Cầm Sơn
MỘT THOÁNG LƯỚT QUA HUYỆN LĂK
Ngày 07 tháng 6 năm 2023, Phó Giáo sư, tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung hướng dẫn đoàn nghệ sĩ Hội Điện ảnh Việt Nam đến thăm huyện Lăk. Huyện Lăk nằm về phía nam cách thành phố Buôn Ma Thuột trên dưới 60km. Điểm đến đầu tiên là buôn Dơng Băk xã Yang Tao. Chúng tôi được dừng chân trước một ngôi nhà sàn của người M’nông. Do Buôn Krông Tuyết Nhung đã có liên hệ trước nên tại đây đã có một số nghệ nhân toàn là phụ nữ (amí) đã chuẩn bị trước các dụng cụ làm gốm, một nghề truyền thống từ lâu đời nay của người phụ nữ M’nông.
Xã Yang Tao nằm ở cuối nguồn con sông Mẹ - sông Krông Ana phía đông bắc, trước khi hợp lưu cùng sông Cha - sông Krông Nô thành dòng Sêrêpốk hùng vĩ đổ ngược về phía tây. Nơi đây đất đai khá trù phú nhưng quan trọng là dọc sâu các bãi bồi luôn có các vỉa đất sét dẻo mịn.
Tại đây chúng tôi còn được gặp Ythơ Blô là Phó Chủ tịch xã Yang Tao. Theo Ythơ Blô thì Từ buôn Dơng Băk phải đi khoảng 4 km mới đến nơi có đất sét để có thể làm gốm. Hiện bãi đất này xã đang quản lý để dành cho dân lấy đất chỉ để làm gốm, không được sử dụng vào việc khác. Đất sét được các amí đem về dùng chày giã cho đến khi các thớ đất trộn đều, kết dính vào nhau.
Khối đất sét sau khi giã được kéo đều thành từng sợi thuôn dài đường kính to nhỏ tùy theo sản phẩm định làm. Những sợi đất ấy sẽ được cuộn hoặc xếp lại từ thấp lên cao theo hình dạng sản phẩm.
Không dùng đến bàn xoay, các amí chỉ dùng tay hoặc mảnh vải ướt đi vòng quanh, vừa đi vừa miết để tạo hình, miết đều mặt ngoài, mặt trong cho đến khi sản phẩm định hình thì đem phơi. Mỗi một sản phẩm mang một phong cách riêng không cái nào giống cái nào, tùy thuộc tâm tư trí não và đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân trong khoảng thời gian nặn gốm, hình hài của sản phẩm chứa đựng tâm hồn của nghệ nhân và đấy chính là hồn gốm. Sản phẩm được phơi đến khi se lại vừa đủ thì vẽ hoạ tiết rồi sau đó lại tùy vào mục đích sử dụng, có thể sử dụng ngay sau khi phơi khô nếu vật dụng không tiếp xúc với nước hoặc phải đem nung đối với vật dụng tiếp xúc với nước. Muốn tạo màu trước khi nung, các amí chỉ tạo màu khói đen bằng tro mịn đốt ra từ vỏ trấu. Gốm ở Yang Tao nung lộ thiên, chất củi hoặc rơm lên đốt, chỉ tầm 1 - 2 giờ là sản phẩm ra lò. Tại đây, chúng tôi còn được nghe Ythơ Blô giảng giải về phong tục cưới hỏi theo luật lệ mẫu quyền của người dân tộc M’nông tức là người phụ nữ cưới chồng về nhà mình chứ không phải nam giới cưới vợ.
Trước khi lên xe, nhiều người đã mua sản phẩm gốm của các nghệ nhân người M’nông ở buôn Dơng Băk, có người như nghệ sĩ Đường Minh Giang còn mua đến vài ba thứ. Riêng tôi cũng mua một thứ giá chỉ có 100 ngàn đồng nhưng để mang được về đến Hà Nội thì quả là “của một đồng, công một nén” Dẫu sao, nó cũng là vật phẩm đánh dấu một kỷ niệm trân quý đối với vùng đất Tây Nguyên xa xôi hùng vĩ.
Dời buôn Dơng Băk xã Yang Tao, đoàn lên xe tiếp tục hành trình đến hồ Lăk, hồ Lăk là hồ nước ngọt lớn nhất ở Tây Nguyên, lớn thứ hai cả nước chỉ sau hồ Ba Bề ở Bắc Kạn. Hồ Lắk có diện tích khoảng 6,2 km2, nằm ở độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển, với nguồn cung cấp nước chính đến từ con sông Krông Ana. Hồ được bao bọc bởi cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú, mặt hồ phẳng lặng, xanh ngắt, phản chiếu hình bóng của núi rừng, mang đến cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, bình yên và thơ mộng. Sinh sống xung quanh hồ đa phần là người M’Nông đến từ các buôn làng như buôn Jun, buôn M’Liêng, buôn Lê… vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân tộc M’nông. Chính vì vậy mà du khách khi du lịch hồ Lắk, không chỉ được cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên mà còn có cơ hội khám phá những nét đẹp văn hóa.
Theo truyền thuyết được kể lại, sự tích hồ Lắk gắn với chàng dũng sĩ Lắk Liêng – người con dân tộc M’Nông Rlăm. Ngày xửa ngày xưa, trận chiến giao tranh giữa thần Lửa và thần Nước diễn ra rất quyết liệt và kéo dài qua nhiều mùa rẫy, chiến thắng thuộc về thần Lửa đã khiến cho buôn làng M’Nông chìm trong khô hạn. Thế nhưng trong lúc đó, cuộc tình trái ngang giữa cô gái buôn làng và thần Lửa chớm nở, và chàng trai tên Lắk Liêng chính là kết quả của cuộc tình. Lớn lên, Lắk Liêng đã ra đi tìm nguồn nước như một cách chuộc lại lỗi lầm của cha mẹ mình với buôn làng. Chàng đi tìm rất lâu, một hôm tình cờ cứu được con hươu bị mắc kẹt trong khe đá, chàng được chú hươu trả ơn bằng cách dẫn chàng đến một hồ nước rộng và sâu. Dân làng theo chàng Lắk Liêng đến đây sinh sống yên bình, và đây chính là hồ Lắk ngày nay.
Tại đây có nhiều quấy hàng buôn bán đồ gia dụng và quà kỷ niệm, có các dịch vụ du thuyền, thuyền độc mộc hoặc cưỡi voi chụp ảnh giá 200k một lần có thể ngồi hai người.
Số lượng voi ở Việt Nam nói chung và voi Tây Nguyên suy giảm nhanh theo từng năm kể cả voi rừng lẫn voi nhà. Theo điều tra, hiện nay Việt Nam chỉ còn khoảng 124 đến 148 cá thể voi hoang dã. Riêng tỉnh Đắk Lắk, nơi được coi là “thủ phủ” của voi thuần dưỡng, số voi cũng giảm mạnh. Cụ thể, trong thời gian 1979 - 1980 tỉnh Đắk Lắk có 502 con voi thuần dưỡng; Đến năm 2018, con số voi thuần dưỡng của Đắk Lắk chỉ còn 45 con. Trước hiện trạng đó, loài voi đã được Chính phủ đưa vào chương trình bảo tồn, thành lập Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk nhằm hỗ trợ công tác chăm sóc, hỗ trợ sinh sản cho đàn voi. Theo chương trình này, dịch vụ cưỡi voi du lịch đã bị cấm, chỉ được phép cưỡi voi đi loanh quanh vài chục mét chụp ảnh chứ không được phép đi xa dài thời gian.
Đoàn được hướng dẫn tham quan Biệt điện Bảo Đại nằm trên đỉnh một quả đồi trông ra hồ Lăk có nhiều cây cối bao quanh rất yên bình, thơ mộng, dân quanh vùng gọi đây là đồi Bảo Đại. Biệt điện Bảo Đại được xây dựng năm 1951, ngày nay được bàn giao cho ngành du lịch gọi là Bảo Đại Villa. Bảo Đại villa có nhiều phòng hướng ra mặt hồ Lắk, đặc biệt có 6 phòng rất đẹp, trong đó có phòng Vua. Giá phòng thường dao động trên dưới 500.000 đồng một đêm có thể chấp nhận với một túi tiền của người bình dân. Tại đây lại được nghe kể truyền thuyết về hồ Lăk khác cái tôi được nghe trên. Chuyện kể rằng: Ngày xưa, sau cuộc chiến giữa thần lửa và thần nước, một cậu bé người M’nông Rlăm tên là Y Lăk đã bắt được một con lươn nhỏ và đưa về nhà nuôi. Kỳ lạ thay, lươn lớn nhanh như thổi và chẳng bao lâu, vũng nước nuôi lươn đã trở thành một hồ nước rộng mênh mông. Người M’nông từ đó gọi hồ nước này là “Đăk của Lăk”, nghĩa là nước của Y Lăk hay chính là hồ Lắk ngày nay. Dù truyền thuyết có những dị bản khác nhau nhưng tất cả đều tựu chung cho sự tự hào của người dân M’nông Rlăm về hồ Lăk.
Buổi trưa, đoàn được xe đưa về nhà hàng Ngọc Sơn tại thị trấn Liên Sơn dùng cơm trưa. Tại đây, đoàn được H’loan Bdap – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin cùng Chánh Văn phòng huyện Lăk đón tiếp.
Cám ơn Phó Giáo sư, tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung đã hướng dẫn chúng tôi một ngày tham quan thật thú vị. Tiếc rằng không có nhiều thời gian để đi sâu vào các buôn làng của người các dân tộc Tây Nguyên để tìm hiểu thêm về những nét văn hóa độc đáo của họ. Nhưng dẫu sao hai điểm đến trong ngày cũng làm chúng tôi hiểu sâu sắc thêm cảnh sắc, văn hóa và sự hiếu khách của Tây Nguyên. Ngồi trên xe, trên đường quay về thành phố tôi nghĩ: Đến Đăk Lăk mà không thăm nghề làm gốm ở buôn Dơng Băk xã Yang Tao, không thăm hồ Lăk thì chưa gọi là đã đến Đăk Lăk. Rất mong và hứa hẹn sẽ còn có ngày quay lại ngủ, nghỉ và khám phá vài ngày.
C.S
Người gửi / điện thoại