Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

MỘT KẺ ÍCH KỶ

Trần Tâm

MỘT KẺ ÍCH KỶ

           Ông Đao bị tai biến, đưa đến bệnh viện Chợ Cháy chỉ còn thoi thóp. Nghe tin, bà vợ hờ của ông từ Vụ Bản tức tốc đáp xe ra nhà con gái đang công tác cũng gần Bệnh viện vào thăm bố.

            Ông đúng là… không biết nói thế nào! Từ nhỏ ở với bố mẹ tại Quảng Yên, ông theo học ông giáo làng nên cũng biết dăm ba chữ nghĩa. Hồi toàn dân tham gia Phong trào bình dân học vụ, ông được mời làm giáo viên diệt giặc dốt. Vừa làm vừa học, năm 196…, ông được mời giảng dạy ở Hồng Thái, cách nhà bố mẹ hơn bốn chục cây số. Ông cưới vợ. Chị Sa, một người phụ nữ tảo tần, chân thật, mang đầy đủ những tính cách của người phụ nữ Việt Nam xưa. Nhà gần trường. Lấy chồng, chị chăm chỉ làm ăn, biết nhường nhịn. Miếng nạc phần con, miếng ngon phần chồng, không dám so bì tị nạnh.

           Bốn thằng con trai lũ lượt ra đời. Kinh tế thiếu thốn. Toàn dân đều trong tình trạng giật gấu vá vai, ăn bữa hôm lo bữa mai. Lương giáo viên cấp I ba cọc ba đồng. Mọi sự chi tiêu trong gia đình đều nằm trong tay bà. Xã viên Hợp tác thì lấy đâu ra, bà lại tranh thủ thời gian, lặn lội đầu mom cuối bãi, bắt cua cá, kiếm tép tôm về nuôi con. Những đứa trẻ không ốm nhưng quắt queo. Chúng chỉ được cái cao hơn bạn bè đồng lứa nhưng gày gò. Có gì ăn đâu mà chả vậy!

             Còn ông, đã không giúp gì cho kinh tế gia đình lại còn giăng mắc. Ông hứa hẹn gì với gái quê Nho Quan (Ninh Bình) khi cô ấy thực tập ở gần khu trường mà ông đang giảng dạy.

             Ngày ấy, quan hệ ngoài luồng là một tội phải trừng trị. Cơ quan kiểm điểm, xét kỷ luật ông và năm 197…, ông có tên lên đường trong một đợt đi nghĩa vụ.

            Cô Quy - nhân tình của ông - bị đuổi học trong thời gian thực tập - phải theo bạn về Vụ Bản.

              Bà Sa một mình nuôi bốn đứa con, chờ tin tức chồng.

              Bặt vô âm tín hơn mười năm, ông mới được phục viên. Về nhà, sau những ngày nghỉ ngơi, ông lại đi làm việc đâu đâu một thời gian rồi lại về. Bà vợ đã quen nuôi con một mình. Bây giờ con lớn lại phải nuôi ông. Rồi bà lại có thai khi đã gần năm mươi và sinh thêm đứa con gái, đặt tên là cô Út.

            Những khi còn trong quân ngũ, mỗi lần nghỉ phép, nghỉ an dưỡng, ông lại về Vụ Bản nơi cô Quy sinh cơ lập nghiệp. Từ ngày theo về quê bạn nương náu cậy nhờ, Quy được tiếng là chịu khó chịu khổ, làm ăn chân thật nên chính quyền cấp đất, đăng ký hộ khẩu cho. Ông Đao về đấy lại đẻ với cô ba đứa con nữa, hai gái một trai.

             Khi đã chán chê nghe những lời phàn nàn, chê trách của bà con họ hàng lối xóm, ông Đao mới từ Vụ Bản về Hồng Thái. Chính sách đãi ngộ cho những người có công ngày càng được coi trọng. Ông hưởng chế độ thương binh loại 4, hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam… nên cũng đủ nuôi miệng ông.

              Nhưng ông cầm sổ, lĩnh tiền, đưa cho bà Sa bao nhiêu bà biết bấy nhiêu. Còn Quy, từ khi ông đi, cũng mòn mỏi đợi chờ nhưng tuyệt nhiên không thấy ông về lại.

              Khi có trong tay cuốn sổ lĩnh lương hàng tháng, chả rõ nghe ai, ông theo bạn vào tận Thống Nhất - một xã hẻo lánh thuộc huyện Hoành Bồ. Lưu trú ở đấy mấy năm, người ta xếp ông làm tổ trưởng khu dân cư. Lằng nhằng thế nào, ông lại già nhân ngãi non vợ chồng với bà Rẩn - phó ban mặt trận khu.

              Và rồi, sáng nay chả rõ tập tành rèn luyện làm sao, ông bị tai biến.

             Lại nói bà Quy Từ ngày mòn mắt chờ đợi chồng chẳng thấy về, bà nghĩ con cái mình phải có tổ tông, có danh phận. Quy đưa con về Quảng Yên nhận họ. Ở đó, Quy mới biết ông Đao vẫn sống với bà Sa. Nước mắt đợi chồng đã cạn, thôi thì giữ lấy lề. Người có cội, con cái có tổ tông. Bà Quy mỗi năm đều về quê ông Đao trong dịp giỗ tết. Ông trưởng họ cũng làm tròn bổn phận. Mỗi khi bà Quy về, đón tiếp chu đáo, lại còn bố trí chỗ ở, ăn uống đi lại. Có dịp, bà gặp ông Đao. Hai người khóc lóc với nhau rồi tối tối lại ngủ cùng. Ông trưởng họ bàn với mọi người, công khai chuyện này và nói để bà Sa thông cảm, tha thứ cho hai người. Già cóc đế ra rồi. Chuyện sai sót cũng qua đã lâu. Các con cháu thì đông con ngon rau cho vui vẻ. Bà Sa lúc đầu thét thúa, bao nhiêu thứ tục tĩu, rác rưởi, bậy bạ… đổ lên đầu đứa lăng loàn, cướp chồng bà. Bà Quy không nói gì, chỉ rấm rứt khóc, xin chị bỏ qua…

              Rồi mọi việc với bà Sa cũng yên yên. Bốn thằng con đã xong bề gia thất cũng xuôi chèo mát mái. Riêng đứa con út chưa lấy chồng không chịu, không để con mụ mặt dày ngồi ngang hàng mẹ mình.

              Bốn đứa con trai bà Sa cũng đầy đủ. Mỗi đứa một cơ ngơi. Khi nhớ đến ông, chúng gửi gắm khi năm trăm lúc đôi triệu. Mấy đứa con riêng với bà Quy đã chồng con đầy đủ. Chúng ít khi lai vãng nhưng cũng thương ông. Thi thoảng, ông vẫn nhận được tiền vài ba triệu từng đứa. Ông thành người rủng rỉnh tiền bạc. Bà Rần bắt cặp với ông cũng vì lý do ấy.

              Cô Xuyến là cháu họ gần ông Đao nhưng không mặn mà gì. Cô bênh vực bà Quy và kịch liệt phản đối ông. Nhân một dịp nghỉ phép, cô về làng. Năm ấy, Quy lại ra thăm quê chồng hờ. Hai bác cháu nằm, giãi bày tâm sự. Xuyến nói đã sửng sốt khi thấy bác chờ chồng, mong chồng đến độ quầng mắt đen sạm. Rồi những lần bác ra dịp giỗ chạp, chịu khổ chịu nhục thế nào.

         - Nhiều đêm, nghĩ thương bác không ngủ được! Cháu là phận gái, có khổ nhục mấy cũng phải khuấy đạp mà vượt lên chứ không cam phận như bác!

         - Nhưng thời của bác khác! Đã mang tiếng theo giai rồi không dám ngẩng mặt về làng.

         - Bác ơi! Các con bác sinh ra trong dòng họ này. Dòng họ này đã chấp nhận nhưng thấy bác quá khổ, chúng cháu cũng bất bình. Đến kỳ chạp họ, bác giai về, coi bác như người hầu, không bằng người hầu. Tối tối, hai bác nằm chung. Vậy mà đóng chạp, bác trai chỉ đóng suất cho vợ chồng con cái bác ấy. Bác lại phải đóng góp phần bác và những đứa em cháu. Chúng cháu rất bất bình. Sao bác phải sống như thế?

          - Bác chịu đựng quen rồi! Đã lỡ có mặt mấy đứa con với nhau. Người ta một ngày nên ngãi. Đằng này… Cháu biết không? Ngay mấy lần về thăm quê bác gái (ý nói người vợ trước) ở ngay Ý Yên mà ông ấy không thèm ghé về chỗ bác Vụ Bản, không nỡ về thăm quê bác Nho Quan. Thôi thì số kiếp đã vậy. Bác cũng chịu cho qua. Ai gây ra tội thì người ấy chịu. Bác cũng là người phải chịu tội cho các con vui cửa vui nhà.

          - Bác bỏ phứt bác cháu đi! Bác cháu chỉ yêu mỗi mình mình thôi. Sống thế là ích kỷ. Cả hai bác, bác cháu cũng chả yêu gì. Già rồi, bác tự giải phóng lấy mình. Lần nào gặp, bác cứ thẳng thắn, tách bạch hẳn ra, không dây dưa gì nữa. Chúng cháu vẫn tôn trọng, yêu thương bác như thường. Vậy mà bác vẫn cam chịu thì thật lạ. Sống như bác thế thì khổ quá!

          Sau lần ấy, nghe tin ông Đao về ở Thống Nhất (Hoành Bồ), bà Quy có đưa đứa cháu nội ra thăm. Bắt gặp một người phụ nữ trong nhà ra, bà toan hỏi thì trông thấy ông ở phía sau. Vừa nhìn mặt, ông xua bà và cháu như người xua dịch. Bà cay đắng, lặng lẽ đưa cháu trở lại Vụ Bản.     

           Ông Đao bị tai biến. Bà Quy nghe tin, cùng con gái đến bệnh viện thăm ông. Đã trót thì trét, thương nhau chín bỏ làm mười. Bà đã một hai gói lại thành mười. Thấy vắng người săn sóc, để con gái về, mẹ ở lại hai ngày phục dịch ông. Sang ngày thứ ba, cái bà mà bà gặp trong nhà ông tìm đến bệnh viện. Bà nhận ra, đến lúc ấy mới biết tên người phụ nữ ấy là Rẩn.

            Hai người chả chào hỏi gì nhau. Bà lặng lẽ rời bệnh viện. Cái bóng dáng gày gò lủi thủi trên đường ra bến xe nhiều người không quên.

           Từ đó, bà quên ông để sống vì họ hàng chồng hờ và con cháu thật của mình. Một ngày cuối năm gặp lại, cô Xuyến sững sờ khi thấy bà béo khỏe, chắc chắn hẳn ra. Chưa kịp hỏi, cô đã nghe bà hồ hởi:

            - Nghe cháu, bác thôi rồi! Người nhẹ nhõm, thanh thản hẳn đi! Năm nay, cháu có đưa đứa nào về thăm quê không?  

 thamom

  CHUYỆN BUỒN

           Lão An năm nay đã vào tuổi tám mươi nhưng vẫn khỏe mạnh. Cả hai vợ chồng nom thế thôi, gân đùi gân vế chắc như nắm dây chão. Bà con làng xóm âm i xì xèo vậy. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Lão khoe vợ chồng lão trời thương, chả ốm đau gì. Ai già không mong vậy thì chả khác trời đọa, đi lang thang nhặt túi bóng với đá ống bơ.

        Thế mà sáng nay đang yên lành bỗng xôn xao đường thôn xóm ngõ: - Bà An đột tử.

       Tôi ở cách nhà An một dong đất chừng ba trăm mét. Ba trăm mét với phố xá đã là người dưng nhưng đây làng xóm nên cũng biết nhau. Không dễ dàng vay mượn gì nhưng gặp là chào hỏi. Rỗi rãi mời nhau chén trà, một vài câu chuyện bâng quơ rồi cơm ai nhà ấy ăn, áo ai người ấy mặc cho xóm làng đoàn kết và người đi xa (mỗi khi nhớ về) đỡ tủi.

       Ngày còn học với nhau một trường, An hay nghịch ngầm nghịch ác. Trong lớp, bạn bè chênh nhau chục tuổi là thường chứ không như những năm tháng về sau. Mấy chị lớn, áo dài trắng đi học. Học để làm dáng chứ nhiều chị chỉ non tháng đã bỏ lớp, lấy chồng. Chị Sưu mặc áo trắng muốt, đi xe đạp Peugeot màu xanh bạc hà đời 1951. Sáng hôm sau, thày giáo mặt hầm hầm quát mắng mấy đứa học trò hỗn xược. Chúng tôi sợ hãi nhìn nhau, không rõ việc gì. Hóa ra, thằng đểu nào thấy chị ăn mặc đẹp, dùng bút bơm mấy giọt mực đỏ vào yên xe. Tan học vết mực khô, chị không biết, bình thản đạp xe về. Hôm sau, chị khóc lóc, kể lại với thày. Thày trợn mắt quát mắng. Đám học trò im thin thít, nghe rõ cả tiếng mọt nghiến trên xà gỗ.

        Thằng Vui có chiếc áo mới, trắng tinh. Ngày ấy, được như thế là một sự kiện. Chúng tôi chân đất đầu trần. Sách bút cầm tay hay cuộn vào, đi đến lớp. Áo vá dày cộp, anh mặc cộc, bố mẹ sửa lại cho em. Em mặc cộc, lại chuyền cho đứa em sau nữa. Mặc áo mới, Vui lúng túng bước vào lớp. Vậy mà tan học, một vệt mực đặc xịt đổ suốt từ vai nó xuống ngang thắt lưng. Nó khóc như la làng. Chúng tôi lặng nhìn, chỉ sợ có thằng bạn đểu nào vu vạ cho mình. Không ai tìm ra thủ phạm. Mãi chục năm sau, An mới kể. Chính nó đã gây nên chuyện.

         Chuyện lão An kể ra trời cũng lắc đầu. Về hưu rồi, hai vợ chồng tháng mười mấy triệu. Ăn tiêu rủng rỉnh. Có lần, tôi đùa lão:

         - Bác thì vừa ăn vừa xé tiền cũng không hết. Trời lại còn cho sức khỏe phi thường. Khi nào chuẩn bị xé tiền bác gọi em một câu. Em đói khổ, ra nhặt, chắp vá lại may cũng sống được cả tuần.

          - Chú cứ nói thế! Ăn có đủ đâu?

          Lão bẩn tính lắm. Chả biết ngày ở công trường ra sao chứ về hưu, lão bị hàng xóm kêu ca chì chiết. Nhà có hai đứa con trai. Thằng đầu cưới vợ được hai năm. Cô vợ cũng khéo léo nết na. Bên ngoại tặng cho khối của hồi môn. Chuột sa chĩnh gạo, thằng chồng sung sướng quá hóa rồ, mắc vào nghiện hút. Ăn cắp ăn cướp bị bắt giải lên công an nhiều lần. Chưa kịp có con, mắc căn bệnh thế kỷ, nó chết. Vợ về nhà mẹ được hai năm nghe theo tiếng gọi của bạn tình, lấy chồng khác. Thằng thứ hai cưới vợ. Vợ chồng có với nhau một mặt con. Lại đua đòi a dua bạn bè, nó noi gương thằng anh về với đất. Ở cùng vợ chồng lão An không xong, cô vợ bỏ nhà đi làm ăn xa, một mình nuôi con. Đứa cháu dăm bảy tháng cũng tạt về thăm ông bà. Năm nay, nó học lớp 12, bài vở nhiều, ít còn thời gian đến nữa. Lão nhắn gọi con dâu, về cho đất làm nhà. Chả biết khôn dại ra sao, cô ấy không về đã đành mà cửa nhà cũng không lai vãng. Chờ mãi không thấy, lão cắt đất trong vườn bán. Một bà dòng dòng đến mua. Giấy tờ xong xuôi. Đến khi xây nhà mới té ngửa ra. Lão bán đất chứ không bán tường. Lại phải điều đình mãi, mất thêm ba triệu mới được phá tường, mở lối ra. Bà An vào Hội Phụ nữ thôn, sinh hoạt được vài kỳ. Lão ốm khật khừ, nhiều người bảo vờ vịt. Hơn tuần sau, người ta nghe lão rêu rao:

         - Chế độ thăm hỏi vợ chồng hội viên ra sao mà tôi ốm chả thấy ai ghé tới.

         Chị hội tưởng phụ nữ khu phải đến đưa quà, giải thích:

         - Thăm hỏi đau ốm là trách nhiệm của chúng cháu và quyền lợi của hội viên. Chúng cháu xin rút kinh nghiệm.

          Thực ra, tiêu chuẩn thăm hỏi lão không có nhưng vì người cùng khu, chả to tát gì, dĩ hòa vi quý cho xong. Những người chung quanh ai cũng bất bình vì cách hành xử vô lối của lão.

           Thằng Phụng kể với tôi hôm đến nhà An chơi. Chiếc đồng hồ mới mua chả biết vặn vẹo thế nào, rơmanhtoa nhờn, không xoay được. An khoe tay nghề giỏi, cứ để đây, chiều đến lấy.

         - Mày chữa được không?

         - Chuyện vặt! Tao nổi tiếng chữa đồng hồ từ ngày dái bằng hạt ngô kia. Hỏng thế chứ hỏng nữa vào tay tao, xong béng!

         Tin tưởng, Phụng để đồng hồ lại, về ngang đường. Gặp tôi, hắn kể. Tôi bảo:

         - Khổ thân mày rồi! Nó học lái máy khoan ba chục năm thì có chứ biết gì đồng hồ. Lấy ngay lại, mang ra thợ mà sửa. Từ bé đến giờ, mày có nghe ai nói lão An chữa đồng hồ không?

             Phụng không tin hay vì nể bạn, chờ quá chiều, tìm đến nhà An:

            - Đồng hồ tao đâu?

            - Tao mang cho thợ! Thợ nó bảo hỏng. Đồng hồ thế còn đeo làm gì? Tao vứt mẹ nó vào bụi rồi. Mày có tiếc thì ra mà cầm về?

            - Bụi nào?

            - Bụi bên đường chứ bụi nào?

             Nhà tôi gần suối. Mỗi mùa mưa tới, nước chảy vô tội vạ. Đất đá phi ầm ầm như voi hoang. Tôi kè cho nước không xô xoáy vào vườn. Còn đang loay hoay xoay xở vật liệu đã nhận giấy gọi ra phường làm việc. Một tên mả mẹ nào nói tôi lấn đất, phát đơn đến cơ quan công quyền. Tôi nói chính quyền đến mà đo, thừa bao nhiêu cứ thu làm quỹ tập thể. Lão An đợi tôi về, ghé hỏi. Tôi trình bày cho lão nghe. Lão chửi:

           - Chúng nó lại đòi đút lót đây mà. Cứ chi cho chúng dăm triệu là êm!

           - Êm gì mà êm? Đất nhà em. Của đau con xót!

           - Chúng nó giờ quyền hành, làm ăn nhăng nhố lắm. Chú không nghe một người làm chuồng gà mà phải lên tỉnh đệ đơn mấy lượt đấy ư? Đúng là ngồi mát, toàn nghĩ ra những việc lôi thôi. Chỉ có dân là khổ. Chú xem nộp cho chúng vài ba triệu. Không cần ru, nó cũng im thin thít.

          - Ai nhiều tiền người ấy làm. Em không nộp cho ai cả.

          - Chú thẳng ruột ngựa thế! Còn khổ!

          Tôi cứ kè đá, nắn dòng. Chuyện rồi cũng xuôi. Mãi đến năm kia, nghe nói, tôi mới vỡ lẽ. Lão An phát đơn kiện tôi xây kè, lấn chiếm đất nhà lão với mấy người hàng xóm. Tờ giấy mang tên lão và vài người nữa ký. Chữ ký ấy lại do lão ký thay. Chuyện đã lâu không bới ra chứ nhà tôi cách nhà lão ba trăm mét, xa hàng mấy chục căn nhà cơ mà.

         Lão thích kiện cáo. Bất cứ ai, bất cứ người nào hớ hênh tí là gặp đơn kiện tụng. An lại hay khoe để rõ cái oai. Hễ có người vào nhà, lão vơ quáng quàng mấy tờ báo cũ, mấy tệp giấy cũ, vất ngổn ngang trên bàn làm như ta đang bận lắm. Khách vào, An than phiền xã hội nhiễu nhương, thằng B. tự dưng hủ hóa với con X. Tên C. đốc dại đốt pháo lúc giao thừa làm bao người mất ngủ. Nghe đâu Chủ tịch phường sờ nắn con thư ký bị chồng nó dọa giết… Miệng nói, tay lão An sắp xếp một tập đơn kiện, chìa ra cho khách xem. Không chừng, trước lúc lão chết sẽ có tuyển tập đơn vì nghe nói bây giờ in ấn cũng dễ.

         Đột ngột bà An chết. Trống thúc, phèng la inh ỏi. Người đến viếng phần đông vì tiện thể xóm làng, vì ra trông thấy nhau vào trông thấy nhau. Họ đến chóng vánh như một thủ tục phải làm rồi mau chóng thoát ra. Đồng bãi, tầng lò, chợ búa, hàng hóa… đang đợi họ. Đám ma ầm ĩ đến ba ngày mới dập dìu đưa bà An ra đồng.

         - Tủi quá cơ ông ơi! Chỉ có mấy người - Vợ tôi mỏng môi, vừa thấy tôi về đầu ngõ đã khoe.

          - Mấy người là thế nào?

          - Tôi không nói sai. Ngoài mấy phu đòn, mấy ngươì thổi kèn hạ huyệt nào thấy ai. Ông chồng từ lúc vợ chết, phát phiền, cười hềnh hệch. Rượu nốc vào, nằm li bì không dậy được, phải có hai thằng hàng xóm đáng tuổi cháu nâng đỡ. Cô con dâu đầu nghe tin mẹ chồng trước qua đời về đưa tang cho vẹn nghĩa. Cô dâu thứ hai không thấy mặt. Thằng cháu đưa thêm hai thằng bạn về. Đám ma bà An chỉ có năm người đi đưa. Không thì ông bảo mấy. Bạn bè không, hàng xóm người ta khinh như mẻ, chả ai thèm có mặt.

          Tôi thực sự sững sờ và lo. Lão An không biết có rút được kinh nghiệm gì từ chuyện này không?

                                                                      T.T

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 5
Trong ngày: 69
Trong tuần: 650
Lượt truy cập: 439540
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.