Lê Thanh Kỳ
NGƯỜI ĐÀN BÀ HÁT RU
“Chiều nay về sớm để đi ra thăm cô Doanh nhé!”
Chị Duân dặn thế.
Mười chị em, tay cầm dao phát nương, tay xách cặp lồng đựng cơm cùng quay cả lại. Mười bộ bảo hộ đồng màu, mười con dao quắm như nhau. Chỉ khác màu cặp lồng cái xanh cái đỏ.
“Mấy giờ hả chị?” Một người cất tiếng hỏi.
“Tùy các em”.
Tất cả cùng “a…” lên một lúc. Chị Duân nhìn những khuôn mặt hoan hỉ vượt qua ngã ba Teng về hướng Đội Bốn. Trước đây diện tích trồng chè của hai quả đồi ấy giao cho Đội Bốn, bây giờ thuộc quyền quản lý của Hợp tác xã chè Sông Côi. Gọi là Hợp tác xã nhưng không có quyết định thành lập. Tự gọi với nhau như thế và vẫn hoạt động theo mô hình Nông trang.
Lần đầu tiên Đội trưởng ra một mệnh lệnh không có con số gì cả. Duân đã ra lệnh thì tuyệt đối chính xác. Chẳng hạn đúng sáu giờ tập hợp là y như rằng, khi ba cái kim thẳng đuỗn như chào cờ là chị đã có mặt để điểm danh. Bản thân chị cũng đang rất vui. Chị có thể cho cả “Hợp tác” nghỉ cả ngày để đi thăm một “Xã viên” đẻ ở bệnh viện Thị trấn Sông Côi nhưng thời vụ đã đến, phải làm cỏ chè cho thật sạch, chuẩn bị đón những trận mưa xuân đầu tiên. Duân nhìn chị em khuất trong hai quả đồi như hai quả vú đang cương lên bên dòng Sông Côi. Chị gọi điện thoại cho Doanh chiều nay cả đội sẽ ra thăm rồi vui vẻ quay về nhà đun một phích nước sôi để sẵn, lấy bẩy quả trứng gà rửa sạch. Xong việc lại chả biết làm gì, cứ loanh quanh trong nhà lại ra ngoài hè. Một cái hè chung cho mười hai căn hộ xây như nhau. Mười hai cái khóa gang như nhau. Mười hai cái dây phơi chăng đầy đồ lót phụ nữ. Mười hai cái mâm nhôm trắng úp đầy đủ bát mẹ, bát con đang tềnh hệch phơi nắng. Chị khoanh tay vào ngực, cái ngực của một thời con gái căng mẩy giờ toàn thấy giẻ. Liếc nhìn mấy cái su – chiêng to như đôi quang gánh mà thấy ghét. Già rồi vẫn không chịu xuống sề. Đàn ông sờ vào là phồng lên ngay y như có bột nở. Không hiểu sao chị thấy rất khó chịu mỗi khi nhìn vào những chiếc nịt vú to. Cách đây không lâu, thấy mấy tháng không có kinh nguyệt liền nghĩ mình không còn là đàn bà nữa. Nó thoáng qua thôi, vơ lấy cái cuốc thế là chị chạy một mạch ra đồi, cuốc lật tung ba trăm gốc chè già, ngồi nhìn con Sông Côi đang buồn bã chảy, suốt ba tiếng đồng hồ liền.
*
“Từ nay trở đi, đồng chí Doanh không được bước chân sang Phù Gia, nửa bước cũng không được. Hễ nhìn thấy đàn ông cứ tớn lên là làm sao?”
Duân nhìn chị em. Lặng phắc. Không ai nhìn thẳng vào mắt chị, cũng không ai phản ứng. Ai cũng biết chị rất ghét cái kiểu nam nữ giao tiếp tình tứ với nhau. Mọi người bảo thôi cứ nhịn bà ấy đi. Duân lại tiếp tục:
“Cái bọn đàn ông bên ấy, toàn lũ tư nhân. Chúng nó chẳng tử tế gì đâu. Đồng chí lại đang diện cảm tình Đảng, không được làm ô uế danh dự của Đảng”.
Vẫn im lặng. Doanh giơ tay xin phát biểu, mặt méo hình chữ J:
“Em không đồng ý với chị. Lũ tư nhân là sao? Chị nói chúng nó chả tử tế nhưng chúng cũng không phải giống đầu trâu mặt ngựa. Toàn những chị em ở nông trường tách ra cả. Xin chị từ nay cũng đừng so sánh thế làm gì. Còn em, em xin nhận khuyết điểm là không chấp hành Nghị quyết của Đội. Em trót quan hệ với anh Thương Phó Giám đốc bên Công ty Phù Gia. Anh ấy ngày xưa cũng là công nhân lái máy kéo, là người tốt”.
Doanh ấm ức ngồi xuống trong tư thế của người có khuyết điểm. Đội trưởng mặt đỏ pừng pừng, trông có gân:
“Tốt thì tốt nhưng bây giờ nó là thằng Tư nhân rồi. Vẫn chưa biết được ai thắng ai! Đấy, chúng ta cứ thử nhìn xem. Một trăm hai mươi công nhân nông trường bây giờ trở thành những người làm thuê cho ông chủ Phù Gia. Sướng chưa?”
Doanh hứa không quan hệ với Thương nữa. Buổi họp kết thúc.
Tối thứ hai. Mười hai chị em tập trung điểm danh thì Doanh bưng miệng ọe một tiếng rõ to.
Tối thứ ba. Lúc mọi người đang đọc báo nôn khan.
Tối thứ tư. Theo lịch kiểm điểm tình hình Doanh tiếp tục sản xuất, Doanh báo ốm không sinh hoạt.
Tối thứ năm. Mọi người tập trung hát hò. Đang hát dở bài Cô gái mở đường thì người hát nói nhỏ với người bên cạnh đang mải đan một cái khăn len: “Cái Doanh có chửa rồi đấy”.
Tối thứ sáu. Chị Duân thông báo bỏ buổi họp Đảng – Đoàn thường lệ để tiến hành phê bình quan hệ bất chính của đồng chí Doanh với tay Thương bên Công ty TNHH Phù Gia. Chị Duân bắt Doanh viết tường trình quan hệ như thế nào? Ở đâu. Chị phê phán Thương kịch liệt, dọa kiện anh ta vì anh ta đã có vợ con ở quê. Doanh vừa khóc vừa nói:
“Không liên quan gì đến anh ấy. Là em tự nguyện thôi. Em xin anh ấy một đứa con. Anh ấy cho. Thế thôi!”
Mọi người ồ lên. Chị Duân bảo giữ trật tự, gõ ngón tay cồng cộc lên mặt bàn:
“Tôi đã nhắc nhở các đồng chí bao nhiêu lần rồi. Hả? Duân nhìn thẳng vào mặt Doanh, nói tiếp: “Sao đồng chí dại thế! Nó cho đồng chí củ khoai thì chẳng sao. Đằng này nó gây hậu quả nghiêm trọng như thế. Định quất ngựa truy phong hả?” Nói rồi quay người như cái kiểu định vơ khẩu súng. “Nếu như ngày xưa, tôi sẽ tằng tằng cho vỡ sọ nó ra!”
Doanh bật khóc rất to rồi bỏ chạy ra ngoài.
*
“Tôi không đồng ý khoán hộ. Khoán hộ là đi theo thằng Tư bản. Bao nhiêu công lao xây dựng nông trường chả nhẽ có kết cục như thế sao?”
“Đây là chỉ đạo từ trên Bộ theo đúng tinh thần Nghị quyết, chúng ta chỉ có chấp hành thôi. Giám đốc Nông trường giải thích.
“Vậy chúng tôi sẽ góp nhau lại. Quyết không phá Nông trường. Nông trường bỏ chúng tôi nhưng chúng tôi không bỏ nhau. Giám đốc nhìn Duân trân trân. Ông không hề ngạc nhiên. Chất lính của các nữ chiến binh Nông trường ông còn lạ gì. Nhưng thời vận của nó đã hết. Nó tuy không hoàn thành sứ mệnh của mình nhưng lịch sử đã có những Nông trang tập thể. Nông trang giống như một trại tập trung lao động. Mấy trăm nữ Nông trang viên như mấy trăm cánh bướm, lúc nào cũng khao khát đi tìm hoa. Hơi ngược đời nhưng cóc cần! Tự nhiên và giản dị là thế. Những khát khao bé nhỏ nhưng khó vô cùng. Ông nhìn lại chị rồi nghĩ có thể ông sẽ không hoàn thành việc chuyển đổi từ sản xuất tập trung sang khoán hộ. Phải nhượng bộ thôi. Nhờ có hàng trăm nữ Thanh niên xung phong và bộ đội xuất ngũ về với Nông trường, suốt mấy chục năm, họ đã xây dựng lên thương hiệu ấy. Nhưng…Ông đau đớn nhìn các chị như cái lá đã hết màu xanh, chẳng bao lâu nó lại về với đất. Bây giờ vẫn tập trung nhau lại, vẫn sinh hoạt nền nếp như còn trong quân ngũ. Để làm gì nữa? Hãy lo chút gì cho mình đi, cũng là lo cho mọi người đấy! Họ có làm ra hàng vạn tấn chè cũng chả để làm gì. Cuộc sống phải được vui hơn khi cuộc sống đã đủ no. Ông nhớ những nụ cười ấy đã từng cười rộn lên khắp núi đồi. Những nụ cười trẻ trung ấy một thời át cả tiếng đạn bom, đã vang trên khắp các cung đường gian khổ và ác liệt nhất của chiến tranh. Bây giờ nó đang héo dần như những búp chè sao trên chảo lửa. Ông tiếc mình không giúp được gì. Họ thiêng liêng quá. Nhiều lúc ông đã nghĩ, ông không cho phép bất kỳ ai được động vào sự thiêng liêng ấy. Nếu có thể làm lại từ đầu, ông sẽ trộn một nửa đàn ông vào đấy. Bé nhỏ thế thôi nhưng đời thường quá và cần lắm! Chè các chị làm ra để mang hương vị lại cho đời. Nhưng ai sẽ mang hơi ấm gia đình đến cho các chị?
“Chị em chúng tôi sẽ nhận chung hai quả đồi của Đội Bốn. Chúng tôi sẽ chơi đến cùng. Chưa biết được ai thắng ai!” Giám đốc kiên nhẫn nghe chị. Ông biết Đội trưởng Duân và ba mươi nữ đồng chí thanh niên xung phong còn lại của Nông trường vẫn còn say sưa mô hình sản xuất tập trung. Họ rất sợ tư hữu. Ông biết khoán hộ hay cho thuê tư liệu sản xuất là báo tử mô hình Nông trang tập thể nhưng không thể khác. Giám đốc nhún vai. Còn thắng thua gì nữa. Các chị đang bị đánh bại trên các luống chè. Có thể, chỉ còn một nguồn vui nho nhỏ đấy thôi là cứ sống với nhau như thế, gắn bó thế đến trọn đời. Giám đốc nghĩ cách lựa chọn ấy tận cùng quá và tận trong sâu thẳm đáy lòng, ông vẫn còn thấy vết thương đang rỉ máu.
Ba mươi nữ Thanh niên xung phong nhận khoán hai quả đồi. Vẫn theo cách làm cũ, quản lý theo kế hoạch. Phân công lao động, phân phối sản phẩm chia đều cho mọi người. Lọt sàng xuống nia trên tinh thần vì tình đồng chí với nhau. Có người khuyên thành lập Công ty hay Hợp tác xã. Chị Duân bảo phải có chữ Quốc doanh thì mới được. Khi Nông trường bộ giải tán vì hết vai trò quản lý, các hộ thi nhau bán đồi cho Cao Phong là em trai Giám đốc Nông trường. Phong thành lập Công ty Phù Gia đầu tư máy móc, mua rất nhiều máy kéo, mở rộng sản xuất, mở cả xưởng cơ khí, kéo theo rất nhiều đàn ông đến vùng đồi. Trái ngược với Phù Gia. Hai đồi chè mang tên Sông Côi vẫn hàng ngày vang lên tiếng kẻng đi làm, tiếng kẻng sinh hoạt buổi tối. Đứng từ Đội Bốn nhìn sang Phù Gia là hai thế giới khác hẳn. Bên Phù Gia rộn ràng hơn, cuộc sống có vẻ yên phận và cân bằng hơn. Tự do cá nhân được chăm chút, có người địu cả con đi làm. Họ vẫn hỏi thăm nhau như những ngày cùng ở Nông trường. Bên Sông Côi mọi người đều đều không giầu song cũng không nghèo. Bên Phù Gia người thì rất giầu, có người lại rất nghèo. Đêm đêm, thỉnh thoảng đàn ông bên kia đi sang bên này. Họ phải ngồi đợi sinh hoạt đơn vị rồi chị Duân cho phép hai người về phòng nhưng phải mở cửa, cứ vài ba phút Đội trưởng lại lượn một vòng.
* Mùa xuân. Có một người đàn ông đến đón một người phụ nữ mang đi.
Mùa hè. Mấy chị từ giã Sông Côi để về quê hương.
Sang thu. Lá chè xanh thẫm vùng đồi, lại có mấy người xin đi tiếp.
Mùa đông. Những cơn gió lạnh buốt lòng. Chưa kết thúc đợt làm cỏ chè cuối năm, một chị xin đi nữa. Chị tình nguyện lấy lẽ một người đàn ông chết vợ, có một đàn con còn bé dại. Anh ta là dân lao động tự do, chuyên đi làm thuê cho Phù Gia. Chị Duân hỏi: “Ở đây làm chủ không muốn, sang bên ấy làm gì?”. Người con gái quá lứa, hai má thẹn thùng trong chiếc khăn quàng mỏng: “Vợ anh ấy đã đoạn tang. Thôi, chị cứ để cho em đi. Sang bên ấy no đói có nhau”. “Mày ngu như con chó ấy! Đang son rỗi, lại đi đâm đầu sang hầu hạ mấy đứa con chồng”. Người phụ nữ ấy nước mắt chan chan, nói như van chị: “Nhưng em thương anh ấy lắm!”. Chị Duân ôm chặt lấy vai người đồng đội, lúc ấy nước mắt chẩy ra, chị khóc tu tu như một đứa trẻ: “Mày nói thế thì tao chịu”. Nếu cứ để tình trạng này xảy ra, Sông Côi sẽ hết quân. Bây giờ quân số chỉ còn chừng một tiểu đội. Đội trưởng ban hành kỷ luật sắt, cấm không cho quan hệ với Phù Gia, đường biên giữa các chân đồi bị khóa chặt không ai được ra vào mà không có giấy phép. Con đường độc đạo liên thông với Thị trấn gần như hoang vắng. Đàn ông ở đây ví như những bông hoa. Nhưng những bông hoa ấy đâu có nhiều. Những con bướm Phù Gia vừa đông đúc, vừa trẻ trung đâu dễ để cho mấy bà gái già chim mất. Còn lại mười hai chị em. Mười hai trái tim thắm đỏ, là mười hai tháng hương dục trời ban, đã phát hương suốt một thời con gái. Chị Duân tính xây mười hai căn phòng khép kín, liền kề với nhau. Có an cư mới lạc nghiệp. Chị bảo thế. Ai cũng biết thế. Mười hai căn phòng đêm đêm vẫn thao thức như mười hai cái máy phát sóng nhưng yếu hơn và không còn đi xa được nữa. Chị Duân yên tâm nghĩ số chị em còn lại sẽ gắn bó với nhau suốt đời. Ai dè Doanh lại như thế chứ!
*
Oe òe. Oe òe. Oe òe…
Tiếng trẻ khóc váng lên. Mười một chị em thấp thỏm đứng bên ngoài phòng chờ nghe tiếng khóc liền ùa cả vào. Ai cũng tranh nhau đòi bế thằng bé. Chị Duân bảo chưa đến lượt chúng mày. Chị ghì chặt lấy thằng bé. Một chị vạch khăn bông ra. Một cái mấu nhỏ xíu mọc thẳng giữa hai hòn dái rất to. Các chị đỏ bừng mặt. Vui không thể tả. Doanh nhìn chị em. Hai giọt nước mắt từ từ lăn ra.
Từ ngày có thằng bé, có tới mười hai bà mẹ. Ai cũng tranh giành nhau đòi quyền chăm sóc. Có người nghe lỏm từ các bà mẹ. Có người thậm chí còn tự sáng tác ra cách chăm sóc bé. Ai cũng nghĩ công nghệ nuôi con của mình hơn hẳn công nghệ của những người khác. Đôi khi to tiếng dằn dỗi với nhau. Chỉ riêng Đội trưởng là có đặc quyền hơn cả. Chị bế thằng bé cả đêm cho mẹ nó ngủ. Lúc cho nó bú Doanh bảo chị nghỉ đi, em trông nó được rồi. Duân không chịu. Ăn xong là chị giằng lấy. Doanh thấy an toàn, ấm áp và hạnh phúc vô cùng. Thằng bé không thể là con riêng của chị được.
Thằng bé càng lớn thì Doanh thấy càng xa dần con. Chị Duân chỉ cho phép cô gần gũi nó lúc cho bú. Thoạt đầu chị rất vui. Hàng ngày các chị đi làm về ríu ra ríu rít, thay vội vàng quần áo, ai nhanh hơn thì được bế trước, cứ chuyền qua chuyền lại mười lần. Mỗi chị hôn ít nhất mười cái. Nếu là con cá chắc nó tróc hết cả vẩy. Cả Đội ra nghị quyết Doanh chỉ việc ở nhà nuôi con, bao giờ đi học mới thôi. Có chị còn bảo cứ phải cho con bú đến lúc đi học cấp ba. Sữa mẹ là tốt nhất. Ti – vi nói thế! Mày không cho nó ăn thì để làm gì, đem đi cho giai à? Rồi cười vỡ tung. Doanh biết các chị không nói đùa. Hàng bữa, các chị ép Doanh ăn đến phát khiếp. Mới đầu còn ăn được nhiều, sau chán không thể nuốt nổi. Hai bầu vú lúc nào sữa cũng cương lên đau nhức. Thằng bé ăn không hết, chị phải lặng lẽ vắt đi, dấu không cho ai trông thấy. Nhiều lúc ở nhà một mình với chị Duân, nhìn chị ôm nựng, hát ru cho thằng bé ngủ. Doanh thấy thương chị vô hạn. Chị lại hát hay. Có khi thằng bé chưa ngủ thì Doanh đã ngủ tự bao giờ. Một lần Doanh ngủ dở chừng, vừa hé mắt ra bỗng nhìn thấy chị Duân đang vạch vú cho con bú. Thằng bé nhoài ra. Duân cởi tung Su – chiêng, lấy hai ngón tay lôi đầu vú bị thụt vào trong, đút vào miệng nó. Nó toét miệng ra cười. Chị Duân cười. Doanh không thích chị làm như thế. Cô nhớ những lần bị o ép quá và vẫn còn oán chị, cả khi Duân tỏ ra yêu quí thằng bé hơn tất cả tình thương mà chị có. Trong đầu cô cứ mơ hồ, hoang mang không cắt nghĩa được, đầy sợ hãi. Nhưng Doanh sợ nhất là lúc Duân bế thằng bé, một tay sờ chim, hai mắt chằm chằm nhìn vào mặt nó. Cô vẫn nhận ra đó là tình cảm bình thường của các bà mẹ nhưng cô bỗng như tìm được lời lý giải cho nỗi sợ hãi mơ hồ kia, cắt nghĩa được. Đầu óc vẩn vơ đến những câu chuyện cổ tích, chuyện những mụ phù thủy, những bà Chằn chuyên ăn thịt trẻ con….Chị thấy lo sợ toát cả mồ hôi. Từ đấy Doanh luôn để ý đến con nhưng không thể dứt nó ra khỏi vòng tay của Duân. Thời gian này chị Duân ở hẳn nhà, giao tất tật các việc cho Đội phó, chỉ còn hai người và mười hai ngôi nhà liền kề với nhau, giống nhau nhưng khác bên trong là mười hai thế giới riêng lẻ. Riêng mà cùng cô đơn. Cứ riêng riêng, chung chung trộn hòa vào với nhau. Chỉ có Doanh là hạnh phúc nhất. Nhiều lúc ôm chặt con vào lòng, Doanh muốn hóa thành đất để nuôi cây. Chị Duân cũng thế. Chị bảo sau này chết cho nó tất cả đồi chè. Từ khi đứa bé biết ăn bột là chị Duân đem hẳn về phòng mình. Mỗi lần nhìn thấy Doanh từ nhà mình đi sang khiến chị không vui, chị xua Doanh về. Doanh không dám đòi con vì Duân quá yêu thằng bé. Doanh ở nhà số một, chị Duân nhà số mười hai. Nhiều lúc nằm mơ màng ở bên này, Doanh ghé tai xuống giường lắng nghe tiếng bi bô của con, rồi lại vật ngửa mình lên nghe chị Duân hát. Chị có quãng giọng rộng, âm vực rất sâu và khi vút lên cao mỏng như khói sương, nghe thật ma mị. Mỗi lần hát giọng cao, Doanh như nhìn thấy chị Duân bế đứa trẻ bay đi. Đứa con nhoẻn miệng cười với cô, còn Duân cứ càng bay lên cao hơn. Doanh cuống cuồng đuổi theo nhưng càng ngày càng xa. Chị giật mình, dậy, khe khẽ đi sang số mười hai. Qua khe cửa hẹp Doanh thấy chị Duân đang ngồi chống má, đắm đuối nhìn đứa bé ngủ. Lúc ấy cô nhìn Đội trưởng rất giống con mụ phù thủy. Mụ ta đang chơi cái kiểu mèo vờn chuột. Mụ ta sẽ ăn thịt thằng bé thì sao? Đừng. Không được. Cô xô cửa xông vào bị chị Duân mắng mày điên à! Cô nghĩ mình chả bị làm sao cả. Suốt ngày những ý nghĩ ma quái cứ luẩn quẩn trong đầu cô. Một buổi, Doanh xin phép chị Duân đi vắng một hôm. Nhưng mãi đến ba hôm sau chị mới trở về.
*
Buổi sáng hôm ấy Đội trưởng dậy rất sớm.
Cả đêm chị cứ bồn chồn không ngủ được. Phần vì đêm nào chị cũng bế thằng bé. Tối qua Doanh van vỉ chị cho nó ngủ với mình một đêm. Duân liền giao giá: “Một đêm thôi đấy nhé”! Rồi chị đi ngủ nhưng không sao nhắm mắt được, cứ trâng trâng nhìn ra cánh cửa đợi cho trời sáng. Giữa hai người, thằng bé lúc nào cũng đòi mẹ Duân bế. Mùi sữa mẹ thơm nồng nàn cũng chỉ dụ được lúc nó đói. Bú no, nó liền choài sang với Duân. Từ ngày có thằng bé, mặc dù vất vả nhưng ai cũng thấy chị Duân trẻ ra, da chị căng hơn và tính tình ít cứng hơn với các chị em khác. Chị lao vào chăm sóc đứa bé quyên mất cả bản thân mình, kể cả lúc đang tắm nghe thằng bé khóc là chị chạy ra, người không mảnh vải, nước chảy lũng thũng, chị mắng Doanh sa sả: “Mày làm gì thằng bé thế”. Những lúc ấy Doanh buồn lắm. Suốt ngày chỉ nghĩ lung tung. Có phải Duân muốn chiếm con chị không? Chị như muốn phát điên lên. Nhìn Duân cứ cố nhét đầu vú vào miệng thằng bé. Có lần Doanh bảo thẳng: “Chị đừng làm như thế nữa”. Duân bảo: “Kệ tao”. Trong lòng bức bối, Doanh muốn đánh nhau với chị Duân. Các chị em khác không nghĩ thế. Nhưng cái cách của Đội trưởng làm thì ai cũng ớn.
Chưa đợi tiếng kẻng báo thức, Đội trưởng đã sang nhà Doanh đẩy cánh cửa bước vào rồi hốt hoảng chạy ra. Chị cuống cuồng chạy quanh khắp cả khu rồi vào đập cửa thùm thùm. Giọng chị đanh, ré và như bị đứt ra:
“Cái Doanh nó bế con trốn đi rồi”.
Mọi người tóa ra, đầu tóc rũ rượi. Họ chia nhau đi lùng. Ai cũng hoảng sợ. Ai cũng thấy mình mất hết tất cả. Những tiếng gọi Doanh ơi, con ơi… vang khắp vùng đồi. Từng tiếng ơi vọng âm nhại lại ngân dài. Đến ngã ba Teng, mọi người chia nhau ra. Một nửa theo hướng đi về thị trấn. Một nửa trong đó có Đội trưởng tiến thẳng vào Công ty Phù Gia. Duân lồng lộn như con thú bị thương, lục soát khắp Công ty. Không ai dám can chị. Họ vừa cảm thông, vừa nhìn vẻ mặt dữ tợn đầy sát khí.
“Thằng Thương đâu! Các người dấu mẹ con cái Doanh ở đâu?”
Không ai biết Thương đi đâu. Anh ấy xin nghỉ làm ở Công ty đã một tuần nay. Cũng không thấy Doanh bế con sang bên này. Mấy người phụ nữ nói với chị cách đây không lâu họ có thấy Doanh sang bên này rồi cùng với Thương đi đâu, không ai biết. Nghe xong, một chị bảo với Đội trưởng: “Hôm nó xin chị nghỉ, hóa ra là để đi tìm chỗ trốn”. Chị bảo linh tính thế nào ấy, tao bồn chồn suốt đêm không sao ngủ được. Duân cùng mấy chị em vẫn càn quét một lượt nữa. Không phòng nào là không bị khám. Giám đốc Cao Phong nhã nhặn, bảo tìm người thì cứ tự nhiên. Không tìm thấy. Trước khi về Đội trưởng vẫn hằn học, mồm chị hét to lên như một cái máy:
“Được. Xem ai thắng ai!”
Mọi người im lặng nhìn chị. Không có ai thắng ai thua. Chỉ có chúng mình, những đứa đàn bà ở cái nông trường này đều bại!
Ngay sáng sớm hôm ấy, Doanh bế con đến ngã ba Teng, lối đi vào Đội Bốn, vượt qua hai đồi chè, đến bên bờ Sông Côi. Không ai nghĩ chị ra đi theo lối này.
Sông Côi.
Con sông ngàn năm vẫn chẩy như thế, vẫn da diết thế, vấn vít tiễn đưa nước từ phía thượng nguồn về với biển cả. Cứ luân hồi như thế. Tự nhiên vẫn thế. Doanh nâng cao thằng bé lên, quay về hướng Đội Bốn. Hai đồi chè như hai quả vú mẹ chứa hàng ngàn những cây vú non chia chỉa búp đang độ lá ba. Chè đang cần người hái. Những người đàn bà, một thời son trẻ đang già dần bên những gốc chè. Doanh cứ dùng dằng mãi. Có tiếng gõ mái chèo. Âm thanh của một cuộc đào thoát đang thúc giục. Cô nghẹn ngào bảo: “Con tạm biệt các mẹ đi con”. Hai mẹ con cúi đầu xuống mười một lần rồi tất tả theo vạt đường mòn đi xuống. Thương đang neo đò đứng đợi.
Không ai biết họ đi đâu. Không biết đò xuôi hay ngược dòng Sông Côi?
Bây giờ ngã ba Teng vẫn còn đó. Nhiều năm sau có người bảo gặp chị Duân. Chị đã lấy chồng. Béo lắm và có bốn đứa con. Có người lại bảo gặp một người đàn bà lang thang tay ôm một cái gối và hát ru. Hát hay lắm! Anh ta đi theo nhưng người ấy lướt đi như một làn khói, tiếc là không đuổi kịp.
Bây giờ toàn bộ diện tích trồng chè Đội Bốn đã thuộc về Công ty Cao Phong. Riêng nhựa cây ở hai quả đồi chẩy ra không thâm mà đọng giọt trắng như mủ cao su. Rất lạ. Những người công nhân mới đến, mỗi lần đi hái chè đều nghe văng vẳng tiếng hát ru âm vực sâu và giọng cao ma mị. Mỗi lần như thế, họ bủa vây sục tìm khắp đồi chè mà không gặp ai. Thực hư thế nào, không biết được người hát hay chè hát?
Tôi là một người đi buôn chè xanh chuyên nghiệp, đổ cho những người bán lẻ ở các chợ dọc theo tuyến đường I suốt từ chợ Bầu Phủ Lý đến chợ Trương Định. Lần nào đi lấy hàng, tôi cũng đỗ xe nghỉ ở ngã ba Teng, ngồi dưới gốc đa gọi một cốc nước chè tươi, uống xong mới đi thẳng vào Đội Bốn. Chè tôi đặt mua chỉ được hái vào sáng sớm lúc chưa có ánh sáng mặt trời, khi quá trình quang hợp chưa được diễn ra. Những người bán chè rong ở ngã ba Teng thường độn chè xanh không phải của Đội Bốn rồi hay phịa chuyện để bán hàng. Câu chuyện tôi vừa kể ra vì đã nghe cả ngàn lần. Thực ra nó chỉ có thế, còn chè ngon là do chất đất, thổ nhưỡng, có nhiều yếu tố vi lượng chứ làm gì có hồn của các chị ẩn trong hương vị chè tươi? Tôi thì chả tin vào những gì không nhìn thấy nhưng chè xanh, nhựa cây trắng không thâm, pha đặc có màu mật ong và thơm lừng thì chỉ trong Đội Bốn mới có. Trẻ con đun nước chè này tắm da mát, mịn màng không lo rôm sảy. Còn một điều nữa là chè tươi riêng ở hai quả đồi này giã ra lấy nước ngậm có giá trị bảo thanh, chống viêm cực tốt. Các ca sỹ thường mua hàng của tôi đều đều. Mấy quả đồi bên cạnh, chè chát không có phẩm chất như chè Đội Bốn, uống tương tự như chè vườn. Không thơm! Không ngon! Đừng mua.
L.T.K