Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

MƯỜNG LÒ DU KÝ (Kỳ 4)

Cầm Sơn

MƯỜNG LÒ DU KÝ

(Kỳ 4: Chiều 23 & Ngày 24/5/2023 – Chiến khu Vần; Hồ Thác Bà)

    Chiều ngày 23/5, sau khi dùng cơm trưa tại thị xã Nghĩa Lộ, xe đưa đoàn trở về thành phố Yên Bái. Trên đường đi, đoàn ghé vào thăm di tích lịch sử cấp Quốc gia – Nhà ông Trần Đình Khánh, đây là Trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến đầu tiên của tỉnh Yên Bái tọa lạc tại làng Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, một trong 4 điểm di tích gồm Hang Dơi, đình Chung, gò cọ Đồng Yếng nằm trong Cụm di tích lịch sử Quốc gia Chiến khu Vần được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia ngày 4/9/1995.

     Ông Trần Đình Khánh là Chánh tổng Lương Ca, huyện Trấn Yên làm việc dưới chính quyền cai trị của Pháp. Ông là người có tư tưởng tiến bộ, yêu nước thương dân, bất mãn với chế độ bóc lột của thực dân Pháp. Được các cán bộ Việt Minh giác ngộ, với tầm ảnh hưởng của mình, ông đã vận động nhân dân trong vùng tham gia Đội du kích Âu Cơ, quyên góp ủng hộ lương thực, thực phẩm, tiền vàng, vũ khí cho kháng chiến. Bản thân gia đình ông ủng hộ cách mạng hàng chục tấn thóc gạo, cùng nhiều trâu bò, tiền bạc và dùng ngôi nhà của mình làm căn cứ hoạt động của Việt Minh, trở thành địa điểm tiếp nhận sự quyên góp, ủng hộ của nhân dân cho kháng chiến, là nơi tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của Đội du kích Âu Cơ và căn cứ địa cách mạng. Theo chỉ thị của Mặt trận Việt Minh, tháng 9/1945 Ủy ban hành chính kháng chiến được thành lập, với những đóng góp to lớn và uy tín của mình ông Trần Đình Khánh được bầu làm chủ tịch, trụ sở đầu tiên đặt tại nhà ông. Năm 1946, ông vinh dự được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

    Đoàn về nhận phòng nghỉ tại Khách sạn Hào Gia thành phố Yên Bái. 17h30, nhà văn Nông Quang Khiêm đến khách sạn đón đoàn và hướng dẫn đoàn đi thăm Công viên Yên Hòa nằm trên đường Nguyễn Thái Học có diện tích rộng trên dưới 30 héc ta với cảnh quan hồ nước, vườn hoa rất yên bình, thơ mộng. Đặc biệt ở đây còn có khu tưởng niệm các anh hùng dân tộc trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái với lời nói nổi tiếng của lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Nguyễn Thái Học “Không thành công cũng thành nhân”

 Rời công viên Yên Hòa, đoàn tiếp tục được hướng dẫn đến thăm ngôi chùa lớn nhất ở Yên Bái là chùa Tùng Lâm tọa lạc ngay trên bờ sông Hồng lộng gió. Sau đó đoàn về dùng cơm giao lưu với lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Yên Bái gồm có các ông bà Nguyễn Đình Thi – Chủ tịch Hội, Nguyễn Thị Ngọc Yến – Phó Chủ tịch Hội và nghệ sĩ Nhiếp ảnh Thanh Miền.

    Sáng ngày 24 tháng 5 năm 2023, đoàn được xe đưa ra bến cảng Hương Lý lên tàu thăm lòng hồ Thác Bà. Tàu đưa đoàn đi thăm Nhà máy Thủy điện, đảo xanh cho các đoàn viên chụp ảnh kỷ niệm rồi tiến một mạch dài trên lòng hồ. Đoàn được những nhà văn, nghệ sĩ người Yên Bái chỉ trỏ giới thiệu “…Núi Cao Biền, núi Chàng Rể, đền Thác Ông, đền Thác Bà, Đát Ô Đồ, động Xuân Long…”.

     Mỗi ngọn núi, ngôi đền ở đây đều gắn với một truyền thuyết dân gian hay huyền thoại ly kỳ, độc đáo, cảm động về tình người, về ý chí và sức lao động sáng tạo phi thường nhằm chinh phục thiên nhiên của người xưa.

     Riêng đền Thác Bà nằm trên núi Hoàng Thi là đền thờ Mẫu, lễ hội chính vào ngày mùng 8, mùng 9 tháng Giêng hàng năm, người địa phương và du khách tấp nập đến dâng hương hoa thờ cúng.

    Đến một đoạn, khi ấy tôi đứng gần nhà văn Lương Ky thấy ông cứ bần thần khang khác. Tôi hỏi: “Sao thế bác? Đừng nghĩ chỉ là mát, coi chừng gió thổi mạnh cũng bị cảm lạnh đấy!” Nhà văn Lương Ky chầm chậm trả lời: “Dưới chân chúng ta đang đứng, trước kia là làng bản, quê hương nhà tôi đấy!”. Thì ra những ký ức về quê hương không bao giờ có thể phai mờ, kể cả khi nó đã chìm xuống hàng trăm mét nước.

    Tàu dừng tại một quả núi đá vôi thuộc xã Mông Sơn huyện Yên Bình, nơi đây có động Thủy Tiên nhưng phần lớn người dân bản xứ quen gọi là Hang Tỉnh ủy bởi thời ký chiến trang chống Mỹ, hang này được chọn để làm trụ sở sơ tán của Tỉnh ủy và các cơ quan đầu não của tỉnh Yên Bái từ năm 1965 đến năm 1969

    Đoàn được một nhân viên trong Ban quản lý động hướng dẫn đi thăm và giới thiệu động, mỗi vé vào thăm mất 20k cho một người ngoài ra nhân viên này yêu cầu trả phí 100k cho việc ông thuyết minh. Mặc dù thăm Hồ Thác Bà rất thú vị nhưng khi vào thăm động này thì cũng cần phải nói mấy điều. Việc khai thác lợi thế để phát triển du lịch là điều nhất thiết phải làm cho tốt. Lấy những truyền thuyết dân gian, thần thánh hóa cho di vật là điều ở đâu cũng làm nhưng không thể cứ nhặt bừa các truyền thuyết hoặc bịa ra không có căn cứ làm lệch lạc nội dung, không mang tính tuyên truyền, giáo dục hoặc quá sống sượng, lộ liễu. Những truyền thuyết cho nhân viên hướng dẫn du lịch thiết nghĩ phải được người có chuyên môn, tốt nhất là các nhà văn xem xét và chỉnh lý lại, sau đó cơ quan quản lý Văn hóa phê duyệt thì mới được làm câu chuyện cho hướng dẫn viên sử dụng. Ở đây, ông bạn hướng dẫn viên kể các câu chuyện nhiều chỗ khó có thể nghe được: Ví dụ như “…đây là kho báu của Công chúa đựng các văn bằng chứng chỉ…”. Thời tiền sử của loài người, khi ấy loài người còn chưa có chữ viết thì lấy đâu ra văn bằng, chứng chỉ… Chúng tôi nghe một lúc thấy “đau cái lỗ tai” quá đành bỏ đi ra ngoài cửa động. Hoặc những nhũ đá mới được đắp lại bằng ciment cát trông lộ liễu. Đành rằng việc này cũng cần phải làm nhưng nhất thiết là phải do bàn tay của nghệ nhân thực thụ làm cho nó giống như nhũ đá thật chứ người đến thăm phát hiện ra nó là giả thì thật là “lợi bất cập hại”.

      Ngoài ra, ở phía ngoài cửa động có một ngôi đền mang tấm đại tự và đôi câu đối bằng chữ Hán, Tấm đại tự ghi: “Thủy tiên Sơn Động” ( ) Câu đối ghi: “Thủy tiên động thiên niên cổ tích – Hồ Thác bà vạn đại truyền lưu” (仙洞千年古蹐 - 湖托婆) Ai cũng có thể hiểu ngôi đến này chỉ mới được xây dựng sau khi có hồ thủy điện Thác Bà vì khi chưa có hồ thì nơi đây nằm trên một đỉnh núi cao làm gì có Thủy động. Nên việc viết hoành phi câu đối bằng chữ Hán đã không nên, nhưng cũng còn có thể chấp nhận, có điều đã viết thì nên viết cho đẹp và cho đúng. Tôi có nhận xét là chữ viết rất non, hai là chữ “lưu” chưa hiểu đúng. Theo nội dung mấy chữ cuối câu đối là”…Thiên niên cổ tích” đối với “Vạn đại truyền lưu” thì chữ lưu ở đây phải là (lưu truyền, lưu giữ) chứ không thể viết ( – lưu thông, dòng chảy).

   Vài ý kiến nhỏ đóng góp, Thiết nghĩ ngành Văn hóa của huyện Yên Bình và tỉnh Yên Bái cũng nên tham khảo ý kiến của khách thập phương để xây dựng các tou du lịch trên lòng hồ hoàn thiện hơn.

    Rời Hang Tỉnh Ủy, chúng tôi được con tàu đưa sang một hòn đảo đối diện có ngôi nhà sàn lớn dựng trên đỉnh đồi là một nhà hàng phục vụ ăn uống. Ở đây chúng tôi còn gặp một đoàn đi trên một con tàu riêng người dân tộc Dao ở xã Đại Sơn huyện Yên Bình cũng cập bến vào nghỉ dùng cơm trưa. Hỏi thì được biết không do đoàn thể nào tổ chức mà đoàn do bà con hàng xóm rủ nhau đi chơi thôi. Chứng tỏ đời sống bà con ở nới này cũng rất khấm khá. Trong đoàn duy chỉ có một bà tên là Bàn Thị Khé 58 tuổi ăn vận trang phục của người Dao. Theo đề nghị của tôi, bà Khé đã hát một bài hát bằng tiếng Dao.

    Sau khi dùng cơm trưa, đoàn lên tàu quay về cảng Hương Lý, lên xe trở về Hà Nội. Kết thúc chuyến công tác thăm vùng đất Mường Lò dưới ánh nắng tháng 5 gay gắt ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người nhưng được khám phá những miền đất lạ nên ai cũng vui vẻ, không ai tỏ ra mệt mỏi. Một chuyến đi bổ ích và thú vị.

                                                                                             C.S

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 32
Trong ngày: 392
Trong tuần: 1096
Lượt truy cập: 435832
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.