An Bình Minh
LÍNH CẢNH
Tổng cộng tôi gặp anh đúng bốn lần. Và cả bốn lần đều để lại cho tôi ấn tượng mạnh. Anh đẹp mã và đẹp cả… mác: khôi ngô, cao một mét bảy ba, trung úy, sĩ quan điều khiển tên lửa tốt nghiệp ở Liên Xô. Và nữa, anh là con của một vị tướng. Tất nhiên những dữ kiện thuộc về cái mác của anh, tôi chỉ được biết nhờ kín đáo hỏi dò các đồng đội của anh, lúc chúng tôi đã quen nhau sơ sơ ở lần gặp thứ nhất.
Lần gặp thứ nhất. Ấy là khi đoàn văn công chúng tôi đến biểu diễn cho đơn vị của anh, một tiểu đoàn tên lửa mới thành lập. Biểu diễn thì đâu cũng là biểu diễn, nhưng diễn cho không quân, tên lửa bao giờ cũng vui hơn và... oai hơn. Ngoài sự tiếp đón sang trọng, hình như khán giả ở đây cũng lịch sự, tinh tường hơn. Mối quan hệ của diễn viên và khán giả là mối quan hệ tương hỗ. Khán giả là nguồn cổ vũ cho chúng tôi diễn có hồn hơn, say sưa hơn. Cũng vì thế, ngay từ khi đặt chân đến đơn vị, chúng tôi ai nấy đều hứng khởi, cử chỉ đi đứng, ăn nói khác hẳn những ngày thường.
Nhá nhem tối hôm đó, lúc diễn viên đang hóa trang thì anh đến làm quen. Tôi ngồi ngoài cùng trên bãi cỏ phía sau sân khấu, đang bôi trát nhì nhằng lên mặt thì anh ta ngồi xuống bên cạnh, cầm hộp son mười hai màu lên ngắm nghía, giọng thân tình, pha một chút thán phục:
- Bun ga ri cơ à. Văn công sang quá nhỉ. Bun ga ri, xứ hoa hồng là nơi sản xuất mỹ phẩm nổi tiếng đấy - Rồi rất tự tin anh hỏi tên tôi và tự giới thiệu mình. Tên anh là Vũ Tiến. Phải công nhận Tiến thuộc hàng đẹp trai, ăn nói có duyên. Bộ quân phục màu áo bay Liên Xô mặc vừa khít (chắc chắn đã được sửa lại, chứ không thể là quân trang may theo số, phát đại trà).
Thú thật, lúc đầu tôi không mấy cảm tình với cái anh Tiến này. Thứ nhất, nơi hóa trang là nơi người lạ miễn vào; vậy mà anh dám tự nhiên cứ như người nhà. Thứ hai, tất cả quân nhân xem biểu diễn đang phải tập hợp phía trước sân khấu kia, sao anh chàng này lại không xếp hàng. Thứ ba - và điều này quan trong hơn cả - đó là, chúng tôi biết tỏng những anh chàng lân la đến làm quen với cánh văn công chẳng qua cũng là nhắm đến các em diễn viên xinh đẹp kia mà thôi. Với cái vị thế tự coi mình cái quyền là chủ sở hữu, chúng tôi - cánh nam diễn viên - như những con sư tử đực, có trách nhiệm canh chừng bầy đàn, tất nhiên chẳng ưa gì những anh chàng đại loại như thằng cha Vũ Tiến này.
Nhưng Tiến dường như không thèm để ý đến một cô nào. Ngay cả đến khi một vài cô, thấy trai lạ, đẹp mã xuất hiện tuy mặt làm ra vẻ tỉnh bơ, nhưng nén lòng không đậu, đã cố làm duyên, cười đùa đánh tiếng sôi động một cách khác thường (cái cách con chim mái chuyền cành, làm rung chùm lá để được con trống chú ý) thì Tiến cũng vẫn tỉnh bơ, chăm chú nói chuyện với tôi, không một chút phân tâm. Lúc đầu tôi cứ nghĩ Tiến giả vờ, nhưng sau này khi đã quen thân nhau, tôi mới biết mình nghi oan cho Tiến. Ngay cả khi đã là bạn chung của cả đoàn thì anh cũng tuyệt nhiên không để ý một em nào. Những lần gặp chúng tôi, anh đều có quà một cách công bằng. Cánh đàn ông có đồ uống, các em có sôcôla. Tất cả như nhau, không thiên vị một ai.
Thế rồi chúng tôi quen nhau lúc nào không hay. Cứ tưởng anh chỉ ngồi chơi đưa đẩy dăm ba câu chuyện, nhưng suốt cả buổi biểu diễn hôm đó anh cứ bám riết lấy tôi. Khi đến lượt tôi lên biểu diễn, anh ra đứng chếch bên cánh gà, xem chăm chú và vỗ tay tán thưởng rất nhiệt tình. Lúc tôi bước xuống sân khấu đã thấy anh đứng đón ngay ở bậc thang, dáng điệu chăm chút, ân tình có phần hơi thái quá. Lúc chia tay, Tiến hứa thứ bảy tới sẽ đến đoàn thăm tôi. Thứ bảy tức là đúng một tuần sau. Con một ông tướng, chuyện về phép tranh thủ chắc không khó, nhưng được ngày nghỉ, ông con trời còn bận du hý, em út, hơi đâu vào thăm mình. Nghĩ vậy, tôi mời rơi cho phải đạo. Rồi suốt cả tuần biểu diễn sau đó, nơi gần nhất cũng phải hơn nửa đêm mới về đến nhà, tôi mệt phờ và quên bẵng chuyện Tiến đến thăm.
Thế mà đúng hẹn, Tiến đến thật. Hôm đó cả đoàn được nghỉ tại doanh trại. Tiến mặc quân phục, quân hàm quân hiệu chỉnh tề, cưỡi một chiếc simson láng coóng, không thèm “qua cổng dắt xe xuất trình giấy tờ”, cứ thế vo vo phóng thẳng vào sân cờ. Khỏi phải nói về sự xuất hiện của Tiến, ngay từ phút đầu tiên, anh đã thể hiện sự vượt trội về đẳng cấp. Chúng tôi, lính văn công, ăn ngon mặc đẹp, phong cách hào hoa, song so với Tiến vẫn kém hẳn mấy bậc. Nhưng, hình như Tiến không cố tình tạo ra cái khoảng cách ấy. Không những thế, anh còn tỏ ra là người dễ gần, nhanh chóng phá tan mọi cách biệt. Với dáng dấp tự tin, không khách sáo, anh chủ động chào hỏi khắp đoàn. Lũ con gái đến lần giáp mặt này, với ra đa trực giác tinh nhậy đã biết rằng mình chỉ lọt vào mắt anh cũng như mọi người, nên đã không còn biểu hiện mặt lạnh, làm cao. Và cái cách anh chào hỏi diễn viên nữ không lai tạp âm hưởng tán tỉnh, đã khiến cánh con trai thật sự vững dạ. Duy chỉ có chính trị viên là không mấy yên tâm về sự có mặt của Tiến. Cũng phải thôi. Đối với lính văn công, rèn luyện tác phong quân đội, kỷ luật thâm nhập đơn vị là một việc phải được thường xuyên trau dồi. Thế mà hễ sểnh ra là lòi đuôi lính cậu, hoặc phát sinh chuyện nọ chuyện kia. Nay bỗng dưng lại xuất hiện một ông trời con, lãng tử, bơ đời, “vẽ đường cho hươu chạy” hỏi làm sao không sợ ảnh hưởng đến tác phong, tư tưởng của diễn viên.
Lo lắng vậy, nhưng biết Tiến là con của một vị tướng tên tuổi, nên chẳng ai dám biểu lộ trạng thái ghét bỏ, đành mặc cho Tiến tự do đi lại trong doanh trại. Nguyên một buổi sáng hôm ấy Tiến ở lại với chúng tôi, quen thêm được nhiều người. Chúng tôi tụ hội thành một nhóm, thưởng thức quà của Tiến, vang chát uống với sôcôla đắng, cái gu sành điệu mới này bon tôi chưa hề được thưởng thức. Đến chiều thì chúng tôi đã trở thành những người bạn có chung một tâm sự, cùng chia sẻ với nhau những chuyện tây tàu, trên trời dưới biển.
Hơn tám tháng sau, tôi mới gặp Tiến lần gặp thứ ba - một cuộc gặp gỡ bất ngờ. Buổi chiều hôm đó, xe văn công của chúng tôi được ưu tiên vượt qua dãy xe dài dằng dặc để qua phà Xuân Sơn. Gần đến dốc phà, chúng tôi phải dừng lại vì một chiếc xe TZM chở đạn tên lửa dài thượt, kềnh càng đang nhích dần xuống bến. Ngay từ xa, chúng tôi đã nhận ra Tiến đang mải mê xi nhan cho xe lên phà. Vẫn cái cách ăn mặc tây tây, khác người (và phải công nhận Tiến mặc cái gì cũng đẹp): chiếc mũ lưới chống muỗi thả quai dài nằm giữa lưng, khẩu súng ngắn không đeo ở hông mà lại quàng lên vai, bao da kẹp sát nách, trông hệt như một thám tử. Ngay cả cái cách xi nhan cũng điệu đà, lãng tử: hai tay giơ cao, tay trái làm chuẩn, tay phải nắm hờ, ngón cái chìa ra lia lia làm hiệu cho hướng, đầu hơi nghiêng nghiêng, gật gật (chẳng khác gì một nhạc trưởng với cây đũa chỉ huy đang lắng nghe âm thanh từ một cây đàn ở góc xa dàn nhạc). Cứ thế, Tiến thận trọng, say sưa làm hiệu cho xe nhích dần từng tý, từng tý một. Đúng lúc chiếc xe căn xong đường, rồ ga leo lên phà thì Tiến nhìn thấy chúng tôi. Vẫn cái động thái nhiệt tình, không giấu niềm vui sướng, anh giơ tay vẫy và hét lớn:
- Ê… văn công… Hoan hô văn công - Rồi anh bỏ chiếc xe đạn tên lửa cho nó qua sông trước, chạy ngược lên dốc gặp chúng tôi. Không thể tả được niềm vui của những người bạn gặp lại nhau trên đường ra chiến trận. Tiến tay bắt mặt mừng từng người. Dừng lại lâu hơn ở đám diễn viên nữ, với giọng chân thật pha đôi chút hoa mỹ, anh hoan hỷ, căn dặn:
- Sao! Kỳ này chắc là vào sâu hả. Cố gắng, chân cứng đá mềm nhé. Lính Hà Nội ta không sợ gì cả.
Rồi anh thông báo cho chúng tôi tin mật (vẫn như thế, anh vốn là người cởi mở, không giấu chúng tôi chuyện gì) đơn vị đi thí điểm ở Vĩnh Linh, mới quất được chiếc B52, nhưng nó rơi xa quá, mãi tít bên Lào. Kỳ này tiểu đoàn của anh sẽ vào sâu hơn để có thể chủ động đón lõng thằng pháo đài bay ở cả hai hướng, từ Utapao và Guam. Phải tìm ra công thức đánh B52, chứ không thể chỉ đánh bằng lòng quyết tâm và ăn may được. Tiến cho biết, anh đã xa Hà Nội từ tháng ba, nghĩa là trước chúng tôi tới chín tháng, nên mù tịt. Anh hỏi thăm Hà Nội có gì mới “lúc tớ đi, người ta đang xây hầm trú ẩn ở quanh Hồ Gươm. Không tưởng tượng nổi, nơi ấy lại phải bị đào nát như vậy. Thăng Long phi chiến địa, vậy mà nay phải sẵn sàng vào trận”. Rồi, “Hà Nội dáng kiều thơm dạo này thế nào. Nhớ cái dáng các em Hà Nội mặc áo màu cỏ úa không tả nổi. Nó mới đẹp làm sao: vừa bụi bụi, vừa bướng bỉnh, vừa kiêu sa, lại vừa nhí nhảnh…”. Cứ thế, chúng tôi tranh nhau trò chuyện, tranh nhau trả lời, tiếng nói, tiếng cười váng cả khúc sông Son trong veo. Phà cập bến, Tiến bỏ chúng tôi lại phía sau, chạy leo lên xe chở đạn để đuổi theo đội hình hành quân. Từ bậc cabin chiếc TZM, anh nhoài người, nghển về phía chúng tôi vẫy vẫy. Cái dáng điệu lãng tử của Tiến cùng chiếc xe chở đạn tên lửa kềnh càng, đã tạo nên một khuôn ảnh cực kỳ lãng mạn và oai phong. Nó làm cho chính chúng tôi cũng phải thèm muốn.
Lần gặp thứ tư chỉ cách đó ba tháng. Đó là hôm chúng tôi biểu diễn cho cụm tiền phương của một binh trạm trên đường Hồ Chí Minh. Khán giả gồm đủ các thành phần, bộ binh, pháo mặt đất, pháo cao xạ, tăng thiết giáp trên đường ra trận. Khi buổi biểu diễn kết thúc, một người lính trẻ tìm gặp tôi đưa mẩu giấy. Hóa ra là thư của Tiến. Anh cho biết, đơn vị của anh nằm cách đây không xa. Vì anh đang trực chiến căng thẳng nên không ra thăm được. Tiến mời chúng tôi đến đơn vị của anh, cứ theo dấu xe xích trên con đường nhánh bên phải sân tập kết chừng hơn một cây số là tới. Cuối thư là dòng chữ bay bướm: “Không chấp nhận mọi lý do từ chối. Hân hạnh”. Sáng hôm sau, bốn người chúng tôi theo chỉ dẫn trong thư, đến ngay “cửa” tiểu đoàn. Chắc là đã được dặn trước, cậu lính gác lưỡng lự một chút rồi chạy ra giữa đường, hướng vào phía trong vẫy vẫy. Chính chúng tôi cũng lưỡng lự vì dù là lính với nhau, nhưng một đơn vị tên lửa đang trực chiến thì khó có chuyện lai vãng, thăm hỏi. Nhưng biết cái biệt lệ dành cho Tiến, nên chúng tôi cũng vững lòng. Chưa đầy hai phút sau, Tiến chạy ra đón. Gặp nhau, Tiến hồ hởi:
- Đây rồi. Hay quá. Nhưng phải nhanh nhanh. Tớ đang trực chiến.
Tất cả chúng tôi cùng chạy. Chừng hơn một trăm mét, đã thấy trong rừng cây lô nhô cột cánh sóng, ăngten, xe điều khiển. Tiến dẫn chúng tôi đến một khoảng đất trống rộng bằng nửa sới vật. Tại đây đã bày sẵn một bộ ấm tách chè cùng một chồng sách. Tiến giải thích:
- Cả đơn vị về cấp 1 suốt hai tuần nay - Vừa nói, Tiến vừa xếp dọn ấm chén - Thì cũng ngồi đây trực chiến thôi, nhưng không được rời khỏi đơn vị.
Chúng tôi ngồi túm tụm bên nhau. Lại vẫn những cử chỉ phong lưu, ân cần, vẫn với ngón tay thon nhỏ như tay con gái, Tiến khéo léo rót trà vào sáu cái chén da lươn nhỏ xíu. Hít hà, tận hưởng mùi trà thơm nồng, Tiến chép miệng, xuýt xoa ra bộ thèm thuồng, nói:
- Ngồi đây. X…u…ỵ…t… Ta làm chén trà để nhớ Hà Nội cái chơi.
Chúng tôi hưởng ứng, thích thú ra mặt. Giữa rừng núi mịt mùng xa xôi, kiếm đâu ra phút thư giãn nhàn nhã, lịch sự thế này. Lại còn Đại Tiền Môn, trà Thái, ấm da lươn… Như đoán được ý nghĩ của chúng tôi, Tiến vừa trân trọng đưa chén trà cho từng người, vừa thì thầm:
- Những thứ này, là bà già tớ thủ sẵn, lén đưa cho tớ.
Chúng tôi đang xuỵt xoạt thưởng thức từng ngụm trà nhỏ, thì Tiến hướng về phía cửa xe chỉ huy, tươi cười, gọi lớn:
- Mời chính trị viên đến uống với anh em chúng tôi chén trà. Liền ngay đó, anh hạ giọng, nói nhỏ - Bố ấy không uống đâu. Không những không uống mà còn gai mắt với cảnh tụi mình ngồi trà lá thế này lắm. Đúng ra thì các bố ấy cũng rất bực khi thấy văn công đến đây - Tiến chẳng nói thì chúng tôi cũng hiểu. Việc chúng tôi xuất hiện ở đây có khác gì chuyện anh đến thăm đoàn dạo nào.
- Khổ lắm, các bố sợ chúng ta làm hư nhau - Nói rồi Tiến khoái chí, che miệng cười khùng khục.
Đến lần gặp này, chúng tôi đã thực sự là những người thân của nhau. Tiến là người có nhiều tâm sự, bơ đời nhưng chân thật. Anh nói với chúng tôi đủ mọi chuyện. Chuyện những năm tháng học tập, thực hành ở Liên Xô vừa sướng, vừa khổ như thế nào. Chuyện về những cái “cua tay áo”, không đủ góc chín mươi cho xe kéo đạn qua, bộ đội phải tháo rời dàn đạn, dùng đầu tời, kết hợp với “hò kéo pháo” vần nhích từng xăngtimét để đưa quả đạn qua khúc cua. Chuyện về những lần bị tên lửa địch bám sóng, phải đấu tranh tư tưởng, giành giật từng một phần mười giây với máy bay giặc Mỹ để giữ mục tiêu cho lệnh bắn. Chuyện về sự vận dụng những điều đã học được ở Liên Xô với chiến trường Việt Nam… Hóa ra Tiến là người rất say mê nghề điều khiển tên lửa, hệt như chúng tôi say sưa với các tiết mục biểu diễn vậy. Càng gần Tiến, càng thấy ở anh nhiều bất ngờ. Bên trong cái lốt lãng tử, bơ đời, Tiến là người có nhiều tâm sự và giầu cảm xúc. Để bộc bạch những diễn biến tình cảm của mình về những trận chiến, thỉnh thoảng anh lại mở cuốn sổ nhật ký, tìm đến những đoạn gắn với chủ đề câu chuyện và đọc cho chúng tôi vài đoạn. Cuốn nhật ký bìa nilông màu đỏ, có hình nổi ngọn đuốc côngsômôn cũng rất khác người - nó được viết toàn bằng chữ Nga.
- Đây này!. Hồi mình học, thày chỉ dạy rằng nhiễu hiện lên trên màn hình lấm chấm như hạt tấm. Khi mục tiêu chính càng bay vào gần đài điều khiển thì tín hiệu phản xạ càng tăng. Lúc này, trắc thủ sẽ có nhiệm vụ phân biệt, tách giữa nhiễu và mục tiêu để giải - quyết - điểm - bắn - trúng”.
Ngưng đọc, Tiến chuyển sang phân tích:
- Nhưng với B52 thì khác hẳn. Một thằng B52, thân 47, cánh 56 mét. Mỗi lần đi ném bom, có hàng chục thằng cường kích bu quanh hộ tống và phát nhiễu. Nhiễu điện tử của nó dày đặc như mành trúc, phủ kín làm biến dạng hoặc che lấp mục tiêu B52. Vì vậy khi nó vào đến cự ly thích hợp, các trắc thủ tay quay sẽ phải khéo léo điều chỉnh màn hiện sóng ở độ nét nhất. Rồi, với đôi mắt tinh tường “vạch nhiễu” xác định tín hiệu B52. Rồi, cũng vẫn phải với đôi tay khéo léo, mềm mại như tay con gái và rắn chắc như bàn tay gấu, đưa đường tin vào mục tiêu. Rồi… bắn - Tiến chìa ngón cái làm động tác nhấn nút.
Cuối cùng, Tiến gấp cuốn sổ, hai tay ấp ấp, trang trọng và thích thú, nói giọng đầy ưu tư:
- Các cậu có biết không? Các bố ở đây căm tớ viết nhật ký bằng tiếng Nga lắm. Theo các bố thì nhất định tư tưởng, nhận thức của tớ có vấn đề. Phải có cái gì đó bí hiểm nên mới phải giấu chứ. Những thứ giấu Đảng là những thứ không minh bạch. Nhưng còn một lý do nữa… đó là những điều được ghi trong này nằm ngoài sự kiểm soát của các bố ấy. Có xem trộm cũng đếch đọc được - Tiến cười khoái trá.
Cứ thế, chúng tôi được ngồi với nhau trà đạo, hàn huyên suốt buổi sáng. Cũng có đôi lúc câu chuyện bị gián đoạn vì báo động, Tiến phải vào trực trong xe điều khiển. Và kể cũng lạ, cái cách chạy vào vị trí chiến đấu của anh cũng có vẻ gì đó rất hoa lá, không có cái dáng quá gấp gáp, căng thẳng như thường thấy ở những người khác; Tiến chạy người hơi nghiêng nghiêng, bước chân khoan thai, nhẹ nhàng, giống như chúng tôi chạy đến sân khấu khi đến lượt biểu diễn. Không làm ra vẻ quan trọng hóa, nhưng cũng có dáng dấp của sự tự hào trước một nhiệm vụ đặc biệt.
Suốt cả hơn bốn tháng sau đó, chúng tôi rong ruổi biểu diễn khắp ngõ ngách đường Trường Sơn. Lúc ở Ta Lê, lúc lại ở Lum Bum, Ka Tốc, rồi sang Sê Bang Hiêng, Bản Pan… công việc bận rộn, vất vả, đôi lúc thư thái, hưởng chút của ngon vật lạ của rừng, lại cùng nhắc đến Tiến. Không hiểu vì sao những giai thoại về Tiến cũng đến được tai chính trị viên của đoàn văn công. Có đôi lần, ông đã công khai bày tỏ quan điểm về cuốn sổ nhật ký viết bằng tiếng Nga của anh. Ông bảo: Hay gì cái trò giấu giếm tổ chức tâm tư tình cảm của mình như thế. Cũng phải có vấn đề gì thì mới phải giấu đi như vậy chứ. Tư tưởng vững vàng thì có gì đâu mà không công khai được. Rồi nhân thể, ông dặn dò, dạy khéo chúng tôi:
- Tiến là một cậu ấm cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Chuyện vào bộ đội với anh ta giống như một cuộc rong chơi, chỉ là làm lính cảnh trong một thời gian ngắn mà thôi. Các cậu khác (ý ông nói là thân phận của chúng tôi). Các cậu đừng đua với anh ta làm gì.
Nhưng chúng tôi lại nghĩ khác, tất nhiên là chẳng dại gì “công khai nhận thức tư tưởng” với chính trị viên. Thực lòng mà nói, chúng tôi và Tiến thân thiết nhau không biết vì cái gì. Vì cùng có sở thích giống nhau chăng. Có thể. Nhưng sở thích gì thì cũng khó mà phân định rạch ròi cho được. Chẳng hạn chúng tôi cùng là những thằng lính Hà Nội, cùng xếp bút nghiên mà sánh cuộc côn quyền, lên đường đi chiến đấu và thường hay thi vị hóa cuộc ra đi của mình. Hay, chúng tôi cùng có cái “đuôi tiểu tư sản” (là chính trị viên có lần nhận xét lính Hà Nội như thế), để rồi cùng thèm khát một cách thái quá hương vị Hà Thành, vừa nhâm nhi một ly cà phê nâu của Chiến hói Đại Cổ Việt vừa nghe giao hưởng số 40 của Mozart... và cùng nhớ vẩn vơ tiếng guốc của ai đó lách cách trong hành lang lớp học. Hay cũng có thể chúng tôi cùng mê văn học Nga. Tôi thì nhờ được học trên ghế nhà trường mà biết có những “áng văn mạnh bằng cả trung đoàn Hồng quân ngoài mặt trận”. Tiến thì được học hành và trở về từ chính cái mảnh đất sản sinh ra nền văn học ấy… Còn cái chuyện Tiến là cậu ấm thì đúng quá. Nhưng chúng tôi không “đua” với cậu ấm. Ông tướng - bố của Tiến - không là cái lẽ thấy người sang bắt quàng làm họ, để chúng tôi quen nhau. Và ông cũng không hề là khoảng cách ngăn cản chúng tôi thân nhau. Chính chiến tranh đã ráp chúng tôi lại với nhau đấy chứ.
Công bằng mà nói, không mấy khi Tiến nói về bố mình. Chúng tôi chỉ được biết đôi nét về ông qua vài mẩu chuyện chắp nối khi anh cao hứng, liều lĩnh “kể xấu” bố mình. Đại loại ông là người nghiêm khắc một cách kỳ quặc. Rằng, trong khi ông rất chiều “bà già”, một phụ nữ ốm yếu quặt quẹo, thì lại rất nghiêm khắc với anh, nghiêm khắc tới mức vô lý. Suýt nữa anh không được phong trung úy, mặc dù anh tốt nghiệp loại giỏi vì ông “cú” anh bởi tính ham chơi. Rằng, trước lúc lên đường, ông bắt kéo tóc xuống xem có chờm vào mắt không, ông bảo ở Liên Xô lính phải cạo trọc đầu, còn sĩ quan như anh chỉ được để tóc ba phân. Rằng, ông vẫn gửi tạp chí Học tập cho anh, (nhưng mà anh đâu có đọc); các sếp nịnh anh (hoặc là nịnh ông già anh) nên hàng tháng vẫn đến mượn đọc. Rằng, hình như ông có ra lệnh ngầm, cấm đơn vị giải quyết phép tranh thủ cho anh (hèn chi đã chín tháng nay anh không biết gì về Hà Nội)…
Năm ấy, mùa mưa ở Trường Sơn đến sớm. Đoàn văn công được xé lẻ thành những mũi xung kích dăm ba người, lội ì ọp đến các kho hàng, hang giao liên để biểu diễn và thâm nhập thực tế. Số lượng diễn viên và khán giả thường là ngang bằng nhau nên diễn là phụ, mà dạy hát, hỏi thăm chuyện chiến đấu, chuyện quê hương và viết lưu niệm là chính. Có vẻ như với mùa mưa này, chúng tôi đã biểu diễn khắp lượt ở đường Trường Sơn, vì thế khi trời vừa hoe hoe nắng, từng đám mây trắng lớn bay lảng bảng ra phía biển, chúng tôi được lệnh về nơi tập kết để “đằng sau quay”, hành quân ra Bắc. Con đường đi vào, văn công đồng hành cùng những đoàn quân, rầm rầm rộ rộ ra chiến trường. Chúng tôi thường ưu tiên vượt lên trước, và đi đến đâu cũng được những tiếng reo hò, đón rước. Nhưng con đường đi ra thì độc diễn, vắng vẻ, không hề có ai cùng hướng để chúng tôi được sử dụng quyền ưu tiên. Ngược với chúng tôi vẫn là những đoàn quân, nhưng chẳng hề có tiếng reo vui, pha trò. Chúng tôi như bị coi là người ngoài cuộc, lẻ loi, lặng lẽ về hậu phương. Đã không hiếm lần cánh văn công bắt gặp những ánh mắt vừa ghen tỵ, vừa mỉa mai.., các anh, các chị về Hà Nội hưởng những giờ phút thanh bình, yên ả. Còn chúng tôi đây, chúng tôi đang trên đường ra trận, đến với bom đạn và chết chóc…
Nhưng rồi ra đến cây số không thì văn công cũng gặp được bạn đồng hành. Một tiểu đoàn tên lửa kềnh càng, ngụy trang kín mít nằm ép dưới tán lá, đang chờ đêm xuống để vượt qua làng Choóc. Và chẳng ai xa lạ, chính là đơn vị của Vũ Tiến vừa hành quân từ Khe Sanh ra. Vậy là chúng tôi lại được gặp nhau. Gặp nhau vào chiến trường, gặp nhau trong chiến trường và bây giờ là gặp nhau trên đường về hậu phương. Mỗi cuộc gặp nhau có một thú vị riêng, người ta không thể có hai lần một cảm xúc. Khỏi phải nói niềm khấp khởi; chúng tôi, nhóm người vốn thân thiết với Tiến nhất, ào lên, chạy đến các xe để tìm anh.
- Tiến ơi. Có Tiến đây không?
- Vũ Tiến ơi… Tiến!
Chúng tôi chạy dọc đội hình hành quân, chắc mẩm sẽ gặp Tiến ở đâu đó. Cái động thái hoan hỷ, tay bắt mặt mừng đã có sẵn trong mỗi người, chỉ chờ dịp gặp Tiến là bùng lên, vỡ òa vui sướng. Gần cuối đội hình hành quân, chúng tôi tìm thấy cụm xe khí tài trung tâm của Tiến và bất ngờ gặp chính trị viên tiểu đoàn từ góc khuất đi ra. Ông đón nhóm văn công với bộ mặt nghiêm khắc như dành sẵn một lời phê bình:
- Các đồng chí văn công đấy à? - Ông nghiêm nghị và liền ngay đó lúng túng - À… à… Không… À… Các đồng chí ạ, Tiến… đồng chí Vũ Tiến hy sinh mất rồi.
Tốp lính văn công xộc xệch như người mất hồn, đứng nghe chính trị viên kể vắn tắt, giọng xúc động: Sự việc mới chỉ vừa xảy ra cách nay đúng một tháng. Hôm đó đơn vị bắt được hai chiếc B52 bay từ Guam sang. Nhiễu dày đặc. Tiến cùng nhóm trắc thủ đã tách được sóng nhiễu và phát lệnh bắn. Khi tên lửa ta cách mục tiêu năm kilômét thì Tiến phát hiện có tên lửa không đối đất của địch đang lao về phía trận địa. Như mọi lần, Tiến định cho tên lửa ta nổ tiêu diệt mục tiêu, rồi sẽ chuyển sang thao tác gạt tên lửa của địch. Nhưng lần này không kịp. Tiến và kíp trắc thủ đã hy sinh.
Không thể tả nổi tâm trạng chúng tôi khi ấy. Thừa chân, thừa tay và tai lùng bùng, không nghe nổi chính trị viên với giọng thương cảm đã nói tiếp những gì. Hình như ông bảo Tiến đã hy sinh anh dũng. Mất một sĩ quan điều khiển giỏi như Tiến là một thiệt thòi lớn cho đơn vị sắp bước vào trận chiến đấu cực kỳ quan trọng sắp tới… (Sau này tôi mới biết tiểu đoàn của Tiến đang tức tốc ngược ra Bắc theo một mật lệnh, tập trung toàn hỏa lực tiêu diệt B52 đánh vào Hà Nội).
Mặc cho chính trị viên nói, chúng tôi bận theo đuổi những dòng suy nghĩ của riêng mình. Trong những lần ra chiến trường, đã không hiếm khi chứng kiến những hy sinh mất mát, nhưng với những lần ấy có vẻ như đó là một sự hy sinh tất yếu, hy sinh… đúng với tình huống. Không như lần này, một cảm giác mất mát thật vô lý. Tôi đã mất một người bạn tâm giao. Một người bạn mà chẳng hiểu sao tôi luôn nghĩ, Tiến - với phong cách lãng tử, vui vẻ, hơi khinh đời sẽ không hợp với cái chết, sẽ chẳng bao giờ phải chết…
Nhưng không. Tiến vẫn đã chết. Chết thật.
Ra thế. Ai cũng tưởng chuyện vào bộ đội với Tiến chỉ là một cuộc rong chơi nho nhỏ. Tiến là lính cảnh và cuộc đời binh nghiệp của anh chắc sẽ chỉ diễn ra trong chốc lát. Nhưng không. Vũ Tiến đã mãi mãi ở lại trong quân ngũ. Mãi mãi là người lính. Một người lính thực thụ…
Chiều ập xuống thật nhanh. Cái cây lá đỏ mồ côi nổi bật giữa triền núi chon von khi nãy, giờ đây đã bị phủ bởi giải mây trắng giống hệt chiếc khăn tang, bảng lảng giữa rừng Trường Sơn tím ngắt.
Hà Nội, tháng 10.
Một ngàn năm Thăng Long
A.B.M