Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

LỜI NGƯỜI DƯỚI CỎ

TRẦN TRỌNG GIÁ BÌNH THƠ VŨ THANH TÙNG

LỜI NGƯỜI DƯỚI CỎ

Thơ: Vũ Thanh Tùng – Lời bình: Trần Trọng Giá

 

Gửi về Thành cổ Quảng Trị

 

Dẫu biết mẹ chưa đành nhắm mắt

Đau đáu chờ một đứa con xa

Máu xương chúng con trộn hoà với đất

Xin mẹ an tâm về với ông bà

 

Xin bạn hãy bình tâm lau nước mắt

Mấy chục năm đất nước thanh bình

Ta đã sống trong tự do độc lập

Chúng tôi thành cây cỏ hồi sinh

 

Xin bạn hãy cười lên giữa nắng

Giữa xanh ngàn cây cỏ cổ thành đây

Và em nữa nụ cười hồng môi thắm

Chúng tôi thành mây trắng giữa ngàn mây

 

Và bạn nữa đã qua thời đối địch

Cũng nằm đây máu đỏ da vàng

Người đang sống hướng về một đích

Xin hát cùng tiếng mẹ Việt Nam.

 

V.T.T

 

LỜI BÌNH CỦA TRẦN TRỌNG GIÁ

 anh_anh_gia

Tôi đã không ít lần vào thăm và dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, nơi linh thiêng đã ghi dấu son trong lịch sử dân tộc như một biểu tượng của lòng yêu nước, sự kiên cường và lòng dũng cảm. Những bức tường đổ nát, những dấu tích của bom đạn vẫn còn đó, nhưng trong lòng đất, biết bao máu xương của những người lính đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Họ - những người lính Thành cổ Quảng Trị không chỉ là những chiến binh dũng cảm trong cuộc chiến tranh khốc liệt, mà còn là biểu tượng sống động của lòng kiên trung, của tinh thần bất khuất mà nhân dân ta đời đời nhớ ơn và tự hào về họ.

Tác giả Vũ Thanh Tùng, người con của Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), nhập ngũ năm 1970 đã từng trực tiếp chiến đấu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nên ông thấm thía cái giá phải trả bằng xương máu của những người lính để có được độc lập, tự do. Khi trở về đời thường ông luôn nhắc nhớ đồng đội và hay làm thơ về đồng đội mình, trong đó phải kể đến bài thơ Lời người dưới cỏ.

Lời người dưới cỏ của Vũ Thanh Tùng là một tác phẩm sâu lắng, đầy xúc cảm về những chiến sĩ đã hi sinh tại Thành cổ. Qua từng khổ thơ, tác giả không chỉ bày tỏ niềm tiếc thương mà còn truyền tải thông điệp về sự hòa giải, hòa hợp dân tộc, về sự sống đang sinh sôi trên mảnh đất đã từng thấm máu và nước mắt của biết bao người. Đó chính là Lời người dưới cỏ nhắn gửi cho những người đang sống.

Mở đầu bài thơ, tác giả Vũ Thanh Tùng nhắc ngay đến hình ảnh người mẹ. Bởi người mẹ trong thơ mang nỗi đau mất mát quá lớn và mãi mãi là sự chờ đợi cho đến lúc cuối đời.

Dẫu biết mẹ chưa đành nhắm mắt
Đau đáu chờ một đứa con xa
Máu xương chúng con trộn hoà với đất
Xin mẹ an tâm về với ông bà

Hình ảnh người mẹ "chưa đành nhắm mắt" gợi lên nỗi khắc khoải khôn nguôi, là sự chờ đợi mỏi mòn của những người mẹ có con hy sinh nơi chiến trường. Tuy nhiên, lời an ủi từ những người lính đã khuất, "Máu xương chúng con " như muốn nói với mẹ rằng, sự hy sinh ấy không vô nghĩa, mà đã hòa vào đất nước, làm nên tự do, độc lập cho dân tộc.

Xin được nhắc lại rằng, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Thành cổ Quảng Trị đã trở thành tráng ca bất diệt, nơi mà mỗi tấc đất, mỗi viên gạch đều thấm đẫm máu xương của những người lính. Cuộc chiến 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 là minh chứng cho tinh thần "còn người còn đất", không lùi bước trước bất kỳ kẻ thù nào. Những người lính từ khắp mọi miền quê đã đổ về đây, họ biết rằng có thể sẽ không còn ngày trở về, nhưng lòng yêu nước, lòng quyết tâm sắt đá giữ vững thành cổ đã khiến họ kiên cường chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. “Máu xương chúng con trộn hoà với đất” là một câu thơ đặt đúng chỗ, tuy không mới nhưng đầy ấn tượng của tác giả Vũ Thanh Tùng.

Trong lòng đất Thành cổ, biết bao câu chuyện của những người lính vẫn còn đọng lại. Đó là những câu chuyện về tình đồng đội, về lòng dũng cảm và cả những ước mơ còn dang dở. Những lá thư chưa kịp gửi về cho mẹ, những bức ảnh nhỏ mang theo bên mình, những món quà giản dị gửi từ quê nhà, tất cả đã trở thành những kỷ vật thiêng liêng, nhắc nhở chúng ta về những người đã hiến dâng tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc. Những người lính ấy đã không trở về, nhưng họ đã để lại cho chúng ta một di sản vô giá, đó là lòng yêu nước, là tinh thần bất khuất trước mọi gian nguy, thử thách. Hình ảnh về những chiến sĩ nằm lại nơi Thành cổ Quảng Trị không chỉ “trộn hoà với đất”, mà họ đã thành "cây cỏ hồi sinh", thành dòng sông hiền hòa, thành những làn gió mát. Họ đã trở thành một phần của đất nước, của quê hương, và mãi mãi sống trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.

Xin bạn hãy bình tâm lau nước mắt
Mấy chục năm đất nước thanh bình
Ta đã sống trong tự do độc lập
Chúng tôi thành cây cỏ hồi sinh

Hôm nay, khi đến thăm Thành cổ Quảng Trị, chúng ta không chỉ cảm nhận được sự tĩnh lặng, trang nghiêm ở nơi này, mà còn thấy được sự hồi sinh mạnh mẽ. Những cánh đồng xanh mướt, những ngôi nhà mới xây, tiếng cười của trẻ thơ vang lên trong nắng sớm, tất cả đều minh chứng cho sự tiếp nối của cuộc sống, cho sự tri ân và lòng biết ơn của thế hệ hôm nay đối với những người đã ngã xuống.

Bài thơ không chỉ dừng lại ở việc tưởng niệm, mà còn là lời kêu gọi hướng về tương lai với niềm tin tưởng và nụ cười dành cho người đang sống.

Xin bạn hãy cười lên giữa nắng
Giữa xanh ngàn cây cỏ cổ thành đây
Và em nữa nụ cười hồng môi thắm
Chúng tôi thành mây trắng giữa ngàn mây 

Hình ảnh "Chúng tôi thành mây trắng giữa ngàn mây" được tác giả nhân cách hóa về sự ra đi của những người lính thật nhẹ nhàng và thanh thản. Linh hồn người lính hòa quyện với thiên nhiên, với trời đất, như những cánh hạc bay, mong muốn mọi người hãy sống với niềm tin và hy vọng.

Khổ thơ cuối cùng, một khổ thơ mang tính nhân văn sâu sắc. Tác giả Vũ Thanh Tùng gửi gắm thông điệp về sự hòa giải và hòa hợp dân tộc. Tất cả hãy cùng chung mục đích, cùng hướng tới tương lai bởi chúng ta đều là “con Lạc, cháu Hồng”.

Và bạn nữa đã qua thời đối địch
Cũng nằm đây máu đỏ da vàng
Người đang sống hướng về một đích
Xin hát cùng tiếng mẹ Việt Nam.

Đúng vậy, dù đã từng đối địch, nhưng tất cả đều là những người con của đất Việt. Lịch sử đã chứng minh rằng, những cuộc chiến tranh dù tàn khốc đến đâu, rồi cũng sẽ qua đi, nhưng những vết thương mà nó để lại sẽ mãi mãi in hằn trong trái tim mỗi người. Chỉ có sự hòa hợp, lòng nhân ái bao dung mới có thể xoa dịu và vượt qua được những nỗi đau và là con đường duy nhất để dân tộc đó có thể đứng dậy sau chiến tranh. Hòa hợp dân tộc là nền tảng để xây dựng một đất nước vững mạnh, là sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Bài thơ Lời người dưới cỏ của tác giả Vũ Thanh Tùng là một tác phẩm mang đầy tính nhân văn, khơi gợi nỗi nhớ và lòng biết ơn đối với những người mẹ Việt Nam anh hùng, những người lính đã hy sinh cho Tổ quốc. Đồng thời Vũ Thanh Tùng cũng đã góp thêm một tiếng nói chân thành và đầy đạo lý, một lời nhắc nhở về sự sống, sự hòa giải để đất nước phục hưng và phát triển. Qua những bài học từ quá khứ, chúng ta càng thấu hiểu giá trị của hòa bình. Sự đoàn kết, hòa hợp dân tộc không những là trách nhiệm của mỗi người, mà còn là nền tảng, là truyền thống lịch sử vững chắc cho một tương lai tươi sáng.

T.T.G

anh_cua_trung_nguyen_11

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 31
Trong ngày: 245
Trong tuần: 969
Lượt truy cập: 435607
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.