Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NGÀY CUỐI CÙNG...

Bùi Đế Yên

NGÀY CUỐI CÙNG CỦA MỘT GIÁM ĐỐC 

Giám đốc Mão bước vào phòng làm việc với một xấp báo cuốn tròn trong tay. Mệt mỏi ngồi xuống chiếc ghế xoay, luôn biết xoay về đúng vị trí, ông dán mắt vào tờ báo.

Mọi khi thì ông chỉ liếc qua vài cột trang đầu tờ nhật báo quen thuộc, nhưng bữa nay ông lật giở từng trang, dò tìm từng cột của tất cả các số báo ông có trong tay. Chẳng phải ông cần gì trong những trang, những cột ri rít, rậm rạp những chữ những nghĩa đó, ông chỉ muốn giết thời giờ thôi. 

Ông đưa mắt nhìn đồng hồ và theo thói quen nhẹ lắc đầu; mới có hơn chín giờ, còn hơn hai tiếng nữa mới hết giờ làm việc buổi sáng, còn năm tiếng nữa mới hết một ngày làm việc bình thường.

Một ngày làm việc không có việc gì mới để làm thường trôi qua rất chậm chạp. Nhưng quãng thời gian còn ngồi lại ở công ty này của ông thì lại quá ít ỏi. Cái dự kiến về hưu ông nêu ra từ mấy năm trước để chứng tỏ mình chẳng phải là kẻ tham quyền cố vị, đã được Bộ trưởng đồng ý.

Tuy chưa có quyết định chính thức nhưng ông biết; chậm lắm là hết quý III này ông cũng phải bàn giao lại cái công ty đã từng có một thời nổi đình nổi đám này cho giám đốc mới. Ông đã đánh dấu vào cuốn lịch để bàn cái ngày đó và càng ngày cuốn lịch càng mỏng, dù mỗi ngày ông chỉ xé bỏ có đúng một tờ. 

Thời gian mới nhanh làm sao?! Hơn hai mươi năm làm giám đốc. Mỗi năm gần ba trăm ngày có mặt ở căn phòng rộng rãi có chiếc bàn bầu dục bằng gỗ cẩm lai với chục chiếc ghế xoay đệm mút rất đẹp này, vậy mà bây giờ phải một đi không trở lại cái công ty mà ông đã vun vén chạy chọt cho nó như cho chính gia đình mình này. Đau lắm chứ, tiếc lắm chứ!

Thật ra ông vẫn tự tin mình chẳng phải là kẻ khư khư giữ lấy chiếc ghế đã cũ mòn như một vài người. Công ty bây giờ chẳng còn màu mỡ gì. Cá nhân ông thì với mấy căn biệt thự cho thuê, một bà vợ đảm đang và những đứa con so với những cậu quý tử ăn chơi hút xách của các ông bạn thành đạt giàu sang khác có thể gọi là ngoan cộng với mức lương và những bổng lộc dành dụm của một đời giám đốc đủ để cho ông sống đàng hoàng sang trọng lúc về già... 

Một cái kết có hậu, một cuộc hạ cánh an toàn, trọn vẹn cho một sự nghiệp vẻ vang. Họ hàng, bạn bè của ông ít người là không hài lòng với một cái kết như thế. Ấy vậy mà cứ nghĩ tới cái ngày phải xa cái trụ sở làm việc, xa căn phòng rộng rãi trang nghiêm, cái ghế bọc mút có chân xoay êm ái, cái tủ hồ sơ chứa những chồng sách kinh tế, chính trị dày cộp từ mười mấy năm nay chẳng được mở một trang, là tim ông lại nhói lên đau đớn. giamdoc

Trên cái bàn làm việc được xếp đặt khá gọn gàng này ông đã ký biết bao nhiêu công văn, quyết định, tờ trình. Cái điện thoại để bàn quay số có từ ngày ông mới cho xây dựng cái phòng này. Cái hộp đựng dụng cụ văn phòng có chân quay kiểu cách mang từ Bali về. 

Cái điện thoại di động đắt tiền, vật duy nhất luôn được thay để bao giờ cũng gọn gàng và hiện đại nhất. Tất cả đều rất hợp ý ông. Cả cái cánh cửa mà từ đầu năm tới giờ trở chứng, mỗi lần đóng hay khép cũng rên lên kèn kẹt vẫn làm ông khó chịu, bây giờ thấy cũng rất đỗi thân thương. Hoá ra đồ vật cũng như con người, gần gũi mãi hoá thân quen.

- Dạ! Trình chú... Cô thư ký cắt ngang dòng suy nghĩ của ông bằng một tập hoá đơn chứng từ. Lại phòng kế toán, cái phòng mà ngay lúc cả công ty không có việc làm, nó cũng vẫn cứ bận rộn. 

Ông lại lắc đầu, cố nén một hơi thở dài khi nhìn thấy những phiếu chi màu xanh đính kèm những giấy đề nghị màu trắng. Những cái phiếu chi mỏng manh với những nét chữ mảnh mai này làm ông đau đầu nhất. 

Thời gian gần đây công việc sản xuất kinh doanh của công ty đình trệ quá. Việc thu hồi vốn làm không dứt điểm, không thanh toán được khoản nợ và lãi vay ngân hàng. Lãi mẹ đẻ lãi con. Mỗi ngày mở mắt ra thấy mất cả chục triệu tiền lãi, ai mà chẳng đau lòng. Ông có đốc thúc nhưng không hiểu sao chẳng thấy có tiến triển gì. 

Cái uy lực mạnh mẽ ngày xưa đâu rồi, có phải vì ông sắp về hưu!? Một cơn giận đột ngột bốc lên đầu làm mặt ông nóng căng ra. Ông ngẩng lên. Cô thư ký vẫn khoanh tay đứng đợi, ánh mắt cô ta bình thản chẳng nói lên điều gì. 

Không có cớ gì để quát mắng la hét, ông lại đành cúi xuống với bút, ký xoèn xoẹt hơn chục cái, thậm chí chẳng thèm đọc xem đó là những phiếu chi gì nữa. Cô thư ký vội vàng ôm cặp hồ sơ ra khỏi phòng ông. Một lát sau, cô quay vào chỗ mình ngồi, khuôn mặt vẫn "tủ lạnh" như cũ.

Phòng của cô ta đối diện phòng ông, bàn của cô ta ngay gần cửa sổ. Cô làm gì ông cũng trông thấy và ngược lại ông cần gì cô ta cũng biết ngay. Công việc của cô ta cũng như công việc của hầu hết nhân viên công ty mấy tháng nay đều rất nhàn. Cô ta mới vào làm được gần một năm thì được đưa lên thay anh chàng trợ lý xin nghỉ để đi học hàm thụ quản trị, chắc cũng là để dọ dậm tìm một chỗ "ấm" hơn với cái bằng đại học ngoại ngữ của anh ta thôi. 

Chẳng biết cô ta học gì ra, riêng sử dụng máy vi tính thì thấy cũng khá. Hàng ngày, cô đến công ty, ngồi xuống xem qua tập hồ sơ, mở máy vi tính lướt lướt mấy mươi phút chẳng biết là vào mạng hay chơi game nữa. Sau đó thì cô ta đọc và viết. Chẳng cần xem cũng biết cô ta làm việc riêng vì ông có giao việc gì cho cô ta đâu. Nhưng không biết cô ta viết gì mà viết lắm thế? 

Giữa ông và cô ta tuy là giám đốc và thư ký nhưng lại chẳng có được một mối quan hệ đồng nghiệp riêng tư nào cả. Không một câu hỏi thăm, không một nụ cười, ông giao việc cô ta làm, ông không giao cô ta im. 

Cô ta dịu dàng, nhút nhát và lãnh đạm. Ông cứng rắn, nghiêm nghị và rụt rè do đó cái khoảng cách tuổi tác và địa vị lại càng bị khoét sâu. Đôi lúc ông thấy nhớ và thèm một câu nói đùa, một nụ cười tươi trẻ của cái thời xa xưa trước kia. Ông cũng là người vậy mà... 

Ở công ty này từ rất lâu rồi có ai dám đùa cợt, thân mật với ông, trừ mấy cô có cùng vị trí với cô bé này. Cũng lạ thật đấy. Mấy mươi năm làm giám đốc, bao đời thư ký, trợ lý rồi ông không nhớ hết. 

Tuổi xuân của phụ nữ qua nhanh lắm cũng phải làm sao để cho họ khỏi thiệt thòi. May mắn, những cô từng có quan hệ với ông trên mức đồng nghiệp, ai cũng có vị trí cơ nghiệp đàng hoàng. Cô trưởng phòng, cô giám đốc, cô chuyển về Bộ về Sở. Trừ một số người đẹp quá bất tài hoặc có cái tính tham lam của mụ vợ ông lão đánh cá trong chuyện cổ tích của Nga thì sự đền đáp của ông cũng coi là tạm được. 

Cuộc đời mà có qua có lại cả, dù gì họ đều đã có cuộc sống riêng còn hạnh phúc thì ông không dám chắc. Ai mà biết được giấu sau ngôi nhà khang trang, những chức vụ được kính nể và khuôn mặt tươi cười của mấy cô ấy có là cái cảnh ghen tuông, dằn hắt của các ông chồng, cái mặc cảm nặng nề, ê chề về quá khứ?! 

Nhưng đó là chuyện của họ và cũng là ở cái thời ông còn trẻ kia, còn mấy năm trở lại đây ông đã mệt mỏi và già yếu rồi. Nói ra điều này thật cũng đáng buồn, ấy vậy nhưng một số người lại vô ý tới mức cứ thích mang nó ra hét vào mặt người khác cơ. Ngay như trong cuộc họp Đảng uỷ thứ ba tuần trước, thằng cha giám đốc xí nghiệp 1 được đề cử lên làm giám đốc chi nhánh ở vùng khác cũng là một cách đẩy các vệ tinh ra xa cái ghế giám đốc của ông một tý, đã tuôn ngay một tràng: "Cám ơn tổ chức đã yêu mến tin tưởng đề cử tôi giữ trọng trách đó nhưng tôi nay đã tuổi cao sức yếu chỉ mong được gần gia đình, quê hương vài ba năm nữa nghỉ hưu còn có bạn bè vui thú điền viên cây cảnh...". Thằng đó kém ông cả chục tuổi đầu mà nói như thế thì bao kẻ ngồi đây nghĩ về cái tuổi sáu mươi của ông như thế nào. Vẫn biết nó là thằng phổi bò chỉ tính đến cái chuyện bỏ phố về quê mà nói vậy chứ chẳng có ý xỏ xiên gì ông. Chứ nếu không, trước lúc về hưu ông sẽ cho nó một bài học để biết thế nào là "chưa khỏi vòng đã cong đuôi". 

Lại còn cái thằng Huấn mới được đề cử lên làm trưởng phòng kỹ thuật nữa. Da mặt nó thẳng căng, tóc đen bóng, giọng oang oang như lệnh vỡ. Chẳng biết nó bao nhiêu tuổi nhưng với cung cách ấy rồi nó còn tiến xa. Hồi ông bằng tuổi nó cũng mới chỉ chân ướt chân ráo rời nước Nga bỡ ngỡ về cái vùng đất mới giải phóng màu mỡ và mới lạ nhưng cũng đầy rẫy thách thức hiểm nguy này. 

Hồi ấy mình ra sao nhỉ? Có giống nó bây giờ? Biết mình còn sống được bao lâu để thấy nó ngồi vào cái ghế của mình, hò hét, quát nạt nhân viên dưới quyền bằng cái giọng oang oang của nó...


- Thưa chú, có chú Bình, chú Tín trên Bộ muốn gặp chú.

Bình và Tín, ông là Thứ trưởng, ông là chuyên viên cao cấp ở trên Bộ nhưng đều đã về hưu từ năm trước. Xưng ở Bộ vì cô thư ký cẩn thận máy móc làm theo đúng lời ông dặn "Tôi bận nên chỉ tiếp những người có danh tánh đàng hoàng không phải bạ ai cũng gặp bạ ai cũng tiếp. Phải biết họ ở đâu, làm gì, gặp có việc gì?" chứ mấy ông này ông gặp hàng tuần cần gì chức danh chứ?

- Ra mời... mà khoan đã, bây giờ gần 11h rồi. Cô ra nói với họ tôi bận, không thể tiếp ai được, hẹn họ nếu cần 2h chiều quay lại.

Ông thích thú nhìn thẳng vào khuôn mặt ánh lên vẻ ngạc nhiên của cô thư ký nhưng bực thay vẻ ngạc nhiên đó cũng tắt nhanh. Giống như mọi khi, không góp ý, không hỏi han gì, cô ta quay lui êm nhẹ như một con mèo. 

Còn hơn nửa tiếng nữa mới hết giờ chẳng biết làm gì lúc này, ông lại thấy hơi tiếc: Giá có mấy tay đó tán gẫu vài chuyện thâm cung bí sử như vụ tướng mua gan, tài khoản ngân hàng bốc hơi không dám tố. Rồi cả cái vụ mấy thằng cha giám đốc công ty kia bữa trước ngồi nhậu thấy cứng lưng mạnh miệng lắm vậy mà mấy bữa rày thấy báo chí làm rùm beng lên những là vay nợ, những là phá sản. 

Thế mới hay con người ta "Bảy mươi chưa què chớ khoe là giỏi" thật... Rồi cái nghị quyết của kỳ họp Quốc hội mới chẳng biết có tính đến những khó khăn của các đơn vị Nhà nước đang chuẩn bị cổ phần hoá không?

Nhưng mà tại sao mấy tay đó xuống đây luôn vậy không biết? Mà hầu như lần nào cũng ghé chỗ ông? Dưới tay ông, bốn, năm cái khách sạn, nhà nghỉ, khu vui chơi, hầu hết đều do các ông ấy đề xuất, có cái do chính tay các ông ấy ký. 

Vào các ngày cuối tuần, lấy một, hai phòng hạng I làm chỗ nghỉ ngơi cho bạn bè gia đình, đôi khi cả nhân tình nhân ngãi là chuyện thường. Rồi vụ ăn uống nhậu nhẹt, nói cho cùng việc đập phá vài ba chai XO, Chivac chẳng nghĩa lý gì, chắc chắn là ông chẳng nghĩ đến. Mỗi tuần vài trận nhậu năm, bảy triệu bạc cũng chẳng đáng tiếc. Mọi khi thì vẫn vậy nhưng tự nhiên hôm nay ông chán, ông mệt mỏi với những cha già đã về vườn mà còn ham vui đó. Ông sắp như họ và biết đến khi về hưu rồi ông có còn rộng rãi thoải mái như thế không khi tất cả các khoản chi tiêu đó sẽ phải bỏ tiền túi ra tất. Chẳng biết lúc ấy, các ông ấy có hay tìm đến thăm ông nữa không. Thời buổi thế thái nhân tình "còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi", ông rành quá mà.

Cô thư ký đã trở vào chỗ ngồi của mình. Y hệt mọi khi, ánh mắt cô ta lại cắm xuống cuốn sách trước mặt. Cô ta đọc chăm chú lắm, say mê thế chỉ có tiểu thuyết tình. Thời buổi này mà vẫn còn những kẻ lãng mạn khờ khạo đến thế kia ư? 

Nhưng mà tuổi của cô ta là tuổi trẻ, tuổi của yêu đương nhớ mong, giận hờn. Cô ta chẳng mệt mỏi, chẳng chán ngán chuyện đời, chuyện người như ông. Nếu cô ta có chuyện gì phải lo nghĩ thì đó chẳng qua cũng chỉ là những chuyện nhỏ nhặt như thỏi son môi đẹp mà lại quá đắt. Cái vết thâm trên mặt không biết dùng loại thuốc nào cho hết đi. Cô bạn gái nào đó có anh bạn đẹp trai, ga lăng hơn, hoặc làm thế nào nói dối mẹ về chuyện đi chơi với bạn về quá khuya đêm trước. Cùng lắm nữa thì cũng chỉ là nỗi lo cho sự nghiệp còn quá chông chênh, hay anh chồng tương lai khá giả, giỏi giang cho sau này đỡ khổ. Ở vào tuổi cô ta thì thế cũng nhiều. 

Đời người thật chẳng bao giờ hết những nỗi lo nhưng dù gì thì những nỗi lo tủn mủn ấy vẫn không dẹp tan được niềm ao ước có thể đánh đổi tất cả những gì ông có, để có được tuổi trẻ và sự trong sáng của cô ta. Cô ta ngồi đó yên tĩnh bình thản tới mức đáng ghét trên cái ghế đệm xinh xắn, xoàng xĩnh. 

Có thể mấy mươi năm nữa, cô ta cũng vẫn còn ngồi đấy nếu cô ta không thích thay đổi công việc và địa vị của mình, bằng cách lân la làm quen hay táo tợn liếc mắt đưa tình với các sếp. Còn ông, thế là hết những gì còn lại của vị giám đốc thét ra lửa năm nào. 

Về hưu rồi, những chữ ký của ông sẽ chẳng có nghĩa lý gì, có ai cần tới chúng nữa ngoài mấy đứa cháu cần ông ký vào sổ liên lạc khi bố mẹ chúng bận quá hoặc điểm của chúng quá thấp. Ông sẽ giảng giải, răn dạy chúng, thậm chí là mắng chúng nhưng ông sẽ ký, vui lòng ký vì đấy sẽ là những người duy nhất cần đến chữ ký của ông và nài nỉ ông một cách chân thực nhất.
Hình như có tiếng ai đó. Anh chàng trưởng phòng tổ chức mang cái bìa màu xanh nhạt vào đặt trên bàn trình ký. Cặp mắt anh ta hướng về phía ông nhưng không thấy ông gọi vào như mọi khi, anh ta quay lui với một vẻ khang khác khiến ông chột dạ.

Ông phẩy tay ra hiệu cho cô thư ký cứ ngồi nguyên tại chỗ rồi tự đứng dậy cầm cái bìa trình ký về chỗ bàn làm việc, mở ra thấy cái giấy đề nghị giải quyết thanh toán bảo hiểm xã hội cho một anh chàng kế toán lâu năm mới chuyển chỗ làm, ông thở ra nhẹ nhõm, nhưng lật ra phía sau thì ông hiểu ngay thái độ khang khác, kỳ quặc của tay trưởng phòng. Ngay đằng sau tấm giấy là bản quyết định nghỉ hưu của ông, với chữ ký rất đẹp của Bộ trưởng. Ông gấp tấm bìa màu xanh nhạt lại, tự nhiên thấy lòng trống rỗng. 

                                                                                                        B.Đ.Y

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 35
Trong ngày: 119
Trong tuần: 760
Lượt truy cập: 415111
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.