Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

MỘT GIA ĐÌNH THỢ LÒ

Băng Sơn

MỘT GIA ĐÌNH THỢ LÒ
 
   Bà Mai lụi cụi dọn lại cái chuồng gà sau nhà. Chuồng để đã lâu. Mỗi năm chỉ mấy tháng áp tết mới bắt ít gà thau tháu về nuôi. Món ấy không thể thiếu trong đêm cúng giao thừa, sáng ngày mùng một Tết. Con gà luộc nằm trên đĩa xôi gấc, hai cánh xòe ra như đang bay, cái cổ ngửa lên, ngậm bông hoa hồng, cái mào thẳng đứng mang lại điều may mắn trong năm. Thịt gà cũng là món ưa thích nhất của bố con ông Bình, tự nuôi được sẽ không phải lo dịch bệnh.
  Trời đã chạng vạng tối mà công việc chưa được bao nhiêu. Đúng là ngày tháng mười, chưa cười đã tối. Với tay bật công tắc, điện sáng lóa lên. Lẩm bẩm một mình: Dọn cố cho xong nốt, ngày mai còn đi bắt gà về thả. Trời bắt đầu se lạnh. Những cơn gió heo may đầu mùa kéo về. Chân trời còn chút nắng hoe vàng cũng tối sập xuống nhanh chóng. Trên nhà tối om. Thằng bé ngủ dậy, không thấy ai bên cạnh, nó khóc ré lên. Nó sợ bóng tối. Từ sau nhà, bà Mai gọi lên:
          - Ông ơi bế cháu cái! Tôi bận tay, tý nữa xong mới tắm rửa cho nó được.
Thằng bé vẫn khóc. Nghe tiếng bà, nó lại khóc to hơn lúc trước. Bà Mai rửa vội tay chạy vào nhà. Tối om thế này nó sợ là phải. Sờ lần mãi, bà mới bật được cái bóng điện cho sáng. Thằng bé nhìn thấy bà, nó bò vội từ trên giường xuống đất, chạy lại ôm chặt bà.
            - Ôi, nín đi bà thương…! Bà thương, đích tôn của bà. Sao ông lại để cháu ngủ một mình thế này. Được rồi, bà bật bình lấy nước tắm cho cháu nhé, rồi bà cho cháu ăn này. Thằng bé vẫn rấm rứt khóc. Ngoan, nín đi rồi chốc mẹ về với cháu nhá.  
Bế cháu nội trên tay, bà đi khắp nhà. Không biết ông đi đâu, giờ này chưa thấy về. Nồi cơm vẫn còn lạnh ngắt, thức ăn chưa nấu. Mọi hôm vào giờ này ông đã nấu bữa xong hết rồi.
*
   Ông Bình đạp xe về nhà. Điện đường đã bật sáng trưng. Gió thổi thốc lên từng cơn, thị trấn Mỏ nhạt nhòa cát bụi. Hàng cây rung lào xào theo gió. Để vội cái xe đạp vào đầu hè, gạt chân chống cái “roạch” rồi xếp sát vào bờ tường. Nó là chiếc xe đua đã gắn bó với ông hơn bốn mươi năm. Chiếc xe một lần chở duy nhất người con gái. Xe không có pọcpaga, người ấy phải ngồi trên chiếc tuýp ngang. Người ấy sau là người yêu ông cũng là vợ ông bây giờ. Đi vội vào trong nhà, xuống bếp, vo gạo lấy nồi cắm cơm xong. Cái tủ lạnh vẫn chạy nhẹ nhàng, ro ro đều đều. Mở tủ lấy đồ, ông tính đi nấu thức ăn. Bà Mai đang tắm cho thằng cháu đích tôn, nói vọng ra:
- Ông đi đâu mà về muộn thế? Đang dọn cái chuồng gà, cháu dậy không thấy ông. Tôi phải bỏ dở lại đấy.
- Tôi sang chú Thêm. Trở trời, bệnh bụi phổi chú ấy lại tái phát. Dì Trúc gọi điện nhờ đưa chú ấy đi viện khám. 
          - Khổ thế chứ lại. Giờ chú ấy sao rồi ông? Tắm cho cháu xong rồi đây, ông bế cháu, để tôi nấu thức ăn. Mẹ nó sắp về rồi đấy.
          - Ờ, ra ông nội nào. Khám bệnh, lấy thuốc rồi về. Vừa nói ông vừa đón cháu nội từ tay bà, lấy cái khăn bông to quấn thêm, ủ ấm cho nó.
           Bế thằng cháu cưng, ký ức xưa bất giác ùa về như mới hôm qua. Vậy mà đã hơn bốn mươi năm rồi, từ cái ngày có lớp học sinh toàn là nữ của trường Cơ điện về nhặt than nghĩa vụ, còn ông là một trong những thợ lò trẻ. Mỗi lần nhận lệnh xong, từ nhà giao ca lên đến cửa lò, thế nào ông cũng dừng lại trêu chọc họ một hồi rồi mới vào lò. Các cô gái khác thì ngượng ngùng, chỉ có một người nhỏ nhắn nhưng đanh đá, bạo mồm bạo miệng thường đối khẩu chính là bà Mai bây giờ. Nhớ lại cái đêm ca ba, nhóm đào lò nhanh do ông phụ trách, bắn thủng lò họng sáo vận chuyển của lò chợ một, vỉa bốn hai.tholo1
*
  Lò thượng họng sáo vận chuyển, theo thiết kế, từ song song đầu mới đi được bẩy mươi mét. Bộ phận trắc địa cập nhật, còn năm mét nữa sẽ bục vào khu vực bãi tập kết gỗ. Chiếc quạt cục bộ gió cấp hai, chạy hết công suất mà gió đến gương than chỉ phe phẩy như quạt cóc. Gần đầu vỉa, toàn than phong hóa lẫn than cánh quýt, đạp than trên máng trượt gặp nhiều khó khăn. Phân xưởng lệnh ca ba phải bắn bục thượng, lấy đường vận chuyển gỗ xuống lò chợ. Phó Quản đốc Thịnh người to cao, giọng nói như lệnh vỡ, phân công Bình làm gương trưởng, cùng với Thêm một thợ lò bậc cao và năm thợ vận tải. Gương lò có thay đổi, đẩy nhanh tiến độ đảm bảo cho sản xuất than lò chợ. Yêu cầu chống theo hộ chiếu mới, thu gọn tiết diện lại, xà một mét hai, cột phải đảm bảo hai mét tư, khoan chếch lên bám vách. Có thể chống bằng đoản hoặc thìu căn cứ theo điều kiện của đá vách. Đêm nay bắn bục, chống gia cố chắc chắn để ngày mai tổ chức chống xén cho đúng tiết diện theo thiết kế. Về kỹ thuật phải củng cố thật chắc chắn trước khi khoan, nổ mìn. Việc vận tải, ca hai đã thay thế máng trượt tôn bằng máng men, than sẽ đi nhanh hơn. Gương trưởng Bình phân công cho từng thành viên, vận chuyển gỗ ngược thượng để cách gương bốn mét, Thêm đẽo chèn đóng nhói cùng với anh củng cố lò. Để chắc chắn hơn, anh gọi xuống dưới chân thượng mang lên hai cái Cóoc xê. Cậu công nhân mới vào loay hoay tìm kiếm một lúc không hiểu, chạy lên, đưa tay quệt những dòng mồ hôi chẩy ròng ròng trên mặt, nhăn nhó hỏi:
-Anh ơi, em không thấy cái Coóc xê đâu cả, với lại trong lò không có phụ nữ thì lấy đâu ra của ấy.
  Bình phì cười làm cậu công nhân mặt ngây ra. Anh không trách anh bạn công nhân mới vào, ở trong trường họ không dạy những từ chỉ đồ vật như thế. Từ này là của người Pháp đặt cho. Chỉ đến khi vào lò làm việc được các bác thợ già bảo cho mới biết, bây giờ anh truyền lại cho lớp thợ sau:
-Nó là cái cây sắt tròn to bằng cái choòng ấy, ngắn khoảng ba mươi phân, uốn hình chữ u, có hai cái móc, treo ở trên nóc lò ấy.
- Ơ, thế mà em cứ ngỡ nó là đôi quang treo của chị em. Giờ em hiểu rồi.
Bình bàn với Thêm, nối hai choòng một mét rưỡi lại, khoan hết tầm. Nổ mìn xong, lao thìu vào chống lân lên…
   Ục. Tiếng nổ trầm nặng. Ngồi ở khám tránh mìn, Bình thấy chỗ ngồi rung lên. Chưa kịp bật quạt, anh đã thấy khói mìn mù mịt thoát xuống dưới. Anh cùng với Quân thợ mìn lên kiểm tra, gió đang hút từ ngoài vào. Vách lò phẳng như cái chiếu chạy dài, trượt thẳng lên trên. Vui mừng, anh cùng Quân lấy cây thìu thúc mạnh bám theo đá vách, mềm oặt như không chạm vào đâu, đất đỏ rơi xuống theo cây gỗ, phủ cả lên đám than phong hóa. Gió tươi ào ào hút qua cái lỗ mới thủng, mát lạnh cả người. Mái tóc để qua vai của Bình bết mồ hôi, giờ gió thổi mạnh, tung bay trùm cả lên vành mũ lò đang đội trên đầu. Đứng trên đám than, lẫn lộn cả đất đá, hít đầy lồng ngực luồng gió trời. Anh gọi xuống dưới:
            - Lên hết đây anh em ơi…! Bục rồi… bục rồi! Trong lúc phấn khích, cái mồm lém lỉnh thường ngày của Bình lại tuôn ra một tràng chẳng ra văn cũng chẳng ra thơ: “Cao lồng lộng tựa tháp chuông, mảnh trăng lưỡi liềm treo đầu núi, đàn hươu non gặm cỏ trên đồi…”
 Vị trí điểm bục ở lưng chừng đồi, trên bãi gỗ chừng chục mét. Gia cố điểm bục xong xuôi mới có bốn giờ sáng. Quần áo người nào cũng bết than. Thứ than cánh quýt dính vào không khác gì có dầu với mỡ bám, lại cả bụi đất đỏ nên trông ai cũng như những bức tượng di động mà thợ điêu khắc tài ba mới tạo lên được. Trời đang mùa đông rét mướt, gió vẫn thổi mạnh từ dưới thung lũng lên khiến cảm giác càng rét hơn. Ánh đèn lò nhoang nhoáng trên đầu mọi người, xé toang màn đêm trên con đường nhỏ dẫn về nhà giao ca. Đến khu lán của những cô gái nhặt than trường Cơ điện, không có cánh cửa, cái bếp lò đang cháy hồng rực, họ bảo nhau nghỉ ngơi quanh bếp cho có hơi ấm. Bình lấy cái búa lò làm gối đầu, cái choòng để bên cạnh, ngủ một giấc ngon lành. Sáu giờ sáng, trời vẫn còn tối.
Cả lán trại nhốn nháo, chị cấp dưỡng không dám tới gần để nấu cơm. Thường ngày đã ngại tính cách của thợ lò, chị thường bị trêu ghẹo. Chính người gối đầu trên cán búa mà ngủ kia, thỉnh thoảng còn văng ra đủ thứ bậy bạ, tục tĩu trên đời… Cả căn lán đông đảo ấy, chỉ có cô gái tên Mai dám ra đánh thức họ. Người mảnh khảnh mà giọng như ễnh ương, một tay vớ nắm đũa, một tay cầm cái vung nồi quân dụng gõ phèng phèng, vừa gõ vừa gọi.
   Bình là người bị Mai dí sát cái vung nồi vào tai mà gõ toáng lên. Tất cả choàng dậy ngơ ngác. Nhận ra đối tượng hay trêu mình, Mai hằm cái mặt lại nhưng ngắm kỹ Bình, cô quay đi nơi khác cười. Chưa kịp đứng lên, Bình ngắm lại mình.
  Hóa ra quần áo của anh không có cúc, tất cả được buộc bằng những đoạn dây mìn, đũng quần cũng rách, trơ cả cái quần đùi ra, cánh tay áo bên phải đã bị rách te tua. Tất cả do than cào…
   Đầu tuần, đổi từ ca một về ca ba. Ngày thứ hai được thảnh thơi, đêm mới phải đi làm. Không mấy khi có được thời gian như thế, ra trường Cao đẳng Sư phạm tán gẫu với mấy em cho vui. Ăn sáng xong, diện bộ comple tuýt si pha len màu tàn thuốc, thắt chiếc caravat đỏ. Bộ quần áo cùng với chiếc caravat càng làm tăng thêm làn da trắng hồng của Bình. Đôi dày da đen mới được đánh xi lại hôm qua, bóng nhoáng. Xách chiếc xe đua mới coóng, anh mua được của một anh làm cùng phân xưởng vừa du học bên Ba Lan về, thong dong đạp xe rời khu tập thể. Mái tóc dài phủ quá vai, bồng bềnh trong gió. Chiếc kính râm hiệu RayBan che gần hết nửa khuôn mặt. Hai bên đường, hoa cúc quỳ nở vàng ruộm, đung đưa trước gió như vẫy chào. Thứ cây hợp nhất với vùng đất khô cằn, nhiều đá xít ở đây. Từng cơn gió thổi, bốc những hạt bụi như sương, khói từ bãi thải, bãi bã sàng rắc lên lá, lên hoa làm cho nó không giữ nguyên được sắc màu. Chiếc xe vẫn bon bon lăn bánh, nghĩ đến mấy em giáo sinh trường Sư phạm, Bình thấy náo nức. Cao hứng, chúm môi thổi bài sáo “Tôi là người thợ lò”.
  Nhận được tin bố ốm phải nằm viện, Mai xin phép phụ trách đội về quê thăm bố. Có xe chở công nhân về khu nhà bằng nhưng cô không dám lên. Thứ nhất toàn công nhân lò, họ rất nghịch. Thứ hai, họ ở trong lò ra, người nào cũng bết than, chỉ còn đôi mắt sáng và hàm răng trắng ởn. Cuối ca họ mệt đấy, nhưng họ vẫn trêu ghẹo những cô gái vô tình lên xe. Từ khu lán trại, cô phải đi bộ gần hai tiếng đồng hồ, theo lối mòn từ khu vực bãi thải vỉa bốn hai ra ngoài thị trấn. Mỗi ngày chỉ có một chuyến ra, một chuyến vào. Đến nơi, chuyến xe từ thị trấn đi bến xe khách ngoài thị xã đã khởi hành được nửa giờ. Cô không biết phải làm thế nào. May quá có một người đang đạp xe hướng ra ngoài, cô vẫy xin đi nhờ.
   Đang băng băng lướt trên đường, thấy có người vẫy, Bình láng xe vào ngay trước mặt cô gái, phanh kít lại. Cô gái đanh đá của trường Cơ điện đây rồi. Anh thầm nghĩ, “oan gia ngõ hẹp”. Cứ để yên xem cô ta cần gì. Tháo cặp kính xuống, Bình đút vào túi áo. Cô gái cũng nhận ra anh:
- Lại là anh à?
- Tôi đây. Thì sao? Có việc gì cần tôi giúp đỡ không.
          - Tôi đang chờ xem có ai ra bến xe... Nhưng với anh thì thôi. Hơn nữa, xe anh cũng không có cái đèo hàng, tôi đi bộ cho kịp.
          - Từ đây ra đấy còn mười bốn cây số nữa, đi bộ làm sao được. Xe tôi không có cái đèo hàng, nhưng vẫn đèo được người đấy. Lên đây tôi đưa ra cho kịp. Không phải ngần ngại đâu, thôi làm bộ làm gì, xí xóa nhé. Đưa cái túi tôi treo vào ghi đông xe, cô ngồi đằng trước, ngồi lên cái tuýp ngang này.
           - Này anh gian lắm nhé, định lợi dụng hả.
           - Đừng đa nghi quá, cứ lên đi.
           Cô gái lưỡng lự. Anh vẫn kéo cô lên xe. Cô ngồi quay mặt về đằng trước ấy, tay bám vào ghi đông. Nào xuất phát. Tôi tên là Bình, còn cô. Có việc gì mà về gấp thế?
-Tên tôi là Mai! Bố tôi đang nằm ở bệnh viện Hưng Yên.
  Những sợi tóc mai của người con gái bay theo gió, thỉnh thoảng lại vương vào, cọ sát vào mặt Bình, mơn man buồn buồn. Mùi hương bồ kết còn phảng phất trên tóc xộc vào mũi dìu dịu. Bình cố sức đạp xe cho nhanh hơn. Anh biết, xe về Hưng Yên chuyến gần nhất là chín giờ ba mươi.
   Ra tới bến, xe đã bắt đầu xếp khách. Anh bảo Mai đứng trông xe, anh vào mua vé hộ. Anh quen chị bán vé. Mai chưa kịp nói gì. Bình đã chạy vào ngay trước cái cửa sắt nhỏ như cửa lỗ tò vò. Quay ra với vẻ mặt bình thản, anh đưa vé cho cô, giục lên xe chọn chỗ ngồi cho tốt. Mai cảm ơn, đưa trả tiền vé. Bình không nhận, anh dúi thêm cho cô một ít tiền.
- Cô là học sinh làm gì có nhiều tiền! Tôi là thợ lò bậc cao, gọi là cũng có chút ít.
Nói rồi anh lên xe đạp đi. Cô gái bần thần nhìn theo.
*
  Tiếp theo chương trình là đơn ca nam Quốc Bình, đến từ phân xưởng khai thác ba với bài hát “Tôi là người thợ lò”. Bình tự tin bước lên sân khấu, cúi chào. Ánh sáng của hai dàn đèn chiếu vào làm anh choáng ngợp. Lần đầu tiên tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng của Mỏ. Giọng hát trong sáng, dầy, đầy chất Anto cất lên “Tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ…”.
Bài hát kết thúc, bên dưới những tràng vỗ tay mãi không dứt. Bình cúi chào khán giả, ngẩng lên anh đã thấy Mai đứng bên cạnh. Nắm hoa xuyến chi, cánh trắng, nhụy vàng ươm, chắc là cô mới bứt được ở mé sân vận động mang lên tặng anh.
          - Anh hát hay lắm, quyến rũ lòng người. Nói xong Mai chạy thẳng xuống dưới.
          Trong khi chờ đợi Ban giám khảo hội ý, tổng hợp điểm, xếp giải. Ban tổ chức xin mời giọng hát được khán giả yêu thích nhất lên sân khấu hát tặng toàn thể hội diễn. Tiếng của cô MC sang sảng trên loa. Xin mời anh Quốc Bình của phân xưởng khai thác ba. Bình rụt rè, nhưng rồi anh cũng bước lên sân khấu. Mai cũng lên sân khấu cùng, Bình ngạc nhiên.
           -Em hát song ca cùng anh được không?
           -Hay quá, em chọn bài đi.
 Đang say đắm trong dòng hồi tưởng thì con trai với con dâu của ông đi làm về. Chúng ào vào nhà, làm ông bừng tỉnh. Thằng cháu đích tôn vẫn ngoan ngoãn ngồi trong lòng, miệng nó bi bô, tay nó nghịch cái cúc áo khoác ông đang mặc.
- Thưa bố, chúng con đi làm về.
- Ờ, rửa chân tay đi rồi ăn cơm các con.
Bà Mai bưng mâm cơm đặt trên cái bàn tròn, thằng cháu được mẹ nó bế, cho ăn. Cả nhà ngồi quây quần, ấm cúng. 
*
  Nhà ông Bình hôm nay nhộn nhịp hẳn lên. Từ chiều hôm qua, bà Mai cùng với con dâu tất bật chuẩn bị cho cuộc liên hoan. Ông Bình cứ ra ra, vào vào, cười tít cả mắt. Thời gian trôi nhanh quá. Thằng cháu đích tôn mới ngày nào còn ngồi trong lòng ông mân mê cái cúc áo khoác, giờ đã thi đỗ Đại học. Nghe nói, ngành Mỏ bây giờ tuyển công nhân khó khăn lắm. Các Công ty phải đi tuyển công nhân tận những miền rừng núi xa xôi mới có người làm. Thế mà thằng cháu đích tôn của ông lại thi vào Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ai khuyên ngăn thế nào nó cũng không nghe, nó còn lý sự ông và bố đều là công nhân mỏ thuộc hàng tầm cỡ. Bố nó lại đang làm lãnh đạo mỏ, nó phải nối tiếp truyền thống gia đình. Nghe nó nói cũng phải. Ông Bình nghĩ: Thế là gia đình ông là gia đình truyền thống, có ba đời gắn bó với Mỏ. Khách khứa đã đến đông, họ chúc mừng chàng thợ mỏ tương lai. Cả nhà ông Bình tíu tít tiếp khách.
                                                                       Tháng 11/2023

                                                                                B.S
 
 
 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 26
Trong ngày: 105
Trong tuần: 758
Lượt truy cập: 440034
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.