Lương Ky
LỘC VỪNG
Thằng Mậu bước xăm xăm trên đoạn đường xuống suối Cả. Nó tỏ ra thông thạo, không giống như lần trước, lần đó nó phải dò dẫm đi sau lão Quít kiểm lâm viên khu này. Lội qua suối, sang bờ bên kia là chạm ngay cây lộc vừng gốc bạnh xù, rễ tua tủa, cành lá xum xuê tán rộng với những chùm hoa nâu đỏ, nâu vàng buông lõng thõng.
Thằng Mậu xoạc chân, hai tay chống nạnh ngắm nghía, liếc dọc, liếc ngang. Nó vòng qua bên trái, lui xuống bên phải, lội hẳn xuống suối...Tất cả chỉ để chuẩn bị phương án làm sao bê được cây lộc vừng cổ thụ ra khỏi nơi này đưa về trồng vào vị trí đẹp trước cái nhà hàng của nó. Thực ra tiền xây cất nhà hàng từ túi của bố nó, nó đứng tên. Thằng Mậu vừa học xong lớp cao đẳng quản trị kinh doanh gì đó, mới đi làm chưa đầy một năm đã đâu mà có đống tiền. Không ngẫu nhiên thằng Mậu biết cây lộc vừng to đẹp còn sót lại ở góc rừng bên suối Cả. Cũng không phải nó tìm tòi tăm tia hay ai đó chỉ trỏ. Chính bố nó, ông Giáp mới là người gieo cho nó cái "quyết tâm " lấy cây lộc vừng này.
...Cây lộc vừng ấy...Vào những năm đầu bảy mươi. Chàng kĩ sư lâm nghiệp Trần Giáp trẻ măng trong bộ quần áo lính bạc mầu, mũ cối, ba lô lộn miết cái xe đạp bết bùn đất từ Lâm trường bộ về đội Suối Cả theo phân công công tác. Lối mòn tới đội vắt qua con suối khá to, nước trong mát. Bờ bên gặp ngay một cây rừng xòe tán, rễ bạnh ra những cái u cái biếu, gần như chắn lối mòn. Ngước nhìn lên, chàng trai nhận ra ngay đó là cây lộc vừng rất đẹp: Lá xanh xen điểm lá màu nâu, màu vàng và những chùm hoa lướt thướt thả xuống...Miệng lẩm bẩm "đẹp không kém cây lộc vừng bên bờ hồ Hoàn Kiếm". Chàng trai treo ba lô vào một nhành cây, bỏ mũ áo, vớ cái khăn tính chuyện rửa ráy mặt mũi chân tay, nhân tiện rửa luôn cái xe đạp. Anh ta kéo từ ba lô ra cái đài bán dẫn Siêng-mao (Trung Quốc) bật lên nghe cho biết lượng giờ. Chàng trai lội ra suối trong tiếng nhạc vui nhộn và giọng ca nam rất khỏe vô tình vọng ra: "Ai bảo rừng xanh là quái ác...Gió núi mưa ngàn xiết bao gian khổ, xiết bao kinh hoàng...". Đầy hứng khởi, chàng trai vốc từng vốc nước vỗ lên mặt..."Rừng ơi, ta đã về đây...Vang lên cuộc đời sáng tươi trong tương lai"...
Mải vui, chàng trai đã không để ý tới tốp con gái đi từ triền đồi xuống. Khúc hát sôi động của Bài ca người thợ rừng quen thộc làm cho mấy cô đứng lại lắng nghe. Chàng trai nhấc bổng cái xe đạp, lội lên bờ, đặt bên gốc cây lộc vừng. Mấy cô gái nọ đi tới, vây quanh. Vài câu chào hỏi rứu rít. Ở vùng núi người ta mến khách. Trong những cái tên Điệp, Thủy, Tuyết, Quý và gương mặt của họ lần lượt qua trước mặt thì Điệp bắt mắt nhất. Mấy cô gái vận đồ xanh công nhân, đầu quàng qua cái khăn nhác nhác như nhau nhưng Điệp trắng hồng, măng tơ với đôi má lúm đồng tiền.
...Chàng kĩ sư lâm nghiệp vào công việc tại đội. Những lời trong bài hát hôm nào gần như khái quát hoạt động của anh: lên kế hoạch khai thác rừng theo chỉ tiêu phân bổ của cấp trên. Hơn hai năm sau, Kĩ sư Giáp trở thành đội trưởng đội Suối Cả. Người đội trưởng càng rắn rỏi, trưởng thành bao nhiêu thì...những cây gỗ re, gỗ rổi, xâng chun, phay sừng cổ thụ và không ít những cây chò chỉ cao vút, cây lát, cây đinh...cũng biến thành cây...lìa rừng. Duy cây lộc vừng trên lối đi vẫn trơ trơ.
Các cô Điệp, Thủy, Tuyết, Quý trở thành những người gần gũi với đội trưởng Giáp hơn anh chị em khác. Họ cũng mất thêm chừng ấy năm tháng cùng đội trưởng. Gặp các em, Giáp đùa: - Theo tiếng tây thì nói các cô "cũ đi", chứ không phải già đâu nhé ! Mấy cô gái ngày ngày lặp đi lặp lại cái việc khai thác rừng rồi trồng lại rừng, quá quen với việc phát, chém, đốt, gieo ươm đến cuốc hố trồng cây...mà cũ người đi thật. Cánh đàn ông không nhiều, những đám cưới cũng thưa thớt. Các cô vẫn ở vậy trong dãy nhà tập thể vách nứa mái cọ.
Chuyện đội trưởng Giáp "nhảy dù" nghe xì xào...rồi cũng loãng đi. Núi rừng đã che chở những cuộc gặp vụng trộm đâu đó của anh ta với em này, em nọ...Nhưng đội trưởng Giáp chẳng cần công khai tình ý với ai. Vô tình trong cuốn nhật kí anh để quên trên bàn, Điệp lén đọc một đoạn: " Ngày...Mình nhận việc ở một đội lâm nghiệp khá xa lâm trường bộ, bên một con suối lớn. Quyết định của trên phải chấp hành thôi...Nhưng muốn rút êm khỏi nơi này thì phải tỏ ra làm thật tốt công việc và không "dính" em nào cơ...". Sự lửng lơ của Giáp làm đám con gái rơi biết bao nhiêu lệ. Vả lại, chuyện "tự dưng" có em nào trong đội vác bụng không còn hiếm và người ta chẳng đánh giá quá thiên về đạo đức mà coi là "vấn đề sinh hoạt". Bất quá, cô thì bảo ngủ với anh thợ xẻ, người nhận "tằng tịu" với anh kiểm lâm xa vợ..."con công đoàn" ấy mà...
Mấy năm liền hoàn thành và hoàn thành kế hoạch, Giáp được trên "rút" hẳn từ đội ra tỉnh, vượt cấp lâm trường. Cầm tờ quyết định trên tay, lòng Giáp bộn bề suy nghĩ: mừng vì thế là trúng ý mình, lăn tăn vì dù sao "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn". Ai biết được có người khóc thành tiếng, có kẻ khóc thầm và cũng có người ghen ăn tức ở lại mừng...Trước hôm ra đi, khi đang lúi húi soạn sửa gọn gàng mấy thứ tư trang, đồ thô trong phòng, từ cửa sổ một mảnh giấy vo tròn bắn vào rơi xuống chân Giáp. Ngạc nhiên, nhặt và đọc thấy dòng chữ vội vàng, nét run rẩy" 9 giờ tối em đợi anh ở chỗ cây lộc vừng", Giáp sững người. Ngó ra sau nhà chẳng thấy ai, mảnh giấy như ma đưa đến.
Tối ấy, sau bữa liên hoan chia tay đến độ, đầu óc bung biêng, Giáp nghĩ đến lời hẹn chơi vơi kia. Lòng không muốn "dính" cái gì nữa, nhưng đôi chân như tự biết lối đi khi khúc nhạc báo giờ vang lên từ cái đài truyền thanh của đội và tiếng "tút, tút, tút" dứt dóng. Hơi men thấm bốc như thúc như lôi...Có người đứng nép bên gốc cây lộc vừng. Giáp chạm phải tấm thân mảnh mai run rẩy và nghe tiếng xụt xịt...Bóng đen kia ôm choàng lấy con người nồng nặc mùi rượu, bước ngả nghiêng nọ, giọng thổn thức" Em, Điệp đây !". Giáp khựng lại. Nhưng...như cục nam châm dí vào miếng thép, hai bóng đen gắn lấy nhau áp chặt vào cây lộc vừng...
...Suối Cả vẫn tuôn nước bốn mùa, dù khi trong khi đục. Cây lộc vừng đổ lá vàng lá đỏ, trút đi rồi lại trồi nụ. Hoa lộc vừng khi trổ từng chùm buông dài, khi rơi vợi biết bao nhiêu những nụ hoa nâu vàng, nâu đỏ rắc chạt lối đi...Cây thêm tuổi chẳng mấy ai nhận ra nó già thêm. Nhưng những con người bên suối Cả và anh đội trưởng Giáp thì nhiều thay đổi lắm. Giáp như hồi sinh ở môi trường mới: ăn trắng, mặc trơn, việc làm công sở, phòng ốc điều hòa nhiệt độ...Giáp trắng hồng và sang trọng hẳn. Cái vốn rừng từ năm tháng lăn lộn vất vả đem lộc: Những loaị gỗ gì, chỗ nào...nơi cánh rừng đại ngàn vùng suối Cả giúp cho Giáp hái ra tiền qua việc "xi nhan" cho cánh xin được giấy phép khai thác, vác cưa đến cửa rừng, tận thu đến cành ngọn...Vài năm sau thu nhập của Giáp gấp mấy mươi lần tích cóp lương bổng khi làm ở đội. Giáp cũng đã chọn được người con gái mình cần: gái măng tơ, kém đến cả chục tuổi. Đúng hơn, cỡ Giáp con gái họ chọn mới phải. Cũng có những đêm cánh rừng heo hút nơi suối Cả, những gương mặt chất phác, cử chỉ chân tình của Điệp, của Thủy, Tuyết...quay về. Cây lộc vừng to sụ hiện lên khi nghe ai đó nói đến các loài cây cảnh, Giáp lấy nó làm ví dụ mà so sánh gây thèm muốn cho khối người. Kỉ niệm buổi chia tay với Điệp bên cây lộc vừng mờ nhạt dần đi rồi rơi vào quên lãng...
...Điệp ôm cái sinh linh bé nhỏ từ trạm xá lâm trường Suối Cả về gian nhà tập thể trong một ngày mưa phùn, gió rét căm căm. Mấy cô bạn tháp tùng lầm lụi, vừa mừng vừa lo. Con nhỏ cứ lớn lên như những đứa con công đoàn khác. Đến một hôm cả đội hay tin đội trưởng Giáp báo hỉ " vì đường xá xa xôi không mời được anh chị em ra tỉnh dự đám cuới". Điệp khóc xưng húp cả mắt, phải nghỉ việc. Không hé một lời trong khi nhiều người mừng cho đội trưởng cũ, Điệp vờ chống chế " do bị đau mắt đỏ, hay viêm két mạc...". Rồi Điệp được giao chức đội trưởng. Cái chức vị nhỏ nhỏ ấy mà cũng khối người bàn lên tính xuống khi tay đội trưởng kế theo Giáp mắc quá nhiều khuyết điểm. Điệp thay, rừng được giữ chặt hơn, cây được trồng nhiều thêm, anh em trong đội khá lên. Cô con gái Điệp học hết cấp ba thi được vào trường trung cấp lâm nghiệp...Lối qua suối Cả chỗ cây lộc vừng được xây ngầm bê tông. Con đường gần cây lộc vừng được tôn đắp, rải cấp phối làm cây lộc vừng thêm đẹp ra, thêm kiêu hãnh...
Một hôm, Điệp nghe ông Quít cán bộ kiểm lâm từ thời Giáp mới đến vô tình tào lao kể chuyện về ông Giáp bây giờ, ông Giáp ở trên tỉnh. Ông Giáp nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn. Ông ấy vẫn có "dây" đánh gỗ qua trạm, vẫn tình nghĩa, quà cáp với cánh kiểm lâm...Có điều là qua cánh lái xe, lái gỗ nói, chứ nào thấy mặt ông ấy bao giờ. Thư tay thi thoảng có, ấy là khi việc nhớn...Ông Quít đưa cho Điệp xem một cái thư mới nhận, ý để dè mặt đội trưởng Điệp. Điệp tròn mắt ngắm nét chữ quen thộc và cái chữ kí chắc nịnh của Giáp: "...Anh Quít này! Cây lộc vừng chỗ suối Cả chừng vẫn còn chứ nhỉ ? Mình định: thằng con trai mình nó vừa làm cái nhà hàng...Dễ tớ phải kiếm cây lộc vừng đặt trước sân cho nó sang, nó hên...Hèn nỗi, anh biết đấy...giờ tớ bận quá, khéo không đích thân vào chỗ các cậu được. Thằng con tớ vào, các cậu dẫn cho nó xem. Cần "bốc" cây ấy lên trên này, chứ để ở xó rừng nó không xứng, nó phí...". Mắt Điệp hoa lên, tai như ù. Người đàn bà ngoài bốn chục tuổi tóc điểm bạc như muốn xụp xuống, mặt bỗng chốc nhăn nhúm già nua. Cái thư...Chị bỗng nhớ đến cái thư của cô con gái vừa gừi về cho mẹ:"...Mẹ ơi, cây lộc vừng ở suối Cả chỗ mình là tuyệt vời đấy mẹ ạ. Con được đến nhiều nơi, cả ở phố lớn...mà chẳng thấy như thế đâu mẹ nhá. Kì hè này được nghỉ, con sẽ cùng các bạn về chơi. Con được học cách chiết cây, ghép cây...Lộc vừng có thể chiết cành nhân giống ra, nhưng cái gốc, cái nơi nó mọc mới đáng quý vô cùng...".
...Lão Quít đưa thằng Mậu "con sếp Giáp" đến suối Cả. Lão ngồi sau nó, trên cái xe máy phân khối lớn đi băng băng. Đến cây lộc vừng, thằng Mậu hạ xe, mắt trố lên. Nó lôi máy ảnh loại có cái đầu thò ra thụt vào, bấm tới, bấm lui nhiều kiểu. Nó lôi lon bia xanh xanh giật nắp dúi vào tay lão Quít và bật cho mình, cụng lon...Vứt vỏ xuống gốc cây lộc vừng, thằng Mậu hềnh hệch chõ vào tai lão Quít " tuyệt, tuyệt quá...Ông Khốt yên tâm đi !". Cao hứng móc túi xấp bạc chìa về phía lão Quít. Lão kiểm lâm già dụt dè e ngại. Thằng Mậu nhăn nhở, bô bô: "Cụ Khốt ơi...Ông già cháu đã nói là làm...Cứ thế, cứ thế, nhá !...". Thằng Mậu quay lại trạm ông Quít với phương án cẩu cây lộc vừng trong đầu. Nó rút cái điện thoại di động nhỏ xíu bấm vội vàng...Nhưng nơi đây chưa liên lạc được. Thằng Mậu đành nhờ qua máy điện thoại của trạm. Lão Quít nhận ra ngay cái giọng nhẹ nhàng nhưng chắc gọn của đội trưởng Giáp khi thằng Mậu chuyển ống nghe cho lão. Lão thộn mặt nghe câu"đã đành lộc vừng không phải là lim là lát gì...nhưng...vẫn trăm sự nhờ anh đấy !". Lão nghe thằng Mậu nói với bố nó:"...Phải dùng xe tải, tốt nhất là loại kèm theo cẩu 5 tấn...". Thằng Mậu còn nhờ lão tổ chức cho một tốp thanh niên xóm chừng mươi người "lao động phổ thông, khoán gọn" giúp nó, để hôm nao nó trở lại cứ din kế hoạch.
...Tin có đám thanh niên đi cùng lão Quít đến suối Cả bốc cây lộc vừng lan nhanh khắp đội lâm nghiệp, đến cả lâm trường Suối Cả. Bỗng chốc người ta kéo nhau rầm rập đổ về bờ suối. Một bên là thằng Mậu, lão Quít với đám thanh niên tay cuốc tay xẻng, phừng phừng khí thế sau bữa cơm rượu ở trạm kiểm lâm kéo tới cây lộc vừng, đang chuẩn bị khai đào. Vây quanh là đám người tay không, bà Điệp, bà Thủy và nhiều trẻ con, người lớn. Thằng Mậu mặt đỏ gay, mắt trừng trừng. Bà Điệp quát to: " Thế này là thế nào, Ông Quít ? ". Lão Quít giang tay, thanh minh: "Thế này, thế này...Đây là con ông Giáp...Các ông các bà...". Bà Điệp khựng lại, nhìn xoáy vào mặt thằng thanh niên mặc áo ka rô đang ngoác miệng vặc lại bà :" Bố tôi bảo đấy ! ". Trời, bà Điệp lùi một bước. Trước mặt bà, thằng Mậu vểch cái mặt giống bố như đúc, hệt cái nét cáu kỉnh của đội trưởng Giáp. Nhưng ngày nọ cái cáu cái bực của ông ta là vì công vì việc, trông thì khó chịu mà lại dễ thương. Còn bây giờ...Bà Điệp lùi thêm vài bước về đám người đi theo. Thằng Mậu được thể lấn lên. Đám thanh niên thuê mướn sau nó và lão Quít cũng bước sát lại cây lộc vừng.
Ngay lúc ấy, từ phía sau bà Điệp, một cô gái chừng đôi mươi lách đám đông tiến lên đối mặt với thằng Mậu, chặn nó. Cô gái rít lên: " Chúng tôi không cho phép bất cứ ai đào cây lộc vừng này !". Mọi người xung quanh tròn mắt ngạc nhiên trước hai gương mặt đằng đằng sát khí như sắp xông vào nhau, nhưng có vẻ rất giống nhau. Giống cả cái nét tịm xậm vì tức giận...
Lão Quít vội ló ra, ấp úng: Tôi...tôi...xin nói thế này...Bà con nhá...Cái này là có ý kiến của ông ...ông Giáp, vừa là đội trưởng cũ ở đây, giờ là...Mà cây lộc vừng không thuộc loại gỗ tứ thiết, quốc cấm gì...Kiểm lâm không có nhiệm vụ canh giữ...". Cô gái quay lại lão Quít dứt giọng:" Không nhá ! Thưa ông Quít, cây lộc vừng này là của đội suối Cả. Kiểm lâm không giữ, chúng tôi giữ . Ông hãy nói với cái ông Giáp của ông như thế ! ". Cả đám đông lúc ấy nhao nhao: "Đúng, đúng như thế đấy ! ". Đám người rùng rùng chuyển động làm cho thằng Mậu và đám ăn theo lùi dần, cố bám sau lão Quít. Bà Điệp lúc đó mới nhận ra con mình. Bà cố chạy ra, níu áo, sướt mướt gào: "Ô, con Lan. Sao con lại ở đây ? Con về khi nào ? Con có biết...". Cô gái chưa nguôi cơn giận, nói to:
- Đã là cây lộc, tôi nói cho mọi người rõ nhé: Không, không bao giờ và không cho ai đánh cả gốc, nhá ! Còn anh kia !- Tay cô gái chỉ vào thằng Mậu- Nếu quả là anh có nhu cầu, hoặc bố anh cần...Tôi sẽ chiết cho anh một cành!
L.K
Người gửi / điện thoại