NHỮNG TỜ GIẤY CHỨNG NHẬN
Minh nhận được lệnh tái ngũ, thông qua bức điện từ Đặc Khu gửi xuống. Sau khi nhận được báo cáo từ huyện đội biên giới, kèm theo đơn đề nghị của Minh. Bộ chỉ huy quân sự Đặc Khu đã đồng ý với đề xuất của anh: Minh được tái ngũ và ở lại chiến đấu dưới sự phân công của huyện, không phải trở về Đặc Khu để nhận Quyết định nữa.
Trải qua một thời gian tác chiến, trên nhận định: Phía Trung Quốc không thể phát huy qui mô các trận đánh lớn ở hướng Đông Bắc này được. Một phần do vấp phải sự chống trả quyết liệt của các lực lượng vũ trang phía Việt Nam, đã bị những tổn thất không hề nhỏ. Phần khác, do địa hình đường xá không thuận cho đội hình tiến quân lớn, vì hầu như toàn bộ sông, suối trên đường quốc lộ chưa có cầu, phải đi qua phà, hoặc các ngầm. Nhưng quan trọng hơn cả là quân Trung Quốc bị sa lầy trên những vùng đất vừa chiếm được trên toàn tuyến biên giới. Bên ta cũng tập trung mọi lực lượng, chuẩn bị phản công tổng lực, đuổi quân Trung Quốc về phía bên kia biên giới.
Minh được phân công dẫn một phân đội tăng cường, sang hỗ trợ cho một huyện bị quân Trung Quốc chiếm giữ ở mặt trận phía Bắc.
Đơn vị Minh được phân công, phối thuộc với các lực lượng tai chỗ, hợp đồng tác chiến tiêu hao sinh lực đich, không để cho chúng có được những phút giây yên ổn trên đất của ta.
Với các đơn vị gọn nhẹ, lại thông thuộc địa hình, việc chủ động tạo ra các trận đánh nhỏ khiến cho lính Trung Quốc lúng túng, bị động trong cách ứng phó.
Tài bắn cối 61 ly bằng phương pháp ứng dụng của Minh mang lại hiệu quả lớn. Từ các cao điểm quanh nơi quân Trung Quốc đóng quân, chỉ cần mắt nhìn thấy, Minh đưa đi đưa lại nòng súng là có thể hướng đạn rơi đúng mục tiêu. Bắn xong, Minh cho rút luôn. Khi lính Trung Quốc tính toán xong các phần tử phản pháo, mọi người đã ung dung ở các vị trí cách xa nơi vừa bắn.
Minh được cử dẫn đoàn cán bộ pháo của trên tăng cường cho mặt trận này đi điều nghiên.
Lúc gặp mặt, anh đứng ớ ra khi thấy người chỉ huy của đoàn pháo binh là Sáu Bình - Tiểu đoàn trưởng cũ của đơn vị anh từng chiến đấu hồi ở trong chiến trường miền Nam.
Sáu Bình cầm tay Minh lắc lắc, nói liên hồi:
- Cái thằng quỉ này! Hồi đó ra quân vội gì mà vội quá dậy? Không đến chơi, uống chung với tao ca trà Mĩ, cột võng tán dóc qua đêm. Mà mày vợ con gì chưa? Con nhỏ Út Mai ở ngôi nhà có giàn hoa giấy ấy, hiện là bác sĩ ở bệnh viện của Sư đoàn mình, nó vẫn nhắc đến mày luôn. Mày yên tâm đi, bây giờ nhà nhỏ Mai là gia đình có công với cách mạng rồi. Ngoài tay Thanh sư trưởng ra, bà Vân còn cứu chữa cho khoảng một tá cán bộ cấp cỡ, trong đó có cả một tay Ủy viên trung ương. Đấy là mãi sau giải phóng, lúc công việc ở thành phố đã hòm hòm, các lão ấy mới tìm về. Còn những thằng chưa tìm thấy, hoặc không bao giờ có thể về được nữa thì làm sao mà tính nổi.
Minh đưa ông gói chè:
- Anh Sáu đã uống loại trà Tuyết này chưa? Của bà con dân tộc vừa cho em đấy.
- Cái thằng này, định đút lót tao phải không. Muốn tao cho qua cái tội trốn không chào khi ra quân, mày phải tốn cỡ hàng tấn trà Bắc đấy.
Minh phân trần:
- Thì anh Sáu thấy đấy, thằng em đang đứng trước mặt anh đây vẫn còn mặc nguyên bộ quần áo lính. Thôi anh xá tội cho em, để đợt ra quân kỳ tới, tiểu đệ sẽ đến chào đại ca luôn một thể
- Quần áo không làm nên thày tu! Nhưng nhỡ kỳ này mày hoặc tao ngỏm thì sao chào nhau được? Mà mày đi điều nghiên với chúng tao hả? Khi nghe điện trên báo sẽ cử tay Minh cối xuống dẫn đoàn đi, tao cứ nghĩ đấy là thằng cha lạ hoắc nào, không ngờ lại là mày. Nhưng sao bây giờ mày lại là Minh cối? Ngày mày mới ở Bắc vô, vì thấy mày trẻ, lại hay cười như con gái, nên bọn tao gọi mày là Minh thiếu nhi, Minh đàn bà, Minh cười. Hồi 75, mày thu cờ của bọn Ba Tầu ở Chợ Lớn bị làm kiểm điểm, mọi người gọi là Minh cờ. Còn bây giờ sao lại thành ra Minh cối, sao vậy mày? Nhưng tao mặc kệ mày. Minh cười, Minh cối, hay Minh gì gì cũng được. Mày đi với tao mà làm ăn không ra sao, thì tao cho ăn roi đấy. Lúc bấy giờ đừng có mà khóc ra tiếng Mán, kẻo lại thành thằng Minh nhè. Cái thằng này, cười cái gì. Tao nói nghiêm túc đấy. Thôi, chào hỏi vậy đủ rồi, còn nhiều việc phải làm lắm.
Minh tranh thủ hỏi thăm:
- Thủ trưởng đóng được mấy đứa nhóc rồi?
Sáu Bình khùng khục cười:
- Cái thằng này, sao mày vẫn giữ cái tật hay chọc ngoáy như hồi xưa dậy. Ê này, tao với mày bí mật chuyện này nghe! Cấm kể tiếp với ai đấy.
**
Năm 1973, khi Hiệp Định Pa Ri được ký kết, tranh thủ đôi phút yên bình, vợ Sáu Bình từ vùng địch tạm chiếm ra thăm chồng ở khu giải phóng.
Thời gian ấy, đơn vị đang đóng quân ở những cánh rừng cao su bao quanh chi khu quân sự Dầu Tiếng. Bấy giờ làm gì có lán trại, hai người bèn tìm chỗ vắng vẻ, ở xa chỗ đóng quân của đơn vị, tranh thủ mắc võng tâm sự.
Chẳng biết sao, chia tay vợ ngày hôm trước, hôm sau Sáu Bình lại đổ bệnh sốt rét. Do biết chuyên môn, Minh lấy thuốc Quinin1 tiêm mông cho thủ trưởng. Lúc Sáu Bình dứt bệnh dạo quanh, thấy mấy cậu trinh sát đang ngồi uống trà định xà vào uống ké. Ông chợt chững lại khi nghe Minh tán dóc.
Cầm quyển sách trên tay, Minh oang oang:
- Quyển sách này có nói tới ba sáu kiểu cơ bản ngủ với đàn bà. Nhưng theo tao, sau này những người viết sách khi tái bản phải ghi thêm một kiểu nữa, kiểu do lính giải phóng chúng mình mới phát minh ra.
Tiếng mọi người nhao nhao:
- Bịa!
- Mầy chỉ giỏi bịa!
- Làm gì có chuyện ấy?
Cũng có người bênh:
- Có hay không thì mặc kệ nó.
- Nó kể chuyện cho vui thôi mà.
- Thật với giả chẳng ảnh hưởng quái gì tới bọn bay.
Một người đưa tay ra xin Minh:
- Thôi mày đưa tao một tờ để vấn thuốc rê đi. Tao thèm thuốc quá rồi!
Những người còn lại đồng loạt giơ tay:
- Cả tao nữa.
- Mày định lấy hai tờ hay sao?
- Đây! Tại mày ngồi ở xa, tao lấy hộ còn điệu.
Có người vừa rít thuốc, vừa khẳng định:
- Quyển sách này in bằng giấy rơm, quấn thuốc hút cháy rất đều, tàn trắng ra phết. Mà mày kiếm đâu ra của quí này vậy hở Minh?
Sau khi xé quyển sách đang cầm trong tay, đưa cho mỗi người một tờ để quấn thuốc.
Minh tiếp tục:
- Tao không hề nói khoắc. Hôm rồi tao vừa tiêm Quinin cho thủ trưởng Sáu Bình, thấy mông có nhiều vết đỏ ửng do bị muỗi cắn, tao có hỏi nguyên do. Thủ trưởng bảo - Tại lũ muỗi ở ngoài khu rừng hạnh phúc độc và nhiều hơn ở nơi đóng quân. Chúng chẳng biết giữ phép tắc lịch sự gì cả, cứ xúm vào đốt mông khi tao đang hành sự - Mà bọn mày biết không?
Thấy cả lũ bạn ngẩn tò te, nhìn mình hóng hớt. Minh ề à giảng giải:
- Mà cái chuyện đó không thể làm trên võng được!
Một đứa buột miêng hỏi:
- Chuyện gì?
- Thì cái chuyện ấy, ấy!
- Mày có im cho nó kể tiếp không!
- Loãng cả ấm trà mà chưa kể xong câu chuyện.
Minh đưa mắt nhìn khắp lượt, hạ giọng quan trọng:
- Cái chuyện ấy không thể làm trên võng được!
- Sao lại không làm trên võng được?
Minh thầm thì:
- Họ mà nhún nhảy sẽ làm đứt dây võng mất. Biết thế, nên vợ chồng thủ trưởng bèn trải ninon xuống đất nằm tâm sự. Khi đang cao trào, anh Sáu bị lũ muỗi đói xúm vào tấn công cái mông. Không chịu được đau, anh Sáu giơ tay vỗ thật mạnh vào mông. Vỗ mạnh đến nỗi phát ra tiếng kêu đến đét một cái. Chị Sáu nằm dưới nũng nịu - Ứ ừ! Em ứ thích chơi kiểu đóng này đâu - Chúng mày thấy không, kiểu ấy chẳng phải kiểu thứ ba bảy thì là thứ mấy.
Cả lũ phá lên cười sặc sụa. Còn Sáu Bình mặt đỏ bừng, lặng lẽ tháo lui như không nghe thấy chuyện gì. Vừa đi ông vừa tự nhủ, phải quán triệt lại lũ quỉ này mới được. Không cho chúng nó thu giữ các ấn phẩm của địch. Nhưng làm như vậy lấy đâu ra giấy cho chúng nó quấn thuốc hút đây? Hay mình chỉ cho phép chúng nó dùng các loại giấy thu được của địch vào việc vê thuốc hút, cấm không cho đứa nào được xem. Nhưng mà cấm thế quái nào được bọn quỉ sứ này. Sao cái thằng Minh lắm chuyện thế, gì nó cũng tếu táo đươc.
Sáu Bình nhớ ngày đầu gặp Minh.
Dạo đó ông dẫn đoàn cán bộ của đơn vị đi nhận tân binh ngoài Bắc mới vô. Khi đến trạm khách nhận quân, thấy Minh nước da trắng hồng, khuôn mặt búng ra sữa, đang cặm cụi tỉ mẩm chạm chổ cái đèn Alcol1 được làm bằng ống pháo sáng tay.
Ông lên tiếng:
- Chắc chú mày khai tăng tuổi để đi bộ đội hả? Sốt rét nó chưa quật mày hay sao mà nước da còn trắng thế. Tạm thời chú mày lên ban chỉ huy làm liên lạc, giúp tao trong thời gian chuyển quân, về đến đơn vị sẽ tính sau.
Minh khoắc ba lô lên ở với ông từ đấy.
Ngay ngày đầu tiên nhìn những việc Minh làm, ông đã hài lòng biết mình không chọn nhầm người. Trên đường hành quân về cứ, sợ anh em tân binh mệt, ông cho thời gian nghỉ giữa chặng dài hơn một tý. Vào lúc nghỉ ăn cơm trưa, ông buột miệng:
- Giờ mà có ấm trà nóng thì hay quá.
Minh đã lấy khoảng một bát con nước cho vào ăng gô nổi lửa đun. Thấy Minh lấy một mẩu cao su dây quai dép ở túi cóc ra mồi lửa. Ông lên tiếng:
- Tao có cái này đun nhanh hơn.
Nói xong, ông lấy từ cái túi đựng mìn Mo1 mấy miếng xăng khô đưa cho Minh. Chỉ loáng cái họ đã có nước sôi pha trà. Rót hết số nước vào ca Mĩ dùng để pha trà, Minh lấy một bát nước khác tiếp tục qui trình trên. Lúc ăn xong cơm trưa, họ đã có một bình tông trà nóng. Nhìn Minh thao tác, ông khen thầm: “Thằng này được, như người khác thấy mình nói thế sẽ không làm. Mà có làm, nó đổ cho một ăng gô nước đầy, có mà đến mùa quýt sang năm nước mới sôi.”
Về đến cứ, ông cử người xuống báo thủ trưởng các đơn vị lên họp nhận quân.
Thấy Minh cầm cái chổi quyét lán, ông bảo:
- Thôi họp ngay bây giờ, không phải quyét nữa, kẻo bụi!
Minh bày tỏ:
- Thủ trưởng cứ để em làm, không bụi đâu mà.
Khi lãnh đạo các đơn vị lục tục kéo đến, mọi người nhìn Minh chăm chú làm việc. Cái chổi trong tay được đưa sát mặt đất. Nền nhà sạch mà chẳng thấy có bụi bay. Thấy lãnh đạo các đơn vị nhấp nha, nhấp nhỉ xin Minh. Sáu Bình tuyên bố dứt khoát:
- Các ông lấy ai cũng được! Riêng đồng chí Minh trên này đã chọn!
Mang tiếng là cần vụ cho ông, nhưng việc gì Minh cũng mò mẫn, lăn xả vào làm. Minh tranh thủ mọi lúc có thể, lân la học cách tháo lắp, sửa chữa, sử dụng vũ khí ở ban quân giới. Các kỹ năng nắm bắt tình hình của ban trinh sát. Thậm chí Minh còn yêu cầu đồng chí quân y sĩ của đơn vị dạy mình các kiểu tiêm chọc, năm kỹ thuật cấp cứu với lý do: “Anh mà bị sốt rét thì không tự tiêm mông cho mình được. Hãy dạy em, để em có thể giúp được anh khi cần.” Trong một trận chống càn, Minh đã khóc thút thít khi thấy quả B40 của mình đã bắn trúng cái xe M113, song quả đạn câm không nổ. Toàn đơn vị trong một thời gian ngắn đã gặp mấy trường hợp như vậy. Sau tìm ra lý do: Lô đạn này của Trung Quốc sản xuất. Chẳng biết tại chất lượng, hay do bảo quản không tốt khi gặp tiết trời mùa mưa, khí hậu ẩm ướt của miền Nam dẫn đến hạt nổ bị câm. Mọi người không hiểu Minh mày mò kiểu gì, lấy hạt nổ của đạn AR15 thay thế, đạn bắn ra không quả nào bị tịt cả. Kết thúc chiến dịch, được mọi người bình cho cái danh hiệu: Dũng sĩ diệt xe cơ giới. Mặc dù bản thân không bắn cháy một cái xe nào.
Mà cái thằng Minh này, mình chưa gặp ai có cái tính như nó. Muốn học cái gì, với ai là bám chặt lấy người ta. Mặc cho thầy dạy rỗi hay bận, đêm hay ngày, cứ thắc mắc là hỏi tuốt. Sáu Bình nhớ lại hồi đơn vị ở cứ củng cố lực lượng toàn diện, sau một thời gian tác chiến. Thấy Minh cứ bám riết lấy quân y sĩ của đơn vị hỏi han, nêu thắc mắc về từ ngữ khi học tiếng la tinh, công dụng của thuốc men và các thủ thuật đòi hỏi một chiến sĩ cứu thương của đơn vị phải làm được. Ông đã gắt lên: “Nếu mày thích, kỳ tới tao cho mày về miền theo học một lớp quân y ngắn hạn.” Cái thằng, bị mắng mà vẫn cười như con gái. Được cái tay Y sĩ cũng hiền, cho mượn sách vở chuyên môn cần thiết, hướng dẫn chỉ bảo tận tình. Không phụ công thầy dạy dỗ, chỉ trong một thời gian, công việc của một y tá chiến trường nó đã làm thành thạo. Đoàn nào đi công tác với nó, đơn vị cũng không phải cử chiến sĩ quân y đi cùng.
**
Sáu Bình kết thúc màn chào hỏi khi thấy người cán bộ tham mưu trải xong tấm bản đồ. Ông nói với mọi người:
- Trước khi lên đường, mình xem lại một lần nữa các địa điểm sẽ đến - Ông chỉ vào một số vị trí trên bản đồ - Đây là nơi chúng ta đang đứng chân. Hiện tại, pháo của đoàn ta là loại tầm trung. Còn quân Trung Quốc có đủ các loại pháo, trận địa của chúng bố trí ở đây, ở đây, và cả ở nơi này nữa. Về cơ bản, ta đã khống chế được trận địa các loại lựu pháo và ca nông lựu1. Còn ở vị trí này, chúng cho đặt các khẩu pháo nòng dài. Quân Trung Quốc cũng biết, với tầm bắn hiện nay của loại pháo quân ta đang sử dụng ở mặt trận này, không thể vươn tới trận địa của chúng được. Chính vì thế mà chúng hay sủa bậy, làm càn.
Sĩ quan tham mưu nêu ý kiến:
- Muốn đấu pháo với chúng, mình phải tính toán kéo pháo vào gần hơn, để tầm bắn đạt hiệu quả. Nhưng một phần ta chưa tìm được địa hình phù hợp, phần khác cũng lo khi nổ súng, địch sẽ dùng chiến thuật biển người đánh tràn ra, quây chúng ta lại.
Sáu Bình suy tính:
- Ta sẽ bố trí trận địa ở đây! Còn trinh sát pháo binh sẽ đặt ở cao điểm này. Các đồng chí thấy thế nào?
Người sĩ quan tham mưu đo đạc, tính toán rồi nêu ra các thông số:
- Như vậy pháo của ta vẫn chưa đạt được tới mục tiêu.
Sáu Bình quay sang người kế bên:
- Nếu ta dùng đạn tăng tốc?
- Thì tầm bắn của ta sẽ đến được đây.
- Vậy là vượt qua cả đường biên giới rồi.
Người sĩ quan tham mưu vội lên tiếng:
- Nhưng cấp trên cũng có chỉ thị cho chúng ta, không được để đạn pháo nổ ở bên kia biên giới.
Sáu Bình vò đầu:
- Lại cấp trên ra lệnh? Nhưng mà thế nào là bên kia biên giới? Vì trong mấy ngày vừa qua, phía Trung Quốc đã cho di dời một số cột biên lấn sâu vào đất của ta - Ông quay sang sĩ quan hậu cần hỏi tiếp - Bao giờ xe sẽ chở đạn tăng tốc tới?
- Báo cáo thủ trưởng, khoảng đầu giờ chiều nay.
- Vậy ổn rồi, đồng chí cho xe mang đạn đến ngay vị trí này. Còn bây giờ ta lên đường, khảo sát lại thực địa lần cuối.
Trước khi lên đường, Sáu Bình nói với Minh về các thành viên trong đoàn điều nghiên: Trung úy sĩ quan tham mưu có tên là An, học viên xuất sắc của trường sĩ quan lục quân, được giữ ở lại trường làm trợ giảng. Song viết đơn tình nguyện xin xuống các đơn vị tham gia chiến đấu. Còn người vừa trình bày về tác dụng, khả năng của loại đạn tăng tốc sắp được sử dụng là trung úy Hoàng, sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, học từ Mỹ về.
Thấy vẻ mặt kinh ngạc của Minh, Sáu Bình cười khùng khục rồi kể:
- Tao không bịa đâu! Ngoài Hoàng ra đơn vị của tao còn một số anh em là lính của chế độ cũ. Họ tham gia đơn vị của tao theo đề nghị của Sư trưởng Thanh và đã được sự chuẩn y đặc biệt của cấp trên. Họ rất thành thạo trong việc sử dụng số vũ khí cũ của Mĩ và tính toán các phần tử bắn ứng dụng rất nhanh khi phản pháo. Các trận địa pháo của lính Trung Quốc bị ta phá hủy mấy hôm vừa qua, hầu hết đều do họ làm cả. Với cách bắn thông nòng1, những loạt đạn phản pháo của ta đã khiến cho hỏa lực của quân Trung Quốc không còn chiếm ưu thế, hung hăng như thời gian đầu nữa. Chúng rất sợ khi phải nổ súng. Tâm lý hoang mang hoảng loạn đang lan truyền khắp toàn quân, khiến binh lính Trung Quốc co cụm lại với nhau, không dám đi xa khu vực hầm hào ở nơi đóng quân
Đêm hôm đó, trận địa pháo tầm xa của địch bắn chưa xong loạt pháo điểm, đã bị ta bắn cho lật càng. Quân Trung Quốc vô cùng kinh sợ, vì chúng vừa dán mình xuống đất khi nghe thấy tiếng - Ùng! - ở trên đầu, một lúc sau mới nghe tiếng đạn nổ - Oàng! - ở tận trận địa của chúng ở tít phía xa.
Những ngày sau, khi nghe thấy pháo của ta bắn. Quân Trung Quốc dùng tất cả các loại hỏa lực ở mọi nơi, mọi hướng bắn cấp tập vào các tọa độ nghi ngờ. Trong một trận đấu pháo như vậy, ta bị tổn thất một khẩu đội. Pháo hỏng, hai chiến sĩ hy sinh, số còn lại thương vong phải cáng đưa về tuyến sau.
Trong chiến dịch này, đơn vị Sáu Bình bị tổn thất không nhỏ. Sĩ quan tham mưu An, trung úy Hoàng và cả Minh đều bị dính thương, nhập viện. Sau này khi ra viện, An được cử đi học tiếp tại Học viện quân sự cao cấp. Minh khi ra quân được đề nghị tăng thêm mức thương tật, còn Hoàng trở về đơn vị quản lý cũ.
Chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc. Trong buổi chia tay với đoàn pháo binh của Sáu Bình, Minh và An được trao mỗi người một cái Huân chương chiến công hạng ba. Trung úy Hoàng có tờ giấy chứng nhận được ghi nội dung: Hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Những người lính Cộng Hòa còn lại, ai cũng có tờ giấy đó, nhưng thiếu mất hai từ: Xuất sắc.
Nhưng tuyệt nhiên, chẳng có một tờ giấy chứng nhận nào, cũng như các tấm huân chương trong đó thấy ghi hai từ đáng lý ra nó hiển nhiên phải có. Đấy là hai từ : Phía Bắc - nơi xảy ra cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Khi Sáu Bình thắc mắc lên ban thi đua của đơn vị, ông nhận được câu trả lời: Cấp trên chỉ đạo bảo phải ghi như vậy!
1 , Loại thuốc điều trị sốt rét trong kháng chiến chống Mĩ.
1, Loại đèn tự chế của quân giải phóng. Dùng cồn hoặc xăng để đốt. Bầu làm bằng pháo sáng tay, cổ và nắp đèn làm bằng chuôi cánh của cối 60 li của Mĩ. Tim đèn bằng ruột đồng của bút bích hoặc kẹp đạn của tiểu liên cực nhanh AR15 gò vê tròn lại. Lỗ rót nhiên liệu rất nhỏ, biết cách mới rót được. Bấc đèn làm bằng sợi Amiăng - dây dù pháo sáng - cháy không có tàn.
1 , Mìn định hướng của Mĩ.
1, Cách gọi theo thói quen của bộ đội ta đối với các loại pháo tầm ngắn và tầm trung trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
1 , Cách nói về việc phản pháo nhanh và chính xác của lực lượng pháo binh miền Đông
Người gửi / điện thoại