Quốc Việt
NGHIỆP ĐÁ
Trong ngôi nhà nhỏ lợp bằng lá dừa, lối đi dẫn vào núi Ông Trịnh có hai người đang sống. Một ông già tuổi đã hơn bảy mươi, gương mặt khắc khổ và một cậu con trai mới ngoài ba mươi cũng già trước tuổi. Người đi ngang qua vẫn thường nhìn thấy ông già ngồi trước nhà, lầm bầm nói chuyện với con chó đang nằm vẫy đuôi bên cạnh.
Ông già bị hoang tưởng? Hay ông già cảm thấy cô đơn quá mà lấy con chó ra làm bạn? Không ai rõ. Chỉ biết ông già ngồi đó cho đến tối mịt mới trở vào nhà.
Một ngôi nhà lặng lẽ và buồn. Mỗi khi gió mạnh thổi qua, căn nhà rung lên bần bật như sắp đổ. "Có bão chắc bay mất. Cũng may miền Nam ít khi có bão", người ta vẫn nghĩ như vậy khi nhìn thấy căn nhà.
Thực ra căn nhà đã từng hứng chịu một cơn bão. Và đã là bão rồi thì dù dưới bất cứ hình dạng nào đi nữa cũng để lại những tác hại vô cùng to lớn. Bão có thể cuốn đi nhiều thứ nhưng luôn giữ lại trong lòng nỗi đau.
***
Ông già hồi trẻ cứ mãi đi đó đi đây nên gần bốn mươi mới về quê lấy vợ. Ở quê với vài thửa ruộng bạc màu không thể làm ăn. Vậy là ông dắt díu vợ con vào Nam lập nghiệp.
Hồi đó, cả vùng đất gần chân núi Ông Trịnh chẳng có mấy người sinh sống, ngoài cánh thợ từ miệt Đồng Tháp, An Giang lên đây làm đá. Họ dựng lán trại lợp bằng lá dừa gần chân núi cho tiện việc đi lại. Nhiều lán trại như thế quây lại thành một xóm nhỏ của những người ngụ cư. Xung quanh toàn là đá. Đá trên núi. Đá xếp chồng ngoài bãi. Đá ở dưới chân. Đến những cái cây cũng bạc đi vì đá.
Ông già ở gần cánh thợ đá nên cũng bắt đầu theo nghề. Mà không chỉ riêng ông, cả vợ ông và hai đứa con chỉ mới chín mười tuổi cũng phụ ông làm. Ông nhận khoán, làm xong giao cho chủ rồi nhận tiền công. Nhìn bàn tay chai sần đầy sẹo, các ngón tay đen bầm, ông già cũng không nhớ bao nhiều lần mình bị búa đập vào tay hay dằm bay vào người nữa. Nhưng đó cũng chỉ là những tai nạn "nhỏ" nếu so với nhiều người xui xẻo hơn ông. Cái nghề "biến đá thành cơm" này cực nhọc, nắng nóng lại phải hít bụi đá vào người nên chẳng mấy ai "thọ" được với nghề. Ông thì già rồi không nói nhưng còn hai đứa con. Không lẽ cả đời tụi nó cũng theo nghiệp đá kiếm sống qua ngày?
Một dịp, ông già tình cờ nghe được có người muốn bán miếng đất trên núi với giá năm chỉ vàng nhưng mãi chẳng có ai mua. Ông mừng thầm, bàn với bà lấy hết số tiền hồi bán căn nhà ở quê ra mua miếng đất rồi vừa làm vừa cải tạo nó thành rẫy thành vườn.
Không thể nào kể hết nỗi nhọc nhằn của ông trong ngần ấy năm. Hết chẻ đá, ông lại leo lên núi. Hết phát cây, dọn cỏ, ông lại bê từng hòn đá xếp thành lớp, vừa lấy chỗ trồng cây, vừa ngăn trôi đất. Miệt mài suốt tháng quanh năm.
Khổ rồi cũng qua, đến khi nhìn lại thì miếng đất đã thành hình thành dạng. Bên này là đám mãng cầu bắt đầu cho trái bói. Bên kia đám xoài cũng đã cắm rể bén phân. Đã có lúc chán nản, ông tính bỏ quách cho xong, khi cây ông trồng lên cứ chết dần chết mòn. Nhưng nghĩ đến hai đứa con, ông lại cố gắng để rồi cũng có thể thu được quả ngọt. Miếng đất này là tài sản lớn nhất ông để dành cho hai đứa con. Mai này tụi nó có vợ cũng có đất mà làm, không phải theo cái nghề đá này nữa.
Nhưng người tính không bằng trời tính, ông còn chưa kịp thực hiện ước nguyện của mình thì chuyện đã xảy ra.
Đó là một buổi chiều mưa bay lất phất, ông già lên núi chống lại mấy gốc xoài vừa bị gió làm cho ngả ngiêng thì nghe tiếng bà già gọi:
- Ông ơi... Có chuyện rồi ông ơi...hu hu.
Ông nhìn xuống thấy bà từ dưới đi lên, vừa đi vừa khóc. À không phải! Bà đang chạy thì đúng hơn. Nhưng dường như không đủ sức để nhanh hơn được nữa, hay toàn bộ sức lực của bà đã dành hết cho đoạn đường ngược dốc nên cứ chân này đá phải chân kia, liêu xiêu muốn ngã.
- Chuyện gì mà bù lu bù loa. Từ từ nói tôi nghe.
- Chết mất ông ơi...hu hu.
Ông già dự cảm có chuyện không lành nên gắt:
- Có nói tôi nghe nhanh không thì bảo?
- Ông ơi... ông... thằng Thành... thằng Thành... bị bắt rồi!
- Cái gì?
Ông già hét lên như không tin vào những gì mình nghe thấy. Chiếc cuốc trên tay ông cũng rơi phịch xuống đất. Thằng Thành tuy không được học hành đầy đủ nhưng cũng không phải là đứa hư hỏng, sao lại bị công an bắt. Ông hỏi lại, giọng trở nên lắp bắp:
- Nó... nó... bị bắt... vì tội gì?
- Nó chơi ma túy bị công an bắt. Người ta vừa báo cho tui... huhu.
Ông già chẳng nói chẳng rằng, nhanh chóng men theo lối mòn mà chạy xuống núi, mặc kệ bà già đang khóc lóc ở sau lưng.
***
Bà già nằm trong phòng, ho từng cơn dai dẳng. Mấy thang thuốc đắng ngắt uống bữa giờ không có tác dụng. Hơn chục năm gắn với nghề đá, số bụi đá mà bà già phải hít vào người nhiều không kể xiết nên phổi đã quá sức chịu đựng, lại thêm buồn chuyện thằng Thành nên bệnh tình bà càng lúc càng nặng. Mà cái thằng đúng là hết thuốc chữa. Đến mấy đồng tiền còn sót lại để mua thuốc cho bà già, nó cũng lấy luôn.
Từ bữa biết thằng Thành nghiện ma túy, ông già đã dùng đủ cách. Nào là xích nó vào cửa sổ để tự cai. Nhưng đến lúc lên cơn, thằng Thành giật luôn khung cửa mà đi. Nào là gởi nó về quê ở với họ hàng cho xa đám con nghiện như bóng ma lãng vãng. Ông vừa vào chưa được hai hôm đã chạm mặt nó ở nhà. Tình hình này phải đưa thằng Thành vào trại cai nghiện càng sớm càng tốt. Cai được hay không thì chưa biết nhưng vào trong đó có người quản để cả nhà được yên ổn thời gian. À, còn phải đưa bà già đi khám nữa chứ như vầy coi bộ không xong. Nhưng tiền ở đâu ra?
Bên ngoài gió nổi lên, lướt qua mấy tàu lá chuối phần phật. Gió luồn qua khe cửa phả xuống chỗ ông nằm nghe lạnh thấu xương. Ông già cất tiếng thở dài.
***
- Chốt giá sau cùng là hai trăm mười triệu. Mọi thủ tục giấy tờ bác cứ để con lo.
Gã đàn ông tên Thái sau một hồi ra rả bên tai cũng đi vào vấn đề chính. Ông già nhìn lại miếng đất của mình như muốn thu tất cả vào tầm mắt. Ông không nỡ bán nhưng rồi cũng phải miễn cưỡng gật đầu.
Ông không còn cách nào khác. Thôi đành bán quách mảnh đất đi, lấy tiền chữa bệnh cho bà già, trả nợ cho "thằng trời đánh" kia rồi gởi nó vào trại, thoát cái đám lạ mặt ở đâu cứ dăm hôm lại kéo đến nhà đe dọa đập phá đủ đường. Ông còn chịu không nổi huống chi bà già đang bệnh. Nhưng điều thắc mắc là tại sao ông chỉ mới có ý định thôi thì gã Thái đã mon men mò tới hỏi. Mà thôi kệ. Không nghĩ nhiều nữa. Đằng nào cũng bán. Ông già quay mặt lại nhìn gã đàn ông lên tiếng:
- Thôi mời chú về dưới nhà uống nước rồi mình bàn chuyện tiếp.
Nói xong ông già lẳng lặng đi xuống núi, không để ý phía sau lưng vừa xuất hiện một nụ cười đắc ý.
***
Huyện trở thành thị xã. Khắp nơi cứ như một đại công trường. Nào là mở đường, xây chung cư rồi đầu tư cầu cảng, khu công nghiệp... Đâu đâu cũng cần đất đá. Con đường trước cửa nhà ông già vốn hoang vắng, chẳng mấy người đi ngoại trừ đám thợ làm đá, thì bây giờ xe cộ tấp nập vào ra. Nhiều khi đang nằm, nghe tiếng nổ uỳnh uỳnh, ông già lại lật đật chạy ra, ngó lên xem thử người ta đã khai thác tới miếng đất của ông chưa. Nói là ngó nhưng ông già cũng không tài nào nhận ra được. Núi giờ chia ba xẻ bảy. Người ta lấy hết đá rồi tới đất, chỉ để lại trong lòng núi những cái hồ sâu hoắm, đục ngầu chứ đâu còn như trước.
Vài người quen đi qua thấy ông già, lại chép miệng: "Tiếc quá ha ông già. Để được miếng đất đến giờ thì ngon rồi", "Miếng đất ông già giờ mà còn chắc cả mấy tỉ". Người khác chêm vào: "Gì mấy tỉ, cả chục tỉ đó chứ. Tiếc ghê".
Ông già không nói gì, cứ đưa mắt lên nhìn lên núi. Ông đã bán thì lấy gì để tiếc, mà tiền nhiều đi nữa chết rồi cũng có mang theo được đâu. Ông chỉ tiếc khi nhìn thấy đám cây trái xanh tươi ông từng chăm sóc sẽ bị người ta phá sạch. Tiếc vì ông không thể nuôi dạy thằng Thành nên người. Đi trại về rồi cũng chứng nào tật nấy, ngựa quen đường cũ. Gần đây nó bỏ đi đâu không biết. Tiếc vì ông bán miếng đất để lo cho chạy chữa cho bà già nhưng cuối cùng bà già cũng bỏ ông mà đi.
Từ lúc bà già mất, sức khỏe của ông cũng yếu hẳn. Ngực tức, những cơn ho dai dẳng khiến ông không thể làm được việc nặng chỉ ở nhà chăm con gà, luống rau, còn mọi chuyện phó mặc cho Thuận lo liệu. Thuận lầm lì ít nói nhưng thương cha nên chẳng khi nào nhắc lại chuyện ông già bán đi mảnh đất. Nhưng nó càng không nhắc, ông già càng nghĩ càng thấy có lỗi với con. Buồn. Rảnh rỗi. Ông hay lang thang ra quán bà Tư vẫn thường bán hàng cho đám thợ đá ngồi. Ông không kêu gì, chỉ xin ly nước trà uống cho đỡ khát. Ông ngồi một lúc chán thì về. Vậy thôi.
Một hôm, như thường lệ ông lại đến quán bà Tư. Vừa đặt đít xuống ghế thì ông nghe giọng nói từ bên kia bức vách:
- Ông hỏi miếng đất đó sao rồi?. Giọng rất quen, là giọng của người tên Thái từng mua đất của ông lúc trước. Có lẽ do ngăn cách một bức vách nên gã không biết ông đang ngồi ở bên này.
- Chưa được ông ạ. Giờ giá cao quá. Khó mua lắm mà lời lãi cũng không có bao nhiêu. Đâu như ông vớ được miếng đất của ông già. Mà ông cũng độc thiệt.
- Vô độc bất trượng phu mà. Haha. Làm ăn mà ông đặt hai chữ nhân nghĩa là thua rồi.
- Nhưng mà tui thấy ác quá, cũng tội cho ông già đó.
- À... Nói gì nói chứ thằng con ổng còn nợ tôi hơn trăm triệu nữa. Chuồn mất xác rồi.
- Ông phá nhà người ta nông nổi này rồi thì thôi bỏ qua đi. Gã đàn ông kia trầm giọng tỏ ra thương cảm.
- Dẹp đi ông ơi. Tôi phá gì nhà ổng? Có vay có trả chứ.
- Ông làm gì mặc kệ ông chứ đâu phải tui không biết. Ông đã muốn "cắn" miếng đất của ông già từ lâu rồi. Nhưng ngặt cái ông biết ổng không bán mới bày trò. Ông bung tiền chèo kéo thằng con, cho người đưa nó lui tới mấy địa điểm ăn chơi nên nó mới bập vào ma túy. Ông cho nó vay tiền rồi sai người đến quậy ông già để gây áp lực cho ổng bán đất cho ông. Làm ăn thì làm ăn chứ kiểu như ông tôi chịu.
- Thôi bỏ qua... Tranh thủ uống còn đi tiếp. Tiếng ly của gã ma sát với mặt bàn đá tạo thành tiếng loẹt xoẹt mà ông có cảm giác như tiếng mài dao của gã đồ tể đang chuẩn bị hạ sát con mồi. Sau ông rồi còn ai, ai nữa trở thành con mồi của gã?
Máu nóng chạy lên tới não, ông già nắm chặt bàn tay lại như muốn lao sang bên kia bức vách thua đủ với gã, với cái quân khốn nạn đã phá nát gia đình ông. Nhưng sực nhớ mình đã già, đến cọng lông của gã, ông cũng không đụng được thì làm gì. Ông già đành thất thểu ra về.
Từ hôm đó, ông già không rời khỏi nhà nửa bước.
***
Thuận về nhà khi trời sắp tắt nắng. Thấy cha ngồi trước cửa, Thuận lên tiếng:
- Cha vào nhà chứ ngồi đây chi nữa. Tối lại ho cho coi.
Ông già không đáp. Thuận bước vào nhà cởi chiếc áo lao động ra giũ phành phạch chuẩn bị treo lên móc. Bụi đá cũng theo đó mà bay ra làm căn nhà nhỏ thêm ngột ngạt. Từ hồi người ta không còn chẻ đá bằng tay mà chuyển sang dùng máy thì công việc có nhẹ nhàng hơn đôi chút, nhưng bụi đá cũng nhiều hơn. Ở cái khu này không biết bao nhiêu người bị lao phổi, ung thư phổi phải ra đi. Ông già quay lại nhìn mái tóc Thuận bạc đi vì bụi đá. Phải cha con ông dính phải cái nghiệp nên bụi đá cứ theo hoài theo mãi không buông?
- Cha hay tin gì chưa? Thuận quay mặt nhìn ông già lên tiếng hỏi. Mảnh đất của mình, ông Thái đang cho khai thác. Thuận nói tiếp dù ông già không lên tiếng:
- Tự dưng cái hôm ổng cho thợ đặt thuốc nổ lại có chuyện. Ổng đứng cách khối đá khá xa mà vẫn bị mảnh văng trúng. Đưa đi bệnh viện rồi mà không biết sống chết ra sao?
Tiếng Thuận nhỏ dần rồi khuất hẳn vào trong. Ông già lẩm bẩm:
- Có vay có trả. Ác giả ác báo.
Màn đêm đang từ từ hạ xuống. Ông già tính đứng dậy vào nhà thì gặp Thuận bước ra. Thuận đến gần chỗ ông, lên tiếng:
- Cha vào nhà đi. Ngoài này trời lạnh. Mà con xin được việc ở công ty rồi cha ạ. Tuần sau con ra đó làm. Cha chịu khó một thời gian nữa rồi mình dọn ra ngoài đó thuê phòng trọ. Trong này bụi quá.
- Ừ. Cũng nên con ạ. Mình đi cho thoát khỏi cái kiếp trầm luân...
Ông già chưa kịp nói xong thì lại một tiếng "uỳnh" đinh tai nhức óc. Thêm một khối đá nữa vừa bị chẻ ra. Chắc vài năm nữa nơi đây sẽ bị san bằng không còn là núi. Cái nghề làm đá nơi đây cũng sẽ đi đến hồi kết thúc. Nhưng... như vậy... đời người thợ đá liệu có tốt hơn?
Q.V