Trịnh Công Lộc
LẠI VỀ VỚI CỎ
Bệnh có thể qua đi
Nhưng làm sao qua mệnh
Mệnh có hỏi câu gì
Cũng sẽ về với cỏ
Ở đâu cơ vẫn thế
Thân cũng mảnh mai thôi
Trong vòng tay bè bạn
Cỏ xanh lên ngời ngời
Lơ lửng giữa đỉnh trời
Có mặt trời lửa đỏ
Mặt đất – mặt trời cỏ
Xanh như màu biển khơi
Suốt đời không biết mệt
Lắm khi cũng rối bời
Bàn tay cỏ bám đất
Thêm lộc biếc sinh sôi
Mong những đêm trong mát
Nhường lại chốn bình yên
Hẹn trăng cùng trắc ẩn
Cạn chén cạn sương đêm
Mặt trời xanh của đất
Mặt trời đỏ của trời
Hai mặt trời chói rọi
Nên huyền diệu con người
Còn mình khi mệnh đến
Lại về với cỏ thôi
Tựa lưng mền đất cỏ
Mơ tít tắp lên trời
Đêm quê nhà 18.8.2022
Lời bình của Đặng Huy Giang:
Bài thơ có kết cấu chặt. Bốn câu mở đầu và bốn câu kết rất lôgic về hình thức và nội dung, có liên quan chặt chẽ và hữu cơ với nhau, tựa như không có cái này thì không có cái kia. Và ngược lại. Tứ của bài thơ này được manh nha và hình thành rất rõ ngay từ bốn câu đầu:
Bệnh có thể qua đi
Nhưng làm sao qua mệnh
Mệnh có hỏi câu gì
Cũng sẽ về với cỏ…
Và vấn đề được nêu ra cũng bắt đầu từ đây.
Theo cách nói của dân gian thì bốn câu này có thể diễn xuôi: Ở một con người, có thể chữa được bệnh, không chữa được mệnh và nếu mệnh bắt phải thế, thì trước sau “cũng sẽ về với cỏ”.
Và cỏ cùng với biểu tượng cỏ là một phần phần quan trọng của tứ thơ. Chúng vừa có giá trị dẫn dắt, đưa đẩy, thực chứng, vừa có giá trị diễn giải để quy nạp, quy nạp nhờ diễn giải, tựa như không có hai thao tác này, nhờ vào hai thao tác này thì tứ thơ không bật ra và mạch thơ khó mà hanh thông cho được.
Theo tác giả, cỏ “thân tuy mảnh mai thôi” nhưng nhờ “tay vòng tay bè bạn” mà “xanh lên ngời ngời” và nhờ cỏ có “bàn tay bám đất” mà “thêm lộc biếc sinh sôi”. Khi “lơ lửng giữa đỉnh trời” “có mặt trời lửa đỏ” thì còn dưới “mặt đất” có “mặt trời cỏ” vẫn “xanh như màu biển khơi”. “Mặt đất – mặt trời cỏ” là một phát hiện, là một bất ngờ, làm nên một giá trị biểu tượng mang tính sáng tạo rất riêng và sở hữu thuộc về người viết. Nên nhớ trong thơ, sự phát hiện luôn được coi trọng nếu không muốn nói là được coi trọng bậc nhất.
Rồi sự ghìm nén đã được giải thoát, giống như người đang mang một vật nặng trên người được trút gánh vậy. Bốn câu thơ mang chức năng trút gánh thuộc về:
Mặt trời xanh của đất
Mặt trời đỏ của trời
Hai mặt trời chiếu rọi
Nên huyền diệu con người
Bốn câu thơ này cũng là điểm nhấn quan trọng của tứ thơ. Chúng là những khoảnh khắc bừng rộ của người viết. Bốn câu thơ này rất đáng được đánh dấu khuyên vào đó.
Đó cũng là kết quả kéo theo, mang vai trò dẫn dắt của những câu: “Cỏ lên xanh ngời ngời”, “Xanh như màu biển khơi”, “Thêm lộc biếc sinh sôi” trong các khổ thơ trước, được hình thành trước đó. Những câu thơ này cùng với bốn câu thơ kể trên, là tín hiệu lạc quan làm nên hồn vía của tứ thơ và bản lĩnh lẫn khí chất của người viết.
Riêng khổ kết: “Còn mình khi mệnh đến/ Lại về với cỏ thôi/ Tựa lưng mền đất cỏ/ Mơ tít tắp lên trời” như để lấy lại sự cân bằng của tâm trạng đã được đặt ra từ khổ thơ đầu: “Bệnh có thể qua đi/ Nhưng làm sao qua mệnh/ Mệnh có hỏi câu gì/ Cũng sẽ về với cỏ”. Dường như tác giả đã ngộ ra cái tất yếu. Và nhận thức được cái tất yếu tức là tự do và tìm được đường về tự do.
Trong làng thơ Việt Nam có một số bài thơ chỉ hay ở cách nói. Nhưng “Lại về với cỏ” hay ở cách nghĩ, cách tư duy. Chính cách nghĩ, cách tư duy đã tạo nên sự khác biệt.
Nhà thơ Trịnh Công Lộc nổi tiếng từ “Mộ gió” và làm nên “hội chứng mộ gió” trong thơ. Không chỉ có “Mộ gió”, Trịnh Công Lộc còn nhiều bài thơ ấn tượng khác như “Đỉnh núi”, “Thác gọi”… và một vệt thơ viết về đề tài biển. Thơ ông gan ruột và máu thịt đến từng chi tiết. Tình thơ của ông chân tình, thắm thiết, không phải nhà thơ nào cũng có được.
Đến “Lại về với cỏ”, Trịnh Công Lộc như trở về mình và trả lại ý nghĩa hoàn nguyên cho những gì vốn có, như là quy luật của muôn đời, thông qua biểu tượng cỏ. Và người “Mơ tít tắp lên trời”, hẳn phải là một người bước qua được hiện thực và cao hơn hiện thực!
Đ.H.G