Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NĂM THÁNG CUỘC ĐỜI - KHO VỐN SỐNG...

NĂM THÁNG CUỘC ĐỜI – KHO VỐN SỐNG PHONG PHÚ
ĐÁNG TRÂN TRỌNG VÀ TỰ HÀO CỦA MỘT ĐỜI NGƯỜI, ĐỜI THƠ.
(Nhân đọc hồi ký “Năm tháng cuộc đời” của Kiến trúc sư – nhà thơ Nguyễn
Địch Long)

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai

nh_n.t.mai_1
Kiến trúc sư Nguyễn Địch Long đã có 12 tập thơ. Và thơ không qua
trường lớp đào tạo nào nhưng đã tôn vinh ông thành nhà thơ với bao bạn đọc.
Thơ ông sâu lắng tình đời, nặng nghĩa con người. Nhưng thơ ông buồn – một
nỗi buồn da diết, u ẩn luôn ẩn chìm trong chữ nghĩa văn chương tạo nên một
phong cách vững bền. Lý giải điều đó, người ta dùng hoàn cảnh, dùng nhân
sinh quan, thế giới quan hoặc tính cách con người… Với nhà thơ Nguyễn Địch
Long, khi cuốn hồi ký “Năm tháng cuộc đời” ra mắt thì phong cách thơ ông đã
hoàn toàn lý giải được. Ấy là do cuộc đời, nhân cách của ông đã tạo nên phong
cách thơ ông. Cuộc đời ấy, tuy gian nan, cơ cực, nhiều thiệt thòi, chút may mắn
nhưng đó là kho vốn sống phong phú đáng trân trọng giúp nhà thơ viết được
những câu thơ giàu nhân nghĩa, lay động trái tim người.
Trước hết: Năm tháng cuộc đời là cuốn hồi ký văn học ghi chép đầy đủ,
tường tận và chân thực về cuộc đời chính nhà thơ.
Đó là cuộc đời được kể qua 5 chương đằng đẵng trong phần chính
“Những năm tháng không quên” nhưng có thể tóm gọn thành 3 đoạn trường:
tuổi thơ học trò- tuổi trẻ ra chiến trường – tháng năm cống hiến cho đời.
Ngay mở đầu tập sách, đập vào mắt bạn đọc là chương đầu tiên với lời
đề tựa ám ảnh: Tuổi thơ bi thương. Quả là bi thương thật. Ông sinh ra trong
một gia đình có 6 anh chị em. Cha là người học chữ Nho, biết nghề kẻ vẽ trang
trí, viết được thư pháp, câu đối và bức đại tự. Ông làm việc ở Hà Nội có đất, có
nhà và có cả chiếc xe đạp Peu goet sáng bóng bao người mơ ước thời ấy và
đã từng được mời vào dinh Toàn quyền Đông Dương trang trí nội thất. Tài hoa
thế nhưng rồi bệnh tật bất ngờ khiến ông lòa hai con mắt. Thế là phải trở về
quê làm việc nhà giúp vợ. Rồi chiến tranh liên miên, ốm đau bệnh tật không có
điều kiện chạy chữa khiến ông ra đi lúc mới 43 tuổi, để lại đàn con côi cút cho
người vợ góa còn trẻ trung xuân sắc chưa đầy 4 chục tuổi. Từ đó người mẹ
phải bươn trải nuôi đàn con trong thời chiến tranh hoạn nạn, đói nghèo, cơ cực
với nhiều bất công trong đối xử của họ hàng. Và rồi 6 lần sinh nở nuôi con mà
chỉ còn 3 đứa ở lại với mẹ trong đó có người con thứ ba là nhà thơ Nguyễn
Địch Long. Với cảnh nhà như vậy, Nguyễn Địch Long đã lớn lên bởi sự yêu
thương đùm bọc của mẹ, sự giúp đỡ của người bác rể và những người tốt để
trưởng thành.
Cuốn hồi ký kể tỉ mỉ chi tiết nhiều chuyện của cuộc đời nhà thơ, cuộc đời
mẹ ông và những người xung quanh có ảnh hưởng đến ông. Đặc biệt còn cho
ta biết những chuyện “thâm cung bí sử” của cơ quan công quyền tỉnh. Những

nhân cách tốt – xấu thông qua hành động ứng xử giữa người với người được
kể khách quan, chân thành và đảm bảo người thật việc thật. Đặc biệt một số
lãnh đạo tỉnh liêm khiết, công tâm, tử tế bên cạnh một số vị còn ích kỷ, ghen
ghét đố kỵ, luôn trù dập mang tính thù hằn cá nhân làm thui chột những tài
năng thực sự…
Tuy nhiên trong bài viết này, xin tập trung phân tích 2 nhân vật để lại trong
lòng bạn đọc ấn tượng sâu sắc và ám ảnh nhất. Đó là người mẹ sinh ra nhà
thơ Nguyễn Địch Long và chính bản thân nhà thơ.
Kể về mẹ. Khi chưa ai đọc những dòng hồi ức này, ta đã thấy nhà thơ có
nhiều cảm xúc về mẹ bằng nhiều câu thơ, nhiều bài thơ và cả một tập thơ nhan
đề “Huyền thoại mẹ” được đúc kết nên từ nỗi niềm xót thương chân thành nhất:

Mẹ một đời cuối chợ đầu sông
Lối nhỏ mẹ đi sương rơi mềm lá
Lúc người về
Hoàng hôn sấp ngửa lùi xa
Mẹ chưa một mùa xuân qua
Thăm thẳm bước chân áp vào nắng gió
Mưa xối từng canh/ xuyên mòn mái rạ
Mẹ giấu tiếng thở dài vào đêm… (Lối nhỏ)
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ viết được những câu thơ day dứt xót
xa đó. Có đọc cuốn Hồi ký mới thấy viết như thế chưa thấm vào đâu so với
cuộc đời thật của bà.
Bà là con gái út trong một gia đình có gia phong nề nếp. Nhưng cuộc đời
bà là điển hình về người phụ nữ của thời đại bà sống. Ấy là điển hình về người
vợ thương chồng, nuôi con trong chiến tranh hoạn nạn. Và là điển hình về
người mẹ cơ khổ, đói nghèo và biết chịu đựng vì con.
Thật vậy, chiến tranh hoạn nạn, lấy chồng tài ba nhưng chồng sớm mù
lòa và bệnh tật triền miên không cậy nhờ được gì, đã thế mẹ lại sinh nở nhiều
mà vẫn phải làm quần quật để nuôi cả gia đình. Sáu người con sinh ra, đứa thì
đẻ rơi trong một đêm đông rét thắt ruột bên đường số 5 lúc bà đang đi kéo xe
gạo ra Hà Nội bán, phải lấy tấm khăn quấn làm tã đỡ con, đứa thì bệnh tật ốm
đau, đứa thì sài đẹn không thuốc thang cứu chữa nên đẻ 6 đứa con mà 3 đứa
đã lìa cõi đời, bỏ bố mẹ mà đi, đứa 8 tuổi, đứa hơn 2 tuổi và đứa bé mới một
tháng rưỡi. Những năm tháng tản cư chạy giặc, gia đình phải chia lìa vợ chồng
con cái, mẹ vẫn là trụ cột duy nhất cho chồng con tồn tại. Gánh con đi rồi gánh
con trở về làng. Nhà cháy rụi, chồng ốm nặng không có chỗ nương thân phải đi
ở nhờ. Rồi khi chồng ốm nặng mẹ phải dựng lều ngoài bụi tre đưa chồng ra để
chăm nom săn sóc mà rồi ông vẫn ra đi: “Cha đi giữa mùa đông yên lặng/ nỗi
đơn côi/da diết/ khổ đau/ Cha bỏ lại phía sau/chất lên đôi vài gầy của mẹ”. Nỗi
khổ mất con, nỗi đau mất chồng và nỗi cơ cực gian nan 8 lần chuyển nhà dắt
con chạy giặc ngược xuôi, mẹ như mẹ gà mái xòa cánh tả tơi chở che cho bầy
con yên lành mà chẳng bao giờ nghĩ đến đời mình.

Đúng thế. Đời mẹ nghèo và khổ ngay từ khi về làm dâu phải chịu cảnh
người mẹ chồng nghiệt ngã cay độc. Nấu cơm, nồi cơm phải đáp ứng được
nhu cầu ba đối tượng: Bố chồng ăn nát, mẹ chồng ăn khô còn chồng con và
mình thì cơm thường. Nếu không đạt yêu cầu liền bị mắng chửi đe nẹt. Khi hết
chiến tranh gánh con, dắt chồng về làng, nhà cửa, đất vườn bị anh em nhà
chồng chiếm, hoặc đòi bán đi để chia chác. Lại có một bà cô bên chồng luôn
“như giặc Ngô” bắt nạt chị dâu. Tuy nhiên mẹ vẫn nghiến răng chịu đựng, lặng
lẽ dấu đi nỗi khổ để con yên tâm ăn học thành người. Đói nghèo thế nào cũng
giữ lòng tự trọng không ỷ vào ai. Vì thế ở cái làng quê nghèo, trong căn nhà
nghèo với một bà mẹ góa nghèo nuôi con, ai nghĩ có đứa con học được lên cấp
ba rồi thi đỗ vào trường Đại học? Tất cả là do công lao vĩ đại của mẹ. Ngày con
đi trọ học, mẹ mang gạo tiếp tế nuôi con, nuôi cả 2 đứa bạn con. Ngày con
nhập trường Đại học, mẹ dẫn con đi, đêm con ngã bị cảm, sáng ra đưa con
vào trường mẹ tự tay đưa giấy tờ làm thủ tục nhập học cho con. Việc này ngày
nay quá bình thường, nhưng thử nghĩ 60 năm về trước có một bà mẹ nông dân
nhà quê ít học mà đưa con đi nhập trường Đại học và làm thủ tục giấy tờ cho
con thì bà mẹ ấy bản lĩnh và tự tin thế nào. Rồi khi con tốt nghiệp Đại học, mẹ
lại khuyên con nhận công tác vui vẻ ở Hà Tây là nơi quê đất Tổ họ Nguyễn
Trọng để được thường xuyên về thắp hương cho tổ tiên. Ra trường rồi, kỹ sư
Nguyễn Địch Long vẫn nghèo, mẹ lại vay tiền cho con mua chiếc xe đạp được
phân phối, rồi lấy vợ cho con, chăm con dâu sinh nở và cháu nội, rồi tiễn con đi
chiến trường, đón con trở về… mẹ luôn bám sát, theo bước con như thời còn
nhỏ dại. Tuy nhiên đó là niềm tự hào được mang trách nhiệm làm mẹ của một
người mẹ đích thực. Không phải vì thế mà bà ích kỷ chỉ biết chăm lo đến con
mình. Thương xót con hết lòng nhưng vẫn sẵn sàng đóng góp con cho cuộc
chiến tranh giữ nước. Thấy con trưởng thành thì yêu cầu con lo công ăn việc
làm cho các em các cháu. Đặc biệt khi ông thông gia mất, hai đứa con nhà ông
còn nhỏ, bà đã đứng lên thưa với tang quyến và hứa sẽ giúp con dâu lo cho
các em khôn lớn tiếp tục học hành… thử hỏi một người mẹ như thế, sao nhà
thơ Nguyễn Địch Long không ơn nợ một đời và buồn thương một đời? Và
chính có người mẹ như thế mà nhà thơ Nguyễn Địch Long vượt lên được tất
cả, thành đạt công danh và giàu lòng nhân văn nhân hậu, sống tử tế với đời.
Thật vậy, kiến trúc sư Nguyễn Đich Long mồ côi cha từ khi 5 tuổi. Bản
tính vốn hiền lành nhút nhát lại luôn chứng kiến những mất mát đau thương
của gia đình khiến ông buồn khổ, ít nói từ bé. Cá tính ấy sau này lớn lên ông
trở thành con người khiêm nhường, lặng lẽ, chịu đựng đến nỗi nhiều khi bị coi
thường, bắt nạt. Nhưng ở ông có hai điều nổi bật đáng tự hào, trân trọng. Đó là
học hành rất thông minh, sáng dạ. Lên cấp ba đã đi dạy bổ túc văn hóa miễn
phí, thi đại học đỗ ngay và là người duy nhất cả làng, rất lâu chưa có ai vào đại
học. Khi học Đại học lại rất giỏi. Thứ hai, ông sống tử tế, biết hy sinh, nhường
nhịn và có trách nhiệm cao với công việc, với gia đình. Bởi thế con người như
ông, luôn được tin yêu, tin dùng và tôn trọng. Ra trường được nhận ngay công
việc tại Ty Kiến trúc tỉnh, một năm sau đã được giới thiệu và trúng cử vào Hội

đồng nhân dân tỉnh Hà Tây khóa I. Rồi được giao nhiệm vụ xây dựng công
trình “Hầm chống bom trực tiếp” của các cơ quan đầu não, xây dựng Nhà văn
hóa Trung tâm tỉnh, xây dựng trường cấp 3 Sơn Tây, tổ chức thi thiết kế Rạp
chiếu bóng Nguyễn Trãi…những công việc thử thách buổi đầu sự nghiệp đã
cho ông thêm tài năng kinh nghiệm để rồi khi vào quân đội ông lại được tin
dùng tuyệt đối. Vừa bước vào quân ngũ ông được giao làm Trung đội phó phụ
trách hậu cần, rồi qua thử thách ở chiến trường Quảng Trị ông được điều về
Ban Công binh sư đoàn 304 với nhiệm vụ là gấp rút xây dựng một hội trường
lớn với 800 chỗ ngồi phục vụ lễ mừng công của Sư đoàn. Hoàn thành tốt nhiệm
vụ xong, ông được Phó tư lệnh Quân đoàn II Hoàng Đan điều lên theo và giao
cho xây Khu chỉ huy tác chiến Bộ tư lệnh Quân đoàn và Hội trường Quân đoàn
trên sông Ba Lòng…mà người trực tiếp giao nhiệm vụ là Tướng Hoàng Văn
Thái – Bộ Tư lệnh B5. Tất cả công việc ấy, Kiến trúc sư Nguyễn Địch Long đã
làm tận tâm tận tụy, gian khổ như một chiến sĩ chiến đấu trực tiếp ngoài chiến
trường.
Khi chiến tranh kết thúc, cấp trên có ý mời ông ở lại quân đội và thăng
hàm vượt cấp, nhưng bản tính ông là con người không ham hố danh vọng
chức quyền, ông xin trở về hậu phương với vợ con và làm đúng chuyên môn
được đào tạo. Chính vì nguyện vọng chân chính đó mà sau này, tỉnh Hà Tây
được nhờ ông rất nhiều công trình xây dựng. Niềm tin đầu tiên là Tỉnh đề bạt
ngay, không hề đắn đo là giao cho ông chức Trưởng phòng Đầu tư Xây dựng
cơ bản thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Tỉnh. Từ đó rất nhiều công trình kiến
trúc trọng điểm của Tỉnh được ông trực tiếp thiết kế và chỉ đạo xây dựng. Khi
được đề bạt chức Phó Giám đốc Sở Xây dựng phụ trách Khối Vật tư xây dựng
ông đã có công tìm tòi nguồn nguyên liệu, xây dựng nhà máy, công ty sản xuất
vật liệu xây dựng, trong đó ông đã thành công xây dựng nhà máy xi măng Sài
Sơn thành đơn vị anh hùng lao động: “Nhóm lửa đốt lò làm nên điều kỳ diệu/
Đất linh thiêng hóa huyền thoại anh hùng”. Cho đến khi nghỉ hưu, kiến trúc sư
Nguyễn Địch Long vẫn đam mê, tha thiết với con đường mình chọn. Ông đã lập
dự án thiết kế xây dựng công trình Cổng làng Vạn Phúc hoặc thiết kế phục hồi
chùa Tứ Xá được nhiều người khen ngưỡng mộ. Là một kiến trúc sư đậm chất
thi sĩ, Nguyễn Địch Long đã để đời không chỉ sự nghiệp kiến trúc hạ tầng mà
còn sưu tầm, gìn giữ những giá trị của kiến trúc thượng tầng. Ấy là công trình
nghiên cứu Cổng làng Hà Tây, là bộ sách “Hồn Việt thi ảnh” có 41 bức ảnh và
39 bài thơ minh họa đã gây ấn tượng với rất nhiều bạn đọc.
Như vậy, cuộc đời kiến trúc sư Nguyễn Địch Long bây giờ nhìn lại những
năm tháng đi qua được kể trong hồi ký, ta thấy ông nhiều đau khổ đắng cay
nhưng đã đạt được vinh quang đáng tự hào. Nhiều gian nan thử thách nhưng
đã vượt qua, thành đạt bằng chính sức lực mình. Có bất hạnh trong cuộc đời
nhưng cũng có nhiều người tốt chở che, an ủi. Đặc biệt ông may mắn có người
mẹ từ tâm nhân hậu luôn mẫu mực đi bên dạy dỗ con “Nửa đời góa bụa/ Mẹ
nuôi con thành người”, có người vợ thủy chung, đảm đang tần tảo cùng chia sẻ

buồn vui mà ông ơn nghĩa một đời: “Đối với vợ, tôi chưa bao giờ phản bội em” (
trang 358)
Và đúng thôi, ông sống bao dung nhân hậu với đời, biết làm những điều
thiện nghĩa thì đời cũng đem lại cho ông những điều tốt đẹp hôm nay.
Như vậy, “Năm tháng cuộc đời” không chỉ đơn giản đúc kết cuộc đời
một con người mà còn gửi lại cho con cháu đời sau biết những gì ông bà cha
mẹ đã trải qua, biết cái giá đánh đổi để có ngày hôm nay cho con cháu, biết
nâng niu giá trị những người đi trước dành lại cho mình… Đặc biệt với những
bạn bè văn chương, cuốn sách là kho vốn sống để nuôi cảm xúc cho thơ, là lời
giải mã cho câu hỏi: Vì sao nhà thơ Nguyễn Địch Long giàu cảm xúc, sống vị
tha nhân hậu và viết rất chân thành về mẹ và cuộc đời ông?

Thanh Xuân, đêm 4/10/2023
Nguyễn Thị Mai

hoamuop

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 31
Trong ngày: 434
Trong tuần: 1125
Lượt truy cập: 435898
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.