Vũ Nho
MẤY SUY NGHĨ VỀ HAIKƯ VIỆT
Chúng ta đều biết Haikư là một loại thơ Nhật Bản có 17 âm tiết chia làm 3 dòng. Trong số đó có một âm tiết chỉ mùa ( quý ngữ - Xuân , Hạ, Thu, Đông). Bây giờ yêu cầu quý ngữ không bắt buộc. Nhưng ba dòng với 17 âm tiết thì vẫn duy trì. Nhờ những cố gắng bền bỉ của các vị Nhật Chiêu, Đinh Nhật Hạnh,Lê thị Bình,Nguyễn thị Mai Liên,Nghiêm Xuân Đức,Vũ Tam Huề,Lê Đăng Hoan, Lê Văn Truyền,Đinh Trần Phương,Lương Thị Đậm,Minh Trí,Nguyễn Lương Sơn... Câu lạc bộ HaiKu Việt đã được thành lập, phát triển quy tụ rộng rãi các nhà thơ ham thích thể loại thơ đặc biệt ngắn gọn và giàu liên tưởng này. Câu lạc bộ đã sinh hoạt khá đều đặn. Ra các ấn phẩm rất đẹp. Trong đó không chỉ có thơ, mà còn có những bài viết giới thiệu thể thơ HaiKư, giới thiệu các bậc thầy HaiKư cổ điển của Nhật Bản. Đáng chú ý nhất là năm 2015,Chủ tịch Hiệp hội Haikư Thế giới (WHA) Ban’ya Natsuishi và 2 đại diệnThơ HK Thế giới đã sang dự Tọa đàm ,thăm và giao lưu với CLB và kết nạp vào Hiệp Hội Haikư Thế Giới . Tôi có dự buổi làm việc đó và có ấn tượng sâu sắc.Năm 2015,CLB Haikư Việt-Hà Nội đã được mời dự Đại hội Haikư Thế Giới lần thứ 8-Tokyo-Nhật Bản. Thơ Haikư xuất xứ từ Nhật Bản ,ngày nay phổ biến khắp thế giới. Các nước Á, Phi, Âu, Mỹ, Châu Đại Dương đều có nhiều người viết haikư. Vì là thơ ngắn nên việc dịch và quảng bá ra các thứ tiếng không quá khó khăn. Tạp chí Haikư Thế giới (WHA Review) xuất bản hàng năm hơn 15 năm nay đã giới thiệu các bài thơ HaiKu hay của hàng chục nước trên các châu lục,trong đó có Việt Nam. Điều lí thú là năm nay đã có 26 Haijin Việt Nam tham gia thi đàn danh giá này. Một số bài hay của chúng ta đã đạt Giải thưởng ,đăng tải trên thi đàn quốc tế.
Năm 2017, Câu lạc bộ đã lập trang Website haikuviet.com nên có thuận lợi cho việc quảng bá và đăng tải. Tôi vào đã thấy có hơn 800.000 lượt truy cập.
Một điều thuận lợi và may mắn là chương trình Văn và Sách Giáo khoa trước năm 2018 đã đưa HaiKu vào giới thiệu ở lớp 10 THPT.Các tác giả biên soạn dịch và viết thành Haikư.
Có 3 bài của Bashô do Lưu Đức Trung và Phan Nhật Chiêu dịch. Có 3 bài của Buson do Lưu Đức Trung dịch. Ngoài ra còn có mục Tri thức đọc hiểu trích từ Thơ ca Nhật Bản của Nhật Chiêu. Tôi đã dự giờ, chấm thi giáo viên giỏi của Thái Nguyên. Kinh ngạc là tuy khi ấy bài rất mới, nhưng người dạy đã dạy rất hay, cuốn hút các em học sinh. Chúng tôi ( 2 giám khảo) đã cho bài đoạt loại giỏi.
Bản thân tôi cũng đã tham dự một số sinh hoạt của Câu lạc bộ Haikư Việt-Hà Nội. Tôi ủng hộ việc nhập thể thơ Nhật Bản để làm phong phú thêm các thể loại thơ ca ở Việt Nam. Như trươc đây chúng ta làm thơ Đường luật, nay làm Haikư Việt. Khi đăng bài trên Blog cá nhân, tôi đã giới thiệu các bài viết, bài dịch của Bác sĩ Haijin Đinh Nhật Hạnh. Khi làm Tổng biên tập trang Website Tác phẩm và Bạn đọc của Câu lạc bộ Văn Chương thuộc Hội Nhà Văn Việt Nam, tên miền là clbvanchuong.com tôi tiếp tục giới thiệu HaiKư, đặc biệt là có TS Nguyễn Văn Hoa đã cung cấp các bản dịch thơ đương đại Đức, thơ của Goethe (Gớt), trong đó có một số thơ HAIKƯ viết bằng tiếng Đức. Các bài viết, bài dịch của Đinh Trần Phương, Đinh Nhật Hạnh tôi đều giới thiệu lên trang. Bài mới nhất là tôi vào trang mạng thơ haiku chép về bài “Cẩm nang sáng tác HaiKu” do Haijin Đinh Nhật Hạnh sưu tầm.
Thể hiện niềm yêu mến HaiKu, tôi cũng đăng các bài của nhà thơ Trần Trung. Tự tôi cũng thử nghiệm làm hơn 20 bài có đăng ở Blog cá nhân và trang Website.
Tôi thấy có một số câu thơ, khổ thơ hay trong thơ Việt, chúng ta có thể “chuyển thể” thành HaiKư. Nghĩa là chúng ta lược bớt những từ miêu tả, những tính từ, lược bớt các từ “đệm” thì sẽ có một bài HaiKư mới, anh em với khổ thơ kia, nhưng không phải là nó nữa. Tôi nhớ đã viết một bài ngắn về chuyện này. Và cũng đã thử nghiệm để cho thấy đây không phải là một đề nghị viển vông.
Ví dụ đoạn thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông:
Thuyền ta chầm chậm vào Ba Bể
Trên cả mây trời, trên núi xanh
Có thể chuyển thành HaiKư:
Thuyền đi chậm mặt hồ
Trên núi xanh
Trên mây trắng
Một khổ thơ khác của VN:
Anh rất sợ một mình nơi biển cả
Nhưng lại ước một mình trong mắt em
Chuyển thành HAIKƯ:
Anh con thuyền nhỏ
Ước một mình
Trong biển lớn mắt em.
Khoảng một năm nay,trên trang thơ Haikư Việt-Hà Nội có đăng Thể thơ mới :THƠ ĐÔI -HAIKƯ-LỤC BÁT do nhà văn Nhật Chiêu đề xuất. Bắt đầu là khúc Haikư chia 3 dòng ,tiếp sau đó là một cặp Lục Bát.
Rõ ràng cặp song hành sẽ để lại ấn tượng đẹp trong lòng người đọc. Mấy ví dụ của nhà thơ Nhật Chiêu:
Tôi thường rơi
như chiếc lá nào đó
vào hoang vắng tôi
*
Ta là tặng vật ta ơi
mà ai gởi tặng về nơi vô hình
Bồ công anh
tan mình trong gió
sao mà long lanh
*
Gió ngày sẽ chạm vào mơ
thổi muôn tia nắng trong bồ công anh
Năm nay-2022 ,CLB Haikư VIÊT-Hà Nội phối hợp với Cung Văn Hóa Lao động Việt-Tiệp Tp Hải Phòng đã mở chung Cuộc thi sáng tác THƠ ĐÔI-HAIKƯ-LỤC BÁT đầu tiên ở Việt Nam ,tổng kết vào cuối năm. Đã có nhiều tác phẩm dự thi cặp đôi HAIKƯ và LỤC BÁT mới mẻ này. Chúc cuộc thi thành công.
Điều đó làm cho cả hai thể thơ này thêm sức sống. Đặc biệt là chúng ta khi tiếp thu thể thơ nước ngoài, vẫn không quên thơ truyền thống dân tộc.
Rất vui mừng là những người viết Haikư Việt đã có những tập thơ riêng, đã có bài đăng trên tạp chí quốc tế ở Nhật Bản, trên tạp chí GONG (Tiếng chuông) của Pháp, Tác Phẩm mới. Chúng ta đã có trang mạng riêng, nhiều người truy cập.
Mong rằng sẽ tiếp tục có thêm nhiều bài hay, nhiều bài đăng trên tạp chí quốc tế, nhiều tập thơ HaiKư Việt. Và trong tương lại không xa, có HaiKư Việt trong các Sách Giáo Khoa!
Hà Nội, tháng 10 năm 2022
V.N