Lê Đức Nghinh
LỐI THU
Chạm về lối mới - thu chưa...
Ngấm thêm về giấc mơ trưa lạ kỳ
Ngoài vườn tiếng lá thiên di
Sương khuya thức giấc thầm thì ai?... quen...
Chiều về lối nhớ gọi tên
Trăng khuya rười rượi ngủ bên lề đường
Nghe đêm - lá vỡ vô thường
Heo may chia nửa vui, buồn sang tôi...
Tìm thu trong tiếng lá rơi...
Hồ xanh trong ánh mắt người ta mong
Chiều rồi còn.... nhớ hay không?
Xạc xào tiếng gió thêm trông cạn ngày
Em về trở ngược heo may
Thơ - anh chạm lối thu này chưa em?...
THĂM LẠI HANG TÁM CÔ
(Kính hương hồn các anh chị liệt sỹ ở hang tám cô)
Đường mòn cũ còn nghiêng chiều mưa đổ
Về nơi đây xin hãy nói nhẹ nhàng
Lặng lẽ nhìn hoa chuối rừng đang trổ*
Lớp lớp sương mù xuống núi lang thang...
Đánh thức giấc, Động Thiên Đường đang ngủ
Hang Tám Cô như ríu rít tiếng người**
Tìm ánh mắt lạc nhau trong thạch nhũ
Giữa biển đời neo dấu tuổi hai mươi.
Đêm đứng trước cửa hang hun hút gió
Bước chân run bên bóng núi mơ màng
Lòng đá cất những trang đời rất trẻ
Giữ mãi lời ca “ Cô gái mở đường”.
Vọng về đây từng câu hò Sông Mã
Nhớ tiếng cười thương dọc dải Trường Sơn
Nghe gió nổi giữ hương đêm lã chã
Mỗi hy sinh cho đất nước trường tồn...
L.Đ.N
**Hang 8 cô tên chính thức là “ Hang 8 thanh niên xung phong). Là di tích lịch sử quốc gia, thuộc xã Tân Trạch, Bố Trạch Quảng Bình
Ngày 14/11/1972 bom Mỹ đánh sập cửa hang lấp 8 người trong hang ( 4 nam và 4 nữ ). Nghe tiếng kêu cứu lúc đó đại đội TNXP đã dùng xe xích để kéo tảng đá lấp cử hang nhưng ko được. Sau những ngày tiếp cháo qua ống dẫn đến ngày thứ 9 ko còn thấy động tĩnh gì. Biết các anh chị đã hy sinh. 24 năm sau tỉnh Quảng Bình đã khai quật đưa 8 hài cốt về an táng tại quê nhà Hoàng Hoá Thanh Hoá.
* Trước cửa hang có một cây chuối rừng. Kỳ lạ là nhiều năm nay cứ đến ngày các anh chị hy sinh thì mọc ra đúng 8 nải chuối như nhắc nhở người đang sống đừng quên.
Lê Đức Nghinh
MẸ VỚI CÁNH ĐỒNG
Mẹ đi mót cánh đồng đời
Nỗi niềm hạt rụng hạt rời vẹn nguyên
Tay gầy giũ rối đồng chiêm
Đêm đêm đèn rạng thắp lên muộn màng
Mẹ gom khắp cánh đồng làng
Con mơ mẹ quẩy trăng vàng về sân
Đồng xa mót lại đồng gần
In bao nhiêu vết chân trần mẹ ơi!...
Ai gieo xanh cánh đồng đời
Mẹ tôi gom giữa kiếp người nuôi con...
Đến với bài thơ hay: Vũ Xuân Hoát
CHỦ NHÂN CÁNH ĐỒNG
Giữa cánh đồng, sau mùa gặt lúa , hiện lên một chủ nhân với dáng gầy gò, tạo thành bức tranh sinh động , đượm màu ký thác . Thảm tranh quê, không dễ mấy ai tự phác họa . Một bài tranh thơ , làm bằng cảm giác , ngấm trải chất tình bên trong mới đột nhiên cất giọng theo chủ nhân giữa cánh đồng làng. Ấy chính là Mẹ ta, mẹ sinh ra hạt thóc, nuôi con lớn nên người :
"Mẹ đi mót cánh đồng đời
Nỗi niềm hạt rụng, hạt rời vẹn nguyên"...
Đồng đời quyện hạt rụng, rời... Mẹ là hiện thân , hóa phận làng. Biết bao nỗi vất vả , nghèo khó in hằn vào sức chịu đựng, để giữ vẹn nguyên chất người đồng chiêm , chuyển tiếp dòng thời gian. Trước cảnh mùa màng , điểm nhấn tượng hình, thơ nghiêng xuống , chớp ánh... những rung động chỉ có ở người con hiếu thảo của mẹ sinh mới nghe, thấy , thấu mà ngộ được :
"Tay gầy giũ rối đồng chiêm/ Đêm đêm đèn rạng thắp lên giấc vàng"...
Và , trong giấc mơ thắp ngọn lửa chín nồng tâm thức . Mẹ , dường như gom cả muôn nhẽ đời , đôi chân cắm thửa bùn, hai bàn tay khô nẻ bấm từng đốt vì con . Qua lăng kính biến ảo , tình lục bát thấm đậm vị dân dã ,giàu ý nghĩa tâm trạng , gợi mở, linh nghiệm :
"Mẹ gom khắp cánh đồng làng
Con mơ mẹ quẩy trăng vàng về sân"
... quẩy trăng vàng, một hình ảnh được quan sát dưới góc nhìn thật thi vị những bông lúa ánh lên dưới trăng như những hạt vàng đủ nói lên sự nhọc nhằn một nắng hai sương của mẹ.
Giấc mơ thật giản dị , thả bóng xuống cánh đồng thơ. Mẹ cùng con, hai khoảnh khắc gom lại niềm khát tưởng, sẻ chia...
Thơ muốn gieo xanh quanh kiếp con người . Người chủ nhân trên cánh đồng đời :
"Mẹ tôi gom giữa kiếp người nuôi con"...
V.X.H