mà còn là dấu ấn tươi mới được hoạ sĩ thể hiện theo chiều kích địa giới và thời gian, nhằm ghi nhận khoảnh khắc lịch sử về những dấu mốc chuyển đổi tích cực của Đảng, Chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trong công cuộc đổi mới xây dựng quê hương, đất nước.
15 ngày dự trại trôi qua rất nhanh. Và tôi không phải là người sành tranh, thẩm hoạ. Nhưng khi lật từng hoạ phẩm của hoạ sĩ Công Tước, tôi hình dung như thấy từng bước chân mải mê của ông đi trên đường đời, và bàn tay tài hoa của hoạ sĩ mỗi khi dụng công vào mỗi bức vẽ. Cho dù đấy là mối liên hệ ràng buộc với kỷ niệm của quá khứ hay những bức tranh hiện thực ông đã vẽ với tâm ý của một công dân.
Mùa đông 12-2024
N.N.H.P
(C.S)
Người gửi / điện thoại