Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NẮNG CỨ LÓA MẮT

Phạm Hồng Loan

NẮNG CỨ LÓA MẮT

 

Nó bước chậm rãi.

Tách khỏi sự ồn ào, náo nhiệt của lũ bạn sau lễ tổng kết năm học.

Nó tìm cho mình sự thảnh thơi.

Có tiếng cu gù giữa trưa mênh mang, lan dài, ngọt lỉu. Yên ả quá. Mỗi ngày, đi bao lần trên con đường làng rợp bóng tre với bầu trời cao xanh vời vợi, sao hôm nay nó thấy như tất cả đều thân thương lạ. Nó huýt một điệu sáo tươi vui khi nghĩ đến những tháng hè rong ruổi cùng lũ bạn với bao trò tinh nghịch mà chỉ lũ nhất quỉ nhì ma mới bày ra. Nào là chơi chuyền, chơi ô ăn quan… Không. Những trò đó là của trẻ con. Năm nay mình lớn rồi.  Sẽ là trò xây lâu đài trên cát. Là nhảy sóng đến mệt nhoài rồi cùng nằm lăn trên bãi biển. Ngước ánh mắt nhìn hằng hà mây trắng cắn đuôi nhau, lốp xốp. Rồi kéo nhau trèo lên đồi cát để nắm tay cùng lao xuống. Lâng lâng trong niềm vui khi nghĩ đến lúc ấn vào tay mẹ những thành tích chói ngời của năm học, nó bước vào sân lúc nào không biết. Chợt nó nghe tiếng thẽ thọt của mẹ: “Thôi mà. Mẹ thương con thì thương cho trót. Mẹ cố gắng giúp con lần nữa. Chỉ có mẹ đứng lên làm cái mọi người mới tin. Vào hội, con sẽ lấy trước đưa cho bố nó đi làm ăn. Rồi hàng tháng, con sẽ trả dần”. “Cha bố cô - Tiếng bà ngoại xót xa - Cô lại nghe theo cái loại mặt nạc đóm dày ấy à? Nó làm mẹ con cô sống dở, chết dở bao năm nay chưa đủ sao? Tôi hỏi cô, lần này nó đi, mang theo hết số vàng cô vào hội mới có rồi không về nữa, mất cả chì lẫn chài thì tính thế nào? Liệu có bán nhà trả nợ rồi mấy mẹ con dắt díu nhau đi ăn mày không? Ngày xưa, bao nhiêu đám hỏi, cứ lắc đầu quầy quậy, để đâm đầu vào chỗ chết ấy”. “Đó là số phận rồi, mẹ ơi. Nhưng bây giờ con tin nhà con sẽ thay đổi. Hơn nữa, mấy đứa trẻ cũng đồng ý. Con Nga đã bán ti vi. Thằng Khang thì nói mẹ cứ lo tiền cho bố đi làm ăn. Nếu giả sử bố có đổ bể thì học xong lớp 12, con sẽ đi làm. Mẹ con mình hãy mở cho bố một con đường. Nghe chúng nó nói, con cũng thấy phải. Con mừng vì các cháu biết nghĩ và có tình có nghĩa với bố. Mẹ nghĩ mà xem, con cái đối xử thế, nỡ lòng nào bố nó lại quay lưng. Hổ dữ còn không ăn thịt con nữa là. Ngày anh ta bước chân về, con định lành làm gáo, vỡ làm môi, rồi mỗi người một mảnh buồm. Tiếc gì con người vô nhân thất đức. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, còn con cái mình. Dù xấu xa cỡ nào thì vẫn là bố chúng nó. Hơn nữa, từ hồi về, anh ấy chăm chỉ làm ăn nên con cũng yên lòng. Công nợ thì trả dần, cháo húp vòng quanh. Thảng hoạt, đêm dài mãi rồi trời cũng phải sáng. Lần này, con cho cái Hoa theo. Nó sẽ quản lí tiền cho bố”. “Thôi được. Tôi sẽ giúp cô đứng ra “cầm cái”. Nhưng nói trước, nếu chuyện gì xảy ra, cô phải hoàn toàn chịu. Lúc ấy đừng trách tôi sao không bảo.” “Vâng. Con biết bao giờ mẹ cũng thương con mà”.

          Nó đứng chết lặng ngoài cửa.

Tận sâu trong đáy lòng, chưa lúc nào nó thôi oán trách bố. Nhưng biết làm sao. Có ai chọn được cha mẹ. Mọi người đã quyết thế thì nó phải chịu. Không hiểu sao người lớn lại phức tạp quá!

Nó nhìn theo bà ngoại tất tưởi ra ngõ, nén tiếng thở dài.

          Mẹ là con út của bà ngoại. Giàu con út, khó con út nên bà chiều mẹ nó nhất. Cái đẹp mặn mà của cô gái nông thôn thắt đáy lưng ong cuốn hút bao chàng trai trong làng nhưng mẹ lại đem lòng yêu bố nó, người làng bên, chẳng có gì nổi bật. Biết chuyện, bà khóc đêm, khóc ngày “Cái ngữ mắt trắng, môi thâm ấy chẳng có gì tốt đẹp đâu, con ạ. Lấy nó, con sẽ tựa đò đắm cho xem.” Nhưng mẹ đã quyết một lòng, mọi người ngăn cản cũng không được. Cuối cùng, đám cưới cũng diễn ra đơn giản, đầm ấm như biết bao đám cưới thời chiến tranh.

          Lấy nhau được ba tháng, bố có lệnh nhập ngũ. Cầm giấy gọi, bố tái xám mặt mày, run rẩy: “Hay mình nói với mọi người tôi bị ốm, không đi”. “Làm thế sao được. Nếu ốm nặng phải có giấy của trạm xá hoặc bệnh viện người ta mới hoãn đợt này, đợt sau lại phải đi, không vờ mãi được đâu. Thôi, anh cứ đi đi. Mọi việc sẽ tính.” An ủi thế cho chồng yên tâm lên đường. Nào ngờ hai tháng sau, một đêm khuya, mẹ nghe tiếng gõ cửa dè dặt. Rón rén đến bên khe cửa, hé mắt nhìn ra, mẹ thót tim lại. Dưới ánh trăng suông, bố nó đang đứng nép vào hiên nhà như tên trộm đói. Cửa vừa mở, bố luồn vào nhanh như con rắn. Thì ra, không chịu được sự vất vả của đợt huấn luyện, lại phong thanh đơn vị chuẩn bị hành quân vào Nam chiến đấu, bố nó chuồn khỏi đơn vị. Mẹ lo lắng “Làm sao bây giờ? Hay là anh ở nhà vài ngày rồi trở lên đơn vị? Nếu không, người ta sẽ gửi giấy về xã, báo anh đảo ngũ thì phiền lắm. Tai tiếng, rồi lí lịch con cái sau này nữa”. Bố nó trừng mắt: “Tôi không đi đâu cả. Đi mà đâm đầu chỗ chết à? Kệ mẹ nó tai tiếng với lí lịch. Thiên hạ cười được cả đời không? Tôi cấm cô không được hở môi với bất cứ ai, kể cả bố mẹ tôi. Rõ chưa?”. Từ đó, mẹ nó như một con người khác. Lẳng lặng suốt ngày ơ thờ như cái bóng. Ra đường, nem nép, nhìn trước, ngó sau. Đến đi chợ, mua bán thứ gì cũng vội vàng cho vào thúng, đậy vỉ buồm lên. Mẹ sống như cái bóng nhờ đêm. Bố nó thì suốt ngày ru rít trong buồng. Một tiếng chuột chạy. Một tiếng lá rơi cũng hồn vía lên mây. Thời gian sau, đơn vị gửi giấy về xã cũng đúng lúc tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. Mải mê với men say chiến thắng, hơn nữa lại có ông cậu họ làm ở Ủy ban xã nên chẳng ai nhắc chuyện đảo ngũ của bố nó nữa. Rồi lần lượt chị em nó ra đời. Một tay mẹ nó tất bật lo toan. Thôi thì bèo cám lợn gà, hàng xay hàng xáo, chẳng việc gì mẹ nó không hùng hục lao vào. Kinh tế vẫn không vực lên được. Chẳng biết nghe lời ai, bố bàn với mẹ mua máy xát gạo. Thấy hợp lí, mẹ dốc chút vốn liếng còm cõi, đôn đáo đi mượn khắp anh em, bạn bè để mua cho chồng cái máy. Được hồi như như tiếng gà quác nắng… lấy cớ tiếng máy ầm ĩ, ảnh hưởng đến việc học con cái, bố nó đòi đặt máy ở kho lúa giống để hoang, cách nhà khá xa. Đến bữa ăn, bố đạp xe về. Một hôm, trong bữa, bố nó gằn giọng: “Từ mai, con Nga mang cơm cho tao. Tao không thể ngày nào cũng đạp xe về ngồi nhai mấy miếng cơm như nhai trấu, trong lúc công việc ở đó ùn lên”. Từ đó, hàng tuần, có khi nửa tháng bố nó mới đảo về nhà thoáng chốc rồi quày quả đi luôn. Cơm nước hàng ngày, đúng giờ chị nó phải đưa ra nếu không muốn nghe chửi, có khi còn bị quăng bất cứ thứ gì trong tầm tay vào mặt. Mấy tháng liền không thấy đưa tiền về trả nợ, mẹ hỏi thì bố nó trừng mắt: “Tiền cái gì mà tiền? Máy thì mua phải đồ đểu, suốt ngày hỏng hóc. Dân cũng đểu nốt. Mười người xát gạo thì chín đứa nợ tiền. Cô có giỏi thì đi mà đòi.” Mẹ đành im lặng rồi nai lưng ra một nắng hai sương kéo cày trả nợ. Tuy nhiên, đã có tiếng xì xào về mối quan hệ của bố với một cô gái làng dưới, nhưng mẹ cho rằng có kẻ ghen ăn tức ở dựng chuyện. Một đêm, cả nhà đang say ngủ, cậu nó hộc tốc đưa mẹ đến kho lúa giống. Lúc đó mẹ nó mới ngã ngửa ra. “Xấu chàng hổ ai”, mẹ giấu nhẹm mọi chuyện. Ai nói bóng gió, mẹ ấn át đi.

          Một buổi trưa, chị Nga đạp xe về, hốt hoảng: “Mẹ đến mà xem, con mang cơm ra nhưng không thấy bố ở đây. Cả máy cũng không còn”. Thì ra bố nó đã bán máy, bỏ đi cùng cô gái làng chơi. Mẹ chạy khắp nơi, nhờ người này người khác tìm hộ. Biển trời tăm cá có trời mới biết được.

          Ba năm sau. Một hôm, bố nó trở về với thân hình tiều tụy. Tiền hết, tình cũng chẳng còn. Cô gái kia đã bỏ đi theo người đàn ông lắm tiền nhiều của hơn. Chẳng còn cách nào khác, bố nó lần hồi về quê, quì xuống xin mẹ tha thứ. Mẹ nó mủi lòng nói với ông chú cho đi theo bè gỗ. Xuôi ngược một thời gian, chiếm được lòng tin của ông chú, nhân một lần đi đòi cho ông số tiền lớn, bố đã không quay về. Mẹ như quị hẳn nếu không có chị em nó bên cạnh.ngo

          Mấy năm sau, mẹ nghe người quen nói có gặp bố ở Đắk Nông. Chuẩn bị lấy chồng nên một hôm, chị Nga bàn với mẹ sẽ đi tìm bố. Tìm làm gì cái con người tệ bạc ấy? Cứ để hắn sống đâu thì sống, chết đâu thì chết. Nhưng nghĩ đến lúc nhà trai ở tận thủ đô về xin cưới hỏi, không biết giới thiệu về bố thế nào, mẹ đành đồng ý. Thương chị, nó xin mẹ cho đi tìm bố. Có được địa chỉ trong tay, con bé hăm hở lên đường.

          Qua hai ngày vật vã, chiếc xe mệt nhọc dừng lại ở ngoại ô một thị trấn nhỏ. Cậu phụ xe đỡ cái túi trên tay nó:

  • Đến nơi rồi, em ơi.

          Nó xuống xe, ngơ ngác nhìn quanh. Trước mặt nó, con đường đỏ au chia làm ba nhánh. Nắng lóa mắt. Biết đi đâu bây giờ? Nó đảo mắt nhìn quanh rồi bước vào quán nước sơ sài bên đường:

- Cháu chào bà. Bà cho cháu cốc nước ạ.

- Ừ. Nghe giọng, biết cháu ở Bắc vào.

- Vâng ạ.

Con bé phấn chấn hẳn lên khi thấy bà cũng giọng Bắc. Lân la, nó hỏi về bố nó. Bà cụ chép miệng:

- À, ông này thì bà biết. Hai vợ chồng về đây cũng lâu rồi. Nghe đâu cô vợ cũng thuộc loại có mỏ. Chẳng biết tiền đâu mà họ vừa cho vay nặng lãi, vừa là con nợ lớn của dân đây. Cái nghề này cũng bấp bênh vô kể. Những người vay thường sức tàn, lực kiệt. Nhiều người không có khả năng trả, nên bị dồn vào thế cùng đường. Cô vợ lập một nhóm dữ dằn, chuyên đòi nợ thuê. Có hôm cả khu náo loạn cả lên. Rồi họ bỏ đi biệt tích. Lúc các chủ nợ tá hỏa đi tìm thì đã cao chạy xa bay rồi. Nhà ông ấy à? Kia kìa. Đi qua nửa vạt đồi là đến nơi. Nhưng nhà cửa để cỏ leo, bèo lấp rồi. Có vài thứ đáng giá thì các chủ nợ khuân hết, chỉ còn xác nhà, người ta không dỡ xuống vì sợ vi phạm pháp luật. Mà cháu là thế nào với ông ấy?

          Đất như sụp dưới chân con bé.

  • Dạ. Cháu là cháu ruột ạ. Đã lâu rồi ở nhà bặt tin tức của chú ấy. Bà cháu bị bệnh, nhà lại neo người nên nhân dịp cháu được nghỉ hè, bà bảo cháu vào đây tìm chú.

          Lời nói dối của nó quả là hiệu nghiệm. Bà chép miệng:

  • Tội nghiệp. Để bà xem nào. Hình như bà nghe nói có người gặp ông ấy ở Đắc Lắc thì phải.

   Con bé mừng ứa nước mắt:

- Bà ơi, làm thế nào để gặp được người ấy ạ?

- Cháu cứ ở lại đây, bà sẽ nhờ người tìm giúp. Ôi. May quá, ông ấy kia rồi. Bà đứng lên, vẫy tay rối rít - Ông San ơi, vào đây tôi nhờ chút.

          Người đàn ông dừng lại, ngó nghiêng:

- Có việc gì mà bà cuống lên thế? Tôi đang bận việc.

- Nhờ ông chút xíu thôi. Cô này là cháu ruột ông Hơn nè. Nghe đâu mẹ ông Hơn ốm nặng nên nhờ cháu đi tìm ông ta về.

          Cô bé bước đến, níu tay người đàn ông xa lạ.

- Bác ơi, bác làm ơn chỉ cho cháu chỗ chú Hơn ở được không ạ?

- Khó đấy. Cách đây mấy tháng, tôi đi Đắc Lắc thăm cô em, vô tình gặp thôi. Mà chẳng biết là còn ở đấy hay đi nơi khác rồi. Ông ấy van tôi không cho ai biết nơi ở kẻo bọn chủ nợ kéo đến thì phiền.

          Nó rơm rớm nước mắt.

- Bác ơi, cháu lặn lội đường xa đến đây với hy vọng gặp được chú cháu, báo tin để chú biết mà liệu đường về. Bà cháu nói rằng chỉ cần nhìn thấy chú thì có nhắm mắt cũng yên lòng.

- Hừ. Thôi được. Để bác về tìm cái tờ giấy ghi địa chỉ. Từ đây đến đó khoảng 80 cây số. Khoảng một tiếng nữa sẽ có xe đò qua đây.

          Ơn Chúa. Nó thở phào nhẹ nhõm. Bữa cơm đạm bạc của bà chủ quán tốt bụng khiến nó vơi hết mệt nhọc. Trước khi lên xe, nó ấn vào tay bà một nắm tiền lẻ:

- Bà ơi, cháu cảm ơn bà nhiều lắm. Cháu thật may mắn nên gặp được bà, nếu không thì chẳng biết xoay sở ra sao.

- Cháu cầm lấy. Lên xe đi kẻo lại lỡ chuyến.

          Xe chạy. Nó vẫn nhìn theo bà đến khi khuất sau những rặng cây hai bên đường mới chịu ngồi yên.

          Xuống xe, nó nhìn quanh. Vắng lặng. Heo hút. Nó lầm lũi, bước thấp bước cao trên con đường lô nhô đá sỏi, mấp mô lượn sóng những lằn đường do mưa xói lở. Nhìn thấy một người đàn ông đang lúi húi cuốc đất bên đường, nó đến gần, cúi đầu:

- Con thưa chú. Chú làm ơn cho con hỏi thăm - Nó mở tờ giấy, khó nhọc đánh vần dòng địa chỉ lem nhem, nghệch ngoạc. Người đàn ông giơ tay chỉ về phía trước mặt:

- Cháu cứ đi theo đường này khoảng gần một cây số nữa có mấy gia đình mới chuyển vô mà tìm.

          Nó hấp tấp đi như chạy. Chợt nó vấp phải mô đất, nhào về phía trước. Nén nỗi đau, nó lồm cồm ngồi dậy, cầm đôi xăng đan cũ bị bật tung quai, cậy đám đất đỏ khè bám chặt dưới đế rồi thất thểu bước đi trong cái khát cháy cổ. Con đường càng đi càng hun hút. Cây cối xơ xác, trơ trụi. Làm sao bố nó có thể ở một nơi chó ăn đá, gà ăn sỏi thế này cơ chứ? Lát sau, mấy căn nhà lúp xúp, chênh vênh trên sườn đồi phơi mình dưới cái nắng chang chang hiện ra trước mắt. Nó đẩy cánh cổng rệu rão ghép vội bằng mấy cành cây khô của căn nhà đầu tiên, bước vào. Mấy con chó thấy người lạ, xô ra, gầm gừ. Một người đàn ông từ trong nhà bước ra:

  • Cháu hỏi ai? Rồi ông sững lại như trời trồng, lắp bắp: Hoa… Sao con biết bố ở đây?

          Một đứa trẻ khoảng bốn tuổi, đen nhẻm, bước ra, ôm lấy chân người đàn ông, giương mắt nhìn. Nó lạ lùng hết nhìn bố rồi nhìn đứa trẻ:

- Bố… Sao lại thế này? Bố có biết ở nhà chị em con mong bố về thế nào không?

- Bố biết, nhưng chưa thể về được. Bố còn nhiều việc phải làm. Con không thể hiểu được đâu.

          Nó đưa mắt nhìn quanh. Hiểu cái nhìn của con, ông ta hạ giọng:

- À, mẹ nó - Ông chỉ vào đứa con trai - đi lấy hàng, mai mới về. Con cứ ở lại đây, mai bố đưa đi đón xe mà về.

- Không. Con không về. Con ở đây khi nào bố về con mới...

-  Không được đâu. Con cứ về trước, bố giải quyết xong một số việc rồi về.

          Những cảm xúc cố nén trong nó chợt vỡ òa trong dòng nước mắt.

- Bố biết không, bao năm qua mẹ còng lưng trả nợ cho bố. Nuôi chúng con khôn lớn, chờ mong bố về. Bây giờ chị Nga sắp lấy chồng. Chị ấy cần có bố. Còn bà nữa. Bà ốm liệt giường mấy tháng nay, bố có biết không?

- Bố biết rồi. Nhất định bố sẽ về. Nhưng con phải để cho bố có thời gian thu xếp công việc đã chứ.

          Ngày hôm sau, nó lững thững ra quốc lộ, đón xe về quê, mang theo lời hứa như đinh đóng cột của bố.

          Hai năm sau, bố nó trở về thật, nhưng về thẳng nhà bà nội. Nghe tin, đang ở ngoài đồng, nó quẳng cái liềm, chạy một mạch về. Đến đầu ngõ, nó thấy mấy bà đang chỉ trỏ, bàn tán: “Ôi dào ôi. Đi bao năm bây giờ mới vác mặt về. Tưởng làm vương làm tướng gì cho cam”. “Lại còn mang thêm thằng con hoang nữa. Phải tay tôi ấy à, tôi xé ra hàng trăm mảnh. Làm gì có thứ đàn ông…”. “Cái gì? Bác nói cái gì đấy ạ?”.  “Cái gì à? Đấy, mày xem kia kìa. Bố mày về rồi. Còn mang cả em về cho mày nữa. Rõ đẹp mặt chưa?”

          Nó lao vào như tên bắn. Căn nhà vắng lặng. Chỉ có thằng bé nó gặp ngày trước đang tha thẩn trước hiên nhà. Nó nhào đến, túm tóc thằng bé, dằn ngửa ra sau:

- Cút ngay. Ai cho mày về đây? Nhà này của bà tao. Rõ chưa? Nó lôi xềnh xệch thằng bé ra ngõ - Cút ngay cho khuất mắt tao. Cút đi - Nó gào lạc giọng. Thằng bé tái xám, khóc không thành tiếng. Bố nó từ sau nhà chạy ra, gằn giọng:

- Hoa. Bỏ nó ra.

- Bỏ ra à. Bố đưa nó đi đi. Bố có để cho mẹ yên ổn mà sống không hay là muốn mẹ chết thì bố mới hả lòng. Bố đưa nó đi đi.

 Nó lăn lộn dưới đất, tóc tai xổ tung. Bỗng uỵch…Nó nhỏm dậy. Bà nội nó còng queo dưới đất, thều thào gọi tên nó. Nhảy qua ba bậc cửa, nó nhào đến:

- Bà ơi, bà có sao không?

          Bà bật khóc, giương đôi mắt mù lòa, đưa tay rờ rẫm mặt nó.

- Cháu ơi, bà xin cháu. Bà cũng đau lòng lắm nhưng biết làm sao bây giờ. Mẹ nó bỏ đi, bố nó đành đưa về đây. Có ghét đến mấy thì nó cũng là máu mủ nhà mình, bỏ đi sao được.

- Nhưng còn mẹ cháu…

- Để rồi lúc nào bà sẽ lựa lời nói với mẹ cháu.

          Rồi bà cho gọi mẹ nó đến, ngọt nhạt mọi điều. Rằng trong cuộc đời, ai chẳng có lúc mắc sai lầm. Phải cho người ta một con đường thoát chứ. Rằng “Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại”. Hơn nữa vợ chồng chưa li dị. Dù sao chồng vẫn là chồng. Hà cớ gì mà hất chồng ra đường? Rằng con cái thì cần có bố. Không có bố, trẻ con là khổ lắm. Không có nóc sao gọi là nhà được. Rồi bà vận động anh em họ hàng, mỗi người một câu, nói giúp vào cho mẹ nguôi ngoai. Nỗi đau vò xé tâm can. Mẹ nó im lặng, ngửa mặt lên trời. Tha thứ ư. Không biết hắn còn những trò gì nữa đây. Chuyện của người lớn, nó chỉ dám nhìn nét mặt rầu rĩ của mẹ mà ứa nước mắt. Nhiều đêm, tỉnh giấc nó thấy mẹ ngồi bất động, tay khư khư chiếc áo màu tím, cái áo mà mẹ luôn cất kĩ trong hòm, chỉ khi nhà có công việc mới mang ra mặc.

          Chuyện bố nó có vợ con ở nơi khác trước đây chẳng mấy người biết vì tính mẹ vốn kín đáo. Tội gì lại đi vạch áo cho người xem lưng. Hơn nữa, bố nó giải thích rõ ràng, tỉ mỉ với mẹ nó rằng người đàn bà kia là ân nhân của mình. Cô ta đã cưu mang ông trong lúc sa cơ lỡ vận. Ngày ấy, với số tiền lớn của ông chú, bố nó hy vọng sẽ làm ăn buôn bán để lãi mẹ đẻ lãi con. Khi có nhiều tiền sẽ quay về trả hết cả vốn lẫn lãi, không thiếu một xu rồi xây nhà cửa đàng hoàng cho vợ con. Nhưng ở đời, ai học được chữ ngờ. Ngay chuyến hàng đầu tiên, bố nó đã bị công an bắt giữ. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, cô gái kia đã ra tay cứu giúp. Dù vậy, vẫn trắng tay. May mà không phải tù tội. Đi mắc núi, về mắc sông. Bố nó đành chấp nhận cùng cô ta vào trong này như một sự trả nghĩa, hy vọng sẽ đổi đời. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ quê định về. Nhưng càng giãy giụa thì cái dây thòng lọng càng thít chặt. Nghe cũng có lí. Một lần nữa trái tim mẹ nó mềm trở lại.

          Thời gian sau, bố nó ngọt nhạt với mẹ. Rằng dù sao ở quê mình cũng khó làm ăn. Đấy. Nhiều nhà đầu tắt mặt tối bao năm mà có mở mày mở mặt được đâu. Đủ ăn là cùng. Con cái suốt đời nheo nhóc. Khổ đấy mà biết kêu ai. Kêu trời, trời chẳng thấu. Gọi đất, đất không hay. Thấy mẹ nó lặng thinh, bố nó tiếp tục: “Tôi tính thế này. Nơi tôi ở bói không ra một cái máy xát gạo nên vẫn phải giã gạo bằng cối. Hay là mình mua một cái mang vào thì cứ gọi là hái ra tiền vì loại máy này tôi quá rành rồi. Dân ở đấy người ta thật thà lắm, nói bao nhiêu trả bấy nhiêu, không có cái kiểu “Cò kè bớt một thêm hai” đâu. Có gan mới làm giàu được”. Thấy vợ vẫn ngồi yên, bố tiếp: “Hay bà còn ngại chuyện nọ chuyện kia? Con Hoa đang nghỉ hè, tôi sẽ đưa nó đi theo. Con bé nhanh nhẹn, tháo vát. Nó giúp tôi trông coi, thu tiền. Chỉ hai tháng là đủ tiền mang về cho bà trả nợ. Bà yên tâm chưa?”. “Nhưng tôi đào đâu ra tiền?”. “Thì đi vay. Anh em, bạn bè đông thế, vay đâu chẳng được vài cây. Làm đến đâu, tôi sẽ bảo con Hoa gửi ngay về”.          Cứ thế, mưa lâu thấm đất. Nhờ tài ăn nói của bà ngoại, mẹ nó vào được hội vàng và lấy cái luôn. Cộng với số tiền mẹ nó giành dụm và bán một số đồ đạc cũng được gần mười cây vàng. Xong xuôi, mẹ bàn sang xã bên mua máy thì bố nó gạt phắt: “Ôi dào! Tội gì phải mua ở ngoài này mang vào cho nhọc xác, lại tốn kém thêm. Vào đấy mua có đắt hơn chút ít nhưng lại được bảo hành tử tế”. Mẹ nó nghe theo, tất bật chuẩn bị cho hai bố con lên đường…

          Xe đi được một ngày. Đêm hôm ấy, nó thiếp đi trong cơn mộng mị. Sáng hôm sau, thức dậy, nó thấy đầu nhức như búa bổ. Quờ tay sang ghế bên cạnh, nó tá hỏa khi thấy trống không. Nó bật lên, dáo dác. Tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của bố trong đám hành khách hỗn độn đang ngủ gà ngủ gật kia. Chiếc xe vẫn thản nhiên lao đi. Nó xiêu vẹo đến bên người phụ xe:

- Chú ơi, bố cháu đâu rồi ạ? Nó chỉ tay về chiếc ghế trống.

- Ô hay. Hai bố con đi cùng nhau mà bố xuống xe lúc nào cũng không biết thì ra làm sao? Ông ấy xuống từ đêm qua rồi.

          Nó lạnh người, hối hả lục tung túi đồ trong đó có gói vàng mẹ đã buộc chun cẩn thận mà nó cứ khư khư ôm chặt từ lúc ra khỏi nhà. Một tờ giấy rơi ra: “Hoa! Con hãy trở về nhà. Đừng đi tìm bố vì bố không còn ở chỗ cũ”.

          Nó thẫn thờ xách túi, bước thấp bước cao rồi ngồi bệt xuống vệ đường. Hai mắt ráo hoảnh. Mới sáng ra mà đã chang chang nắng. Từng đoàn xe ngược xuôi hối hả. Tiếng còi inh ỏi. Tiếng cười đùa của đám học sinh diễu qua trước mặt làm tim nó thắt lại. Nó thấy lòng mình trống không. Chợt trước mắt nó hiện lên cảnh anh Khang còng lưng xách vôi vữa với việc phu hồ. Còn nó và mẹ ngơ ngác trong cái nắng đổ lửa, lên thành phố làm ô-sin.

          Thất thểu bước vào nhà, nó đổ ập lên giường. Mẹ nhìn nó sững sờ. Choang! Chiếc chén trên tay rơi xuống, mẹ nó đổ nhào theo. Vừa lúc đó, anh Khang chạy về:

  • Mẹ. Mẹ làm sao thế? Vừa vực mẹ lên giường, anh nó vừa hổn hển - Con hiểu rồi. Thôi, mẹ ạ. Mẹ bình tâm lại, vững vàng lên. Có chúng con bên cạnh là đủ rồi.

           Cuộc sống vẫn lặng lẽ với những vòng quay bất tận của thời gian. Nó bước vào năm học mới với quyết tâm thi đỗ vào trường Đại học Y. Ngoài giờ học trên lớp, về nhà, bất cứ lúc nào trên tay nó cũng là cuốn sách. Ra bãi trồng rau, nhổ cỏ, thỉnh thoảng nó lại chạy đến bên gốc phi lao, lôi cuốn sách ra, lẩm nhẩm những gì chỉ mình nó hiểu được. Mải miết theo mẹ ra đồng, lúc giải lao, nó leo lên bờ, phủi tay, lôi trong túi quần ra tờ giấy, dán mắt vào đó. Đến một ngày, nó ào vào nhà, giơ cao giấy báo nhập học, ôm lấy mẹ xoay tròn. Lâu lắm rồi nhà nó mới có tiếng cười rộn rã đến thế.

          Ngày tốt nghiệp, nó cầm tấm bằng tình nguyện đến một nơi xa xôi, heo hút chỉ có nắng và gió. Bởi lúc nào nó cũng nghĩ rằng mình đã khổ nhưng có biết bao người còn khổ hơn, còn cần lắm những bàn tay, những tấm lòng.

Ba năm sau.

Nghe tin mẹ ốm, nó vội vã bắt xe về. Căn nhà xưa vắng lặng. Anh Khang đi lập nghiệp ở xa, chị Nga đưa con riêng của bố nó lên Hà Nội học. Nhìn dáng vẻ còm cõi, ánh mắt không chút sinh khí, ngác ngơ, lủi thủi trong căn nhà hoang lạnh của mẹ, nước mắt nó lã chã rơi. Mấy hôm sau, thu xếp xong công việc, nó quày quả đưa mẹ về nơi làm việc. Từ đó, phòng làm việc của nó thêm một tấm ri đô cho người bệnh đặc biệt.

Một chiều chủ nhật, nó cùng mẹ thong thả dạo bộ trên đường, chợt thấy một chiếc xe máy lao nhanh, xô vào người đi đường đang còng lưng vác bao tải. Người đàn ông văng xa, đầu đập vào vỉa hè. Hai mẹ con hối hả chạy đến. Đỡ ông lên, một dòng điện lạnh ngắt chạy dọc cột sống nó. Gương mặt tím bầm, mái tóc dài gần như phủ kín mặt của người bị nạn cũng không xóa đi những nét thân quen. Nó mím môi đến bật máu, hai bàn tay nắm chặt. Lát sau, nó thở ra một hơi dài, chăm chú với những thao tác thuần thục, chuẩn xác rồi hối hả gọi xe cấp cứu. Một hôm, từ phòng cấp cứu trở về, nó thấy mẹ ngồi bất động trước tập bệnh án nó để trên bàn làm việc từ hôm trước

Từ đó, mỗi sáng sớm, trong lúc nó họp giao ban, có một người phụ nữ mặc áo tím, đứng lặng yên trên ban công. Lúc bồn chồn nhìn vào cánh cửa phòng Hồi sức cấp cứu đóng chặt, khi thì dõi mắt ra xa, ngước nhìn những cánh hoa rơi rơi trong nắng.

                                                                                P.H.L

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 26
Trong tuần: 1180
Lượt truy cập: 436138
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.