Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NGƯƠI LÀNG TÔI

Nguyễn Hưng Hải

ÁO DÀI NĂM ẤY
 
Có thể sắm cho chị nhiều tấm áo dài nhưng chắc chắn không có tấm áo nào đẹp hơn
Tấm áo chị đã xé ra băng vết thương cho anh, quên cả mình giữa vòng vây tứ phía
Nói dại, nếu đêm ấy không bị thương chắc gì cô gái Huế
Đã mang Huế theo anh suốt cả cuộc đời
 
Suốt cả cuộc đời chỉ có chị biết anh bị thương ở gần chỗ sinh con và cái lúc bị thương chỉ có hai người
Chỉ có anh mới biết chị xé cả áo dài, tấm áo mẹ đã may cho cô nữ sinh trường Quốc học
Bây giờ mẹ ở đâu, giữa Huế chiều nay mưa giăng nhòe nắm đất
Mẹ cũng một thời áo dài như chị khác gì đâu
 
Có khác chăng là tấm áo của mẹ còn mang theo vết mực Tàu
Tấm áo thì lành mà rách nát bao nhiêu đời con gái
Sông Hương chảy đến đâu thì dừng lại
Mẹ chỉ mong tấm áo đừng nhàu
 
Mang nỗi đau mẹ bắc nhịp cầu
Như tấm áo xé ra cho vết thương lành lặn
Bây giờ mẹ ở đâu, giữa Huế chiều nay áo dài buông trong nắng
Chị mặc vào cho cả mẹ và anh
 
Tấm áo dài chị xé ra cho bao nhiêu tấm áo được lành
Sông Hương mãi xanh trong, áo dài không bị rách
Bây giờ anh có thể sắm cho chị nhiều bộ đồ kiểu cách
Nhưng chắc chắn chẳng có tấm áo nào đẹp hơn tấm áo dài mà chị đã xé ra
 băng vết thương cho anh
                                                                         
CHẲNG CÓ AI MUỐN KỂ LẠI CHUYỆN BUỒN ĐAU
 
Sinh ra ở đất Hai Bà
Mẹ cũng như Trưng Trắc, Trưng Nhị
Nợ nước thù nhà suốt bao thế kỷ
Chẳng có ai muốn kể lại chuyện buồn đau
 
Trước Đền thờ Hai Bà, mẹ đứng lặng hồi lâu
Nén hương cháy trên tay rơi cả vào vạt áo
Như Trưng Trắc, Trưng Nhị ngày xưa lòng nổi bão
Mẹ nghĩ về chồng con còn nằm lại rừng sâu
 
Chẳng có ai muốn kể lại chuyện buồn đau
Trước Đền thờ Hai Bà bao nhiêu người như mẹ
Như Trưng Trắc, Trưng Nhị ngày xưa, trả được mối thù đâu phải dễ
Mẹ cũng như tất cả những người đàn bà đang đứng chắp tay
 
Mang khí tiết của Trưng Trắc, Trưng Nhị bao nhiêu người đàn bà như mẹ về đây
Trước Đền thờ Hai Bà chỉ một lòng nguyện ước
Những người đàn bà trên khắp thế gian này không còn ai phải như Trưng Nhị, Trưng Trắc
Đất Hai Bà không có ai muốn kể lại chuyện buồn đau
 
Mà có phải kể lại cũng là để nhắc nhau
Đừng bao giờ gây thù nhà nợ nước
Nợ nước thù nhà mẹ cũng như tất cả những người đàn bà không bao giờ có hạnh phúc
Nén hương thắp cho Hai Bà cho cả mẹ và ai!?
 
DAY DỨT CỦA ĐỜI CON
 
Mẹ đã nhóm lên ngọn lửa cuối chiều đông
Ngọn lửa giữa đồng được đốt bằng rơm rạ
Rơm rạ thành tro che gió sương cho rảnh mạ
Bát cơm cho con cũng từ rảnh mạ này
 
Rảnh mạ mà mẹ từng nhúp lên từ vũng lầy
Nhụt cả bàn tay xuống ruộng bùn tê cứng
Rảnh mạ từng qua bao chịu đựng
Như mẹ bão mưa không có chắn che gì
 
Con cũng là rảnh mạ được sinh ra từ mẹ trong thửa ruộng đen sì
Lớn lên trong rét buốt
Nhìn ngọn lửa trên đồng cháy lên niềm mong ước
Làm sao che cho mẹ gió sương.
 
Mẹ che gió sương cho rảnh mạ, cho con
Ai che gió sương và nỗi buồn cho mẹ
Mẹ cũng là rảnh mạ giữa cuộc đời dâu bể
Cho con có bát cơm để mau lớn thành người
 
Sương gió nhiều con làm sao che được mẹ ơi
Chẳng lẽ mẹ con ta cả đời cứ chỉ là cây mạ
Như ngọn lửa giữa đồng được nhóm bằng rơm rạ
Nếu không có mẹ con làm sao có thể trở thành cây lúa để bùng lên…
         
TRƯỚC HOA
 
Suối vẫn chảy đầy suốianh-sen-ao-dai-trang
Sông vẫn chảy đầy sông
Biển không chảy không đầy là do biển
 
Tôi chết dở bao lần vì tôi luôn đúng hẹn
Dốc cạn đời cho những chảy và không
Tôi là chỗ không cạn của suối
Tôi là chỗ không đầy của sông
Tôi là chỗ không biết chảy về đâu của biển
 
Gió có thể vì sông căng cánh buồm rời bến
Gió có thể vì biển đẩy vầng trăng lên cao
Nhưng không hiểu vì sao
Trước hoa thơm gió cũng như tôi, như là không phải gió
Suối có là gì với mái tóc của em
Sông có là gì với đôi chân của em
Biển có là gì với nước mắt của em
Của em
Của em...
Tôi chết dở bao lần
Thôi kệ suối, kệ sông, kệ biển
Kệ cả mình như gió trước hoa thơm!?
                                           
CỘT CÁI NHÀ TÔI
 
Năm ấy máy bay giặc Pháp ném bom xuống làng tôi
Cháy khét thịt da người, gió như còn vẫn khét
Cột cái nhà tôi bị mảnh bom xé toạc
Mấy chục năm còn lở loét vết thương
Mấy chục năm cái cột vẫn đỡ cả ngôi nhà trong tầm tã gió sương
Mưa bão ở đỉnh đồi cứ chỉ chực quăng lên, quật xuống
Cái cột như người lính bị thương trở về không có nạng
Cha tôi cũng là người lính bị thương trở về  không có nạng
Níu lấy các con như cái cột với xà dọc xà ngang chống đỡ mọi phương trời
Cái cột như cha tôi, cha tôi như cái cột bị cột chặt vào một sườn đồi
Mấy chục năm lở loét vết thương không lở loét chỗ che mưa che nắng
Lớn lên làm cột cái trong nhà, thấm thía lời cha dặn:
Có những vết thương không phải do bom đạn
Nạng cũng gãy ngang đường có gió bão gì đâu!
Lớn lên làm cột cái trong nhà, nhìn cái cột bị mảnh bom xé toạc, lòng biết thương cha thì đã bạc đầu
Thay cái cột thì dễ nhưng dễ gì làm cái nạng
Thay cái cột thì dễ nhưng dễ gì đứng thẳng
Dù vẫn biết gục xuống là sẽ đổ ụp, sẽ làm củi cả ngôi nhà?!
                                                 
NGƯỜI LÀNG TÔI
 
Bùn mượn sen để thơm                           
Nếu không bùn sen không sống nổi
Lọc sạch cái mùi bùn, nơi hội tụ của bao điều tanh tưởi
Sen cả đời thơm ngát được gì không?
Dâng hiến hết người trồng
Khi rũ xuống lại bùn đen ngập mặt
Dâng hiến hết để khi về với đất
Lại thành bùn nuôi những đóa sen thơm
Sen cũng phải mượn bùn
Nếu không bùn làm sao mà bám rễ
Sen với bùn luôn khiến ta phải nghĩ
Bùn với sen như bình lọc khí trời
Nghĩ về sen, ta lắm lúc thở dài
Nghĩ về bùn, ta nhiều đêm không ngủ
Người làng tôi cũng như sen thắm nụ
Cũng như bùn ngập mặt để nuôi sen.

                                          N.H.H
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 149
Trong tuần: 1183
Lượt truy cập: 436316
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.