Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

MƯỜNG LÒ DU KÝ (Kỳ 3)

MƯỜNG LÒ DU KÝ

(Kỳ 3- Ngày 22 và sáng 23/5/2023 – Suối Giàng; Mù Cang Chải)

  Sáng ngày 22 tháng 5 năm 2023, xe đưa đoàn lên thăm Khu du lịch sinh thái Suối Giàng. Nắng, chao ôi là nắng, nắng trắng đồi, trắng núi, trắng cả những cây chè cổ ở vườn chè. Thực ra ở Suối Giàng có nhiều điểm để thưởng ngoạn nhưng vì trời quá nắng nên chúng tôi không đi đâu được xa, chỉ loanh quanh khu đồi chè cổ thụ và Đồi sim là hết buổi sáng.

  Suối Giàng là một xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm cách trung tâm huyện lỵ Văn Chấn 12 km về phía Bắc, với diện tích tự nhiên 5.922 héc-ta, bao gồm 4 tộc người cùng cư trú là người Mông, Kinh, Dao, Tày, trong đó người Mông chiếm 98,5%, còn lại các dân tộc khác chiếm gần 2%. Do vậy, các giá trị văn hoá dân gian truyền thống của đồng bào Mông nơi đây còn lưu giữ được nhiều yếu tố cổ truyền độc đáo. Đây chính là sự khác biệt, tạo cho Suối Giàng có tiềm năng để trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái của vùng phía Tây nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.

  Suối Giàng nằm ở độ cao 1.371 mét so với mực nước biển nên nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm. Chính vì vị trí địa lý như vậy nên cây chè là một đặc sản không những nổi tiếng trong nước mà kể cả người nước ngoài cũng biết đến trà Suối Giàng. Nếu để ý ta thấy tất cả những thương hiệu trà nổi tiếng đều là những vùng đất có độ cao lớn như chè Mộc Châu, chè Thái Nguyên, chè Hà Giang, chè Bảo Lộc…và xa hơn nữa là chè Long Tỉnh (龍井茶) một loại trà nổi tiếng thế giới của Trung Hoa cũng là vùng núi cao thuộc Hàng Châu tỉnh Chiết Giang. Có lẽ ở trên cao, cây chè đã tích tụ được vị của đất, hương của trời để rồi ngấm ra cống hiến cho đời thứ nước sánh vàng chát ngọt, ngất ngây mê đắm lòng người. Ở Suối Giàng còn có nhiều loại đá quý dùng để chế tác các vật dụng như bàn ghế, giường sập và các đồ mỹ nghệ phong thủy. Ngoài cây chè, Suối Giàng còn có cây quế cũng là một cây kinh tế mạnh của vùng đất. Tôi đã đến Suối Giàng nhiều lần nên được biết ở đây cũng có nhiều nghệ nhân người Mông rất giỏi thổi sáo, thổi khèn. Tôi đã từng được nghe một thanh niên người Mông tên là Sùng A Mạnh phục vụ ở quán trà thổi sáo không kém gì những nghệ sĩ chuyên nghiệp thực thụ. Tôi có hỏi một cháu gái thì được cháu trả lời: “Hôm nay nắng nóng ít khách, anh Mạnh ở nhà. Nếu chú thích thì để cháu gọi anh ấy ra!”. Tôi chưa nghỉ qua đêm ở Suối Giàng nên không biết tại đây có đội văn nghệ biểu diễn dân ca, dân vũ sắc tộc người Mông phục vụ khách nghỉ lại không? Nếu chưa có thì theo tôi cần phải có như nhiều bản làng người Thái khác ở vùng núi Tây Bắc, có như vậy mới thu hút được khách nghỉ lại và khách có lưu lại lâu thì mới bán được nhiều hàng.

  Sau khi dùng bữa cơm trưa tại Nhà Trung tâm Ngôi làng Hạnh phúc (Nahi Village) xe xuống núi và đưa đoàn ngược lên Mù Cang Chải. Đoàn dừng lại nghỉ ngơi, chụp ảnh tại điểm bay dù lượn đèo Khau Phạ và điểm có bia tưởng niệm đội du kích Khau Phạ. Tại điểm bay dù lưng chừng đèo Khau Phạ có một khu nhà làm dịch vụ của một hợp tác xã dịch vụ du lịch. Ở đây có phục vụ nước uống, bán các thứ hàng đặc sản địa phương, có bể nuôi cá tầm, cá hồi phục vụ ăn uống và có cả nhà nghỉ.

  Khau Phạ là một con đèo cực kỳ quanh co hiểm trở với những vách núi dựng đứng chênh vênh, thuộc địa phận của tỉnh Yên Bái. Khau Phạ cũng là điểm phân chia ranh giới giữa huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải.

  Đèo Khau Phạ, cùng với đèo Pha Đin, đèo Ô Quy Hồ, đèo Mã Pì Lèng là “tứ đại đỉnh đèo” của vùng cao Tây Bắc. Đèo Khau Phạ có chiều dài khoảng 30km, ở độ cao 1.200m. Theo tiếng dân tộc Tày, đỉnh núi này có nghĩa là “Sừng Trời” - chiếc sừng núi nhô lên tận trời.

  Đoàn được bố trí nghỉ qua đêm tại một nhà nghỉ ở thị trấn huyện lỵ huyện Mù Cang Chải.

  Sáng ngày 23 tháng 5, sau khi ăn sáng tại thị trấn phố huyện, xe đưa đoàn đến La Pán Tẩn. Tại đây, mỗi người muốn lên chụp ảnh ngắm đĩa mâm xôi trên đỉnh đồi phải thuê xe ôm đưa lên. Khác với những năm trước, đường đi lên đỉnh đồi nay đã được dổ bê tông nên đi lại an toàn hơn. Trước đây, tôi đã ngồi sau một xe máy của đội xe người Mông đi lên đỉnh trong một ngày mưa đường đất trơn trượt rất nguy hiểm. Những bánh xe được quấn bằng xích xe máy để bám đường. Đường mòn có những rãnh bị nước chảy khoét rất sâu nhưng đội xe gồm những thanh niên người Mông vẫn đi lại ào ào, ngồi phía sau xe nhiều khi lạnh ớn gáy. Ngày nay theo như chú lái xe đèo tôi nói thì mỗi nhà trong thôn được cử một xe phục vụ, vì vậy có cả phụ nữ địu con đi làm xe ôm chở khác. Mỗi khách được chở lên đỉnh rồi lại chở về có giá quy định của xã là 80k. Đôi khi có xe chở luôn hai người lấy 160k. Mùa này ruộng đã gặt xong nhưng chưa đổ ải lấy nước để chuẩn bị cấy nên không có ảnh đẹp. Nếu khoảng nửa tháng sau, khi nước được lấy về ruộng thì sẽ có ảnh đẹp hơn. Nhưng thôi, dù sao thì cũng đã lên đến La Pán Tẩn, không nháy một cái hình ruộng mâm xôi thì cũng thấy áy náy. Vì vậy, mọi người trong đoàn đều thuê xe chạy lên đỉnh đồi chụp ảnh.

  Rời La Pán Tẩn, xe đưa đoàn về trở lại thị xã Nghĩa Lộ dùng cơm trưa. (Còn nữa)

                                                                                                                                     C.S

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 36
Trong ngày: 370
Trong tuần: 1075
Lượt truy cập: 435800
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.