Nguyễn Nhuận Hồng Phương
MÙA XUÂN NÀY EM HÁT (Tặng Trực)
1/
Rõ ràng là điều đó không nên, không đúng, nhưng chẳng hiểu sao Kiều Dung không cưỡng nổi cái nhìn của người đàn ông ấy. Cái nhìn như xé toạc không gian thầm kín của nàng; cái không gian từ lâu đặc quánh, tối om như hũ nút, chằng chịt thứ mạng nhện của sự sắp đặt nghiệt ngã dành cho người đàn bà sống trên nhung lụa, trong ngôi biệt thự được vây kín thứ đạo đức hoang dại đặc trưng của thời hiện đại...
Tiếng chuông cổng dứt Kiều Dung ra khỏi dòng suy tư tản mạn, nàng đưa mắt nhìn màn hình Ca – me - ra: vài ba khuôn mặt đàn ông hiện ra.
- Vẫn là nhóm người mấy hôm trước đó đến thưa bà - Người đàn bà giúp việc nhanh nhảu noi - Đám người này dai gớm! Thưa bà, có tiếp hay cứ sao y bản chính ạ?
Kiều Dung xòe bộ móng tay vừa được chuốt mầu óng ánh:
- Chị cứ trả lời là tôi không có nhà - Nhưng khi người giúp việc cầm ống đàm thoại lên nàng phẩy tay - Thôi, chị ra mở cổng cho họ vào rồi chuẩn bị pha nước tiếp khách.
2/
Nàng ngỡ ngàng vì dẫn đầu tốp người là anh. Nhưng trái với hình ảnh của một tài xế mặc đồng phục màu thiên thanh của hãng tat - xi quen thuộc: Tươi tắn, mạnh mẽ, nhanh nhẹn, lịch thiệp, tế nhị và cởi mở. Hôm nay anh như người lột xác, toàn bộ khuôn hình tỏ ra mô phạm; từ bộ quần áo bộ đội được sơ vin nghiêm cần đến nét mặt khô cứng, tay cầm cặp, bước từng bước đĩnh đạc, dứt khoát... Nhìn động thái của anh, Kiều Dung chợt hiểu ngoài làm nghề lái tat - xi anh còn “có chân” trong chính quyền địa phương mà nàng chưa biết. Thấy thái độ của anh vậy, nàng cũng làm tỏ vẻ như không quen, mở miệng chào khách rồi rót nước mời.
Đón chén nước nàng đưa, anh nói lời “Cảm ơn” nhưng không uống mà đặt chén nước xuống bàn, đưa mắt ra hiệu cho mọi người rồi mở cuốn sổ trịnh trọng, nói:
- Thưa bà Kiều Dung, chủ hộ ngôi biệt thự số 1 thuộc tổ 5 phường 9. Căn cứ vào tinh thần cuộc vận động “Mùa xuân cho mọi nhà” do Mặt trận Tổ quốc phát động. Hôm nay anh em chúng tôi đến gặp bà về việc quyên tiền giúp đỡ cho các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn ở biên giới và hải đảo. Vậy rất mong được bà hưởng ứng.
- Xin lỗi các vị - Kiều Dung nhoẻn cười, đôi môi tô son hé nở như nụ hoa hồng và thanh âm đáp lại thoát ra êm nhẹ như một lời ru - Chỉ có mỗi việc ấy mà phải để các vị vất vả, tôi thật có lỗi. Vậy số tiền phải đóng góp là bao nhiêu xin các vị cứ cho biết ạ.
- Thưa bà - Người cán bộ đi cùng đoàn mở bản danh sách thu tiền chìa ra - Việc ủng hộ là tuỳ tâm mỗi người, chứ không đóng khung đâu ạ.
Kiều Dung rút ví ra nhưng phân vân chưa biết đưa bao nhiêu, nàng nhìn anh cầu cứu. Anh khẽ gật đầu:
- Trong khu phố ta, hộ đóng góp cao nhất là một trăm ngàn còn hộ thấp là mười ngàn. Việc ủng hộ không bắt buộc mà tuỳ tâm theo khả năng của mỗi gia đình.
Lời anh nói như gỡ được cái khó, Kiều Dung mở ví rút tờ tiền mệnh giá năm trăm ngàn đưa cho người cán bộ thu ngân:
- Thôi thì nhiều, ít cho tôi ủng hộ ngần này, gọi là có tý chút...
- Thay mặt Ban vận động quyên góp, cảm ơn bà - Đợi cho người cán bộ thu ngân nhận tiền, vào sổ xong anh nói - Thưa bà Kiều Dung, hôm nay ngoài việc đến quyên tiền cho phong trào “Mùa xuân cho mọi nhà”, anh em chúng tôi đến đây còn muốn nhắc nhở gia đình về việc chấp hành nội quy của tổ dân phố cũng như của Uỷ ban Nhân dân phường đã ban hành…
Suýt phì cười vì thái độ vờ không quen biết và trịnh trọng của anh, nàng ngước đôi mắt trong veo nhìn anh:
- Vâng, có gì xin ông cứ nói ạ.
- Kể ra cũng không có gì to tát cả - Anh vê vê chén nước trong tay - Nhưng theo sự phản ảnh của quần chúng, thì kể từ ngày bà chuyển về đây, mặc dù loa đài của tổ thông báo nhưng chưa một lần nào bà đến Nhà Văn hoá sinh hoạt cùng với bà con trong tổ. Ngoài ra, tôi nhận được ý kiến cho rằng bà… - Chợt anh nhận ra từ ánh mắt của nàng có ý thầm trách, anh vội chữa - Tôi cũng đã giải thích cho mọi người thông cảm, vì bà là hoa khôi của thành phố, nên công việc bận, chứ không phải là cố ý không tham gia.
Ánh mắt Kiều Dung nhìn anh có ý cảm ơn, nàng xoa tay, nói:
- Thật có lỗi với chính quyền và nhân dân trong tổ. Tôi xin nhận khuyết điểm và hứa từ nay sẽ tham gia đầy đủ các phong trào của tổ.
3/
- Không tham gia, đóng góp gì hết! - Đó là câu trả lời của gã đàn ông khi Kiều Dung thuật lại chuyện cán bộ tổ đến vận động và nhắc nhở - Để rồi anh phôn cho Chủ tịch phường, hỏi xem thằng tổ trưởng mặt ngang, mũi dọc nào mà dám đến quấy nhiễu người đoạt vương miện cuộc thi “Người đẹp thành phố” của anh? Vớ vẩn! “Nước ngập chó nhảy lên bàn thờ”. Từ nay đứa nào đến quấy rầy em cứ bảo anh, anh sẽ cho nó về vườn…
Nàng nhăn mặt khó chịu về cách xưng hô miệt thị và cách ví von của gã. Nàng gỡ bàn tay của gã đặt trên hông nàng ra, nhưng gã phản ứng lại bằng cách quàng tay ôm nàng vật xuống ghế xô - pha, ghì riết…
- Thôi anh… - Nàng rên rỉ.
- Ơ… - Gã đàn ông nhỏm dậy - Theo “hợp đồng” thì hôm nay là “Đêm làm tình nghệ thuật” cơ mà… sao em lại giảm nhiệt vậy?
Nghe hai từ “hợp đồng” lạnh tanh của gã nàng rùng mình. Nhưng nàng đành chịu vì theo thoả thuận giữa hai người: trong một tuần gã đến với nàng hai buổi trưa và trọn một đêm thứ sáu. Hai buổi trưa gã “làm tình” với nàng theo kiểu “truyền thồng”, nghĩa là như vợ chồng; còn đêm thứ sáu gã và nàng “mây mưa” theo kiểu hoang dại mà gã gọi đó là “Đêm làm tình nghệ thuật”.
Để cho “Đêm làm tình nghệ thuật” nhiều màu sắc, buổi chiều, gã lái chiếc xe Lam – bo – ghi - ni màu hoàng kim đưa Kiều Dung đến dùng bữa ở khách sạn nổi tiếng trong thành phố. Ăn, uống xong gã đưa nàng trở về biệt thự và cuộc biểu diễn “Đêm làm tình nghệ thuật” bắt đầu. Trong tiếng nhạc du dương, gã nghiêng người chìa tay điệu bộ mời nàng nhảy. Cả hai quấn lấy nhau tha thướt, lả lướt theo tiếng nhạc; gã vừa nhảy vừa cởi váy áo của nàng ném xuống sàn nhà; cho đến khi vừa cởi hết thì bản nhạc cũng vừa dừng và cũng là lúc gã dìu nàng đến chiếc giường hình mặt nguyệt xoay từ từ đặt giữa phòng ngủ, bế thốc nàng lên đặt vào giữa tấm đệm trải ga màu huyết dụ. Những tấm gương treo ngược trên trần và xung quanh phản chiếu hình hài một người đàn bà có sắc đẹp mê hồn như bức tượng “Venus” của Nhà điêu khắc Praxteles lột tả thời cổ đại…
- Bữa nay em hơi mệt - Nàng trườn ra khỏi thân xác gã - Để tuần sau em đền được không anh?
- Không được phá vỡ “hợp đồng” - Gã dằn vai nàng xuống, rút tệp tiền đặt lên ngực nàng. - Anh chờ mãi mới đến thứ sáu, chiều anh đi…
4/
Sau “Đêm làm tình nghệ thuật” gã rời khỏi biệt thự. Tiếng máy xe nhỏ dần để lại không gian trong sân những làn khói mỏng như tơ. Kiều Dung ngồi dậy, chiếc giường vẫn đang quay, tấm vải ga nhàu nhĩ, những dụng cụ “hỗ trợ tình dục” nhằm tăng thêm sự hấp dẫn và khoái cảm vứt bừa bãi. Nàng nhợm giọng đổ vật người xuống úp mặt trên gối, hai tay quờ quạng thổn thức, những dòng lệ đầm đìa ứa ra từ đôi mắt đẹp... Nàng cảm thấy lòng trống rỗng, hụt hẫng, chơ vơ giữa ngôi biệt thự sang trọng nhưng câm lặng, vô hồn. Cảm giác bải hoải, ê chề sau một đêm ái ân cuồng loạn ùa về… Thứ tình ái nhầy nhụa, bạo liệt đến tận cùng của niềm đam đắm nhục dục. Nhiều lúc nàng thấy sợ nhưng gã đàn ông thì ngược lại. Với gã việc làm tình với Kiều Dung như một công trình chưa hoàn thiện, ngoài thoả mãn xác thịt, còn là thứ để gã đào bới, phát hiện, khai thác và thi công…
Kiều Dung cảm giác ghê cổ, buồn nôn, cứ trần như nhộng bước vội xuống giường, vào buồng tắm xả nước như muốn gột cho sạch những gì nhơ nhớp vấy trên thân xác nàng. Phải đi thôi - Ý nghĩ xuất hiện trong đầu khi nàng ra khỏi buồng tắm. Nhưng đi đâu thì chưa biết, nhưng chắc phải ra khỏi nhà, nếu không chắc mình sẽ điên mất. Nàng nghĩ vậy rồi cầm máy di động lên, một chút tần ngần nhưng rồi nàng quyết định bấm số…
5/
Cổng biệt thự mở, chiếc tat - xi của anh đỗ sẵn sát lề đường. Nàng cảm giác như anh luôn sẵn sàng có mặt sau khi nghe nàng gọi. Vẫn như mọi khi: Anh gọn gàng trong trang phục màu thiên thanh của hãng tat - xi, khuôn mặt tươi tắn, cặp mắt sáng trong, nụ cười rạng ngời thay lời chào; chờ nàng đến, anh nhanh nhẹn mở cửa xe, đưa tay làm cữ để đầu nàng không va vào khung cửa. Chờ cho nàng ngồi yên vị anh đóng cửa rồi đi về khoang lái.
- Hôm nay em đi đâu? - Anh hỏi sau khi nổ máy xe.
- Anh cứ đi đi - Kiều Dung đáp - Em cũng chưa biết đi đâu cả.
Biết nàng có tâm sự, anh bấm còi, bật xi – nhan xin đường cho ô tô hoà vào dòng xe chạy trên đường. Hôm nay mới là đầu tháng Chạp, mây xám vần vũ vòm trời, gió se lạnh, mưa lay phay nhưng đường phố đã rộn ràng không khí đón xuân. Dọc hai bên phố hàng tết bày la liệt, trên đường những chiếc xe chở cành đào, cây mai và các loại cây cảnh hối hả trên các ngả đường trong thành phố…
- Sao anh không gọi em bằng “bà” như hôm trước - Kiều Dung chợt hỏi - Trông mặt tưởng hiền lành hóa ra đóng kịch khéo nhỉ?
- Anh không đóng kịch - Anh liếc nhìn nàng qua gương chiếu hậu - Đến nhà em là vì công việc của phường. Phải thế vì lúc đấy anh ở cương vị khác, mong Kiều Dung thông cảm…
- Em không thông - Nàng ngúng nguẩy - Không đóng kịch mà lại giấu em?
- Ơ… - Anh ngơ ngác - Anh có giấu Kiều Dung điều gì đâu nhỉ.
- Giấu mình là cán bộ, là Tổ trưởng dân phố - Nàng nguýt khiến vành môi cong lên vẻ đáo để - Lại còn moi móc khuyết điểm để “dìm hàng” người ta…
- À… Tưởng chuyện gì- Anh bật cười - Làm tổ trưởng dân phố chứ tướng tá gì đâu mà khoe.
Kiều Dung ngả người trên đệm, nàng ngắm anh qua gương rồi nhớ đến lần đầu tiên tình cờ gặp anh: Đó là lần nàng đi siêu thị mua đồ. Lúc lên xe máy đi được một đoạn, nàng bị hai tên cướp đi xe máy áp vào giật túi xách, chiếc xe mất thăng bằng, nàng loạng choạng tay lái, chỉ kịp hô: “Cướp…cướp… cướp…”. Từ bên kia đường, một chiếc taxi lao vút ra đuổi theo, đến ngã tư người lái xe cho chiếc taxi chạy ngược chiều đường vòng xuyến đón đầu bọn cướp. Cùng đường, hai tên cướp rút dao vung lên đâm… Nhưng bằng một thế võ thuần thục, người lái xe nhanh chóng quật hai tên cướp gục xuống và giành lại chiếc túi cho nàng.
Lúc chia tay. nàng đưa cho người lái taxi một ít tiền, anh từ chối và nói:
- Nếu cô có lòng muốn giúp đỡ, thì có đi đâu bằng taxi nhớ gọi cho tôi, đó cũng là một cách như vừa trả ơn và vừa giúp đỡ mà.
Từ đó Kiều Dung coi việc đi taxi của anh như một nghĩa vụ; lâu dần anh nghiễm nhiên trở thành lái xe kiêm vệ sĩ của nàng.
- Em cứ định đi mãi như thế này ư? - Anh phá vỡ bầu không khí im lặng trong xe.
- Anh cứ đi đi, hôm nay em bao xe trọn gói mà - Kiểu Dung nói.
- Nhưng đi đâu cũng phải có mục đích chứ? - Anh lắc đầu.
- Mục đích ư - Kiều Dung lơ đễnh nhìn qua kính chắn gió, thầm thì - Anh chẳng thấy em đang sống với mục đích mà cuộc đời này đã dành cho em đấy ư?
Câu nói đượm vẻ chua xót, không khí trong xe lắng xuống, nàng nghe rõ tiếng thở dài của anh. Đời mà anh, có ai đó nói ở đời này có ai cho không ai cái gì đâu. Em cũng vậy, một con bé sinh ra ở vùng quê nghèo, nhờ sắc đẹp được tuyển dụng làm người mẫu rồi được huấn luyện, được bảo trợ để trở thành hoa khôi. Và cái giá trả cho danh vị ấy là những đêm hoan lạc đầy thú tính… Đổi lại, em có tiền gửi về cho cha mẹ bớt khổ, cho những đứa em được cắp sách đến trường… Biết làm sao được, phận đàn bà ở thời nào cũng nhiều nỗi gian truân như kiếp luân hồi vậy. Ngày xưa nàng Kiều bán mình chuộc cha, thì bây giờ em cũng chỉ là kẻ bắt chước thôi. Có chăng, nàng Kiều trước đây bị bán vào lầu xanh, còn em có “hợp đồng” làm “gái bao” sống trong biệt thự sang trọng, vật chất, tiền tài đầy đủ, có kẻ hầu người hạ; với yêu cầu học cách để “làm tình nghệ thuật” thật “đẳng cấp” cho một người có địa vị, có tiền và quyền lực. Người mà chỉ cần một cú phôn cũng có thể đưa anh từ tổ trưởng trở về kiếp thường dân…
6/
- Em muốn đến thăm gia đình anh - Kiều Dung đột ngột đề nghị.
Anh không đáp, cho xe chạy đến vòng xuyến ngã tư thì quay lại, qua mấy phố chính đến đầu biệt thự của nàng thì rẽ vào một con ngõ nhỏ rồi dừng lại. Kiều Dung ngỡ ngàng:
- Thế ra nhà anh ngay đằng sau biệt thự em ở à?
- Đúng rồi, “gần nhà xa ngõ” mà em - Anh nói rồi tắt máy, xuống xe mở cửa cho nàng - Em thông cảm, nhà anh ở tận trong cùng ngách này cơ.
Quả thật Kiều Dung chưa bao giờ nghĩ ở giữa thành phố lại có cái ngách quá nhỏ, lối đi vừa bé, vừa hẹp, vừa sâu như vậy. Đường đi chật chội, nhà cửa lồi ra thóp vào, có chỗ phải nghiêng người nhường cho người đi ngược chiều. Nàng buột miệng:
- Thế này mà anh cũng ở được thì em chịu.
- Ngách này toàn là nhà cổ, có lịch sử mấy trăm năm rồi. Vì vậy Nhà nước giữ lại làm Di sản Văn hóa - Anh nói - Giá trị truyền thống thì lớn nhưng giá trị sử dụng thì… - Anh dừng lời vì chưa tìm được từ miêu tả.
Đến cuối ngõ, cùng lối thì tới. Ngôi nhà một gian hai trái, lợp ngói mũi, rêu mọc xanh rì, vách tường hở ra từng hàng gạch xây đỏ loét. Anh mở cửa, vén mành che cửa lên
- Mọi người đi đâu vắng hết hả anh? - Nàng hỏi.
- Nhà anh neo người, có hai vợ chồng thôi mà - Anh đáp.
- Thế chị đâu hả anh? – Nàng hỏi.
- Vợ anh ở trong này - Anh mở cửa buồng, gọi - Mình ơi, hôm nay nhà ta có khách quý đến chơi em à.
Kiều Dung sững người nhìn thấy khi bước vào: Trên giường, người phụ nữ nằm bất động, chăn trùm kín ngực, hở ra một khuôn mặt da bợt bạt như người bị ngâm nước lâu ngày. Kiều Dung lắp bắp:
- Vợ… vợ… vợ anh đấy ư?
- Ừ, vợ anh đấy. Cô ấy bị tai biến đột quỵ 9 năm rồi - Anh lấy ghế cho Kiều Dung ngồi rồi vén mép chăn lên ngồi cạnh vợ, thủ thỉ - Để anh giới thiệu cho em biết nhé: Đây là cô Kiều Dung, hoa khôi của thành phố và là hàng xóm với nhà mình đấy em à – Anh lấy tay vuốt những sợi tóc vương trên trán vợ và nói như tâm sự, giọng vỗ về, an ủi - Trước đây em cũng xinh đẹp kém gì hoa khôi đâu nhỉ, vừa xinh đẹp lại vừa có giọng hát hay nữa. Anh nhớ hồi ấy mỗi khi tết đến, xuân về. Dân phố tổ chức đón giao thừa em lại xung phong lên hát. Vậy mà bây giờ phải nằm một chỗ thế này chắc em nhớ lắm phải không?
Giọng anh nhẹ như ru, mắt người đàn bà hấp háy, nước mắt ứa ra, dường như chị hiểu được lời của chồng và những sự việc đang xảy ra. Kiều Dung rút khăn thấm nước mắt cho chị rồi hỏi:
- Anh chị được mấy cháu?
- Nếu còn thì năm nay cháu cũng được chục tuổi rồi - Anh âu yếm cầm tay vợ xoa xoa - Lúc vợ anh chửa được sáu tháng thì lâm bệnh phải đưa vào viện. Bác sĩ nói phải mổ để cứu mẹ không thì mất cả hai…
Kiều Dung bàng hoàng, vì sao nhiều nỗi thống khổ nghiệt ngã đè lên vai mỗi kiếp người như vậy. Nàng đứng dậy quay mặt đi then lén đưa tay gạt nước mắt rồi bước đến gần bức ảnh một người con gái mặc áo dài, tay cầm mic đứng trên sân khấu, phía sau là cành hoa đào rực rỡ…
- Bức ảnh ấy là khoảnh khắc lần cuối cùng vợ anh đứng hát trên sân khấu của Nhà Văn hóa của tổ đấy em à - Anh giải thích.
Kiều Dung quay lại bắt gặp đôi mắt anh nhìn nàng; đôi mắt ấy hiển hiện một nỗi buồn xa xăm, gợi nhớ về những hoài niệm của một thời thật đẹp… Nàng bước đến bên giường, cúi xuống nắm lấy tay hai người ấp vào trong tay mình thổn thức:
- Mùa xuân này em sẽ hát.
N.N.H.P